Từ 1/10 đến nay, TP.HCM hầu như không nới lỏng thêm dịch vụ nào đến khi có quyết định cho phép ăn uống tại chỗ được ban hành. Đáng chú ý, trong quyết định này, thành phố cho phép thí điểm sử dụng đồ uống có cồn tại quận 7 và TP Thủ Đức.
Một số chuyên gia bày tỏ băn khoăn về phương pháp thí điểm này của thành phố làm tăng khả năng lây nhiễm.
Trước nhiều quan điểm khác nhau, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho hay trách nhiệm của chủ cơ sở và địa phương là quản lý và đảm bảo thực hiện đúng quy định an toàn phòng, chống dịch do thành phố đặt ra.
"Càng trộn lẫn, nguy cơ càng cao"
PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng, Đại học Y dược TP.HCM, cho rằng việc thí điểm bán đồ uống có cồn tại 2 địa bàn này có 2 vấn đề.
Thứ nhất, bản thân người dân tại quận 7, TP Thủ Đức vốn đã có nhu cầu "nhậu", nếu thêm người từ nơi khác dồn đến sẽ có nguy cơ làm tăng mật độ các hàng quán, tăng nguy cơ tụ tập.
Thứ hai, việc tăng tiếp xúc của người dân giữa các vùng nguy cơ sẽ làm sự lây lan (nếu có) phức tạp hơn. Cụ thể, nếu người ở vùng cấp độ 3 (quận Bình Tân) tới vùng cấp độ 1 để ăn uống thì sẽ làm tăng nguy cơ cho nơi cấp độ 1. Càng trộn lẫn các khu vực nguy cơ thì khả năng lây lan càng nhiều.
"Về nguyên tắc, khi đã chấp nhận phân tầng nguy cơ thì các biện pháp cũng phải phân tầng", ông Dũng nêu quan điểm.
Chuyên gia cho rằng nếu TP.HCM đã cấm hàng quán sử dụng đồ uống có cồn thì nên cấm toàn thành phố; hoặc ngược lại.
"Nếu ổn thì sẽ tiếp tục mở ra ở những địa bàn có nhu cầu"
Trao đổi với Zing, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho rằng người dân sẽ không thể dồn hết vào một điểm bán rượu, bia. Thay vào đó, mỗi cơ sở, điểm bán sẽ có công suất nhất định, 10 hoặc 20 người và chỉ sử dụng được 50% công suất.
Chủ cơ sở, điểm bán và địa phương có trách nhiệm quản lý. Cái gốc vẫn là người chủ mở ra bán phải đảm bảo an toàn phòng, chống dịch.
Về lý do thành phố chưa mở rộng kinh doanh thức uống có cồn ở nhiều địa bàn có dịch cấp độ 1 khác, ông Mãi cho biết thành phố cần quan sát thực tiễn đến 15/11 để tiếp tục. "Nếu tình hình có tốt như thế này, cải thiện thêm thì hoạt động này sẽ được mở ra", lãnh đạo TP.HCM nói.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi. Ảnh: Thư Trần.
Lãnh đạo TP cho biết trong quá trình thí điểm đến 15/11, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức và quận 7 phải theo dõi, đánh giá tình hình. "Ngoài ra, Ban chỉ đạo TP cũng có đánh giá và sơ kết, rút kinh nghiệm để tính tiếp, nếu ổn thì sẽ tiếp tục mở ra ở những địa bàn có nhu cầu, an toàn", Chủ tịch Phan Văn Mãi nói thêm.
"Chúng ta chưa an toàn"
Đại biểu quốc hội TP.HCM Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban quản lý An toàn Thực phẩm, nhận định việc thành phố mở cửa là tất yếu. Tuy nhiên trong tiến trình mở cửa, cơ quan quản lý Nhà nước và TP cần nghiên cứu để làm sao việc mở cửa không phủ định tất cả công sức chống dịch trước đây.
Trước tiên, chúng ta cần hạn chế những điều kiện có nguy cơ lây lan lớn. Sau thời gian sơ kết, tổng kết, thành phố thực hiện rút kinh nghiệm ra sao thì các hoạt động sẽ còn được nới lỏng hơn nữa.
Đối với băn khoăn của các hàng quán về tiêu chí chỉ bán đến 21h hay chỉ TP Thủ Đức và quận 7 được thí điểm bán rượu bia, thức uống có cồn, bà Lan cho biết điều này nhằm đảm bảo mục tiêu là mở cửa từng bước, tránh trường hợp người dân quá phấn khích sau thời gian dài không được giao lưu. Từ đó, rượu vào dễ dẫn đến hành vi mất kiểm soát, tăng nguy cơ lây nhiễm.
Theo bà Lan, nếu để dịch vùng phát trở lại do TP mở cửa quá thoáng sẽ là điều rất đáng tiếc. Để người dân đảm bảo tuân thủ theo quy định, nhiệm vụ của cơ quan chức năng như Ban quản lý An toàn Thực phẩm, Sở Công Thương, Sở Y tế, Sở Thông tin và Truyền thông sẽ có hướng dẫn và tuyên truyền. Mặc khác, lực lượng địa phương cũng có kiểm tra đôn đốc, nhắc nhở, giám sát và xử phạt.
Trong quản lý giám sát, lực lượng chức năng không thể xử phạt tất cả trường hợp vi phạm, tuy nhiên những người vi phạm bị xử lý sẽ đem lại tính răn đe.
Bà Lan cho rằng điều quan trọng nhất không phải xử phạt như thế nào mà là ý thức của người dân.
Theo bà, thành phố đang đứng ở thế băn khoăn có mở cửa không?! Câu trả lời là phải mở để phục hồi kinh tế và đáp ứng nhu cầu người dân. Thế nhưng, nghịch lý ở chỗ một mặt TP muốn mở cửa, mặt khác lại không muốn khách tập trung đông. Tuy nhiên thành phố không thể tìm ra giải pháp tất cả đều hài lòng.
"Để đạt được việc đó, TP cần những giai đoạn chuyển tiếp. Dù hiểu rượu bia, không khí giao lưu cũng là nhu cầu của nhiều người sau khoảng thời gian dài. Nhưng hiện giờ chúng ta vẫn chưa an toàn", bà Lan nói.
Bà Lan nhận định môi trường quán ăn thường là môi trường kín và nhiều nguy cơ. Thông điệp 5K chỉ có thể áp dụng ngoài đường, còn khi đã vào quán ăn, người dân sẽ phải mở khẩu trang để ăn. Ngồi ăn cũng không thể không nói chuyện. Do đó, khi vào quán ăn, uống, các biện pháp bảo vệ sẽ bị giảm đi.
"Do đó, thành phố tìm những hạn chế khác như không uống rượu bia, giảm số lượng phục vụ 50% công suất. Việc giám sát xử phạt sẽ là của các phường, lực lượng chức năng sở, ngành", bà Lan cho biết.
Trao đổi với báo chí bên lề kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XV, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết sau gần một tháng mở cửa trở lại, tình hình về dịch vẫn trong kiểm soát. Các quận huyện đang sở tổng kết để rút ra bài học, củng cố lại hệ thống nguồn lực, dần mở lại các hoạt động sản xuất, dịch vụ tập trung.
Tính đến nay, tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn mở lại trên 93%, số công nhân quay trở lại trung bình trên 70%.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/vi-sao-tphcm-chi-thi-diem-ban-do-uong-co-con-o-2-dia-ban-a79835.html