Sau hơn 1 năm, nhiều sai phạm vẫn chưa được khắc phục
Mặc dù, tại Dự án đầu tư phát triển rừng ven biển đầm phá (SPRCC), diện tích rừng trồng bị chết nhiều, nghiệm thu trồng và chăm sóc trước thời hạn... nhưng ông Phạm Ngọc Dũng, hiện là Giám đốc Ban Quản lý Rừng phòng hộ Sông Bồ vẫn khẳng định, rừng ngập mặn về cơ bản sống trên 95%. Dự án SPRCC được thực hiện hiệu quả.
Hơn 1 năm sau kết quả thanh tra, nhiều vùng trồng rừng bị chết trắng vẫn chưa được chủ đầu tư khắc phục. Ảnh: VD.
Tuy nhiên, theo khảo sát của NNVN, thực tế không như lời ông Dũng nói. Nhiều diện tích rừng Dự án SPRCC bị chết, Thanh tra tỉnh Thừa Thiên Huế đã đề nghị trồng lại nhưng đến nay, sau hơn 1 năm vẫn chưa thực hiện.
Một ngày cuối tháng 10 chúng tôi đi về xã Lộc Điền (Phú Lộc) để tìm hiểu về thực trạng rừng ngập mặn được trồng theo Dự án SPRCC ở đây.
Ông Nguyễn Đình Phú, cán bộ địa chính môi trường xã Lộc Điền, cho hay, theo hồ sơ thiết kế dự án, tại địa phương này sẽ trồng 7,51 ha rừng ngập mặn ven phá Tam Giang, dọc QL 1A. Khoảng tháng 7,8/2017, bên thực hiện dự án đã đưa cây bần chua về trồng. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn, cây trồng chết rất nhiều với tỷ lệ chết khoảng 30% diện tích. Một số diện tích trồng chết trắng nhưng xã cũng như bên thực hiện dự án không thống kê cụ thể.
Thời điểm chúng tôi có mặt, không ít diện tích, nơi thực hiện dự án chỉ còn là một bãi nước mênh mông không có cây trồng. Diện tích đã được coi là đã thành rừng cũng có nhiều cây bị chết.
Tại xã Điền Hương (huyện Phong Điền), theo thiết kế, dự án sẽ trồng 18,7 ha rừng tràm ngập ngọt. Theo ông Nguyễn Ngọc Hùng, Giám đốc HTX NN Thanh Hương (xã Điền Hương), việc trồng rừng được giao cho HTX thực hiện. Theo hợp đồng, đến 31/12/2016, HTX đã hoàn thành việc trồng 18,7 ha rừng tràm ngập ngọt. Tuy nhiên đến thời điểm này, trong số 18,7 ha chỉ còn 5,6 ha có mật độ cây sống với tỷ lệ 70-80%; diện tích còn lại gần như chết sạch.
Theo ghi nhận của PV NNVN, diện tích trồng tràm ngập ngọt tại xã Điền Hương đa phần bị chết, mật độ cây sống còn lại rất thấp. Nhiều cây tràm cao 40-50 cm bị khô héo.
Cũng theo ông Hùng, kể từ khi có kết luận của Thanh tra tỉnh Thừa Thiên Huế đến nay chưa có một động thái nào cho thấy, chủ đầu tư sẽ trồng lại diện tích rừng bị chết.
“Khi dự án trồng không hiệu quả, cây chết quá nhiều, chủ đầu tư đã nhiều lần về và kết luận chỉ còn lại 5,6 ha đáp ứng được nhu cầu. 3 năm liền HTX tiến hành việc tra dặm đến 50% số cây, tốn rất nhiều chi phí rồi. Bây giờ trồng lại thì HTX lấy đâu ra cây, nhân lực và nguồn vốn để thực hiện?” – ông Hùng phân bua.
Ông Nguyễn Đại Anh Tuấn (áo sẫm), Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Thừa Thiên Huế và ông ông Phạm Ngọc Dũng làm việc với PV NNVN. Ảnh: VD.
Còn ông Phạm Ngọc Dũng cho rằng, các đơn vị nhà thầu phải tự bỏ kinh phí trồng lại diện tích bị chết.
Tuy nhiên, theo ông Dũng, bản thân việc nhà thầu phải trồng lại rừng đã chết cũng không đúng về tính pháp lý bởi rừng chết là do nhiều nguyên nhân và tại thời điểm chết, theo quy định phải được thanh lý hợp đồng và bên nhà thầu sẽ hết trách nhiệm.
“Rừng trồng bị chết là do nhiều nguyên nhân còn có tới 95% diện tích trồng trong dự án đã thành rừng. Căn cứ các quy định của Bộ Nông nghiệp, chúng tôi đã thành lập hội đồng đánh giá và xác định là rừng trồng chết do thiên tai. Theo quy định, chúng tôi đã làm hồ sơ xin thanh lý nhưng đúng thời điểm chuẩn bị thanh lý thì Bộ Nông nghiệp thay đổi quy định nên chưa thực hiện được. Điều này thực sự gây khó khăn cho cả chủ đầu tư và nhà thầu. Giờ đến cuối năm nhà thầu sẽ trồng lại những diện tích bị chết” – ông Dũng lý giải.
