Báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2021 của nhóm ngân hàng quốc doanh (Vietcombank, VietinBank, BIDV) cho thấy cả 3 nhà băng này vẫn ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận 2 con số sau 9 tháng đầu năm nay. Tuy nhiên, diễn biến lợi nhuận riêng quý III của nhóm ngân hàng này lại cho thấy xu hướng trái ngược so với quý liền trước.
Cụ thể, trong quý II trước đó, BIDV là đại diện duy nhất có được đà tăng trưởng lợi nhuận so với cùng kỳ, trong khi cả VietinBank và Vietcombank đều cho thấy sự đi xuống ở chỉ tiêu này.
Đến quý III vừa qua, gió đã đổi chiều khi BIDV lại là ngân hàng duy nhất bị suy giảm lợi nhuận so với quý III/2020.
BIDV từng là ngân hàng quốc doanh niêm yết duy nhất có tăng trưởng lợi nhuận dương trong quý II. Ảnh: Hoàng Hà.
Lợi nhuận BIDV sụt giảm
Theo báo cáo tài chính quý III của BIDV, ngân hàng này vẫn ghi nhận tăng trưởng mạnh ở chỉ tiêu doanh thu với 15.247 tỷ đồng, cao hơn 23% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tăng trưởng ghi nhận ở hầu hết mảng kinh doanh chính của nhà băng, bao gồm thu nhập lãi thuần tăng 33%, mang về 12.205 tỷ; dịch vụ tăng 17%; kinh doanh ngoại hối tăng 4%...
Tuy vậy, quý vừa qua không phải giai đoạn tích cực với hoạt động đầu tư chứng khoán của BIDV, khi cả mảng chứng khoán kinh doanh và chứng khoán đầu tư đều sụt giảm.
Trong đó, mảng chứng khoán kinh doanh của BIDV lỗ thuần 2,4 tỷ đồng trong quý III năm nay (cùng kỳ lãi 58 tỷ). Tương tự, thu từ mua bán chứng khoán đầu tư cũng giảm hơn một nửa, đạt 151 tỷ đồng.
Nhưng nhờ việc tăng ròng hơn 3.000 tỷ đồng ở chỉ tiêu thu nhập lãi thuần mà BIDV vẫn thu về khoản lãi thuần trước dự phòng rủi ro tín dụng gần 10.200 tỷ, tăng tương ứng hơn 20%.
Tuy nhiên, với việc phải chi hơn 7.500 tỷ đồng cho chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, tăng hơn 30% so với cùng kỳ, lợi nhuận trước thuế BIDV thu về được trong quý III năm nay chỉ ở mức 2.674 tỷ đồng, giảm 1%.
Tương tự, lợi nhuận ròng sau khi trừ thuế thu nhập doanh nghiệp ngân hàng này ghi nhận được cũng giảm 2%, đạt 2.122 tỷ đồng.
Tính chung 9 tháng, BIDV đạt tổng cộng 47.144 tỷ đồng doanh thu và lãi trước thuế 10.733 tỷ, vẫn tăng lần lượt 36% và 52% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là kết quả kinh doanh 9 tháng tốt nhất trong lịch sử hoạt động của ngân hàng này.
So với kế hoạch lãi 13.000 tỷ đồng cả năm 2021, BIDV đã thực hiện được 83% sau 3/4 năm tài chính.
Dù vậy, với khoản lãi sụt giảm trong quý III vừa qua, BIDV đã trở thành ngân hàng duy nhất trong nhóm quốc doanh có lợi nhuận tăng trưởng âm trong quý, đồng thời là đơn vị có mức lãi thấp nhất nhóm.
Ngược lại, lợi nhuận trước thuế quý III tại Vietcombank và VietinBank lần lượt là 5.738 tỷ và 3.061 tỷ đồng, tăng tương ứng 15% và 5%.
Vì sao gió đổi chiều?
Theo báo cáo tài chính của BIDV, tính đến cuối quý III, ngân hàng có tổng tài sản gần 1,69 triệu tỷ đồng, tăng 11% so với đầu năm. Trong đó, số dư tiền gửi khách hàng đạt gần 1,31 triệu tỷ, tăng 7%.
Đáng chú ý, số dư cho vay khách hàng tại BIDV đến cuối tháng 9 đã đạt gần 1,33 triệu tỷ, tăng 2,4% so với cuối quý II và cao hơn 9% so với đầu năm.
Như vậy, tăng trưởng cho vay riêng quý III của BIDV đã cao hơn so với cả Vietcombank và VietinBank, lần lượt ở mức 1,6% và 0,75%.
Đây là lý do giúp tăng trưởng thu nhập lãi thuần của BIDV lên tới 33%, cao hơn nhiều so với Vietcombank ở mức 20% và VietinBank ở 9%.
Tuy nhiên, nguyên nhân khiến BIDV từ ngân hàng có tăng trưởng lãi thuần quý III cao hơn nhiều so với 2 nhà băng còn lại, chuyển thành ngân hàng có tăng trưởng lãi trước thuế âm chính là khoản chi phí dự phòng rủi ro tín dụng quá lớn.
Theo đó, trong khi Vietcombank chỉ phải chi ra 2.500 tỷ và VietinBank chi khoảng 5.550 tỷ đồng cho chi phí dự phòng rủi ro tín dụng quý III, thì BIDV phải chi tới 7.500 tỷ, cao gấp 3 lần Vietcombank và gấp rưỡi VietinBank.
Chính khoản chi phí quá lớn này đã bào mòn lợi nhuận của BIDV trong quý III và khiến chỉ tiêu này sụt giảm so với cùng kỳ năm 2020.
Tính trong 9 tháng đầu năm nay, số tiền BIDV phải chi ra cho khoản dự phòng này lên tới gần 23.200 tỷ, cao gấp đôi mức lãi trước thuế ngân hàng thu về được cùng giai đoạn.
Trong khi đó, số chi tương ứng của VietinBank là 14.000 tỷ, tương đương mức lãi trước thuế 9 tháng là gần 13.911 tỷ đồng. Số chi tại Vietcombank là 8.000 tỷ, chưa bằng 1/2 số lợi nhuận trước thuế 19.311 tỷ đồng ngân hàng ghi nhận được.
Thực tế, trong những năm gần đây, BIDV luôn là ngân hàng có doanh thu lớn nhất hệ thống, tuy nhiên, chính khoản chi phí dự phòng rủi ro tín dụng quá cao khiến nhà băng này thường xuyên nằm ngoài nhóm 3 ngân hàng có lợi nhuận cao nhất.
Số chi dự phòng kể trên có nguyên nhân từ việc BIDV cũng là nhà băng có số dư nợ xấu lớn nhất nhóm, lên tới 21.432 tỷ đồng tại thời điểm cuối tháng 9 năm nay, tương đương 1,61% dư nợ cho vay khách hàng. Tuy nhiên, điểm tích cực là số dư này đã không tăng so với đầu năm, trong khi số dư nợ xấu tại cả VietinBank và BIDV đều tăng mạnh giai đoạn này.
Cụ thể, đến cuối tháng 9, tổng nợ xấu nội bảng của Vietcombank đã tăng gấp đôi so với đầu năm, đạt gần 10.884 tỷ đồng, chiếm 1,16% dư nợ cho vay. Tương tự, nợ xấu bên phía VietinBank cũng là 18.097 tỷ, tăng 90% từ đầu năm và chiếm 1,67% dư nợ.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/trai-chieu-loi-nhuan-bidv-voi-vietcombank-vietinbank-a81028.html