Bức tranh tín dụng ngân hàng tăng trưởng sau 9 tháng đầu năm

Mặc dù nhiều nhà băng đã sử dụng gần hết hạn mức tăng trưởng tín dụng, song NHNN cho biết, tiếp tục cấp thêm room tín dụng; mặt bằng lãi suất cho vay giảm 1-2%/năm...

Đây sẽ là điều kiện tích cực để kích cầu tăng trưởng dư nợ trong quý cuối năm khi dịch bệnh dần kiểm soát, doanh nghiệp tái sản xuất, kinh doanh trong mùa cao điểm.

Các ngân hàng lần lượt công bố

Tính đến hết quý III/2021, dư nợ tín dụng của Vietcombank đạt 923.385 tỷ đồng, tăng trưởng 11,5% so với cuối năm 2020 và hoàn thành ở ngưỡng 98% kế hoạch cả năm.

Cơ cấu tín dụng tăng trưởng đúng định hướng, nhất là tín dụng bán lẻ tăng trưởng cao so với tín dụng bán buôn với tỷ trọng đạt 53,66%. Đây được xem là mức tăng trưởng cao trong toàn hệ thống tổ chức tín dụng.

Đồng hành tháo gỡ khó khăn cùng người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 và thiên tai, từ năm 2020 đến nay, Vietcombank liên tục triển khai 9 đợt giảm lãi suất. Như vậy, trong năm 2021, dự kiến quy mô giảm lãi mà Vietcombank dành cho khách hàng sẽ lên tới khoảng 7.100 tỷ đồng.

Tại TPBank (TPB), tính đến hết ngày 30/9/2021, tổng tài sản của ngân hàng đạt 260.328 tỷ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ năm trước và vượt hơn 4% kế hoạch cả năm. Tăng trưởng tín dụng trong ba quý qua là 15% so đầu năm nay. Tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng đạt 9.868 tỷ đồng, tăng 39% so với cùng kỳ.

SeABank (SSB) cũng công bố kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2021, ghi nhận tổng tài sản hoàn thành 99,7% kế hoạch năm, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2020. Cho vay khách hàng hoàn thành 92% kế hoạch năm, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2020; Tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) hiệu quả ở mức 35,35%; Tỷ lệ nợ xấu ở mức 1,68%.

Tính đến hết ngày 30/9/2021, tổng tài sản của HDBank đạt hơn 346 nghìn tỷ đồng, tăng 26,7% so với cùng kỳ năm trước. Dư nợ tăng 16,1% so với cùng kỳ. Tỷ lệ nợ xấu riêng lẻ duy trì thấp dưới 1%, tỷ lệ nợ xấu hợp nhất ở mức 1,4%, đều thấp hơn cùng kỳ năm trước. Dư nợ các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao và nợ tái cơ cấu được kiểm soát tốt.

Đến ngày 30/9/2021, tổng tài sản của Kienlongbank tăng mạnh hơn 32% lên 75.741 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng là 34.923 tỷ đồng, tăng 1% so đầu năm 2021. Tiền gửi khách hàng đạt trên 45.700 tỷ đồng, tăng 9% so với đầu năm nay.

Cuối tháng 9/2021, tổng tài sản của NCB (NVB) đạt hơn 81.100 tỷ đồng, giảm 9,6% so với đầu năm. Dư nợ cho vay khách hàng tăng 2,6% lên hơn 41.300 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng giảm 3,7% xuống mức 69.501 tỷ đồng.

Tại thời điểm cuối tháng 9/2021, nợ xấu nội bảng của NCB là 800 tỷ, tăng 191 tỷ so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu tăng từ 1,51% lên 1,94%.

NHNN sẽ tăng thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng

NHNN cho biết, tín dụng toàn ngành ngân hàng tính đến ngày 7/10 tăng 7,42% so với đầu năm nay, cao hơn so với cùng kỳ năm 2020 (tăng 5,48%), nhưng không tăng so với cuối tháng 8/2021.

Để có thêm dư địa cho vay trong mùa cao điểm, nhất là những tháng cận Tết, nhiều ngân hàng đã được cấp thêm ‘room’ tín dụng trong thời gian gần đây, tập trung chủ yếu ở nhóm thương mại cổ phần.

CTCP Chứng khoán BIDV (BSC) cho biết, các ngân hàng được cấp mức tăng trưởng tín dụng cao nhất là Techcombank và TPBank với chỉ tiêu lần lượt là 17,1% và 17,4%.

BSC cho biết, hai nhà băng này được nới ‘room’ cao nhất do tỉ lệ an toàn vốn (CAR) theo Basel 2 ở mức cao, danh mục đầu tư rộng và không tập trung quá nhiều vào các ngành nghề rủi ro, có những cam kết hỗ trợ lãi suất trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, một loạt ngân hàng cũng được nới ‘room’ tín dụng trên 13%, bao gồm: LPB (13,1%), ACB (13,1%), VIB (14,1%), MBB (15%) và MSB (16%). Một số ngân hàng được nới ‘room’ từ 9,5 - 12,5% bao gồm: VCB (12,5%), VPB (12,1%), SHB (10,5%), STB (10,5%), OCB (10%), CTG (9,5%).

Việc nới room tín dụng phụ thuộc vào tình hình của các ngân hàng, mức độ rủi ro của danh mục tín dụng và mức độ hỗ trợ lãi suất.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, sẽ tăng thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng trong thời gian tới. Tuy nhiên, trong chỉ đạo, điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng, NHNN thực hiện đồng bộ các giải pháp khuyến khích dòng vốn tín dụng tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Chính phủ.

Đồng thời, NHNN kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro: bất động sản, chứng khoán, các dự án BOT, BT giao thông.

NHNN thường xuyên tăng cường thanh tra, giám sát, chỉ đạo TCTD tăng cường kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, đảm bảo an toàn hoạt động, kiểm soát sử dụng vốn vay đúng mục đích.

Link nội dung: https://vietnamindex.vn/buc-tranh-tin-dung-ngan-hang-tang-truong-sau-9-thang-dau-nam-a76920.html