Nói về việc vì sao chủ đầu tư lựa chọn nhà thầu là các đơn vị tư vấn, đơn vị thi công không đủ điều kiện, năng lực, ông Dũng khẳng định, tại thời điểm dự án triển khai, trên địa bàn không có đơn vị nào có kinh nghiệm, năng lực trong lĩnh vực trồng rừng ngập ngọt, ngập mặn ngoài những đơn vị này(?).
Các cá nhân, đơn vị chỉ phải … rút kinh nghiệm
Sau khi có Kết luận thanh tra, Chánh Thanh tra tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành các quyết định thu hồi, nộp ngân sách Nhà nước số tiền gần 63 triệu đồng và đề nghị các đơn vị khắc phục sai phạm.
Về số tiền trên, ông Nguyễn Đại Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế khẳng định đã được thu hồi và nộp vào ngân sách theo đúng quyết định của Chánh Thanh tra tỉnh Thừa Thiên Huế. Hiện nay, đơn vị chủ đầu tư đang hoàn thiện hồ sơ để quyết toán các công trình, dự án.
Nhiều sai phạm của các dự án chưa được khắc phục nhưng những người đứng đầu đơn vị chủ đầu tư, cá nhân, tổ chức liên quan chỉ phải... rút kinh nghiệm. Ảnh: VD.
Về trách nhiệm của các cá nhân, tập thể để xẩy ra sai phạm trong một thời gian dài tại 5 dự án, Thanh tra tỉnh Thừa Thiên Huế kiến nghị UBND tỉnh giao trách nhiệm chỉ đạo Sở NN&PTNT, BQLDA JICA2… tổ chức kiểm điểm, nghiêm túc rút kinh nghiệm và khắc phục những thiếu sót, vi phạm đối với tập thể và các cá nhân có liên quan; kiểm điểm trách nhiệm trong việc thẩm định, phê duyệt thiết kế dự toán không đúng quy định và gây thất thoát ngân sách Nhà nước...
Thanh tra tỉnh Thừa Thiên Huế cũng yêu cầu Sở NN&PTNT Chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm, BQLDA JICA2 chấn chỉnh, khắc phục kịp thời và rút kinh nghiệm các sai phạm, thực hiện nghiêm túc Kết luận thanh tra.
Thanh tra tỉnh đề nghị chủ đầu tư yêu cầu Công ty TNHH MTV Thiên Chấn Hưng (đơn vị thầu thi công trồng rừng) chủ động khắc phục những thiết sót, có biện pháp khôi phục hàng rào bảo vệ rừng trồng để bảo đảm các điểm trồng phải phát triển thành rừng theo mục tiêu của dự án đặt ra.
Dư luận cho rằng, kiến nghị của Thanh tra tỉnh Thừa Thiên Huế về xử lý vi phạm các cá nhân, tập thể để xẩy ra sai phạm trong các dự án tại Sở NN&PTNT là “giơ cao đánh khẽ”. Những tập thể, cá nhân này phải chịu trách nhiệm trước pháp luật vì yếu kém trong quản lý, đầu tư dự án dẫn đến gây thất thoát ngân sách Nhà nước, thực hiện dự án không hiệu quả…
Xin nói thêm, thời điểm thực hiện Dự án SPRCC, chủ đầu tư là Chi cục Lâm nghiệp do ông Phạm Ngọc Dũng, Chi cục trưởng làm Giám đốc dự án. Sau đó, Chi cục Lâm nghiệp sáp nhập với Chi cục Kiểm lâm và chủ đầu tư được chuyển sang Chi cục Kiểm lâm. Sau đó, ông Nguyễn Đại Anh Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm đã ủy quyền cho ông Dũng (Chi cục phó) là người đại diện theo pháp luật của chủ đầu tư.
Là chủ đầu tư, để xẩy ra nhiều sai phạm, nhưng tháng 8/2021, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã điều động ông Phạm Ngọc Dũng đến nhận công tác tại Ban Quản lý Rừng phòng hộ Sông Bồ với vị trí Giám đốc.
Trước đó, 23/9/2019, ông Nguyễn Đại Anh Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Thừa Thiên - Huế được bổ nhiệm giữ chức Phó Giám đốc Sở NN-PTNT.
Điều này khiến dư luận hết sức băn khoăn vì sau những sai phạm theo kết luận của Thanh tra tỉnh Thừa Thiên Huế không có cá nhân, tổ chức nào chịu trách nhiệm chính. Những người được coi là phải chịu trách nhiệm chính trong các sai phạm trên sau đó chỉ phải rút kinh nghiệm và được bổ nhiệm công tác ở vị trí, chức vụ cao hơn.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/bai-3-cham-khac-phuc-sai-pham-a82025.html