Chọn cổ phiếu nào cho quý IV?

“Rất phân hoá” là ý kiến của hầu hết các chuyên gia và nhà đầu tư lâu năm trên thị trường, nhưng đã có tín hiệu nhen nhóm những sóng ngành rất mạnh mẽ.

Ngân hàng vẫn là ưu tiên

Trong báo cáo chiến lược công bố đầu tháng 10, một số công ty chứng khoán có uy tín đều đưa ra nhận định tích cực rằng, cổ phiếu ngân hàng sau khi điều chỉnh giảm 20 - 30% từ đỉnh để về mặt bằng giá hợp lý hơn nên sau thời gian tích lũy sẽ tăng trở lại.

Những báo cáo này có ảnh hưởng đến thị trường khi một số cổ phiếu ngân hàng đã có mức tăng 5 - 7% từ vùng giá đáy tích lũy trong tuần đầu tháng 10.

Nhưng mức tăng không đồng đều và đà tăng đã sớm chùng xuống cho thấy thị trường đang được dẫn dắt bởi lực cầu của nhà đầu tư trong nước, còn ngần ngại với đà tăng của dòng cổ phiếu ngân hàng.

Chuyên gia Nguyễn Hồng Điệp, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn Đầu tư S-Talk chia sẻ, cổ phiếu ngân hàng vẫn được khối ngoại yêu thích vì các yếu tố nội tại. Các nhà băng hàng đầu như TCB, TPB, MBB, ACB, có chỉ số tài chính rất khả quan.

ROE trên 20%, P/B dưới 2,5, P/E quanh 15. Ngay cả vấn đề mà thị trường đang lo ngại nhất đối với dòng ngân hàng là nợ xấu thì một loạt ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu rất cao, trên 100%, có ngân hàng trên 200%. Theo ông Điệp, nợ khả năng mất vốn đã đưa về mức rất thấp.

Quý IV dù có những ý kiến cho rằng, khi ngân hàng giảm lãi suất cho vay, dẫn đến NIM bị ảnh hưởng phần nào, cộng với dịch bệnh đẩy nợ xấu tăng cao, phải trích lập dự phòng, làm giảm lợi nhuận.

Nhưng theo ông Điệp, những ý kiến chưa thể hiện đầy đủ bức tranh kết quả kinh doanh toàn dòng ngân hàng. Rất nhiều ngân hàng hầu như đã dự phòng trước, sẽ không bị ảnh hưởng gì. Ông Điệp kết luận rằng, ngân hàng vẫn là dòng cổ phiếu nên ưu tiên nắm giữ, nhất là vùng giá hiện nay khá hấp dẫn.

Giám đốc đầu tư của một công ty chứng khoán tại TP.HCM chia sẻ, nếu so sánh tương quan giữa biến động giá cổ phiếu so với tăng trưởng lợi nhuận của nhóm ngân hàng, thì giá cổ phiếu ngân hàng đã tăng bình quân trên 30%, trong khi lợi nhuận 9 tháng lại tăng trưởng trên 50% cho thấy định giá nhiều ngân hàng vẫn còn hấp dẫn dựa trên kết quả kinh doanh.

“Về mặt cơ hội, chúng tôi ưu tiên lựa chọn các ngân hàng có mức độ tăng trưởng tín dụng cao, chi phí hoạt động thấp, tỷ lệ bao phủ nợ xấu lớn và có nhiều điểm nhấn, ghi nhận thu nhập bất thường…, tiêu biểu như VCB, TCB, ACB, VPB”, vị này chia sẻ.

Nhiều ý kiến nhận định rằng, dòng cổ phiếu ngân hàng sẽ sớm hồi phục lại khi vượt qua giai đoạn hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất sau giãn cách chống dịch trong một hai tháng tới. Khi nền kinh tế phục hồi, sản xuất, tăng trưởng GDP trở lại thì nhóm ngân hàng vẫn có lợi thế hơn ở giai đoạn cuối năm.

5935-chon-co-phieu-2
 

Sóng lạm phát

Giá hàng hóa cơ bản tăng cao do đứt gẫy chuỗi cung ứng và vận tải toàn cầu đẩy lạm phát tăng cao ở nhiều nền kinh tế trên thế giới, khiến các ngân hàng trung ương phải tính đến giải pháp tăng lãi suất, giảm bơm tiền.

