Thua lỗ nhưng vẫn trúng thầu
Gói thầu số 3: Toàn bộ phần xây lắp Dự án Đầu tư xây dựng công trình cải tạo, sữa chữa Thư viện tỉnh Bắc Ninh. Theo văn bản phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu số 2556/UBND-XDCB ngày 19/7/2019 do UBND tỉnh Bắc Ninh phê duyệt, hình thức lựa chọn nhà thầu: Đấu thầu rộng rãi trong nước. Nguồn vốn ngân sách tính từ nguồn vốn XDCB tập trung giai đoạn 2016-2020 và các nguồn vốn khác (nếu có). Ban Quản lý Khu vực Phát triển Đô thị làm chủ đầu tư.
Ban Quản lý Khu vực Phát triển Đô thị (thuộc UBND tỉnh Bắc Ninh) phê duyệt kết quả trúng thầu cho Liên danh công ty TNHH một thành viên Thùy Dương và Công ty cổ phần Viễn thông công nghệ thông tin SMARTLINH và Công ty đầu tư xây dựng phát triển thương mại An Khánh với giá trúng thầu 11.896.461.000 đồng.
Trong Hồ sơ mời thầu (HSMT), tiêu chuẩn đánh giá về năng lực kinh nghiệm nhà thầu, chủ đầu tư/ Ban Quản lý Khu vực Phát triển Đô thị yêu cầu: Kết quả hoạt động tài chính nhà thầu kê khai số liệu báo cáo tài chính từ năm 2016 đến năm 2018 để cung cấp thông tin chứng minh tình hình tài chính lành mạnh của nhà thầu. (Phải ghi số năm yêu cầu, thông thường từ 3-5 năm trước năm có thời điểm đóng thầu). Đối với thành viên liên danh, từng thành viên phải thỏa mãn yêu cầu này.
Phần doanh thu bình quân hàng năm từ hoạt động xây dựng quy định: Doanh thu bình quân hàng năm từ hoạt động SXKD tối thiểu 18,5 tỷ đồng trong vòng 3 năm gần đây.
Tuy nhiên, theo tài liệu chúng tôi có được, Công ty đầu tư xây dựng phát triển thương mại An Khánh có trụ sở chính tại quận Hà Đông, TP Hà Nội được thành lập vào ngày 30/12/2016. Số liệu tài chính của Công ty đầu tư xây dựng phát triển thương mại An Khánh cũng cho thấy: Năm 2016 lợi nhuận 0; Lợi nhuận sau thuế trong năm 2017 âm.
Theo quy định của pháp luật Đấu thầu, mẫu HSMT xây lắp một giai đoạn một túi hồ sơ, ban hành kèm theo Thông tư số 03/2015/TT-BKHĐT ngày 6 /5 /2015 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì đối với trường hợp nhà thầu liên danh, việc đánh giá tiêu chuẩn về doanh thu bình quân hàng năm từ hoạt động xây dựng của từng thành viên liên danh căn cứ vào giá trị, khối lượng do từng thành viên đảm nhiệm. Theo đó, từng thành viên liên danh phải đáp ứng yêu cầu về doanh thu bình quân tương ứng với phần công việc mà thành viên đó đảm nhận trong liên danh.
Thế nhưng không hiểu vì lý do gì Ban Quản lý Khu vực Phát triển Đô thị tỉnh Bắc Ninh lại không yêu cầu nhà thầu phải chứng minh năng lực tài chính theo quy định pháp luật?.
Chưa hết, tại tiêu chuẩn đánh giá trong HSMT chủ đầu tư/ Ban Quản lý Khu vực Phát triển Đô thị nêu rất rõ: Các chỉ tiêu kỹ thuật chủ yếu của thiết bị điện nhẹ, phòng cháy chữa cháy nếu không kê khai hoặc kê khai không đầy đủ hoặc không có hoặc có không đầy đủ Catalog và tài liệu kỹ thuật của thiết bị thì được coi là “không đạt”.
