Theo Tổng cục Thống kê, trong 9 tháng đầu năm 2021, vận tải hành khách đạt 2018,8 triệu lượt khách vận chuyển, giảm 23,8% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, vận chuyển hành khách đường hàng không đạt 13,4 triệu lượt khách, giảm 42%; luân chuyển đạt 12,2 tỷ lượt khách.km, giảm 52,8%.
Mục tiêu hàng đầu của các doanh nghiệp hàng không hiện nay là cố gắng để “sống sót”. |
Hàng không là ngành chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch Covid-19, hàng loạt chuyến bay bị cắt giảm, máy bay nằm la liệt trên đường băng, các hãng hàng không liên tiếp báo lỗ.
Tuy nhiên, kế hoạch tiêm vắc-xin phòng Covid-19 đang được đẩy mạnh triển khai trên diện rộng, với tỷ lệ cao ở Hà Nội, TP.HCM và nhiều địa phương khác trên cả nước. Bên cạnh đó, Chính phủ tập trung đầu tư cho ngành y tế nhằm sớm kiểm soát dịch bệnh. Đây là các yếu tố chính để khôi phục đường bay nội địa, từng bước mở lại đường bay quốc tế.
Theo kế hoạch khôi phục vận tải hàng không tạm thời của Bộ Giao thông Vận tải, tần suất khai thác của hàng không sẽ chia thành 4 giai đoạn.
Giai đoạn 1, tần suất trên từng đường bay đối với từng hãng hàng không không vượt quá 50% so với trung bình 10 ngày đầu tiên của tháng 4/2021 của hãng hàng không đó và có giãn cách ghế trên máy bay.
Giai đoạn 2, các hãng hàng không được nâng tần suất khai thác lên mức 70% so với trung bình 10 ngày đầu tiên của tháng 4/2021.
Giai đoạn 3, các hãng được khai thác với tần suất tương đương tần suất trung bình 10 ngày đầu tiên của tháng 4/2021.
Giai đoạn 4, các hãng được khai thác trở lại bình thường.
TS. Bùi Doãn Nề, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam (VABA) kỳ vọng, các hãng hàng không sẽ có cơ sở để hồi phục trở lại từ quý IV/2021.
Đồng quan điểm, Công ty Chứng khoán Agriseco cho rằng, ngành hàng không đang gặp phải muôn vàn khó khăn, nhưng vẫn có thể kỳ vọng vào khả năng phục hồi trong những tháng cuối năm 2021. Điều này dựa trên chiến lược tiêm vắc-xin được triển khai đồng loạt, đúng tiến độ kỳ vọng, các địa phương bắt đầu nới lỏng biện pháp giãn cách và tiến tới thiết lập trạng thái bình thường mới gắn với mở cửa các đường bay.
Với những thông tin tích cực về khả năng máy bay sẽ sớm được cất cánh, từ đầu tháng 9, cổ phiếu ngành hàng không bắt đầu được giao dịch nhộn nhịp hơn và tăng giá như mã HVN của Tổng công ty Hàng không Việt Nam - CTCP (Vietnam Airlines), ACV của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, VJC của Công ty cổ phần Hàng không VietJet (VietJet Air).
Cổ phiếu thuộc nhóm phụ trợ hàng không cũng có diễn biến tăng giá như AST của Công ty cổ phần Dịch vụ Hàng không Taseco, SGN của Công ty cổ phần Phục vụ mặt đất Sài Gòn, NCT của Công ty cổ phần Dịch vụ Hàng hóa Nội Bài.
Ở góc nhìn thận trọng, ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Nghiên cứu Công ty Chứng khoán MB đánh giá, ngành hàng không và du lịch đang gặp rất nhiều khó khăn. Việc các nhóm cổ phiếu tăng giá đón đầu cơ hội phục hồi có thể là quá sớm, bởi tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn có diễn biến phức tạp.
Có 8 địa phương đã cơ bản thống nhất với kế hoạch khai thác các đường bay nội địa giai đoạn 1 của Cục Hàng không Việt Nam, bao gồm: TP.HCM, Điện Biên, Phú Yên, Khánh Hòa, Quảng Bình, Bình Định, Thanh Hóa, Nghệ An.
Trước việc Hà Nội chưa đồng ý với kế hoạch trên, ông Võ Huy Cường, Phó cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam nhận định: “Nội Bài chưa được đưa vào phục vụ cho các chuyến bay là một khó khăn vô cùng lớn cho ngành hàng không. Nếu chỉ có một đầu Tân Sơn Nhất sẽ không đảm bảo hiệu quả”.
Theo Official Airline Guide (OAG) - tổ chức cung cấp số liệu về du lịch, hàng không, đường bay Hà Nội - TP.HCM nằm trong Top 10 đường bay nhộn nhịp nhất thế giới trong vài năm gần đây. Vào tháng 11/2020, đường bay “vàng” này vẫn đông khách thứ hai thế giới. Do đó, cho đến khi Hà Nội thống nhất phương án được Cục Hàng không đưa ra, 91 chuyến bay khứ hồi mỗi ngày dự kiến khai thác trên đường bay giữa Hà Nội với 17 đường đến và đi với các tỉnh, thành phố khác sẽ rất khó triển khai.
