Đại dịch COVID-19 chưa từng có tiền lệ, vượt mọi dự báo nên có lúc, có nơi, thành phố như “bị hụt hơi” vì chống dịch. Trong loạt bài “Giữ vững vai trò "đầu tàu" của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước", trong điều kiện thích ứng linh hoạt, kiểm soát dịch hiệu quả nhóm phóng viên thường trú TP.HCM phân tích những nỗ lực, sáng tạo và các giải pháp thành phố tiếp tục phát triển.
Bài 1, nhóm phóng viên VOV đi sâu phân tích những “mất” và “được” của TP.HCM qua đại dịch COVID 19.
Những con số mất mát lớn
Đợt dịch bùng phát lần thứ 4, gây nên sự sụt giảm nghiêm trọng ở hầu hết các lĩnh vực kinh tế, “sốc” tiêu cực ở cả tổng cung lẫn tổng cầu đối với TP.HCM. 9 tháng của năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt hơn 363.300 tỷ đồng, giảm 17,4% so với cùng kỳ, giảm nhiều nhất là ngành lưu trú, ăn uống (30,5%) và lữ hành (56,2%). Tổng vốn đầu tư xã hội đạt hơn 220.300 tỷ đồng, giảm hơn 29% so cùng kỳ.
TP.HCM thiệt hại rất lớn nhưng không mất tất cả vì COVID-19. (Ảnh Hà Khánh)
Cuối tháng 9/2021, Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM báo cáo: Các doanh nghiệp hầu hết các ngành nghề, các lĩnh vực đều rơi vào tình trạng tê liệt, phải đóng cửa, ngừng kinh doanh từ ngày 9/7. Chỉ còn chưa đến 20% năng lực sản xuất của doanh nghiệp thành phố được duy trì hoạt động theo mô hình "3 tại chỗ", "1 cung đường 2 địa điểm" trong thời điểm dịch bùng phát.
Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM cho rằng, số ít doanh nghiệp còn hoạt động thì đều trong tình trạng chi phí cao, thua lỗ nặng và không thể kéo dài: “ Không có lúc nào doanh nghiệp khó khăn như vừa qua, chưa từng có tiền lệ. Trong suốt thời gian chống dịch chính quyền luôn yêu cầu không được đứt gãy ngành lương thực thực phẩm thiết yếu nên chúng tôi cố gắng hết sức để duy trì. Tới giờ này, thực sự là tình trạng doanh nghiệp suy kiệt, tất cả những dự trữ đã tung ra hết”.
Đại dịch COVID-19 khiến quy mô nền kinh tế TP.HCM vận hành dưới 50% trong tháng 9/2021; suy giảm tăng trưởng chưa từng có: năm 2019 đạt 7,8%, năm 2020 là 1,36%, thì năm 2021 ước -5%. Bình quân 6 tháng đầu năm, mỗi ngày thành phố thu khoảng 1.800 tỷ đồng, nhưng tháng 7, tháng 8, mức thu mỗi ngày chỉ đạt 700 tỷ đồng và đến tháng 9 giảm còn trên 600 tỷ đồng, cân đối ngân sách năm nay của thành phố sẽ vô cùng khó khăn.
Điều đặc biệt, dịch COVID-19 làm cho danh tiếng và thương hiệu TP.HCM bị tổn hại. Sự đóng băng của ngành du lịch và nhìn nhận về khả năng “an toàn” của thành phố không còn cao như trước sẽ ảnh hưởng đến thu hút nguồn lực cho sự phát triển.
TP.HCM phải giữ vững là động lực tăng trưởng của Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam. (Ảnh: Hà An)
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Trường, giảng viên Đại học Tài chính Marketing TP.HCM chỉ ra rằng, dịch bệnh tác động đến mọi mặt, trong đó có cảm xúc, suy nghĩ của mọi người về thành phố, bao gồm các nhà đầu tư, người nhập cư mà chưa đo đếm, tính toán được.
“Yếu tố này rất quan trọng. Liệu rằng trong thời gian tới, người nhập cư có sẵn sàng quay lại, nhà đầu tư có sẵn sàng đầu tư thêm, khách du lịch có đến với Thành phố hay không phụ thuộc nhiều vào các giải pháp. Thành phố phải thể hiện rõ là nơi an toàn để có thể sinh sống, làm việc, đầu tư. An toàn ở đây bao hàm về an toàn về dịch bệnh và an toàn về môi trường đầu tư”, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Trường nêu ý kiến.
Và Thành phố đã “được” những gì?
Nhìn nhận trong “nguy” có “cơ”, trong “mất” có “được” thì đại dịch COVID-19 thúc đẩy mạnh mẽ quá trình thay đổi cách thức vận hành nền kinh tế, trong đó có thói quen của người tiêu dùng, cách thức giao tiếp, kinh doanh và làm việc.
Trước dịch, TP.HCM đã có quy mô thương mại điện tử lớn nhất cả nước, với tổng số người bán hàng trực tuyến chiếm 40-50%. Dưới ảnh hưởng của giãn cách xã hội trong năm 2020 và tiếp diễn trong năm 2021 nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi phương thức làm việc và giao dịch từ offline (trực tiếp) sang online (trực tuyến).
