Dự án Điện gió Amaccao Quảng Trị 1 do Công ty Cổ phần Điện gió Khe Sanh, một đơn vị thành viên của Tập đoàn Amaccao là chủ đầu tư khiến người dân bức xúc. Ảnh: Công Điền.
Hành vi thách thức pháp luật ở dự án điện gió
Theo tìm hiểu của Báo Nông nghiệp Việt Nam, Tập đoàn Amaccao (Amaccao Group) tiền thân là Công ty TNHH Xây dựng Amaccao E&C, được thành lập vào tháng 9/2015. Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm người đại diện theo pháp luật là ông Tô Văn Năm (sinh năm 1969). Với hệ sinh thái hàng chục doanh nghiệp trực thuộc, Tập đoàn Amaccao là chủ đầu tư rất nhiều dự án tại Hà Nội, Thái Nguyên, Hà Nam, Lai Châu, Quảng Trị… Mục tiêu của Amaccao là “Cống hiến giá trị để làm cho Việt Nam và thế giới ngày càng tươi đẹp hơn”, phấn đấu trở thành Tập đoàn kinh tế – kỹ thuật phát triển bền vững tại Việt Nam, trong đó đặt mục tiêu trở thành chuỗi cung ứng thiết bị ngành điện – nước, thiết bị chính xác, dịch vụ hàng tiêu dùng, giáo dục đào tạo, vật liệu xây dựng, thi công xây dựng và đầu tư bất động sản có vị thế nhất định tại Việt Nam…
Tuy nhiên thực tế lại chỉ ra, nhiều dự án của Amaccao đã dính hàng loạt những vi phạm, gây bức xúc trong nhân dân các địa phương. Điển hình như dự án Điện gió Amacao Quảng Trị 1 do Công ty Cổ phần Điện gió Khe Sanh, một đơn vị thành viên của Tập đoàn Amaccao là chủ đầu tư.
Giữa tháng 7/2021, Công ty Cổ phần Điện gió Khe Sanh được thuê hơn 97.000m2 đất đợt 1 tại xã Tân Liên và thị trấn Khe Sanh (huyện Hướng Hóa) trong tổng số hơn 22 ha để thực hiện dự án Nhà máy điện gió Amaccao Quảng Trị 1. Thông tin từ chính quyền cho biết, dự án này có công suất 49,2 MW với 12 trụ tua bin gió với tổng mức đầu tư dự kiến là 2.000 tỷ đồng. Dù chưa hoàn thiện thủ tục giải phóng mặt bằng, thủ tục thuê đất, đánh giá tác động môi trường nhưng chủ đầu tư đã ngang nhiên cắm trụ điện xuống đất canh tác, sản xuất của người dân địa phương khiến nông dân mất đất bức xúc và xẩy ra xô xát với đơn vị thi công.
Tại các xã Tân Liên, Hướng Lộc, người dân liên tục gửi đơn thư đến các cơ quan chức năng phản ánh việc trước khi được UBND tỉnh Quảng Trị có quyết định cho thuê đất, Công ty Cổ phần Điện gió Khe Sanh đã tiến hành thỏa thuận với người dân để thi công. Quá trình bồi thường giải phóng mặt bằng xảy ra những mâu thuẫn, thi công ảnh hưởng đến sản xuất của bà con, thậm chí người của đơn vị thi công còn xô xát với người dân khi bị họ đòi quyền lợi.
Dự án của Tập đoàn Amaccao gây ảnh hưởng đến đời sống sản xuất và xảy ra xô xát với người dân. Ảnh: Công Điền.
Về thủ tục pháp lý của dự án, tại Báo cáo thẩm định dự án lập ngày 30/11/2020, Sở Kế hoạch – Đầu tư tỉnh Quảng Trị thể hiện, dự án thuộc đối tượng lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, yêu cầu chủ đầu tư lập hồ sơ và trình Sở Tài nguyên – Môi trường Quảng Trị thẩm định trước khi cơ quan có thẩm quyền thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, báo cáo kinh tế kỹ thuật… Thực hiện dự án đúng Luật Đất đai, đảm bảo quy định khoảng cách an toàn theo quy định của Bộ Công thương: Công trình điện gió phải nằm cách xa khu dân cư ít nhất 300m. Giảm thiểu ảnh hưởng đến đời sống sản xuất, sinh hoạt của người dân trong vùng dự án…
Mặc dù vậy, nhiều quy định của tỉnh Quảng Trị đã bị Công ty Cổ phần Điện gió Khe Sanh phớt lờ, trong đó có việc xây dựng khi chưa hoàn thiện thủ tục thuê đất, tiền đề của việc xảy ra xô xát với người dân. Cơ quan chức năng ở tỉnh Quảng Trị vào cuộc rà soát và khẳng định: Cùng với các dự án Tài Tâm, Hoàng Hải, dự án Amaccao Quảng Trị 1 đã tiến hành thi công xây dựng công trình trên phần diện tích đất khi chưa hoàn thành thủ tục thuê đất. Điều này là vi phạm quy định của Luật Đất đai năm 2013 và Nghị định số 91/2019/NĐ-CP của Chính Phủ.