Cũng như các ngành kinh tế khác, giai đoạn phục hồi của ngành hàng không đòi hỏi quá trình gắn với quản lý dịch bệnh và hiệu ứng của các giải pháp hỗ trợ, kích cầu. Do thời gian ngừng trệ kéo dài, chuỗi cung ứng đứt gãy, lao động giảm…, các doanh nghiệp trong ngành sẽ phải đối mặt với những khó khăn mới.
TS. Bùi Doãn Nề nhận định, ngành hàng không đã chịu tổn thất nặng nề. Đường bay quốc tế vẫn đóng băng, đường bay nội địa trở lại hoạt động nhưng việc đón nhận ở các địa phương còn khác nhau. Do chưa được phép bay nhiều, các hãng hàng không phải đối mặt với gánh nặng về tài chính, thanh khoản, nguồn lao động...
Để ngành hàng không Việt Nam đạt được những con số như năm 2019, VABA cho rằng phải hết năm 2022, nhanh nhất cũng phải tới tháng 6/2022. Đánh giá này tích cực hơn nhiều so với dự báo trước đây của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) là đến năm 2023 - 2024, ngành hàng không toàn cầu mới có thể “đứng dậy”.
Mục tiêu hàng đầu của các doanh nghiệp hàng không hiện nay là “cố gắng để sống sót hơn là kỳ vọng phát triển”.
Theo TS. Bùi Doãn Nề, tổng nhu cầu cần hỗ trợ của các hãng bay là 30.000 tỷ đồng, bởi nợ ngắn hạn và nợ đến hạn phải trả của 3 hãng bay lớn nhất cả nước đã lên tới 36.000 tỷ đồng.
Trong đó, nhu cầu tín dụng của Vietnam Airlines cần hỗ trợ vốn vay ưu đãi 10.000 - 12.000 tỷ đồng để cân đối dòng tiền, trang trải các khoản nợ phải trả. VietJet Air đề nghị hỗ trợ khoản vay tín dụng trên 10.000 tỷ đồng theo hình thức tái cấp vốn từ các ngân hàng thương mại, ưu đãi lãi suất thời gian 3 - 4 năm. Bamboo Airways mong muốn được vay 5.000 tỷ đồng với lãi suất và điều kiện ưu đãi.
Để duy trì hoạt động tối thiểu trong mùa dịch, các hãng hàng không phải chi trên 100 tỷ đồng/ngày. Trong khi đó, nguồn lực tài sản, tài chính tích lũy của các hãng đã cạn kiệt, cơ hội tiếp cận vốn vay khó khăn, chi phí vay vốn cao.
Để duy trì hoạt động tối thiểu trong mùa dịch, các hãng hàng không phải chi trên 100 tỷ đồng/ngày. |
Tại cuộc họp giữa Ngân hàng Nhà nước với toàn bộ doanh nghiệp hàng không và ngân hàng thương mại có dư nợ để tháo gỡ khó khăn về vốn ngày 28/9/2021, ông Nguyễn Khắc Hải, Phó tổng giám đốc Bamboo Airways chia sẻ, năm 2021, hãng chỉ bay được 3 tháng, doanh thu giảm 70 - 90%.
“Bamboo Airways đã phải tự thân vận động, tiết giảm tối đa mọi chi phí để tồn tại, nhưng đây cũng chỉ là giải pháp trong ngắn hạn. Đến nay, các đối tác và nhà cung cấp đã bắt đầu yêu cầu hãng có kế hoạch trả nợ”, ông Hải nói.
Trước tình thế cấp bách, VABA kiến nghị ngành ngân hàng sớm có 2 gói hỗ trợ để cứu ngành hàng không trước nguy cơ phá sản. Gói 1 được áp dụng cơ chế tái cấp vốn vay ưu đãi 0%/năm như đã áp dụng với Vietnam Airlines cho các hãng hàng không khác có quy mô vốn từ 4.000 tỷ đồng, thời hạn tối đa 3 năm. Gói 2 cho phép các hãng được vay gói hỗ trợ 25.000 tỷ đồng ưu đãi lãi suất (ngân sách cấp bù 4%) trong thời gian 3 - 4 năm.
Dự báo về triển vọng kinh doanh của các hãng hàng không trong quý IV/2021, Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho rằng, Vietnam Airlines sẽ phải đối mặt với khoản lỗ ròng 19.000 tỷ đồng - tương đương 172% mức lỗ năm 2020. Đồng thời, số chuyến bay trong quý cuối năm 2021 sẽ thấp hơn 38% so với con số thực tế của cùng kỳ năm ngoái.
Với VietJet Air, VCSC nhận định, khoản lỗ mảng vận tải của doanh nghiệp năm 2021 (không bao gồm lãi từ bán máy bay và thu nhập tài chính) sẽ là 7.300 tỷ đồng; số lượng chuyến bay trong quý IV thấp hơn 28% so với cùng kỳ năm 2020.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/co-phieu-hang-khong-ky-vong-som-a75554.html