COVID-19 tới 6h sáng 5/11: Dịch bùng mạnh ở châu Âu; Số người chết ở Nga lại cao kỷ lục

Theo trang mạng worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 469.000 ca mắc COVID-19 và trên 6.600 ca tử vong. Tổng số ca mắc từ đầu dịch tới nay đã vượt 249 triệu ca, trong đó trên 5,04 triệu ca tử vong.

Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Mỹ (trên 59.000 ca), Nga (40.217 ca) và Anh (37.269 ca).

Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Nga (1.195 ca), Mỹ (851 ca) và Ukraine (699 ca).

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Berlin, Đức, ngày 30/7/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Diễn biến dịch COVID-19 hàng ngày cho thấy số ca mắc mới COVID-19 tại châu Âu đang tăng theo chiều hướng "đặc biệt lo ngại" và khu vực này đang trở lại là tâm dịch của thế giới. Đây là cảnh báo mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về tình hình dịch bệnh tại châu Âu.

Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 4/11, Giám đốc WHO phụ trách khu vực châu Âu Hans Kluge bày tỏ đặc biệt lo ngại về mức độ lây truyền dịch bệnh ở 53 quốc gia và vùng lãnh thổ ở châu Âu. Các ca mắc mới đang tiệm cận những mức kỷ lục từng ghi nhận trước đây, tăng đặc biệt nhanh với sự xuất hiện của biến thể Delta của virus SARS-CoV-2. Tình trạng gia tăng số ca mắc mới COVID-19 được ghi nhận ở tất cả các lứa tuổi. Quan chức này cho biết thêm một mô hình dự báo đáng tin cậy chỉ ra rằng đến tháng 2/2022, châu Âu có thể ghi nhận thêm khoảng 500.000 ca tử vong vì COVID-19 nếu tình hình hiện nay tiếp diễn.

Thống kê của WHO chỉ ra tổng số ca mắc COVID-19 của châu Âu (khoảng 78 triệu ca) đang vượt tổng số ca ở các khu vực khác gồm Đông và Nam Á, Trung Đông, Tây Thái Bình Dương và châu Phi cộng lại. Ông Kluge cho rằng châu Âu lại một lần nữa trở thành tâm dịch của thế giới. Theo quan chức WHO, những yếu tố như tỷ lệ bao phủ tiêm chủng chưa cao và việc nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội và các quy định phòng dịch đã đẩy châu Âu vào tình cảnh hiện nay.

Anh phê chuẩn sử dụng thuốc viên uống điều trị COVID-19

Thuốc Molnupiravir do hãng dược phẩm Merck và đối tác Ridgeback Biotherapeutics của Mỹ phối hợp phát triển. Ảnh: News Emory/TTXVN

Ngày 4/11, Cơ quan Quản lý dược phẩm Anh (MHRA) đã phê chuẩn sử dụng thuốc viên có tên molnupiravir, do hãng dược phẩm Merck và đối tác Ridgeback Biotherapeutics của Mỹ phối hợp phát triển, để điều trị cho các bệnh nhân mắc COVID-19. Như vậy, Anh là nước đầu tiên phê chuẩn loại thuốc mang tính bước ngoặt trong điều trị căn bệnh nguy hiểm này.

MHRA khuyến cáo thuốc molnupiravir được sử dụng ngay sau khi bệnh nhân có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 và trong vòng 5 ngày sau khi bắt đầu xuất hiện các triệu chứng.

Công ty dược phẩm Meck cho biết dự kiến sản xuất 10 triệu toa thuốc molnupiravir vào cuối năm nay và ít nhất 20 triệu toa trong năm 2022.

Trong khi đó, tại Anh, trường Đại học Imperial London ngày 4/11 công bố kết quả nghiên cứu REACT-1 cho thấy số ca nhiễm tại nước này trong tháng 10 cao chưa từng thấy, do số ca nhiễm ở trẻ em tăng cao và do sai sót về công bố kết quả xét nghiệm của một cơ sở y tế tư nhân ở khu vực Tây Nam.

Ca tử vong ở Nga cao kỷ lục

Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Moskva, Nga, ngày 20/10/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 4/11, Nga ghi nhận số ca tử vong do COVID-19 cao kỷ lục với 1.195 ca trong vòng 24 giờ, trong khi có 40.217 ca mắc mới. Toàn nước Nga đang thực hiện tuần lễ không làm việc nhằm hạn chế sự lây lan của virus SARS-CoV-2 trong đợt bùng phát mới nhất.

Dịch COVID-19 tại Ukraine tiếp tục diễn biến phức tạp

Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Kiev, Ukraine ngày 7/4/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Tại Ukraine, Bộ Y tế thông báo tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này đã vượt mốc 3 triệu, với hơn 70.000 ca tử vong. Riêng số ca mắc mới trong ngày 4/11 là 27.377 ca, vượt mức cao nhất ghi nhận được hôm 29/10 (26.870 ca). Số ca tử vong do COVID-19 tại Ukraine trong 24 giờ qua là 699 ca.