Về nguồn vốn thực hiện dự án cũng thể hiện nhiều vấn đề khuất tất. Theo Sở Tài Chính tỉnh Quảng Trị, Công ty Cổ phần Điện gió Khe Sanh được Sở Kế hoạch – Đầu tư tỉnh Quảng Trị cấp giấy chứng nhận đăng ký ngày 13/7/2020 với số vốn điều lệ là 400 tỷ đồng, Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật là ông Ngô Văn Trình (sinh năm 1983). 4 cổ đông sáng lập là Tập đoàn Amaccao (nắm giữ 50% vốn điều lệ), ông Lại Duy Nam (10%), ông Ngô Văn Trình (30%) và bà Nguyễn Thị Mùi (30%). Sau khi thành lập nửa tháng thì doanh nghiệp này đã có hồ sơ thực hiện dự án gửi Sở Kế hoạch – Đầu tư tỉnh Quảng Trị và không thể có báo cáo tài chính 2 năm gần nhất theo quy định của Luật Đầu tư.
Mặc dù vướng hàng loạt vi phạm nhưng theo công bố mới nhất của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, trong số 106 nhà máy điện gió với tổng công suất 5655,5 MW đăng ký thử nghiệm COD vẫn có tên dự án của Tập đoàn Amaccao.
Cần có hình thức xử lý đối với hành vi vi phạm của chủ đầu tư dự án điện gió Amaccao Quảng trị 1. Ảnh: Công Điền.
Tập đoàn Amaccao mạnh cỡ nào?
Ngoài lĩnh vực điện gió, một số đơn vị thành viên của Tập đoàn Amaccao còn để xảy ra nhiều vấn đề ở các dự án khác.
Mới đây nhất, vào đầu tháng 10/2021, Cơ quan chức năng tỉnh Lai Châu đang điều tra nguyên nhân vụ sập hầm thủy điện Nậm Củm 3 do Công ty Cổ phần Thủy điện Mường Tè thuộc Tập đoàn Amaccao làm chủ đầu tư, đơn vị thi công là Công ty Cổ phần Phát triển đầu tư xây dựng Việt Nam (Vinadic) cũng là một công ty con nằm trong hệ sinh thái hàng chục doanh nghiệp thuộc tập đoàn này.
Theo tìm hiểu của Báo Nông nghiệp Việt Nam, dự án nhà máy thủy điện Nậm Củm 3 (huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu) đang trong giai đoạn thi công có quy mô 45MW, tổng mức đầu tư 1.800 tỷ đồng. Đây là một trong 3 công trình thủy điện do Amaccao đầu tư trên địa bàn huyện Mường Tè tỉnh Lai Châu gồm: Nhà máy thủy điện Nậm Lần, quy mô 15MW, tổng mức đầu tư 600 tỷ đồng, Nhà máy thủy điện Nậm Củm 2, và Nậm Củm 3.
Về đơn vị thi công, Vinadic, thành viên Tập đoàn Amaccao, công ty này được thành lập vào tháng 11/2001, trụ sở chính đặt tại Khu công nghiệp Nguyên Khê, Đông Anh, Hà Nội. Trong năm 2018, Vinadic đã thực hiện 2 lần tăng vốn từ 500 tỷ đồng lên 1.130 tỷ đồng, trong đó Chủ tịch Hội đồng quản trị Tô Văn Năm là cổ đông lớn nhất góp hơn 1.116 tỷ đồng, tương đương với tỷ lệ sở hữu 98,78%.
Tập đoàn Amaccao giới thiệu các dự án tiêu biểu. Ảnh: Amaccao.
Cả Vinadic và Công ty Cổ phần Thủy điện Mường Tè đều nằm trong số hơn 20 đơn vị thành viên của Tập đoàn Amaccao, có trụ sở tại 689 Lạc Long Quân, Tây Hồ, Hà Nội. Theo những thông tin từ tập đoàn này họ sở hữu 5 cụm công nghiệp với 16 nhà máy đặt tại Hà Nội, Thái Nguyên, Hà Nam, Lai Châu và một loạt đơn vị thành viên hoạt động trong các lĩnh vực đầu tư (bất động sản, môi trường, năng lượng, giáo dục, xây dựng…). Những đơn vị thành viên đều là những pháp nhân độc lập, hoạt động kinh doanh và hạch toán kế toán độc lập và điều hành dưới chung một sự chỉ đạo của Chủ tịch Hội đồng quản trị Tô Văn Năm.
Những dữ liệu đã được công bố thể hiện, Amaccao có vốn điều lệ 1.200 tỷ đồng, ông Tô Văn Năm sở hữu 90% cổ phần, bà Tô Anh Minh sở hữu 9%, ông Tô Văn Nhật và bà Tô Thị Đường mỗi người nắm giữ 0,5% còn lại.
Ngoài những dự án nêu trên, Tập đoàn Amaccao còn liên quan đến thi công các dự án như: Dự án Khách sạn dân tộc (Số 349 Đội Cấn, phường Liễu Giai, quận Ba Đình, Hà Nội), Dự án Liên Thái Hà, Dự án Hải Giang Merry Land, Bệnh viện dã chiến Hoàng Mai Hà Nội, Dự án thu gom và xử lý nước thải Thành phố Vũng Tàu, Dự án nhà máy xử lý đốt rác phát điện Bà Rịa – Vũng Tàu, Dự án nhà máy điện rác Châu Can – Phú Xuyên, Dự án nhà máy điện rác Seraphin, Dự án nhà máy thủy điện Nậm Lằn…
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/nhung-du-an-coi-thuong-phap-luat-cua-tap-doan-amaccao-a77687.html