Sở Giao dịch chứng khoán Tp.HCM (HOSE) vừa có quyết định chuyển cổ phiếu của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam - Công ty Cổ phần (HOSE: HVN) từ diện cảnh báo sang diện kiểm soát kể từ ngày 3/11/2021.
Lý do là lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ 6 tháng đầu năm 2021 của Vietnam Airlines âm 8.458 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 30/6/2021 là âm 17.808 tỷ đồng, vượt quá vốn điều lệ thực góp tại thời điểm công bố báo cáo tài chính bán niên năm 2021.
Theo HOSE, trường hợp trên của Vietnam Airlines thuộc diện chứng khoán bị kiểm soát theo quy định của pháp luật.
HOSE cũng cho biết cổ phiếu HVN sẽ bị hạn chế về thời gian giao dịch, chỉ được giao dịch vào phiên chiều của ngày giao dịch theo phương thức khớp lệnh và thỏa thuận.
Tình hình kinh doanh kém khả quan từ khi có dịch Covid-19 đã khiến cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines bị đưa vào diện cảnh báo từ ngày 15/4/2021. Lý do được đưa ra là lợi nhuận sau thuế của cổ đông Vietnam Airlines năm 2020 là âm 10.927 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 31/12/2020 là âm 9.327 tỷ đồng, thuộc trường hợp chứng khoán bị cảnh báo tại HoSE.
Ngày 26/9 vừa qua, Vietnam Airlines đã gửi kiến nghị đến Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại hội nghị trực tuyến của Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp để đề xuất hàng loạt ưu đãi có phần đặc biệt đối với doanh nghiệp này. Đáng chú ý là đề xuất cho doanh nghiệp này là trường hợp đặc biệt được duy trì niêm yết cổ phiếu trên sàn giao dịch chứng khoán HOSE trong giai đoạn ngắn có thể âm vốn chủ sở hữu.
Tuy nhiên, đề xuất nàyđã vấp phải nhiều ý kiến phản đối của các chuyên gia vì gây ra tình trạng không công bằng, trái với quy định chung của pháp luật.
Vào cuối tháng 9, Vietnam Airlines đã tuyên bố thoát âm vốn chủ sở hữu sau khi phát hành 796,1 triệu cổ phiếu cho 27.627 cổ đông. Tổng số tiền thu được là hơn 7.961 tỷ đồng. Sau đợt phát hành này, vốn điều lệ của Vietnam Airlines đã tăng lên hơn 22.100 tỷ đồng.
Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Lê Hồng Hà - Tổng Giám đốc Vietnam Airlines cho biết: "Với kết quả này, Vietnam Airlines đã được bổ sung đáng kể nguồn vốn và dòng tiền, các chỉ số tài chính được cải thiện đảm bảo đáp ứng các điều kiện niêm yết trên sàn chứng khoán HOSE".
"Nguồn tiền có được từ phát hành cổ phiếu tăng vốn được sử dụng cho việc bổ sung vốn lưu động, hỗ trợ thanh khoản để thanh toán các khoản vay đến hạn trả, các khoản nợ quá hạn và dự phòng trong trường hợp dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp", ông Lê Hồng Hà Nói thêm.
Để chuẩn bị cho năm 2022, theo ông Lê Hồng Hà, Vietnam Airlines đã xây dựng dự báo mức độ phục hồi thị trường theo ba kịch bản cao, trung bình, thấp nhằm chủ động các phương án điều hành sản xuất kinh doanh. "Trong đó, kịch bản lạc quan là dịch bệnh được kiểm soát tốt, không có đợt bùng phát dịch diện rộng và kịch bản xấu là có biến chủng mới, tình hình dịch phức tạp như đợt bùng phát dịch từ tháng 4 vừa qua", ông nói.
"Với tốc độ phủ rộng tiêm vaccine, các biện pháp phòng chống dịch hiệu quả của Chính phủ và các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, chúng tôi tin tưởng cầu hàng không nội địa sẽ sớm khôi phục và ngành hàng không sẽ sớm phục hồi, tăng trưởng trở lại", Tổng Giám đốc Hãng hàng không Vietnam Airlines nhấn mạnh.
Giá cổ phiếu HVN trên thị trường chứng khoán kết thúc phiên ngày 27/10 đạt mức 25.650 đồng/cổ phiếu. Giá trị vốn hóa thị trường ước tính hơn 36.300 tỷ đồng.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/vietnam-airlines-lo-am-von-chu-co-phieu-vao-dien-kiem-soat-a79832.html