Sự thật về sự hỗ trợ khách hàng chịu tác động bởi dịch Covid-19 của VIB trong cơ cấu lại nợ

Sau khi đăng bài “Không cơ cấu lại nợ cho khách hàng chịu tác động bởi dịch Covid-19, VIB ra thông báo lạ", Dân Việt đã nhận được nhiều phản ánh của bạn đọc là khách hàng của Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) về việc hỗ trợ cơ cấu lại nợ.

Nhiều khách hàng của VIB không được cơ cấu nợ

Trao đổi với Dân Việt, chị N.T.H.H (quận Bình Thạnh, TP. HCM) chia sẻ, năm 2016 chị có vay ngân hàng VIB khoản tiền 400 triệu để xây nhà, có thế chấp sổ đỏ, gốc và lãi mỗi tháng giao động tầm mức 6 triệu đồng, được đóng vào ngày 25 hàng tháng. Thời điểm đầu lãi suất vay 11%, hiện tại lãi suất đang là 12,9%/năm. Từ tháng 7 vừa qua công ty đóng cửa theo lệnh giãn cách vì dịch Covid-19, điều đó đồng nghĩa với việc chị không có thêm thu nhập.

"Nhà tôi còn nuôi 2 con nhỏ, nên chi phí cũng cao. Hai tháng trước, tiền đóng ngân hàng được lấy từ nguồn dự trữ của gia đình. Đến ngày 25/9, tiền dự trữ hết tôi phải vay mượn tiền để đóng cho ngân hàng", chị H. chia sẻ.

Theo chị N.T.H.H, từ đầu tháng 9/2021 chị gọi ngân hàng để hỏi về chích sách giãn nợ và được thông báo có. Tuy nhiên, VIB cho biết sẽ ưu tiên cho những khách hàng đóng ngày 21/9, trường hợp của chị sẽ được giải quyết sau.

 

"Sau ngày 21/9, không thấy VIB liên lạc lại, ngày 22/9 tôi đã chủ động cho nhân viên quản lý bộ phận vay hỏi tình hình nhưng không được giải thích cụ thể. Hai ngày sau nhân viên quản lý bộ phận vay chụp hình thông báo ngân hàng ngừng cơ cấu nợ cho khách hàng.

 

Tôi hỏi nhân viên VIB "tại sao phía ngân hàng lại dừng cơ cấu nợ khi Ngân hàng nhà nước đã có Thông tư 14 về cơ cấu nợ" thì nhận được câu trả lời "do bên hội sở ra thông báo, họ chỉ là nhân viên chi nhánh nên không biết gì" và hướng dẫn tôi gọi lên tổng đài phản hồi", chị N.T.H.H kể lại.

Sự thật về sự hỗ trợ của VIB trong cơ cấu lại nợ cho khách hàng chịu tác động bởi dịch Covid-19 - Ảnh 2.

Thông báo được nhân viên Ngân hàng VIB chụp gửi cho khách hàng để thông báo dừng cơ cấu nợ. Nguồn: NVCC.

Sau đó, chị N.T.H.H gọi lên tổng đài nhưng cũng chỉ được ghi nhận sự việc, báo sẽ chuyển về chi nhánh, song đến nay vẫn chưa thấy có thêm bất kỳ thông tin nào.

Tương tự, chị Đ.T.H.T (quận 12, TP. HCM) cũng cho biết, gia đình chị có khoản vay tại ngân hàng VIB 5 năm trước với số tiền vay 1 tỷ mục đích vay xây nhà, đến thời điểm hiện tại gia đình đã trả được gần một nửa, khoản nợ còn 650 triệu đồng, mỗi tháng đóng 7 triệu tiền lãi (tương ứng lãi suất 12,9%/năm) và gia đình vẫn đóng tiền đúng kỳ hạn.

Vấn đề phát sinh khi từ đợt dịch Covid -19 bùng phát lần 4, TP. HCM giãn cách toàn thành phố, gia đình chị kinh doanh hộ gia đình nên đóng cửa, không có thu nhập, dẫn đến tình hình tài chính khó khăn.

Thời điểm tháng 7/2021, chị đã liên hệ với nhân viên ngân hàng VIB để hỏi về thủ thục cơ cấu nợ, thì nhận được câu trả lời là nhà nước chưa có chính sách gì, trường hợp có thông tin sẽ chủ động liên hệ với khách hàng.

Đến tháng 9 này, khi nhận được tin nhắn nhắc đóng tiền, chị T gọi lại cho bạn nhân viên và câu trả lời vẫn là không có chương trình hỗ trợ.

"Ngày 28/9 này tiền để dành đã cạn, không thể vay mượn được ai nên tôi chưa đóng, nợ tôi thành nợ quá hạn", chị chia sẻ.

Những con số biết nói

Về việc hỗ trợ khách hàng, thông tin tới Dân Việt, đại diện VIB cho biết trong thời gian nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 vừa qua, ngân hàng đã tạo điều kiện cho hơn 20 nghìn khách hàng với hơn 2.500 tỷ đồng được cơ cấu lại khoản vay, và đóng góp hơn 40 tỷ đồng cho công tác an sinh xã hội.

