Chiều 8/11, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đã chủ trì Hội nghị đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19 trong các cơ sở giáo dục. Tại cuộc họp, ông Tuyên cho biết có 3 vấn đề nổi bật là tiêm vaccine cho học sinh, thực hiện 5K trong lớp học và việc cần làm khi có F0 trong trường học.
Tránh nhầm lẫn khi tiêm cho trẻ
Tại hội nghị, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh từ cấp xã không được để sót trẻ em chưa tiêm vaccine. Các địa phương cần tuyên truyền cho phụ huynh thấy được lợi ích của vaccine. Ngoài ra, phụ huynh cũng nên hiểu rõ tác dụng phụ của chúng. Điểm tiêm ngoài cơ sở y tế có thể tiêm ở trường, tập huấn y tế cho cán bộ tiêm chủng, đặc biệt cấp cơ sở. Việc này để tránh xảy ra nhầm lẫn khi thực hiện tiêm chủng cho trẻ em.
"Đến nay, Việt Nam có 2 loại vaccine phòng Covid-19 được cấp phép có thể tiêm cho trẻ em là Pfizer và Moderna. Liều lượng và kỹ thuật tiêm được thực hiện tương tự với người lớn. Vaccine tiêm cho trẻ em 3-11 tuổi là loại vaccine khác, có liều lượng tiêm khác. Các địa phương cần triển khai lập danh sách trẻ em 3-11 tuổi để xây dựng kế hoạch cung ứng vaccine cho độ tuổi này", Thứ trưởng nói.
Phát biểu tại hội nghị, đại diện Cục Y tế dự phòng cho biết kế hoạch tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ 12-17 tuổi trong thời gian tới vẫn theo nguyên tắc đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vaccine Covid-19 cho các đối tượng từ 18 tuổi trở lên; ưu tiên tiêm đủ liều cho các đối tượng 50 tuổi trở lên.
Huy động tối đa các lực lượng tham gia tiêm chủng bao gồm cơ sở trong và ngoài ngành y tế, lực lượng công an, quân đội, đoàn thể để triển khai chiến dịch tiêm chủng. Việc sử dụng vaccine cần đảm bảo an toàn và hiệu quả.
Theo vị đại diện này, việc tiêm chủng cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi bắt đầu từ quý IV. Mở rộng đối tượng tiêm cho trẻ 12-17 tuổi theo lộ trình từ lứa tuổi cao đến thấp (tiêm trước cho lứa tuổi 16-17 tuổi và hạ dần độ tuổi).
Tiêm vaccine Covid-19 cho học sinh huyện Củ Chi, TP.HCM vào cuối tháng 10. Ảnh: Duy Hiệu. |
Tổ chức tiêm theo hình thức chiến dịch tại các cơ sở tiêm chủng cố định, tại điểm tiêm lưu động và trường học (đối với các địa bàn tổ chức được học tập trung tại trường). Việc tổ chức tiêm thực hiện theo quy định tại mục III Hướng dẫn tổ chức buổi tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 ban hành kèm theo Quyết định số 3588 của Bộ Y tế.
Căn cứ vào cấp độ dịch để quyết định cho học sinh đi học
Hiện tỷ lệ tiêm bao phủ vaccine Covid-19 cho người từ 18 tuổi trở lên ở Việt Nam là trên 75%. Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nhận định đây là tỷ lệ tương đối cao, đặc biệt các tỉnh phía Nam. Đến nay, 105/134 quốc gia mở cửa các trường học trở lại. Thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ, Bộ GD&ĐT đã có hướng dẫn tổ chức hoạt động trực tiếp tại các cơ sở giáo dục.
Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị tất cả trường học trên địa bàn cần rà soát lại nhiệm vụ của từng người trong các cơ sở giáo dục. Ban chỉ đạo cấp huyện đi kiểm tra, phê duyệt kế hoạch phòng chống dịch của từng trường. Các trường cần xây dựng phương án khi không may có F0. Phương án này cũng cần ban chỉ đạo cấp huyện phê duyệt.
