Dòng tiền vẫn ở lại, thị trường chứng khoán có thể hướng tới mốc 1.400 điểm

Trong tuần này, thị trường chứng khoán có thể dao động nhưng điểm số sẽ vẫn tăng so với tuần trước. Thị trường có thể hướng tới mốc 1.400 điểm.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Thị trường tuần qua tăng điểm nhưng không bật mạnh do bị kìm hãm bởi nhóm cổ phiếu lớn trong đó có ngân hàng, bất động sản.

Dòng ngân hàng đang bị kìm hãm, thậm chí một số cổ phiếu sụt trong khi thị trường tăng. Điều này lý giải do quỹ đầu tư lớn bán ra, đặc biệt quỹ nắm lượng cổ phiếu ngân hàng nhiều.

Hầu hết quỹ ETF lớn, hay quỹ đóng cũng đều nắm tỷ trọng cổ phiếu ngân hàng lớn. Trong suốt thời gian qua, khi quỹ chọn giải pháp bán ròng, đa số ngân hàng cũng bị bán trong đó bao gồm một số nhà đầu tư lớn trong nước bán ra theo làm cho giá cổ phiếu ngân hàng khó tăng.

Trong khi lực cầu nhà đầu tư trong nước chỉ có thể “cân” được theo hướng không làm cho giá giảm sâu hoặc chỉ giúp tăng nhẹ chưa đủ lực giúp cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh. Lực bán lớn, trải dài, cầu không cân được cung.

Tuy nhiên, việc này sẽ sớm kết thúc khi các quỹ bắt đầu thay đổi quan điểm. Có thể thấy gần đây lực bán của các quỹ giảm nhiều, hy vọng quan điểm có thể đảo chiều trong thời gian ngắn, có thể ngưng bán ròng hoặc quay mua ròng thì lúc đó giá cổ phiếu ngân hàng sẽ dễ tăng hơn.

Với cổ phiếu bất động sản, khi giãn cách ngành bất động sản hầu như không hoạt động được. Công trình xây dựng ngưng trệ, tiến độ bàn giao sản phẩm bất động sản cũng bị chậm, ảnh hưởng tới dòng tiền thu nhập của doanh nghiệp. Thường doanh nghiệp bất động sản thu tiền theo tiến độ, tiến độ chậm thì thanh toán của nhà đầu tư chậm lại.

Khi giãn cách, người đi mua sản phẩm bất động sản cũng không thực hiện được, không giao dịch, không xem sản phẩm dẫn tới doanh số các doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Dựa trên yếu tố đó nhà đầu tư giảm việc đầu tư cổ phiếu bất động sản dẫn tới lực cầu giảm, giá bị giảm thời gian qua, không tăng đồng điệu với ngành khác.

Theo tôi tuần này thị trường chịu tác động bởi những thông tin sau. Thứ nhất, tiến độ mở cửa trở lại của nền kinh tế, tiếp tục dỡ bỏ giãn cách giữa các thành phố lớn, thông thương giữa các tỉnh thành, mang tính quyết định hành động của nhà đầu tư.

Ví dụ nếu các tỉnh thành lớn phối hợp, thống nhất cho người dân đi lại thuận tiện. Trong giai đoạn vừa qua khi nới lỏng giãn cách nhiều người ở các tỉnh từ TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai đổ về quê. Gần đây, có xu hướng người dân trở lại TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh thành lân cận khi nghe tin doanh nghiệp hoạt động trở lại, dễ dàng đi lại sinh sống làm việc. Nếu luồng thông tin này tiếp tục tích cực thì nhiều người đổ về thành phố lớn tìm kiếm cơ hội làm việc mới, theo đó sẽ tác động tích cực tới thị trường.

Thông tin tác động nữa là số liệu dịch bệnh về ca nhiễm mới, tỷ lệ tử vong. Nếu theo hướng tích cực cũng sẽ khiến nhà đầu tư giải ngân mạnh. Ở kịch bản xấu, xác suất 10-20% là thông tin tiêu cực số lượng ca nhiễm bệnh gia tăng, các địa phương siết chặt lại, kiểm soát dịch bệnh… thì sẽ khiến thị trường theo chiều đi xuống. 80-90% thiên về hướng tích cực cho tuần này.

Tốc độ giải ngân đầu tư công với những dự án cụ thể, thông tin liên quan gói hỗ trợ mới kích thích nền kinh tế sau khi được quốc hội thông qua… ra sớm, kịp thời, mang tính tích cực sẽ khiến nhà đầu tư hạn chế bán, tăng việc mua vào.

Tôi kỳ vọng các quỹ ETF sau thời gian giãn cách họ thấy Việt Nam bắt đầu nới lỏng giãn cách, mở cửa kinh tế, giao thông trở lại bình thường, doanh nghiệp hoạt động trở lại thì có lượng tiền hút ròng từ chính quốc, có nghĩa lượng tiền nước ngoài bơm vào nền kinh tế Việt Nam thông qua các quỹ ETF đầu tư vào thị trường chứng khoán. Kỳ vọng dòng vốn ngoại đảo chiều, hoặc ít nhất ngưng bán.

Tôi tin thị trường tiếp tục tăng trong tuần này, có thể dao động nhưng điểm số sẽ vẫn tăng so với tuần trước. Thị trường có thể hướng tới mốc 1.400 điểm.

Với dòng tiền, tôi tin chắc chắn ở lại với thị trường. Bởi hầu như thông tin tiêu cực giảm dần, thông tin tích cực tăng dần.

Có thể thấy, độ phủ tiêm vắc xin tăng lên ở các thành phố lớn như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai… giúp kiểm soát dịch tốt, nhà đầu tư yên tâm. Dự kiến trong tháng 10 nhập về vắc xin nhiều, như vậy không những tăng độ phủ vắc xin cho các thành phố lớn mà còn phân bổ các tỉnh thành lân cận.

Các yếu tố đã đề cập như đầu tư công đẩy mạnh, gói hỗ trợ nền kinh tế mới thông qua, quan điểm khối ngoại thay đổi khi Việt Nam mở cửa kinh tế…

Dòng vốn trong nước được củng cố như những yếu tố đề cập ở trên thì họ vẫn tiếp tục đổ vào chứng khoán. Tại thời điểm này thì chưa thấy lĩnh vực nào hấp dẫn hơn chứng khoán. Thường nhà đầu tư tài chính khi có tiền hay nói tới bất động sản và chứng khoán là chính.

Bất động sản rõ ràng chưa tiện giao dịch, chưa có nhiều sản phẩm mới. Trong khi vàng hay ngoại tệ có hạn chế nhất định, mua nhỏ lẻ được chứ đầu tư lớn thì khó. Lãi suất tiết kiệm thì thấp khó hấp dẫn. Chỉ có lĩnh vực an toàn, chính thống, thanh khoản cao là chứng khoán.

Cho nên tôi cho rằng, dòng tiền vẫn ở lại thị trường và còn tiếp tục đổ vào trong thời gian tới.

(*) Lược trích ý kiến của ông Trương Hiền Phương - Giám đốc cấp cao Công ty chứng khoán KIS Việt Nam trong bài "Tâm điểm chứng khoán: Trợ lực từ các thông tin “doping”"/nhipsongdoanhnghiep.cuocsongantoan.vn

Link nội dung: https://vietnamindex.vn/dong-tien-van-o-lai-thi-truong-chung-khoan-co-the-huong-toi-moc-1400-diem-a75250.html