Suốt thời gian giãn cách xã hội để chống dịch, các hoạt động sản xuất kinh doanh tại TP.HCM chịu ảnh hưởng trầm trọng. (Ảnh: M.H)
Anh Trần Ngọc Thái Sơn, Giám đốc điều hành website thương mại điện tử Tiki cho biết, thương mại điện tử chứng kiến sự thay đổi của người tiêu dùng trong sử dụng dịch vụ, đơn hàng trực tuyến tăng và khách hàng sẵn sàng chờ đợi giao hàng 1-2 tháng, tùy thuộc vào chính sách lưu thông của chính quyền.
“May mắn là bản chất thương mại điện tử vẫn hoạt động 24/7. Sản phẩm có tăng từ nhiều lý do như: mảng dịch vụ số phát triển rất mạnh, thêm vào đó, Tiki ra mắt dịch vụ Tiki ngon giao hàng tươi sống. Lúc đó mình không có nhiều kinh nghiệm nhưng mình thấy rằng không làm thì trễ mất”, anh Trần Ngọc Thái Sơn nói.
Du lịch là ngành ảnh hưởng trầm trọng do dịch, ngừng hoạt động, không doanh thu. Nhưng các doanh nghiệp ngành này không "nằm im" mà luôn tìm cách để khôi phục nhanh nhất sau dịch. Nhiều doanh nghiệp vẫn hình thành tour tuyến mới, đẩy mạnh chuyển đổi số từ khâu chào hàng, giới thiệu sản phẩm đến nhận và phục vụ khách an toàn.
Ông Phan Xuân Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty Viet Excursions chuyên về khách du lịch nước ngoài cho biết, trong 4 tháng dịch bệnh, doanh nghiệp tập trung hoàn chỉnh hệ thống dữ liệu, kết nối với các nhà phân phối, đại lý du lịch trực tuyến, sàn giao dịch du lịch trực tuyến lớn để hoàn thiện phần mềm Tatinta du lịch toàn cầu, mở rộng hoạt động ra các nước.
Ông Phan Xuân Anh khẳng định, đến nay, Công ty chỉ chờ đường hàng không và đường biển mở lại cho du lịch là đón khách ngay và đã có các hợp đồng đến năm 2024: “COVID-19 đã để lại hậu quả quá nghiêm trọng. Nhưng cũng từ đó mình có thời gian để nhìn lại vấn đề, suy nghĩ và tìm tòi cái mới hơn. Qua đó mới thấy là chuyển đổi số là chắc chắn phải làm, nhưng để hiểu được, làm chuyển đổi số thì phải có đội ngũ và làm từng phần một. Thời đại số làm thay đổi hành vi, thái độ của nhân viên, của khách du lịch rất dữ dội”.
Thói quen tiêu dùng thay đổi khiến sản xuất, kinh doanh cũng phải thay đổi theo. (Ảnh: M.H)
Các doanh nghiệp khác cũng chuyển đổi tương tự theo đặc thù, cho nên, việc khôi phục sản xuất, kinh doanh không chỉ đơn thuần là sản xuất, kinh doanh lại, mà là sản xuất kinh doanh trong điều kiện mới - điều kiện có dịch; điều kiện hạn chế tiếp xúc trực tiếp; điều kiện thói quen tiêu dùng đã thay đổi…
Chuyên gia quản trị doanh nghiệp Phạm Phú Ngọc Trai cho rằng, quản trị doanh nghiệp, trong đó có quản trị khủng khoảng là bài học lớn cho doanh nghiệp qua đại dịch. Một trận dịch lớn cũng khiến doanh nghiệp nhận ra được điểm yếu của mình để xoay sở tìm được lối thoát, cơ hội cho việc tiếp tục tồn tại và phát triển.
“Với chủ doanh nghiệp thì đây là giai đoạn khủng khoảng và quản trị khủng hoảng không phải là làm từ xấu thành tốt mà là làm cho cái xấu đó đừng xấu hơn. Thực tế các doanh nghiệp FDI có những kịch bản rất cụ thể để quản trị rủi ro. Đó là điều doanh nghiệp cần rút kinh nghiệm, cố gắng suy nghĩ để có kế hoạch tái sản xuất”, ông Phạm Phú Ngọc Trai cho biết.
TP.HCM với truyền thống năng động, có nhiều yếu tố tiền đề thuận lợi cho phát triển kinh tế số. Trong đại dịch kéo dài, TP.HCM đã chuyển phần lớn công việc sang trực tuyến, ứng dụng mạnh công nghệ thông tin vào giải quyết thủ tục hành chính, điều hành công tác chống dịch, tiếp dân. Các thủ tục hải quan, thuế gần như chuyển sang trực tuyến và không bị gián đoạn do dịch…
Cả nhà khoa học và doanh nghiệp mong muốn TP.HCM nhanh chóng hoàn thiện kho dữ liệu dùng chung và hệ sinh thái dữ liệu mở để có thể tiếp cận, khai thác phục vụ nghiên cứu, ứng dụng vào sản xuất, kinh doanh. Các chính sách cũng cần bám sát nhu cầu của doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi số, thích ứng với giai đoạn hậu COVID-19, với tính linh hoạt rất cao, sẵn sàng đối mặt với các rủi ro./.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/dai-dich-covid-19-thiet-hai-rat-lon-nhung-khong-mat-tat-ca-a83295.html