"Việc thực hiện cơ cấu lại nợ cho khách hàng chịu tác động với dịch Covid-19 tại VIB được thực hiện theo các chính sách, quy trình được ban hành bởi VIB trên cơ sở các quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Các chính sách và quy trình này được áp dụng liên tục, nhất quán, chưa bao giờ dừng, tạo điều kiện cho khách hàng được cơ cấu lại khoản vay theo các quy định của pháp luật, cũng như được giảm lãi và phí suốt trong giai đoạn dịch bệnh vừa qua", văn bản VIB gửi Dân Việt cho hay.

Điều khó hiểu là, dù thừa nhận thông báo của Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) về việc tạm dừng đề xuất và cam kết mới với khách hàng về cơ cấu nợ là thông báo nội bộ không đại diện cho lãnh đạo VIB, nhưng việc các nhân viên của VIB sử dụng thông báo này, gửi cho khách hàng để thông báo cho việc nhà băng dừng cơ cấu nợ cho khách hàng lại không được phía VIB nhắc đến.

Sự thật về sự hỗ trợ của VIB trong cơ cấu lại nợ cho khách hàng chịu tác động bởi dịch Covid-19 - Ảnh 3.

Nguồn: Ảnh chụp từ báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng đầu năm 2021

Tuy nhiên, theo báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán 6 tháng đầu năm 2021 của VIB lại nói lên rất nhiều điều. Theo đó, nếu nhìn vào lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trước chi phí trích lập dự phòng rủi ro của VIB thì 6 tháng đầu năm đạt hơn 4.601 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ năm 2020 là hơn 2.777 tỷ đồng; Tổng thu nhập hoạt động đạt hơn 7.308 tỷ đồng, trong đó đóng góp chính là thu nhập lãi thuần với 5.737 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm đạt 3.163 tỷ đồng, tăng 67% so với cùng kỳ năm ngoái là 1.885 tỷ đồng. Điều đó cho thấy lãi từ hoạt động tín dụng đóng góp chính vào lợi nhuận của VIB.

Sự thật về sự hỗ trợ của VIB trong cơ cấu lại nợ cho khách hàng chịu tác động bởi dịch Covid-19 - Ảnh 4.

Nguồn: Ảnh chụp từ báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng đầu năm 2021

Báo cáo tài chính của VIB cũng cho thấy cơ cấu tín dụng, theo đó, 6 tháng đầu năm, VIB cho vay cá nhân và cho vay khác đạt 160.746 tỷ đồng, chiếm 87,87% tổng dư nợ toàn ngân hàng.

Còn nhớ, tại đại hội đồng cổ đông thường niên 2021 của Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) diễn ra vào sáng 24/3, khi nói về nợ xấu ông Đặng Khắc Vỹ, Chủ tịch HĐQT cho hay nợ xấu của VIB là thực chất, chủ yếu là cho vay bán lẻ, cho vay mua ô tô, có tài sản đảm bảo tốt với 96% dư nợ đều có tài sản bảo đảm. Tỷ lệ cho vay là 50% so với tài sản đảm bảo nên tỷ lệ mất vốn rất thấp so với các ngân hàng khác. Ngân hàng có phương án đánh giá thận trọng tương đương giá thị trường.

Với lãi suất huy động của VIB 12 tháng là 3,80% và lãi suất cho vay 12,9% (Đây là lãi suất mà khách hàng có vay nợ tại VIB đã liên hệ với Dân Việt đã cung cấp) thì biên độ lãi suất (chênh lệch giữa lãi suất huy động và cho vay) là 9,1%. Đây là mức rất cao. Tất nhiên, với những khách hàng liên hệ với Dân Việt thì đây không phải mang tính đại diện cho lãi suất của VIB, nhưng điều đó nói lên một điều cho vay tiêu dùng, khách hàng cá nhân luôn là lĩnh vực có biên độ lãi suất cao.

Sự thật về sự hỗ trợ của VIB trong cơ cấu lại nợ cho khách hàng chịu tác động bởi dịch Covid-19 - Ảnh 5.

Nguồn: Ảnh chụp từ báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng đầu năm 2021.

Cần phải nói thêm, về việc hỗ trợ cơ cấu lại nợ cho khách hàng chịu tác động của dịch Covid-19, ngày 17/7/2021 Thủ tướng Chính phủ có Công văn số 969/TTg-KGVX về việc thực hiện giãn cách xã hội phòng, chống dịch tại một số địa phương, trong đó cho phép 19 tỉnh, thành phố thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg về việc thực hiện giãn cách xã hội dẫn đến ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình sản xuất, kinh doanh, cuộc sống của người dân, doanh nghiệp; làm sụt giảm doanh thu, thu nhập, ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của khách hàng đối với các số dư nợ đến hạn trong khoảng thời gian từ ngày 17/7/2021 đến nay (vì số dư nợ này không thuộc phạm vi áp dụng của Thông tư 01 và Thông tư 03 để được tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nhà nước thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ nên dẫn đến số dư nợ này sẽ bị tổ chức tín dụng, chi nhánh Ngân hàng Nhà nước chuyển thành nợ quá hạn).

Link nội dung: https://vietnamindex.vn/su-that-ve-su-ho-tro-khach-hang-chiu-tac-dong-boi-dich-covid-19-cua-vib-trong-co-cau-lai-no-a75292.html