Nhưng tại Việt Nam, có sự lệch pha, khi đỉnh dịch trên thế giới đã đi qua từ 6 tháng trước thì Việt Nam mới chỉ vừa chấm dứt giãn cách xã hội ở mức độ cao, làm cho tổng cầu suy yếu, nên áp lực của nhập khẩu lạm phát, nhẹ đi nhiều.

CPI tháng 9/2021 giảm 0,62% so với tháng trước, CPI bình quân 9 tháng năm 2021 tăng 1,82% so với bình quân cùng kỳ năm 2020, vẫn đang cách xa so với mục tiêu của Chính phủ là 4%.

Chính bởi vậy, ông Bùi Văn Tốt, Giám đốc Đầu tư, Công ty TNHH Quản lý Qũy SSIAM nhận định lạm phát trong các tháng tới không có rủi ro tăng quá cao do nhu cầu tiêu dùng sẽ cần thời gian phục hồi.

Thực tế có thể được kiểm chứng tại TP.HCM khi hiện tại người dân vẫn rất hạn chế ra ngoài và đặc biệt là đến các nơi mua sắm đông người. Ngoài ra, vừa qua, Chính phủ cũng đã có một số biện pháp kịp thời như ban hành Thông báo 223/TB-VPCP để kiểm soát giá cả hàng hóa các tháng cuối năm.

Với việc lạm phát đang được kiểm soát tốt, Chính phủ sẽ có nhiều không gian hơn để duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng, hỗ trợ sự hồi phục của nền kinh tế sau đại dịch, qua đó, sẽ có những tác động tích cực lên thị trường chứng khoán, nên SSIAM vẫn tiếp tục duy trì tỷ trọng cao đối với cổ phiếu trong danh mục.

Chính sự lệch pha về nguy cơ lạm phát của nền kinh tế trong nước mở ra cơ hội đầu tư vào cổ phiếu được hưởng lợi. Sau DCM, cổ phiếu DPM tăng giá khá mạnh trong tuần trước và xuất hiện lệnh mua lớn khoảng 4 triệu cổ phiếu trong ngày thứ 5 được cho là của Quỹ đầu tư Dragon Capital.

Với đà tăng mạnh của giá phân bón, lợi nhuận của DPM được thị trường dự báo đạt 2.000 tỷ đồng cuối năm nay, tương đương EPS khoảng 5.000 đồng/cổ phiếu đưa giá cổ phiếu về định giá tốt theo P/E.

Hầu hết cổ phiếu ngành phân bón đều tăng tốt. Hay cổ phiếu HPG sau rất giai đoạn lình xình đang được kỳ vọng vượt mốc giá 60.000 đồng khi dự báo quý III lại đạt 10.000 tỷ đồng lợi nhuận, theo Chứng khoán HSC.

Các doanh nghiệp thép khác như TLH, PAS cũng tăng giá tốt… Cổ phiếu DGC được kỳ vọng lên 200.000 đồng/cổ phiếu khi hưởng lợi từ tăng giá phốt pho. Cổ phiếu gạo LTG đang được chú ý lại trong tuần qua vì P/E chỉ có hơn 6 lần trong giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đang tăng vượt cả Thái Lan.

Dòng tiền có xu hướng đầu tư vào các cổ phiếu hưởng lợi từ tăng giá nguyên liệu hàng hóa đầu vào, nhiều khi quên đi cả định giá cơ bản của cổ phiếu. Chẳng hạn như cổ phiếu GAS, dầu khí tăng cao chủ yếu nhờ sóng giá gas tăng trong khi định giá cổ phiếu theo P/E và P/E không hề thấp.

Trong bối cảnh giá nguyên vật liệu, hàng hóa cơ bản như thép, dầu, khí đốt, phân bón, than, xi măng, đá, cao su, đường, gạo... tăng cao, trên thị trường chứng khoán tạo ra những cơn sóng ngành là điều có thể hiểu được.

