Công nghệ SEO dược - mỹ phẩm: Bài 3: Nhiều kẽ hở, bịt thế nào cho kín?

Thời gian qua, hàng loạt vụ sản xuất mỹ phẩm, dược phẩm giả, kém chất lượng quy mô lớn được cơ quan chức năng phát hiện. Dù đã vào cuộc chấn chỉnh, siết chặt quản lý, song tình trạng hàng giả, hàng nhái trong lĩnh vực này vẫn đang tồn tại ngày càng tinh vi hơn, bất chấp tính mạng người tiêu dùng, khiến cơ quan quản lý dẹp cũng không xuể.

Không úp mở những cơ sở sản xuất có hành vi vi phạm

Nghị định 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ được ban hành ngày 2/2/2018, thay thế cho Nghị định 38/2012/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm. Nghị định này có quy định, từ 1/7/2019, tất cả các cơ sở sản xuất nếu không đạt chuẩn GMP - tiêu chuẩn bắt buộc cho các nhà máy sản xuất: Dược phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, đông dược, thực phẩm, mỹ phẩm, trang thiết bị y tế… nhằm kiểm soát các yếu tố rủi ro, nâng cao chất lượng sản phẩm, sẽ không được tiếp tục sản xuất.

Theo PGS.TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, việc siết theo tiêu chuẩn GMP sẽ buộc những cơ sở không đủ điều kiện sản xuất phải đóng cửa. Điều này sẽ giúp loại bỏ những sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe không đạt chất lượng ra khỏi thị trường.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên, những quy định trong Nghị định 15 đang tồn tại nhiều bất cập. Chị Nguyễn Thu T., một chuyên gia trong giới mỹ phẩm cho biết, hiện nay do không đủ điều kiện sản xuất theo tiêu chuẩn GMP, nhiều đơn vị có nhu cầu phải đặt hàng với đơn vị gia công, hay thậm chí đổi sang sản xuất trang thiết bị y tế.

Thay vì sản xuất kem làm đẹp, thực phẩm chức năng như trước đây thì bây giờ các CEO mỹ phẩm, thực phẩm chức năng chuyển hướng sang sản xuất kem hỗ trợ điều trị nám hay thực phẩm thường… Đây cũng là một trong những cách lách luật của các CEO.

Theo Nghị định 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ, tất cả các nhà máy sản xuất: Dược phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, đông dược, thực phẩm, mỹ phẩm, trang thiết bị y tế… phải đạt chuẩn GMP. Ảnh minh họa.

PGS.TS Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam cho rằng, quy định tất cả các cơ sở sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe phải được chứng nhận GMP, tức là điều kiện sản xuất của nó gần như là thuốc chữa bệnh. Thế nên, quy định này là sơ hở tạo điều kiện để các cơ sở tung hoàng quảng cáo.

Hơn nữa, theo phân tích của PGS.TS Trần Đáng, nếu như trước đây, tất cả các thực phẩm là sản phẩm có điều kiện, muốn đưa ra lưu hành thì phải đăng ký hoặc công bố tại Cục An toàn thực phẩm hoặc cơ quan quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm thì theo Nghị định 15 quy định chỉ có thực phẩm bảo vệ sức khỏe, còn lại thực phẩm bổ sung, thực phẩm chức năng khác, doanh nghiệp tự sản xuất, công bố, hoàn thành là có thể bán ra thị trường, chịu trách nhiệm, sau đó mới thông báo cho cơ quan quản lý. Điều này là tự nêu cao tinh thần quản lý, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp.

PGS.TS Trần Đáng cho rằng, về thực phẩm, thủ tục ở Việt Nam đang quá dễ dãi. Chính vì thế hiện nay, không phải 100% doanh nghiệp chấp hành tốt, tự chịu trách nhiệm.

Cần siết chặt công tác quản lí

Trao đổi với phóng viên Đại Đoàn Kết Online, luật sư Phạm Quốc Thanh, Văn phòng Luật sư Quốc Thái, Đoàn Luật sư Hà Nội cũng cho rằng, Nghị định 15 đề cao tinh thần quản lý, tự chịu trách nhiệm, cái tâm của doanh nghiệp nhưng vì lợi nhuận, hầu hết các cơ sở được cấp phép đều tìm cách lách luật.

Từng giải quyết nhiều vụ việc liên quan tới sản xuất mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, luật sư Thanh khẳng định, 30% cơ sở sản xuất kinh doanh được cấp phép đều sản xuất sản phẩm không chuẩn.

Đa phần những sản phẩm lưu hành trên thị trường đã được phép nhưng khi kiểm tra lại không đạt tiêu chuẩn cấp phép như về nhãn mãn, theo tiêu chuẩn y tế đã công bố. Theo luật sư Thanh, đây mới là vấn đề cần siết chặt quản lý.

Theo chế tài xử phạt đối với việc sản xuất lương thực, thực phẩm, các sản phẩm y tế không đảm bảo chất lượng, hàng giả, hàng nhái… có thể bị phạt tù lên tới 10 đến 20 năm, thậm chí chung thân song vì lợi nhuận cao, nhiều người vẫn hám lợi mà bất chấp làm sai quy định.

Luật sư Thanh cho rằng, để giải quyết những bất cập này, cơ quan quản lý nhà nước phải công bố rộng rãi, rõ ràng, cụ thể, không úp mở những cơ sở sản xuất có hành vi vi phạm, cần nêu rõ cơ sở đấy sai ở đâu, sai cái gì và xử lý nghiêm để làm gương cho các cơ sở khác.

Bên cạnh đó, theo luật sư Thanh, muốn nâng cao năng lực quản lý không chỉ từ cán bộ mà cần có tầm nhìn vĩ mô hơn như trang bị hệ thống thiết bị quản lý. Về phía người tiêu dùng, luật sư Thanh cũng đưa ra khuyến cáo, người tiêu dùng cần phải tỉnh táo, tìm mua sản phẩm đúng hãng, đúng tiêu chuẩn công bố và được cấp phép.

Để khắc phục những bất cập trong lĩnh vực này, Chủ tịch Hiệp hội thực phẩm chức năng Việt Nam Trần Đáng cho rằng, muốn quản lý thực phẩm chức năng phải chặt chẽ, đầy đủ về mặt luật pháp. Đơn cử như ban hành một nghị định chuyên về quản lý thực phẩm chức năng hoặc luật về thực phẩm chức năng, trong đó quy định cụ thể về điều kiện sản xuất, kinh doanh, công bố, quảng cáo và ghi nhãn sản phẩm.

Bên cạnh đó là ban hành đầy đủ các tiêu chuẩn về thực phẩm chức năng, thực phẩm bổ sung, phân biệt thực phẩm chức năng với thực phẩm thường. Về vấn đề quảng cáo sai sự thật, PGS.TS Trần Đáng nêu quan điểm, phải đưa ra những chế tài xử phạt đến nơi đến chốn, phải đưa vào luật. Mức xử phạt phải tăng gấp hàng trăm lần so với hiện nay, thậm chí đóng cửa, cấm hành nghề, khi đó mới có tác dụng răn đe hiệu quả.

Link nội dung: https://vietnamindex.vn/cong-nghe-seo-duoc-my-pham-bai-3-nhieu-ke-ho-bit-the-nao-cho-kin-a82870.html