Trong bối cảnh số ca mắc mới và tử vong cao kỷ lục trong những tuần gần đây, chính phủ đã áp đặt các biện pháp phong tỏa để hạn chế lây nhiễm. Việc tiêm vaccine trở thành yêu cầu bắt buộc đối với nhân viên một số cơ quan nhà nước và tại các vùng đỏ, trong đó có thủ đô Kiev. Chỉ những người đã tiêm vaccine hoặc có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 mới được phép vào nhà hàng, phòng tập thể dục và sử dụng phương tiện giao thông công cộng.

Số ca mắc mới COVID-19 tại Croatia, Slovenia và Áo đang tăng nhanh

Ngày 4/11, Croatia đã ghi nhận thêm 6.310 ca mắc mới COVID-19, mức trong ngày cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại nước này.

Đến nay, Croatia đã có 25.628 ca mắc COVID-19, trong khi 1.680 bệnh nhân cần được điều trị tại bệnh viện. Hơn 50% dân số Croatia đã hoàn thành tiêm chủng. Theo các chuyên gia, tỉ lệ tiêm chủng thấp là nguyên nhân khiến số ca mắc gia tăng trong những tuần gần đây ở nước này.

Cùng ngày, giới chức Slovenia - nước láng giềng của Croatia, thông báo có thêm 4.511 ca mắc mới, mức cao nhất tính theo ngày tại nước này. Hơn 50% dân số trong tổng số 2 triệu dân Slovenia đã tiêm đầy đủ 2 mũi vaccine.

Trong khi đó, Áo cũng ghi nhận 8.594 ca mắc mới COVID-19, tăng 32% so với ngày 3/11 và sắp tiến tới mức cao nhất là hơn 9.000 ca ghi nhận tháng 11/2020, khi nước này áp đặt lệnh phong tỏa thứ 2.

Đến nay, khoảng 64% dân số Áo đã hoàn thành tiêm chủng. Tỉ lệ này ở mức trung bình trong số các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU).

Đức cảnh báo áp đặt các biện pháp nghiêm ngặt với người không tiêm phòng

Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Leverkusen, miền Tây Đức ngày 22/6/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 mới gia tăng mạnh trong làn sóng lây nhiễm thứ 4 hiện nay, Chính phủ Đức đã lên tiếng cảnh báo khả năng áp đặt những quy định nghiêm ngặt đối với những người không tiêm vaccine ngừa COVID-19. Trong khi đó, nhiều bang cũng cảnh báo về những hạn chế mà người không tiêm chủng phải đối mặt khi mùa Đông đang tới.

Người phát ngôn chính phủ Steffen Seibert cho biết Thủ tướng Angela Merkel rất quan ngại về xu hướng dịch bệnh ngày càng gia tăng. Quan chức này cho rằng nếu tình hình tại các bệnh viện trở nên tồi tệ hơn ở các khu vực, Đức có thể phải tính tới áp đặt những hạn chế mới với những người không chịu tiêm chủng.

Biện pháp đó có thể là quy tắc 2G, tức là chỉ những người đã khỏi bệnh hoặc đã tiêm chủng mới được vào hoặc tham gia các sự kiện, cơ sở giải trí, nhà hàng... Những hạn chế mới sẽ nhắm vào đối tượng là người trưởng thành không chịu tiêm chủng, trong khi những người không thể tiêm chủng vì lý do y tế sẽ được xét ngoại lệ. Tất cả những người đã tiêm chủng đầy đủ sẽ được "miễn trừ" với những quy định mới.

Ông Steffen Seibert chia sẻ điều rất khó hiểu là hơn 16 triệu người trưởng thành ở Đức, trong đó có hơn 3 triệu người trên 60 tuổi, không chịu tiêm chủng bất chấp thực tế về độ an toàn và hiệu quả đã được chứng minh của các loại vaccine đã được phê duyệt sử dụng. Ông cho biết thêm tình trạng gia tăng số ca nhiễm mới ở một số khu vực đã dẫn tới thực trạng rất đáng quan ngại trong các bệnh viện khi giường chăm sóc đặt biệt đang ngày càng ít ỏi.

Trong 24 giờ qua, nước Đức ghi nhận 35.662 ca nhiễm mới và 140 ca tử vong, đưa tổng số ca mắc COVID-19 từ đầu dịch lên trên 4,6 triệu ca và 96.763 ca tử vong.

Triều Tiên đề phòng nguy cơ dịch bệnh vào mùa Đông

Kiểm tra thân nhiệt hành khách tại một nhà ga ở Bình Nhưỡng. Ảnh: AFP/TTXVN

Báo Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Triều Tiên, ngày 3/11 có bài viết kêu gọi người dân tăng cường áp dụng các biện pháp phòng dịch COVID-19 trong mùa Đông năm nay.