Chuyên gia Nguyễn Hồng Điệp nhìn nhận, nhà đầu tư cá nhân sẽ không thể dửng dưng với những cổ phiếu chu kỳ, thế nhưng, phải xác định đa số những ngành hàng này chỉ mang chu kỳ ngắn, có thể rớt giá bất cứ lúc nào. Nếu tham gia vào các loại cổ phiếu này, cần phải quan sát và nhanh nhạy trong việc nhìn ra xu hướng hàng hóa thế giới.

Tuy vậy, ông Điệp khuyến nghị, nhà đầu tư cá nhân cần chú ý khi đầu tư nhóm cổ phiếu này là, ngoài yếu tố giá có thể bất ngờ giảm trở lại, còn có yếu tố quan trọng hơn, là liệu việc tăng giá hàng hóa như thế, có tác động vào kết quả kinh doanh của doanh nghiệp hay không. Một điều nữa cũng không nên bỏ qua là đồ thị P/E của chính doanh nghiệp đó. Chỉ khi nào P/E ở vùng thấp thì đầu tư mới an toàn.

Bất động sản sẽ lên ngôi trở lại?

Sau các tháng giãn cách xã hội, Công ty cổ phần Đầu tư Nam Long (mã NLG) đang ráo riết chuẩn bị mở bán 3 dự án lớn. Giá cổ phiếu NLG tăng dần đều thời gian qua và tuần trước đã tăng vượt đỉnh 45.000 đồng/cổ phiếu.

Giới đầu tư kỳ vọng những công ty bất động sản bao gồm cả nhà ở và bất động sản khu công nghiệp đều hưởng lợi sau đại dịch vì giá nhà, giá tài sản tăng trong môi trường lãi suất thấp cũng như làn sóng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tăng lên khi việc chuyển đơn hàng và nhà máy sang Trung Quốc không đơn giản vì tình trạng thiếu điện.

Trong 1 tháng qua, các cổ phiếu sở hữu quỹ đất nhà ở lớn như NLG, TIG, IDC, DIG, KBC đều tăng rất tốt.

Diễn biến bất ngờ trong tuần trước là DIG đã có phiên tăng trần lên hơn 37.000 đồng/cổ phiếu sau khi giảm về dưới 30.000 đồng do cổ đông lớn bán cổ phiếu cho cổ đông nhỏ lẻ để mua cổ phần riêng lẻ với giá thấp hơn. Trên thị trường có tin đồn, DIG có thể về mức giá 60.000 đồng/cổ phiếu nhờ định giá lại tài sản là quỹ đất.

Việc cổ đông lớn IDC liên tục đăng ký mua vào hàng triệu cổ phiếu cũng cho thấy tín hiệu về đà tăng giá của cổ phiếu này sau đại hội cổ đông vừa qua, với kế hoạch phát triển hàng trăm héc-ta đất khu công nghiệp. Xét thị giá hiện nay thì KBC vẫn còn cách xa mặt bằng định giá 56.000 đồng/cổ phiếu của Công ty Chứng khoán Mirae Asset.

Hầu hết các cổ phiếu bất động sản lớn kể trên đều ghi nhận những tín hiệu về đà tăng sẽ tiếp tục trong trung hạn.

Đừng dễ dãi xuống tiền

Nhận định chung của các công ty chứng khoán hiện nay là mặt bằng giá cổ phiếu ở mức hợp lý, không cao nhưng cũng không rẻ, phù hợp đầu tư trung hạn trong bối cảnh kỳ vọng kinh tế Việt Nam phục hồi, tăng trưởng GDP dự báo cao trong quý IV nên vẫn có thể hy vọng thị trường tiếp tục đi lên.

“Cách đi lên có thể sẽ khác, không còn hào hùng như thời điểm cuối năm 2020, nhưng nếu có phương pháp tốt, vẫn sẽ đạt được tỷ suất lợi nhuận mong muốn. Sẽ có nhiều thời điểm điều chỉnh hay tích lũy đi ngang. Việc lựa chọn "điểm vào" lúc này vô cùng quan trọng”, ông Điệp nói.

Ông Tốt có cùng quan điểm, hiện tại, đang có những cơ hội và rủi ro đan xen, xác suất có được lợi nhuận dễ dàng như giai đoạn trước thấp hơn. Do đó, việc đi sâu vào đánh giá bản chất doanh nghiệp rất quan trọng.

