Làm thế nào để người lao động trở lại TP.HCM làm việc?

Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết đứng trước bài toán thiếu hụt lao động, các tỉnh phía nam cần kêu gọi, động viên, đưa ra phúc lợi thỏa đáng để kéo người dân trở lại làm việc.

Trong văn bản gửi Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) các tỉnh, thành phố tối 7/10, Tổng LĐLĐ Việt Nam đề xuất thực hiện một số giải pháp hạn chế thiếu hụt lao động, phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Theo đó, sau khi dịch Covid-19 dần được khống chế, các địa phương đang khẩn trương bắt tay vào thực hiện lộ trình phục hồi sản xuất, kinh doanh nhằm thích ứng an toàn, linh hoạt trong điều kiện “bình thường mới”.

Tuy nhiên, Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết do ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, thời gian qua, một bộ phận công nhân và người lao động đã rời TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai và các khu công nghiệp trong vùng kinh tế trọng điểm phía nam để về quê tự phát.

"Tình trạng này có thể gây nhiều hệ lụy liên quan đến an toàn khi di chuyển và an toàn với dịch bệnh, làm tăng nguy cơ thiếu hụt lao động phục vụ phục hồi sản xuất, kinh doanh ở địa bàn đi, nhưng xuất hiện tình trạng thất nghiệp của nhiều lao động ở địa bàn đến", tổ chức công đoàn Việt Nam lo ngại.

lao dong lam viec o TP.HCM anh 1

Tổng LĐLĐ Việt Nam lo ngại việc người dân ồ ạt về quê làm gia tăng nguy cơ thiếu hụt lao động ở các tỉnh, thành phố phía nam. Ảnh: Việt Linh.

Trước tình hình trên, đoàn chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam yêu cầu các ngành chức năng tỉnh, thành phố cùng công đoàn ngành Trung ương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục bằng nhiều hình thức, cách thức khác nhau để người lao động không tự phát về quê, rời nơi đang cư trú.

Các biện pháp đưa ra nhằm động viên người lao động tiếp tục trở lại doanh nghiệp khi doanh nghiệp bắt đầu sản xuất.

Cụ thể, tổ chức công đoàn địa phương cần bàn bạc, thương lượng với doanh nghiệp trong việc ban hành các chế độ, chính sách giữ chân người lao động như trả lương tạm nghỉ việc, hỗ trợ tài chính để người lao động tiếp tục duy trì, tổ chức cuộc sống gia đình, tăng lương, thưởng, phúc lợi khi doanh nghiệp đi vào sản xuất có hiệu quả.

Đồng thời, việc kêu gọi lao động trở lại làm việc có thể qua hình thức viết thư hoặc nhắn tin, bố trí phương tiện đón người lao động từ các địa phương hoặc chi trả, hỗ trợ tiền đi đường, các chi phí khác khi trở lại doanh nghiệp...

Để giữ chân lao động ở lại làm việc, các tổ chức công đoàn cơ sở cũng cần tập trung hỗ trợ, tư vấn và hướng dẫn người lao động, người sử dụng lao động trong hoàn thiện thủ tục, giấy tờ để nhận các gói hỗ trợ của Chính phủ.

Việc được tiếp cận các gói hỗ trợ nhanh nhất sẽ giúp người lao động, người sử dụng lao động giảm bớt khó khăn, thực hiện mục tiêu duy trì, phục hồi sản xuất và phòng chống dịch bệnh hiệu quả.

Tổ chức công đoàn Việt Nam yêu cầu địa phương đẩy mạnh chương trình hỗ trợ, tăng cường xã hội hóa nguồn lực hỗ trợ người lao động đặc biệt khó khăn hoặc người đã trở lại làm việc nhưng vẫn gặp khó khăn. Giải pháp này giúp lao động có điều kiện để bám trụ, sẵn sàng đồng hành với người sử dụng lao động phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Ngoài ra, tổ chức công đoàn cơ sở cũng cần đề nghị chính quyền địa phương tạo điều kiện thuận lợi trong việc xác nhận, làm các thủ tục để người lao động có nhu cầu trở lại làm việc cho doanh nghiệp, đảm bảo quy định của Chính phủ về phòng chống dịch bệnh Covid-19.

Trước đó, kể từ ngày 1/10, sau khi TP.HCM và nhiều tỉnh phía nam nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch, hàng chục nghìn người đã quyết định về quê sau nhiều tháng bám trụ lại thành phố, khu công nghiệp mà không có việc làm. Việc này làm dấy lên lo ngại nguy cơ thiếu hụt lao động ở các khu công nghiệp, dịch vụ.

Theo khảo sát của Trung tâm dự báo nhu cầu nguồn nhân lực, trong quý IV, nhu cầu tuyển lao động của doanh nghiệp ở TP.HCM là 42.000-56.000 người. Trong khi đó, ngành chức năng tỉnh Bình Dương đưa ra dự báo địa phương có thể thiếu hụt 40.000-50.000 lao động khi các doanh nghiệp bắt đầu hoạt động trở lại.

 

Link nội dung: https://vietnamindex.vn/lam-the-nao-de-nguoi-lao-dong-tro-lai-tphcm-lam-viec-a74391.html