Bài 7: Ăn đong nhờ trái phiếu, Apax Holdings của Shark Thủy đã tính chuyện đầu tư BĐS

Nhờ liên tiếp phát hành trái phiếu thành công, Apax Holdings của Shark Thủy đã tạm thoát lỗ trong Quý II/2021. Bất chấp tài chính bấp bênh, doanh nghiệp này đã hé lộ kế hoạch lấn sân sang mảng BĐS.

Đòn bẩy trái phiếu

Vào ngày 3/6, Công ty cổ phần Đầu tư Apax Holdings (mã IBC) của Chủ tịch HĐQT Nguyễn Ngọc Thủy (Shark Thủy) vừa chốt danh sách cổ đông tham dự Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021 dự kiến diễn ra vào ngày 30/6 tới đây theo hình thức trực tuyến và bỏ phiếu điện tử thông qua Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD).

Apax Holdings sở hữu thương hiệu Apax English với hàng chục trung tâm giáo dục trên khắp cả nước.

Tại Đại hội, Apax Holdings dự kiến sẽ trình cổ đông thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2021 với mục tiêu doanh thu 2.900 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 70 tỷ đồng. Con số này thấp hơn 6,4% so với kết quả đạt được năm 2020 trước đó.

Kết thúc quý I/2021, Apax Holdings ghi nhận doanh thu đạt gần 467 tỷ đồng, tăng 93% so với cùng kỳ năm ngoái. Sau khi trừ chi phí, công ty thu về vỏn vẹn 2,4 tỷ đồng lãi ròng nhưng vẫn khả quan hơn số lỗ hơn 170 tỷ đồng trong quý I/2020.

Theo giải trình từ phía doanh nghiệp, khác với cùng kỳ năm trước, quý I năm nay các trung tâm và trường học đã mở cửa hoạt động bình thường trong tháng 1, tháng 3, còn tháng 2 hoạt động theo chương trình online, do tình hình dịch bệnh bớt căng thẳng.

Mặc dù có lãi nhưng dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của Apax Holdings vẫn tiếp tục âm 45 tỷ đồng. Dòng tiền đầu tư là hơn 1 tỷ đồng tới từ hoạt động thanh lý, nhượng bán tài sản cố định, trong khi cùng kỳ âm 88 tỷ đồng do mua sắm, xây dựng tài sản cố định.

Để bù đắp dòng tiền thâm hụt từ hoạt động kinh doanh, Apax Holdings tiếp tục gia tăng lượng tiền đi vay. Dòng tiền tài chính cuối quý I/2021 đạt 256 tỷ đồng, cao hơn gần 150 tỷ đồng cùng kỳ do chênh lệch từ tiền vay (524 tỷ đồng) và trả nợ (268 tỷ đồng). Thời điểm 31/3, nợ vay tài chính của công ty đã tăng gần 32% so với đầu năm lên mức 1.427 tỷ đồng, chủ yếu là vay trái phiếu.

Thông tin tìm hiểu cho thấy, Apax Holdings tiền thân là CTCP Đầu tư VN Benchmark (IBCI), một công ty đầu tư tài chính thành lập vào tháng 3/2012 với vốn điều lệ 3 tỷ đồng và liên tục được bơm thêm tiền bởi các cá nhân trong những năm tiếp theo.

Doanh nghiệp này lên sàn UpCOM từ tháng 5/2016 và tăng vốn từ 63 tỷ đồng lên 313 tỷ đồng sau đó đổi tên hành Apax Holdings khi Egroup của ông Nguyễn Ngọc Thủy mua hơn 30% cổ phần.

Trong “hệ sinh thái” của Egroup, Apax Holdings đóng vai trò quan trọng trong việc huy động vốn cho các công ty thành viên. Năm 2018, doanh nghiệp này tiếp tục phát hành thành công 207 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi cho nhóm quỹ đầu tư Valuesystem đến từ Hàn Quốc. Số tiền thu về chủ yếu được dùng để mua cổ phần tại Anh ngữ Apax (Apax English).

