Ngày 19/10, Bộ Y tế Israel xác nhận nước này có ca nhiễm biến chủng AY.4.2 đầu tiên. Tiếp đó, tờ New York Post ngày 21/10 đưa tin biến chủng AY.4.2 được phát hiện tại Mỹ sau khi lây lan tại Anh và một số nước châu Âu. Ngoài châu Âu, Israel và Anh, Canada, Astralia, Nhật Bản, Đan Mạch, đã phát hiện các ca nhiễm biến chủng mới.
Cũng trong ngày 21/10, Hãng tin Tass cho biết Nga đã ghi nhận một số ca mắc biến thể AY.4.2. Chuyên gia Kamil Khafizov đến từ Viện Nghiên cứu dịch tễ trung ương Nga lưu ý sự xuất hiện biến thể mới có khả năng làm trầm trọng thêm tình hình dịch bệnh ở nước này.
Ngay sau khi phát hiện ca đầu tiên nhiễm biến thể phụ của chủng Delta AY.4.2 tại sân bay quốc tế Ben Gurion, ngoại ô Tel Aviv từ một cậu bé vừa về nước từ Moldova, Bộ Y tế Israel đang tiến hành điều tra dịch tễ học và theo dõi tất cả các biến thể của SARS-CoV-2 đã xuất hiện tại nước này. Thủ tướng Bennett yêu cầu tăng cường điều tra dịch tễ đối với biến thể phụ, yêu cầu liên lạc chặt chẽ với các nước đã phát hiện biến thể phụ này. Theo ông Bennett, Israel sẽ cân nhắc thay đổi các yêu cầu nhập cảnh đối với du khách.
Báo cáo của Cơ quan An ninh y tế Anh chỉ ra biến thể AY.4.2 chiếm khoảng 6% số ca nhiễm được phân tích trong tuần bắt đầu từ ngày 27/9/2021 và biến thể này "đang trên một quỹ đạo tăng dần" ở Anh. Theo kênh CNBC, vẫn còn nhiều điều chưa biết xung quanh biến thể AY.4.2. Các quan chức y tế của Chính phủ Anh cho biết còn quá sớm để nói liệu biến thể này có gây ra rủi ro lớn hơn cho sức khỏe cộng đồng so với biến thể Delta hay không.
Tại Australia, Trưởng ban Y tế Paul Kelly cho hay biến chủng mới đang được theo dõi sát sao tại nước này, sau khi xuất hiện tại Anh và một số nước khác như Mỹ, Đan Mạch và Israel. “Chúng tôi tiếp tục theo dõi sát sao tình hình quốc tế về virus này và xem có thể xuất hiện biến chủng nào”, Giáo sư Kelly cho biết.
"Biến thể Delta đã khiến tỉ lệ mắc bệnh gia tăng nghiêm trọng. Giờ đây biến thể AY.4.2 có khả năng là động lực gia tăng thêm ca bệnh Covid-19," chuyên gia Nga Kamil Khafizov đánh giá. "Biến chủng này có lẽ sẽ dần thay thế chủng Delta, nhưng điều này khó có thể xảy ra sớm".
Một số nhà khoa học theo dõi virus SARS-CoV-2 cảnh báo AY.4.2 có thể lây truyền nhiều hơn từ 10 đến 15% so với biến thể Delta ban đầu đồng thời bày tỏ hy vọng chủng này có thể được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nâng lên thành "biến thể cần quan tâm".
AY.4.2 là một trong 45 dòng phụ của biến thể Delta đã được ghi nhận trên toàn cầu. Được xác định lần đầu vào tháng 7/2021, biến thể AY.4.2 chứa 2 đột biến trong protein gai là A222V và Y145H. Theo tạp chí Newsweek (Mỹ), đến nay biến thể AY.4.2 đã được phát hiện ở ít nhất 27 nước.
“Cả hai đột biến Y145H và A222V đã được tìm thấy ở nhiều chủng SARS-CoV-2 khác kể từ khi bắt đầu đại dịch, nhưng vẫn ở tần suất thấp cho đến thời điểm hiện tại," Giáo sư Francois Balloux, Giám đốc Viện Di truyền Đại học London, cho biết. Ông cũng nói rằng, chưa rõ nguyên nhân những đột biến này có thể làm cho biến thể Delta dễ lây nhiễm hơn bởi cả 2 đều không phải là ứng viên rõ ràng có thể làm tăng khả năng lây nhiễm. Hai đột biến này cũng chưa từng được phát hiện trong bất kỳ biến thể đáng lo ngại nào.
Ravi Gupta, Giáo sư vi sinh lâm sàng tại Đại học Cambridge, cho biết các đột biến tương tự dường như chỉ có tác động khiêm tốn đến sự liên kết giữa kháng thể và virus. Theo ông, cần phải phân tích thêm các đột biến này để hiểu đầy đủ cách AY.4.2 hoạt động. “Điều mà Delta đã dạy chúng ta là thường không thể dự đoán được tác động của các đột biến. Nhưng chỉ nhìn vào chúng, tôi không nghĩ chúng là những thứ mà tôi sẽ lo lắng," Giáo sư Gupta tỏ ra tin tưởng.
Trong khi đó, BBC dẫn lời Cố vấn cấp cao Bruce Aylward của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 21/10 cho biết, tuy đã có vaccine hiệu quả cao nhưng đại dịch có thể kéo dài sang năm 2022 vì các nước nghèo không có đủ vaccine. Chưa đến 5% dân số châu Phi được tiêm ngừa Covid-19.
Đồng thời, các nước có tỷ lệ tiêm chủng cao cũng không nên chủ quan. Anh đã tiêm 2 liều cho khoảng 67,7% dân số nhưng nước này báo cáo gần 50.000 ca bệnh mới trong ngày 18/10, mức cao nhất trong 3 tháng qua. Theo tờ The Telegraph, tình trạng này do Anh đã dỡ bỏ hầu hết biện pháp hạn chế. Bộ trưởng Y tế Sajid Javid cảnh báo Anh có thể ghi nhận đến 100.000 ca bệnh mới mỗi ngày nếu tình hình tiếp diễn.
CNBC đưa tin WHO cũng kêu gọi các nước châu Âu khác cẩn trọng vì số ca nhiễm ở châu lục này đã tăng lên trong 3 tuần liên tiếp. Với việc nhiệt độ thấp dần và người dân tăng cường đi lại trong mùa lễ hội, châu Âu có thể sẽ phải tiếp tục trải qua một “mùa đông Covid-19”.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/nhieu-nuoc-lo-ngai-ve-bien-the-phu-nguy-hiem-cua-chung-delta-a78395.html