Theo Luật Các tổ chức tín dụng, một cá nhân chỉ được sở hữu tối đa không vượt quá 5% vốn điều lệ tại một ngân hàng, một tổ chức sở hữu không vượt quá 15% vốn điều lệ của một ngân hàng, cổ đông và người có liên quan tới cổ đông đó không sở hữu cổ phần vượt 20% vốn điều lệ của ngân hàng. Tuy nhiên, tại Việt Nam có tình trạng lãnh đạo tập đoàn bất động sản sang làm chủ ngân hàng.
TS Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho rằng, câu chuyện Tập đoàn Evergrande như một lời cảnh báo đối với thị trường bất động sản trong nước, để tránh việc hình thành những "bom nợ Evergrande" phiên bản Việt Nam.
Vị chuyên gia phân tích, hiện 4 tập đoàn bất động sản lớn của Việt Nam có khuynh hướng phát hành nhiều trái phiếu huy động vốn. Trong đó, Vingroup là cái tên được mọi người chú ý nhất, tuy nhiên trên thực tế hệ số nợ, thanh khoản của tập đoàn này hiện nay khá lành mạnh, cả 3 dòng tiền gồm đầu tư, bán hàng và tài chính năm 2020 đều dương.
Trong khi đó, nhiều tập đoàn bất động sản khác rất đáng lo ngại, nhất là các tập đoàn "sân sau" của các ngân hàng có tình trạng tài chính đáng báo động. "Nghĩa vụ nợ trên tổng tài sản; nghĩa vụ nợ trên tổng tài sản và khả năng thanh toán rất yếu, còn tệ hơn cả tình hình của Evergrande và đang bị che bởi lớp sương mù tài chính", vị chuyên gia bày tỏ lo ngại.
TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng cần minh bạch để tránh được "bom nợ", nhất quyết không để tình trạng lái xe, tạp vụ, bảo vệ…thành lập công ty riêng rồi đi vay vốn hộ ông chủ.
"Ngân hàng Nhà nước, các nhà chức năng đã có nhiều quy định rất rõ như một doanh nghiệp được vay bao nhiêu phần trăm (%) vốn điều lệ, một ngân hàng không thể cho doanh nghiệp vay bao nhiêu % vốn tự có. Nhưng thực tế tất cả đều rối tung rối mù lên, bị lách qua dễ dàng bằng công ty con, công ty cháu, công ty liên kết. Nếu nhà quản lý không cẩn thận, câu chuyện Evergrande sẽ có phiên bản tại Việt Nam trong tương lai gần chứ không xa, chỉ 2 – 3 năm tới".
Nhìn lại hệ thống ngân hàng Việt Nam, sự hiện diện của các đại gia như Hồ Hùng Anh, Ngô Chí Dũng, Đặng Khắc Vỹ…, đều là những người sừng sỏi, lão luyện trong thương trường, đã gây dựng nên các định chế tài chính lớn như Techcombank, VPBank, VIB. Để có những ngân hàng “xịn” ngày hôm nay, một trong những khác biệt lớn của các đại gia này là họ có những tổng giám đốc “tay dao tay thớt”, dày dạn kinh nghiệm và những người được cử vào Ban điều hành là những chiến binh thật sự để thực hiện sự chỉ đạo của Hội đồng quản trị.
“Một ông chủ thật và giỏi không tập trung quyền lực để điều hành, mà đưa ra ý tưởng và những chiến binh mạnh sẽ thực hiện thành công nhiệm vụ”, vị chuyên gia trên nói.
Đây là điều không khó hiểu khi các ông chủ thật khi tham gia vào ngân hàng hay thực sự muốn thâu tóm ngân hàng sẽ thay đổi tổng giám đốc, ban điều hành để nắm quyền, để ngân hàng hoạt động theo mong muốn.
Một đại gia bất động sản chia sẻ: “Bỏ tiền vào ngân hàng là đầu tư dài hạn, phải đợi khi ngân hàng tốt lên mới hưởng lợi. Mua ngân hàng về, không tăng được khách hàng, không tăng được CASA (tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn), cho vay lại chính bản thân mình, hay rút tiền cho mục đích riêng…, tôi không nghĩ sẽ còn làm được những việc này vì thứ nhất là đi tù sớm bởi các quy định chặt chẽ của ngành ngân hàng, đó là chưa kể các bài học kinh nghiệm của quá khứ vẫn còn và thứ hai, đây là sự phát triển không bền vững”.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng nhận xét, có vẻ tư duy của các đại gia bất động sản đã có nhiều thay đổi khi tham gia ngân hàng so với trước đây. Không đáng ngại khi các đại gia lĩnh vực bất động sản cũng như các ngành nghề khác tham gia tái cơ cấu các ngân hàng, thậm chí đây còn là điều tốt cho hệ thống. Dẫu vậy, các đại gia cần ghi nhận những bài học cũ, chuẩn bị sẵn sàng mọi mặt để làm cho tốt; nếu không, chính họ có thể sẽ chán và rơi vào bế tắc.
Câu chuyện khác đang được chia sẻ trên thị trường là một đại gia trong lĩnh vực ô tô được giới thiệu và đầu tư vào Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank). Người này được cho là người đại diện/được uỷ quyền bởi một nhóm cổ đông mới đầu tư vào Eximbank, nắm giữ gần 13% vốn điều lệ Ngân hàng, vì nhận định ngân hàng là lĩnh vực “ngon”, nhưng đã không lường được nhiều sự việc phức tạp.
Đối với cuộc khủng hoảng Evergrande, TS. Lê Xuân Nghĩa cho biết, nhà hoạch định chính sách Trung Quốc hiểu rằng bảo vệ các ngân hàng là nhiệm vụ hàng đầu. Thanh khoản ngân hàng vững thì sẽ tránh được sự đổ bể mang tính dây chuyền của ngành cũng như toàn bộ nền kinh tế. "Hệ thống ngân hàng có vấn đề, người gửi dân sẽ rút tiền ra đầu tiên. Ngân hàng mà không có tiền thì làm sao có thể cứu được doanh nghiệp", ông nói.
Một chuyên gia trong lĩnh vực tài chính, biết nhiều câu chuyện hậu trường ngành ngân hàng nhận xét, phía sau các “bóng hồng” thường là những hình bóng khác và hầu như ai cũng đoán biết đó là ai. Nhưng cho dù là ông chủ thật với quyền lực thật đi chăng nữa, vận hành một ngân hàng rất khó, vận hành một ngân hàng yếu, tái cơ cấu lại là một câu chuyện rất khác.
“Trong lĩnh vực bất động sản, anh có thể là vua, nhưng trong lĩnh vực ngân hàng, dù có giỏi giang đến mấy cũng cần phải có thời gian để trải nghiệm, nói cách khác là đủ giờ bay, hoặc phải tuyển được Ban điều hành cực giỏi để thực hiện ý tưởng của mình”, vị chuyên gia nhấn mạnh.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/thay-gi-dang-sau-cau-chuyen-lanh-dao-tap-doan-bat-dong-san-sang-lam-chu-ngan-hang-a75255.html