Đến tháng 10/2019, nhóm quỹ Valuesystem chấp nhận mất dòng thu nhập lãi suất khi chuyển đổi 103 tỷ đồng trái phiếu thành 5,1 triệu cổ phiếu (với bên nhận ủy thác thực hiện là Shinhan Bank). Tuy nhiên sau đó chưa đầy 1 năm, nhóm quỹ Hàn Quốc đã thoái hết vốn cho Shark Thủy vào tháng 5/2020.

Động thái tháo chạy của khối ngoại diễn ra trong bối cảnh kết quả kinh doanh của Apax Holdings tụt dốc không phanh trong quý đầu năm 2020 với khoản lỗ kỷ lục lên đến hơn 170 tỷ đồng.

Năm 2020 vừa qua, Apax Holding cũng thất bại trong việc huy động vốn từ phương án chào bán riêng lẻ Công ty Cổ phần Tập đoàn Giáo dục Egroup - công ty mẹ đang sở hữu 66,66%. Bên cạnh đó, việc phát hành cho cổ đông hiện hữu cũng khó thực hiện thành công bởi các kế hoạch sử dụng vốn của công ty chưa đủ thuyết phục.

Thay vào đó, Apax English, thành viên của Apax Holdings, mới đây đã phát hành 2 triệu trái phiếu có tài sản đảm bảo (tương đương 200 tỷ đồng) theo hình thức riêng lẻ. Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, có mệnh giá 100.000 đồng/trái phiếu và được đảm bảo bằng tài sản. Kỳ hạn trái phiếu là 24 tháng kể từ ngày phát hành, lãi suất cố định 12%/năm với kỳ tính lãi là 03 tháng/lần.

Apax English cho biết, việc phát hành trái phiếu để bổ sung nguồn vốn nằm trong chiến lược kinh doanh của năm 2021 và các năm tiếp theo. Đặc biệt, Apax English cũng ưu tiên sử dụng một phần không nhỏ ngân sách để đảm bảo khả năng duy trì chi trả đẩy đủ lương, thưởng cho đội ngũ giáo viên nước ngoài và cán bộ nhân viên trong toàn hệ thống.

Doanh nhân Nguyễn Ngọc Thủy.

Tới Quý II/2021, Apax Holdings của Shark Thủy báo cáo kết quả kinh doanh khả quan khi thoát lỗ, thậm chí hé mở kế hoạch lấn sang sang thị trường BĐS.

Cụ thể, Quý II/2021 doanh thu thuần của Apax Holdings đạt 522 tỷ đồng, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, mức tăng trưởng doanh thu chưa bằng 1/3 so với sự gia tăng của giá vốn hàng bán khiến lợi nhuận gộp chỉ ở mức 125 tỷ đồng. Được biết, khoản doanh thu hoạt động tài chính tăng đột biến so với cùng kỳ phát sinh từ hoạt động chuyển nhượng quyền ưu tiên mua cổ phần phát hành mới.

Trong một diễn biến liên quan, vào ngày cuối cùng của quý II/2021, HĐQT IBC đã thông qua chủ trương chuyển nhượng quyền ưu tiên mua cổ phần phát hành mới tại CTCP Anh ngữ Apax (Apax English) cho nhà đầu tư cá nhân/tổ chức có nhu cầu và năng lực tài chính. Giá chuyển nhượng tối thiểu là 8.000 đồng/cp.

Tính đến ngày 30/6/2021, tổng dư nợ vay của Apax Holdings đã tăng gấp rưỡi so với đầu năm 2021, từ mức 1.082 tỉ đồng lên mức 1.558 tỉ đồng. Nguyên nhân chủ yếu là do các đợt phát hành trái phiếu được doanh nghiệp này thực hiện trong nửa đầu năm 2021.

Lấn sân bất động sản

Trong khi con thuyền Apax Holdings còn hết sức bấp bênh về tài chính, doanh nghiệp này đã mạo hiểm với kế hoạch lấn sân sang thị trường BĐS.

