Chứng khoán Mỹ đi xuống ba phiên liên tiếp, nhà đầu tư đang ái ngại điều gì?

Thị trường chứng khoán Mỹ ngày 12/10 tiếp tục đóng cửa trong sắc đỏ trước khi số liệu lạm phát tháng 9 và kết quả kinh doanh quý III của loạt ngân hàng được công bố.

Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones mất gần 118 điểm, tương đương 0,3%, xuống còn 34.378 điểm. S&P 500 và Nasdaq Composite cũng giảm lần lượt 0,2% và 0,1%.

Theo CNBC, các chỉ số giao dịch quanh tham chiếu trong phần lớn thời gian của phiên 12/10, sau đó lực bán gia tăng vào cuối buổi chiều và chỉ số đóng cửa trong sắc đỏ.

Bank of America cho rằng thị trường "phần lớn đang ở trong trạng thái chờ đợi" trước khi các báo cáo được công bố trong tuần này.

4037-20211013-082745
 

Các nhà phân tích tại ngân hàng đầu tư Stifel nhận định: "Các mặt báo hôm nay tương đối yên ắng và thị trường đang đợi các thông tin quan trọng như CPI tháng 9, doanh số bán lẻ, biên bản họp FOMC gần đây nhất, và bắt đầu mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý III".

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 sẽ được công bố vào sáng 13/10 (theo giờ Mỹ). Các nhà kinh tế của Dow Jones dự đoán mặt bằng giá cả tháng vừa qua sẽ tăng 0,3% so với tháng trước đó và cao hơn 5,3% so với cùng kỳ 2020.

Cũng vào ngày 13/10, Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) sẽ công bố biên bản họp ngày 21-22/9. Trong cuộc họp này, các quan chức đã quyết định không nâng lãi suất nhưng sẽ sớm giảm quy mô chương trình bơm tiền trị giá 120 tỷ USD hàng tháng (tapering).

Nhà đầu tư sẽ nghiên cứu kỹ biên bản cuộc họp để tìm thêm thông tin về đợt tapering này, chẳng hạn như khi nào nó sẽ diễn ra và với tốc độ như thế nào.

4112-20211013-082808
Fed đã giữ lãi suất gần 0 liên tục từ tháng 3/2020 đến nay.

Sau khi thị trường ngày 13/10 đóng cửa, ngân hàng lớn nhất nước Mỹ là JPMorgan Chase và đại gia hàng không Delta Air Lines sẽ khởi đầu mùa công bố báo cáo tài chính quý III.

Nhiều ông lớn khác cũng sẽ thông báo kết quả kinh doanh trong tuần này gồm Bank of America, Walgreens Boots Alliance, Wells Fargo, Morgan Stanley, Citigroup và Goldman Sachs.

CNBC dẫn lời ông Chris Larkin, Giám đốc giao dịch tại công ty chứng khoán E-Trade Financial nhận định: "Trong đợt công bố lợi nhuận doanh nghiệp này sẽ có rất nhiều nhân tố bất lợi. Nhà đầu tư sẽ chú ý kỹ đến mọi phân tích và dự báo của lãnh đạo doanh nghiệp, đặc biệt là khi mối đe dọa tăng trưởng chậm lại ngày càng hiện hữu".

Theo ước tính của Refinitiv, lợi nhuận quý III sẽ tăng khoảng 30% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng trong quý II là 96,3%.

"Kỳ vọng về lợi nhuận quý III liên tục đi xuống trong những tuần gần đây, tức là cơ hội vượt qua dự báo của các nhà phân tích sẽ lớn hơn, đây là điều tốt cho tâm lý thị trường chung", ông Rod von Lipsey, Giám đốc điều hành tại UBS Private Wealth Management.

Các chỉ số chứng khoán Mỹ liên tục đi xuống trong bối cảnh những lo ngại về tăng trưởng và lạm phát trên toàn cầu ngày càng trở nên cấp thiết.

Ngày 12/10, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã giảm dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu từ 6% xuống còn 5,9%. Tăng trưởng GPD của Mỹ bị cắt từ 7% xuống còn 6%. Lý do mà IMF đưa ra là các thách thức về chuỗi cung ứng và việc dịch COVID-19 liên tục tái bùng phát.

"Chúng tôi nhận thấy nhiều đứt gãy về nguồn cung trên khắp thế giới làm cho áp lực lạm phát ngày càng tăng, hiện đã ở mức khá cao. Các rủi ro về tài chính cũng đang đi lên, tạo thêm một nguy cơ đối với triển vọng kinh tế", bà Gita Gopinath, Kinh tế trưởng của IMF, viết trong một thông cáo.

IMF cho rằng các ngân hàng trung ương như Cục Dự trữ Liên bang (Fed) nên chuẩn bị kế hoạch thắt chặt tiền tệ nếu lạm phát quá nóng.

 

 

 

Link nội dung: https://vietnamindex.vn/chung-khoan-my-di-xuong-ba-phien-lien-tiep-nha-dau-tu-dang-ai-ngai-dieu-gi-a75766.html