SSIAM cho rằng, nên ưu tiên lựa chọn cổ phiếu có triển vọng tốt trong năm 2022, định giá hợp lý, các công ty có dòng tiền dồi dào và tỷ lệ cổ tức cao là điểm cộng. Ngoài ra, nên tránh những cổ phiếu đã tăng quá nóng trong khi chưa có những chuyển biến thực sự về mặt cơ bản doanh nghiệp. Bên cạnh đó, nên có các biện pháp phòng ngừa rủi ro khi thị trường có những chuyển biến xấu.

SSIAM luôn tìm kiếm các doanh nghiệp tốt nhất của mỗi ngành và vì phân bổ vào nhiều ngành khác nhau nên vẫn có nhiều sự lựa chọn. Đối với nhà đầu tư cá nhân, danh mục thường sẽ ít cổ phiếu hơn của quỹ. Nên có thể tập trung phân bổ vào các nhóm ngành nhất định đang được hưởng lợi.

Ông Tốt tiết lộ, cho 6 tháng tới, với việc mở cửa trở lại và đẩy mạnh đầu tư công là khá rõ ràng, SSIAM sẽ tiếp tục phân bổ nhiều hơn vào các nhóm ngành như vật liệu xây dựng, bán lẻ, công nghệ, bất động sản và các cổ phiếu hưởng lợi từ giá cả hàng hóa tăng như đường, phân bón hoặc thép.

Việc tác động lan tỏa theo ngành luôn tồn tại, nhưng mạnh nhất chỉ ở những doanh nghiệp đầu ngành nên nhà đầu tư nên lựa chọn những doanh nghiệp mạnh nhất để đầu an toàn và hiệu quả.

Ông Trần Văn Khoa, Nhà đầu tư chuyên nghiệp tại Hà Nội

Thị trường hiện vẫn giao dịch ở vùng cản với lượng cung tiềm năng từ các nhà đầu tư mua giai đoạn trước đó tương đối lớn. Trong khi dòng tiền lớn chưa nhập cuộc thì sẽ khiến thị trường khó bứt lên. Dịch bệnh đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế, nhưng cũng có nhiều ngành, doanh nghiệp hưởng lợi và nếu nhận diện được thì đây sẽ là những cổ phiếu có sức phòng thủ tốt nhất trong giai đoạn hiện tại.

Tôi sẽ ưu tiên nắm giữ cổ phiếu đầu ngành, ít bị ảnh hưởng bởi giãn cách xã hội và nằm trong các ngành nghề triển vọng trung dài hạn như nhóm khu công nghiệp, bất động sản, công nghệ, logistics, cảng biển.

Bên cạnh đó, chính sách tài khoá, tiền tệ khả năng cao tiếp tục sẽ nới lỏng để hỗ trợ nền kinh tế, do vậy, nhóm hưởng lợi từ đầu tư công, nhóm chứng khoán cũng phù hợp để giải ngân và nắm giữ. Các cổ phiếu penny hoặc nhóm có diễn biến giá bất thường, thì cần đánh giá kỹ về mức định giá để ra quyết định, kiên quyết bán những cổ phiếu có chất lượng tài sản kém và có yếu tố đầu cơ cao.

Ông Andy Ho, Giám đốc điều hành kiêm Trưởng bộ phận Đầu tư Tập đoàn VinaCapital

5809-andy-ho
 

Có một số lý do khiến các nhà quản lý quỹ phân bổ tỷ trọng cao cho các cổ phiếu trong chỉ số VN30 và cổ phiếu ngân hàng trong các năm vừa qua.

Các cổ phiếu trong chỉ số VN30 được HOSE lựa chọn và xem xét lại định kỳ 6 tháng 1 lần, hầu hết là các công ty đáp ứng các tiêu chí về giá trị vốn hóa, tỷ lệ tự do chuyển nhượng (free float) và thanh khoản giao dịch hàng ngày.

Bên cạnh đó, đầu tư vào cổ phiếu ngân hàng cũng luôn là một trong những lựa chọn tốt cho các nhà quản lý quỹ vì trong những năm vừa qua, hầu hết các cổ phiếu ngân hàng đều có tốc độ tăng trưởng lợi nhuận cao, chiếm tỷ trọng lớn trong chỉ số VN-Index (hơn 30%) với thanh khoản cao. Bên cạnh đó, ngân hàng cũng là một lĩnh vực quan trọng với vai trò cung cấp vốn để phát triển các ngành kinh tế khác tại Việt Nam.

