TP đạt miễn dịch cộng đồng một phần
Bà Vũ Thị D. (50 tuổi, Phước Long B, TP. Thủ Đức) bế đứa cháu nhỏ mới 1 tuổi rưỡi xuống hồ bơi của chung cư.
“Tôi không chích thuốc. Quanh mình người ta tiêm hết rồi, còn sợ gì nữa”, bà từ chối lời mời tiêm vắc xin Covid-19 của phường dù con cái vận động, thuyết phục.
Quanh hồ bơi, hơn 10 đứa trẻ đang nô đùa cùng ông bà, cha mẹ. Đại đa số đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin. Ở 1 khía cạnh nào đó, bà D. đang được bảo vệ bởi những người xung quanh.
PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Đại học Y dược TP phân tích, người đã tiêm vắc xin sẽ được bảo vệ, người chưa tiêm vắc xin cũng được bảo vệ một phần (do giảm nguy cơ lây nhiễm từ những người xung quanh).
Tuy nhiên, nguy cơ mắc bệnh của nhóm này là vẫn có, dịch vẫn có thể gia tăng.
Với tỷ lệ tiêm chủng hiện tại của TP.HCM, PGS Dũng nhận định, TP mới đạt miễn dịch một phần. Bên cạnh đó, với biến chủng Delta có R0 là 7 hay 8, với các vắc xin Covid-19 hiện nay sẽ không thể nào đạt được ngưỡng miễn dịch cộng đồng.
“Vì vậy chúng ta chưa ở điều kiện “bình thường mới” ở thời điểm hiện tại”, PGS.TS Đỗ Văn Dũng xác nhận.
Chuyên gia đưa ra dẫn chứng về mô hình chống dịch Covid-19 tại Singapore và kết luận, đó là 1 kinh nghiệm với TP.HCM.
Singapore có tỷ lệ tiêm vắc xin là 85% và dự định nới lỏng các quy định giãn cách xã hội. Tuy nhiên sau đó số ca mắc gia tăng khiến Chính phủ e dè và trì hoãn các bước mở cửa.
Điểm khác biệt với TP.HCM là Singapore trước đó đã thành công trong chiến lược "Zero Covid". Miễn dịch cộng đồng của Singapore chủ yếu từ việc tiêm chủng mà không phải miễn dịch từ các ca mắc.
“Trong khi đó, TP.HCM đã từng bị dịch bệnh lưu hành nên sẽ có khả năng đạt được miễn dịch cộng đồng tốt hơn”, PGS Dũng nhìn nhận.
Số ca mắc cao trước đó trở thành lợi thế
Việc nới lỏng giãn cách sẽ dẫn đến số ca mắc tăng. Tuy nhiên, TP.HCM đã có vắc xin bảo vệ người cao tuổi nên không tăng số tử vong và không quá tải hệ thống y tế. (90% người trên 65 tuổi và trên 80% cho người trên 50 tuổi)
Sự phát tán của virus nCoV trong không khí và xâm nhập vào người đã có miễn dịch, sẽ củng cố hiệu lực của vắc xin.
BS Trương Hữu Khanh, chuyên gia dịch tễ cho rằng: “Nếu người mắc Covid-19 mà không cần nhập viện thì càng tốt vì nó tạo thêm miễn dịch cộng đồng tự nhiên. Nếu ca bệnh mà không lây thêm cho đối tượng nguy cơ thì đếm … chỉ để đếm thôi”
PGS Dũng khẳng định việc sống chung an toàn với Covid-19 sẽ tăng cường thêm miễn dịch cộng đồng.
“Từ quan điểm này chúng ta có thể bớt khắt khe hơn trong các biện pháp chống dịch. Các biện pháp chế tài cực đoan có thể không phù hợp mà thay vào đó sử dụng biện pháp chế tài kinh tế có thể có hiệu quả cao hơn”, PGD Dũng cho hay.
Các chuyên gia đồng thuận với việc chấp nhận số ca mắc Covid-19 gia tăng, miễn là vẫn trong tầm kiểm soát và không đe dọa hệ thống điều trị.
Song song đó, TP cần xây dựng mạng lưới giám sát dịch tễ để có thể ứng phó kịp thời”.
PGS.BS Vũ Minh Phúc, Đại học Y dược TP.HCM cho rằng, cơ quan chuyên môn cần cụ thể hóa các chỉ tiêu về năng lực đáp ứng thu dung điều trị của địa phương, sẵn sàng khi dịch Covid-19 quay trở lại.
Cụ thể, các tiêu chí về năng lực y tế cần rõ ràng, dựa trên quy mô dân số, quy định số lượng trạm y tế lưu động, số trạm cung cấp ô xy, số nhân viên y tế của trạm tính trên 1 ngàn hoặc 10 ngàn dân.
Số giường hồi sức của các cơ sở điều trị phải được tính trên quy mô dân số 100.000 dân, thay vì đặt mục tiêu chung chung “sẵn sàng đáp ứng”.
“Sẵn sàng là bao nhiêu? Phải có tiêu chí, số lượng cụ thể, địa phương mới có thể “chạy” ngay khi dịch xuất hiện trở lại”, PGS Phúc khẳng định và đề xuất cơ quan chuyên môn cần ban hành một format chung cho bản kế hoạch, tránh mỗi địa phương viết theo một kiểu khác nhau.
Như vậy, dù miễn dịch cộng đồng hoàn toàn vẫn chưa thể đạt được, nhưng TP.HCM có những lợi thế nhất định để sống chung với Covid-19. Sống chung an toàn chỉ khi có đủ “vũ khí”, phương tiện bảo vệ.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/tphcm-da-dat-mien-dich-cong-dong-hay-chua-a76722.html