"Các sở y tế, sở giáo dục phải hướng dẫn đánh giá cấp độ dịch chi tiết, cụ thể. Căn cứ vào cấp độ dịch để quyết định cho học sinh đi học như thế nào. Đây chính là thích ứng an toàn, linh hoạt", ông Đỗ Xuân Tuyên nói.
Theo Nghị quyết 128, tổ chức dạy, học trực tiếp trong trường hợp:
Cấp độ dịch | Trạng thái |
1 | Dạy, học trực tiếp bình thường |
2 | Dạy, học trực tiếp bình thường/hạn chế |
3 | Dạy, học trực tiếp hạn chế |
4 | Ngừng dạy, học trực tiếp/hạn chế |
Vấn đề về có học sinh đi học có phải tuân thủ 5K hay không, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết trong Công văn 1583, ban hành ngày 7/5/2020 của Bộ GD&ĐT đã hướng dẫn rất rõ việc học sinh có cần đeo khẩu trang, khoảng cách trong lớp học. Theo đó, trong lớp học không yêu cầu giãn cách nhưng cần hạn chế tiếp xúc.
Học sinh Hà Nội đã dừng đến trường gần 5 tháng. Ảnh: Thạch Thảo. |
Các cơ sở giáo dục phải đảm bảo các biện pháp an toàn phòng, chống dịch theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, Bộ Y tế ở tất cả cấp độ dịch. Dạy học hạn chế bao gồm về thời gian, số lượng học sinh và ngừng một số hoạt động (do các địa phương căn cứ Quyết định số 4800/QĐ-BYT để đánh giá cấp độ dịch và căn cứ yếu tố dịch tễ, nguy cơ tại địa phương để quy định).
Hiện nay, y tế học đường thuộc chức năng, nhiệm vụ của trạm y tế xã, phường. Tuy nhiên, hiện nay do tình hình dịch, các cơ sở giáo dục phải ký hợp đồng thời vụ với cán bộ y tế. Ngoài ra, các trường phải bố trí 2 buồng: Buồng trực của cán bộ y tế và phòng cách ly tạm thời.
Xử trí khi có ca nghi ngờ, F0 trong trường học
Phát biểu tại cuộc họp, ông Dương Chí Nam, Phó cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế, nêu rõ quan điểm "phải an toàn mới đi học và khi đi học phải an toàn".
Khi có trường hợp nghi mắc trong trường học, ông Dương Chí Nam hướng dẫn cần thông báo cho trưởng ban chỉ đạo phòng, chống dịch, tổ an toàn Covid-19 của cơ sở giáo dục, phụ huynh học sinh; cung cấp khẩu trang y tế và hướng dẫn đeo đúng cách; yêu cầu hạn chế tiếp xúc người xung quanh, tránh ở gần dưới 2 m; thông báo cho lực lượng đã được phân công để phân luồng lối đi đến phòng cách ly tạm thời; gọi điện thoại cho đường dây nóng của cơ quan y tế theo quy định của địa phương để thực hiện xét nghiệm nCoV.
Vị chuyên gia này cũng khuyến cáo không sử dụng phương tiện giao thông công cộng để di chuyển trường hợp nghi mắc đến cơ sở y tế. Cuối cùng, đơn vị trường học cần lập danh sách người tiếp xúc và thực hiện khử khuẩn tại nơi làm việc khi cơ quan y tế yêu cầu.
Khi có bệnh nhân Covid-19 trong trường học, đơn vị cần phong tỏa tạm thời, thông báo và phối hợp với cơ quan y tế địa phương để triển khai các biện pháp phòng chống dịch. Trường cần lập tức tách F0 và đưa đi cách ly, điều trị.
Cơ sở trường học phát hiện F0 cũng cần rà soát ngay để phát hiện trường hợp có triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh, truy vết F1 triệt để tại trường học cũng như trong cộng đồng. Các cơ sở phải tổ chức ngay lấy mẫu xét nghiệm nhanh cho tất cả học sinh, giáo viên, người lao động của trường.