Ông Trần Đình Phong, Giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ và đầu tư 584.7

Đầu quý III, tôi đã bán hết danh mục của mình với nhận định thị trường đã tăng giá quá cao, nhiều cổ phiếu đã tăng quá ảo. Thông tin tốt đã hết, trước mắt chỉ còn thông tin quý III không tích cực. Tôi dự đoán quý IV, khi mọi thứ ổn sẽ quay lại thị trường nhưng mọi thứ không theo đúng tính toán của mình vì thị trường không giảm mạnh.

Tôi bán cổ phiếu so với mức giá bây giờ mất lời cả 10 tỷ đồng. Tuần trước, tôi đã bắt đầu giải ngân trở lại để đón đầu tăng trưởng của tất cả các ngành đều hồi phục hậu giãn cách.

Tuy nhiên, tôi cũng chọn những cổ phiếu mà định giá còn rẻ hơn các cổ phiếu khác trong ngành theo đánh giá của tôi như TLH, SMC hay DXG. Dù có những lùm xùm trước đó nhưng cổ phiếu này chưa tăng và kỳ vọng cuối năm nếu gỡ được thủ tục những dự án đang vướng thì sẽ tốt lên. Chứng khoán tôi mua SSI vì cổ phiếu cũng giảm khá và quý III cũng như quý IV lợi nhuận tốt.

Tôi nhận thấy thị trường hiện tại chi phối bởi nhà đầu tư F0 vì nhiều người bạn gián đoạn quan hệ với tôi nhiều năm nay thấy liên hệ lại hỏi đầu tư mua cổ phiếu nào. Họ chỉ kỳ vọng lợi nhuận 10% hay 20%, thậm chí 5%, cộng thêm lãi từ margin đã rất hài lòng.

Quả thực lúc này đầu tư thu lời dù 5 hay 10% trong vài ba tháng trên thị trường chứng khoán là quá tốt khi nhìn sang các kênh đầu tư khác nên F0 sẽ không bỏ thị trường.

Tôi cũng không quá quan tâm cổ phiếu bluechip hay cổ phiếu nhỏ mà chỉ quan tâm dòng tiền vào cổ phiếu nào vì thanh khoản nhiều cổ phiếu vừa và nhỏ đột biến tăng cao nhanh chóng, miễn là nó được khuyến nghị.

Ông Nguyễn Hữu Bình, Giám đốc Đầu tư, CTCP Bảo hiểm Sài Gòn – Hà Nội

5858-nguyen-huu-binh
 

Ở thời điểm hiện tại, nhóm doanh nghiệp, ngành hưởng lợi từ biến động giá nguyên liệu của thế giới và tại Việt Nam đang có ưu thế hơn.

Đơn cử, nhìn từ thị trường Trung Quốc, thiếu điện đang gây ra nhiều vấn đề và câu hỏi là Việt Nam hưởng lợi gì từ diễn biến này, từ đó, chúng ta sẽ tìm ra những doanh nghiệp có cơ hội từ hiệu ứng này. Hoặc tình huống Việt Nam có gói kích cầu hay không? Nếu có thì điều gì sẽ xảy ra, nhóm ngành nào sẽ hưởng lợi?

Nhìn chung, Việt Nam sẽ cố gắng thúc đẩy tăng trưởng và những công cụ có sẵn luôn là vũ khí được sử dụng trước như thúc đẩy hoạt động xuất khẩu, tận dụng cơ hội khi nhiều nước đang chưa thể quay lại sản xuất do dịch.

Các nhóm ngành phân đạm, thép, bán lẻ, logistics dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng trong quý này, trong khi các nhóm ngành khác như dầu khí, dệt may, bất động sản, khu công nghiệp, vật liệu xây dựng dự báo sẽ hồi phục mạnh từ quý IV trở đi.

 

 

 

 

Link nội dung: https://vietnamindex.vn/chon-co-phieu-nao-cho-quy-iv-a77701.html