Bài viết nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh và giải pháp là nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng dịch.

Theo bài viết, đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng để quyết định Triều Tiên có đạt được tiến bộ trong năm đầu tiên thực hiện chiến lược kinh tế giai đoạn 5 năm của đất nước hay không.

Tháng 1 vừa qua, tại Đại hội lần thứ VIII đảng Lao động Triều Tiên, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã công bố kế hoạch phát triển mới chủ trương phát huy năng lực tự cường, trong bối cảnh nước này siết chặt bảo vệ biên giới đề phòng dịch COVID-19 và đang gánh chịu các biện pháp trừng phạt về kinh tế. Triều Tiên cho đến nay chưa ghi nhận ca nhiễm SARS-CoV-2 nào.

Mỹ bắt đầu triển khai tiêm phòng cho trẻ từ 5-11 tuổi

Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 của hãng Pfizer-BioNTech cho em bé 5 tuổi tại Hartford, Connecticut, Mỹ, ngày 2/11/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Mỹ đã bắt đầu triển khai tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi, sau khi Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ ngày 2/11 khuyến nghị tiêm vaccine của hãng Pfizer/BioNTech cho trẻ em nhóm tuổi trên.

Trước đó, ngày 29/10, Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) Mỹ đã phê duyệt tiêm vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer/BioNTech cho trẻ em từ 5-11 tuổi.

Liều lượng mũi vaccine tiêm cho trẻ em ở nhóm tuổi này là 10 microgram, chỉ bẳng 1/3 liều lượng mũi tiêm cho nhóm tuổi vị thành niên và người trưởng thành. Liều lượng này đủ để phòng ngừa biến thể Delta của virus SARS-CoV-2.

Trong ngày 3/11 Mỹ chỉ triển khai tiêm một lượng nhỏ trong số 15 triệu liều vaccine sử dụng đợt đầu cho nhóm trẻ trên, sau đó dự kiến triển khai tiêm rộng rãi hơn tại các phòng khám và bệnh viện nhi từ tuần tới. Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định sẽ có đủ vaccine vào tuần tới để tiêm cho trẻ em và vaccine sẽ được chuyển đến sẵn sàng ở khoảng 20.000 địa điểm tiêm chủng trên cả nước.

Đến nay khoảng 58% dân số Mỹ đã tiêm đủ liều vaccine ngừa COVID-19, trong khi khoảng 28 triệu trẻ em dưới 12 tuổi chưa tiêm.

Biến thể Delta đã khiến hàng nghìn trẻ em phải nhập viện và chiếm đến 25% số ca mắc COVID-19 ở Mỹ. Vaccine của Pfizer được cho là có hiệu quả hơn 90% phòng ngừa lây nhiễm có triệu chứng ở trẻ em. Việc tiêm chủng cho trẻ em sẽ giúp giảm tình trạng phải cách ly hoặc đóng cửa trường học. Chính phủ Mỹ hiện đã mua 50 triệu liều vaccine của Pfizer cho chương trình tiêm chủng cho trẻ em, đủ để cung cấp cho 28 triệu trẻ đủ điều kiện tiêm chủng.

Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại New York, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong khi đó, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố các quy định nghiêm ngặt nhằm thúc đẩy hàng chục triệu người lao động Mỹ tiêm vaccine ngừa COVID-19 sẽ có hiệu lực vào ngày 4/1/2022.

Theo thông báo, các biện pháp này nhằm vào các doanh nghiệp có hơn 100 nhân viên cũng như các nhân viên y tế và các nhà thầu liên bang. Trao đổi với báo giới, một quan chức cấp cao trong chính quyền Mỹ nêu rõ thời hạn duy nhất để cả 3 nhóm đối tượng trên bắt buộc tuân thủ quy định này là ngày 4/1/2022. Theo đó, mọi nhân viên hoặc phải tiêm mũi cuối cùng vaccine ngừa COVID-19 hoặc phải xuất trình xét nghiệm virus SARS-CoV-2 hằng tuần. Quan chức nhấn mạnh điểm mấu chốt là các yêu cầu về tiêm chủng sẽ phát huy hiệu quả, qua đó bảo vệ người lao động, bảo đảm an toàn cho người dân, củng cố và thúc đẩy nền kinh tế, cũng như nỗ lực đẩy lùi dịch COVID-19.

Đây được xem là nỗ lực lớn nhất mà Chính phủ Mỹ thực hiện cho đến nay để chống dịch COVID-19, vốn đã cản trở sự phục hồi của nền kinh tế đầu tàu thế giới trong những tháng gần đây. Các quy định mới dự kiến sẽ ảnh hưởng đến hơn 2/3 lực lượng lao động tại Mỹ.

Link nội dung: https://vietnamindex.vn/covid-19-toi-6h-sang-511-dich-bung-manh-o-chau-au-so-nguoi-chet-o-nga-lai-cao-ky-luc-a82211.html