Theo đó, Apax Holdings đã hé lộ kế hoạch lấn sân sang BĐS với dự án Khu nhà ở và dịch vụ đa năng Vũng Áng (Hà Tĩnh).

Dự án Khu nhà ở và dịch vụ đa năng Vũng Áng (Hà Tĩnh).

Dự án Khu nhà ở và dịch vụ đa năng Vũng Áng có diện tích gần 42.000 m2, trong đó có các khu khu thương mại, khách sạn, siêu thị... rộng 6.534 m2 và khu căn hộ, nhà ở, bãi xe, nhà ăn rộng 10.508 m2. Hiện một phần của dự án đã được xây dựng gồm 2 tòa căn hộ 12 tầng và khu nhà hàng – hội trường – tổ chức sự kiện 5 tầng. Đây là dự án nhằm phục vụ nhu cầu của nhà máy Formosa Hà Tĩnh.

Theo một số thông tin, doanh nghiệp của Shark Thủy đã ký hợp đồng đặt cọc hợp tác đầu tư với Cty TNHH MTV Nam Phong để triển khai dự án này. Khoản vốn đầu tư vào dự án BĐS nêu trên là khoảng gần 500 tỷ đồng.

Nhiều người nhận định, đây là bước đi mạo hiểm, nhưng có có thể là biến nguy thành cơ của Shark Thủy.

Chủ tịch Egroup là ai?

Shark Thủy tên thật là Nguyễn Ngọc Thủy, sinh năm 1982, tại Hà Nội. Ông Thủy là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Anh ngữ Apax. Anh còn được biết tới với vai trò nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Tập đoàn Egroup.

Sau khi tham gia chương trình gọi vốn trên truyền hình “Shark Tank Việt Nam”, ông Thủy được gắn cái tên thân mật là Shark Thủy.

Trong các shark, ông Thủy được coi là nhà đầu tư mạnh tay khi gật đầu đầu tư cho rất nhiều start up trẻ để khởi nghiệp. Riêng mùa 1, shark Thủy đã cam kết rót vốn lên tới 19,2 tỷ đồng. Trong đó, riêng thương vụ đầu tư cho Soya Garden lên đến 15 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau đó dự án này đã gần như phá sản, chìm trong thua lỗ và phải đóng cửa hàng loạt cơ sở khắp TP.HCM, Hà Nội.

Trong mùa 2, shark Thủy cũng đã chi ra trên dưới 25 tỷ cho các startup về giáo dục. Thương vụ đầu tư lớn nhất dành cho Công ty Magic Book với số tiền tổng cộng 500 nghìn USD.

Ngoài câu chuyện đầu tư, ông Thủy cũng được nhiều người quan tâm bởi dám mạo hiểm bỏ ngang đại học để dồn trí lực cho việc kinh doanh. Shark Thủy bắt đầu ý tưởng khởi nghiệp từ trung tâm luyện thi đại học. Ông không ít lần thất bại với dự án cung cấp người giúp việc hay công ty buôn bán thiết bị máy tính.

Năm 2008, Nguyễn Ngọc Thủy quyết định thành lập công ty Egame – sau này là tập đoàn Egroup. Cho đến nay, Egroup đã tồn tại và phát triển được gần 10 năm. Shark Thủy đã xây dựng được một “hệ sinh thái giáo dục” Egroup với chuỗi 12 công ty con chuyên phát triển các lĩnh vực công nghệ thông tin, giáo dục và sức khỏe.

“Nếu hồ nước đỏ thì hãy làm cho nó thành xanh, mà đang đục ngầu, muốn thành xanh phải đổ nước trong vào. Muốn đổ được nước trong, hãy mở rộng hồ” – một trong những lời khuyên Shark Thủy thường nói với những người kinh doanh trẻ.

Link nội dung: https://vietnamindex.vn/bai-7-an-dong-nho-trai-phieu-apax-holdings-cua-shark-thuy-da-tinh-chuyen-dau-tu-bds-a74384.html