Các trường hợp F2 cũng được rà soát, xem xét lấy mẫu xét nghiệm nếu thấy F1 có nguy cơ trở thành F0. Những người là F2 được hướng dẫn cách ly tại nhà, nơi lưu trú và chờ kết quả xét nghiệm của F1. Trong khi chờ kết quả, học sinh, giáo viên, người lao động đang có mặt tại trường ở nguyên tại chỗ, thực hiện nghiêm túc 5K.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh cho biết trong đợt bùng phát dịch thứ 4, tổng số ca F0 thuộc diện cán bộ, giáo viên, trẻ em, học sinh sinh viên là 47.497 trường hợp. Số ca bệnh đang điều trị là 14.745 (1.728 là cán bộ, giáo viên, 13.017 là học sinh, sinh viên).
Gần đây, tình hình dịch tiếp tục phức tạp, số ca nhiễm trong cộng đồng tăng. Một số tỉnh, thành phố có kế hoạch cho trẻ mầm non, học sinh đi học trực tiếp trở lại đã phải điều chỉnh kế hoạch. Tại các tỉnh phía Nam, điều kiện cơ sở vật chất ở một số nơi đưa đảm bảo để đón học sinh tới trường. Nhiều cơ sở giáo dục được trưng dụng là nơi thu dung, điều trị, cách ly chưa được bàn giao trở lại để vệ sinh, sửa chữa.
TS Nguyễn Nho Huy, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Thể chất (GDTC), cho hay còn tồn tại một số khó khăn, hạn chế khi cho học sinh quay trở lại học trực tiếp như tỷ lệ cán bộ, nhà giáo, nhân viên trường học được tiêm đủ liều vaccine còn thấp (trung bình toàn quốc khoảng 62%).
Một số địa phương còn băn khoăn khi chưa thống nhất thực hiện biện pháp đảm bảo giãn cách trong nhà trường; tổ chức các hoạt động tập thể trong nhà trường; tổ chức cho học sinh ăn bán trú, việc đeo khẩu trang của giáo viên, trẻ em mầm non, học sinh khi thực hiện các hoạt động giáo dục trong nhà trường.
Bên cạnh đó, một số địa phương chưa thống nhất phương án, kịch bản xử lý khi phát hiện ca F0 trong trường học dẫn đến việc phong tỏa, ngừng hoạt động giáo dục trực tiếp trên diện rộng, ảnh hưởng đến kế hoạch và chất lượng giáo dục.
Tính đến nay, Việt Nam có 8 loại vaccine Covid-19 đã được cấp phép sử dụng gồm: AstraZeneca (do AstraZeneca, Anh – Thụy Điển sản xuất), Sputnik V (Viện nghiên cứu Gamaleya, Nga), Janssen (Johnson & Johnson, Mỹ), Spikevax (Moderna, Mỹ), Comirnaty (Pfizer-BioNTech, Mỹ), Vero Cell (Sinopharm, Trung Quốc), Hayat - Vax (Trung Quốc - UAE) và Abdala (Cuba).
Trong số này, 5 loại vaccine Covid-19 đang được các quốc gia sử dụng để tiêm cho trẻ em. Đó là Vero Cell, Hayat Vax, Moderna, Pfizer và Abdala. Riêng Vero Cell và Hayat Vax có chung công thức. Trong đó, Pfizer là vaccine Covid-19 được các quốc gia trên thế giới sử dụng cho trẻ em nhiều nhất.
Hiện Việt Nam cho phép sử dụng 2 loại vaccine phòng Covid-19 để tiêm cho trẻ em là Pfizer và Moderna. Nguồn vaccine có sẵn chủ yếu là Pfizer nên được phân bổ cho các tỉnh để tiêm cho trẻ.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/tre-3-11-tuoi-se-duoc-tiem-vaccine-khac-khong-phai-pfizer-va-moderna-a83136.html