Trong khi đó, HSDT của Liên danh công ty TNHH một thành viên Thùy Dương và Công ty cổ phần Viễn thông công nghệ thông tin SMARTLINH và Công ty đầu tư xây dựng phát triển thương mại An Khánh không có Chứng chỉ/Giấy chứng nhận bồi dưỡng kiến thức PCCC của cán bộ, an toàn lao động, không có thư ủy quyền của hãng cung cấp khí, bình chữa cháy FM200 cho dự án. Thậm chí nhà thầu cũng không chứng minh khả năng huy động nhân công, làm rõ tiêu chuẩn, năm sản xuất và chế độ bảo hành cho thiết bị, bổ sung catalog của các thiết bị đã đề xuất: Tủ Rack, tủ mạng, TV, máy tính, PoE, tủ điều khiển, Tủ trung tâm điều khiển xả khí.
Thế nhưng không hiểu sao, Ban Quản lý Khu vực Phát triển Đô thị lại cho phép Liên danh nhà thầu trên được bổ sung hàng loạt giấy tờ trên.
Nghị định số 63/2014/NĐ-CP (Điều 15 khoản 1) quy định việc đánh giá hồ sơ dự thầu (HSDT) phải căn cứ vào tiêu chuẩn đánh giá HSDT và các yêu cầu khác trong HSMT, căn cứ vào HSDT đã nộp, các tài liệu giải thích, làm rõ HSDT của nhà thầu để bảo đảm lựa chọn được nhà thầu có đủ nâng lực và kinh nghiệm, có giải pháp khả thi để thực hiện gói thầu. Đối với các nội dung đề xuất về kỹ thuật, tài chính nêu trong HSDT của nhà thầu, việc làm rõ phải bảo đảm nguyên tắc không làm thay đổi nội dung cơ bản của hồ sơ dự thầu đã nộp, không thay đổi giá dự thầu.
Theo một chuyên gia đấu thầu, nhà thầu có HSDT hợp lệ, đáp ứng cơ bản là HSDT đáp ứng các yêu cầu cơ bản nêu trong HSMT mà không có các sai khác, đặt điều kiện hoặc bỏ sót nội dung cơ bản. Tức là nếu được sửa lại thì sẽ ảnh hưởng không công bằng đến vị thế cạnh tranh của nhà thầu khác có HSDT đáp ứng cơ bản HSMT. Và nếu HSDT không đáp ứng cơ bản các yêu cầu nêu trong HSMT thì HSDT đó sẽ bị loại; không được phép sửa đổi các sai khác, đặt điều kiện hoặc bỏ sót nội dung cơ bản trong HSDT đó nhằm làm cho HSDT trở thành đáp ứng cơ bản HSMT.
Với việc được phép bổ sung hàng loạt giấy tờ trên, kết quả kiểm tra, đánh giá tính hợp lệ, tính đáp ứng của E-HSDT, Liên danh công ty TNHH một thành viên Thùy Dương và Công ty cổ phần Viễn thông công nghệ thông tin SMARTLINH và Công ty đầu tư xây dựng phát triển thương mại An Khánh nghiễm nhiên trở thành “đạt” và trúng thầu.
Lập hồ sơ mời thầu trái quy định?
Đáng chú ý, HSMT gói thầu Gói thầu số 3 (như trên) đưa ra hàng loạt xuất xứ, nhãn hiệu. Cụ thể, các yêu cầu đối với một số vật liệu chủ yếu: DHI-NVR5432SML- 4KS2/DAHUA – Trung Quốc hoặc tương đương (đối với Đầu lưu trữ dữ liệu camera), DAHUA – TRUNG QUỐC hoặc tương đương (Camera hồng ngoại thân trụ 2.0 MP), SEAGATE Enterprise – Trung Quốc hoặc tương đương (ổ cứng lưu dữ liệu); HP Pavilion 590- p0033d 4LY11AA (máy tính vận hành hệ thống); Asia HP V203P T3U90AA 19.5 inches (Màn hình máy tính 19,5); Cát vàng đổ bê tông: Sông Lô (Phú Thọ); Bồn nước: Tân Á; Gỗ: Lim Nam Phi…
Điều này trái với quy định pháp luật hiện hành và Chỉ thị số 47/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh công tác đấu thầu các dự án đầu tư phát triển và hoạt động mua sắm thường xuyên sử dụng vốn nhà nước. Theo đó, trong HSMT không được nêu bất cứ điều kiện nào nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng. HSMT không được nêu yêu cầu về xuất xứ cụ thể của hàng hóa, cũng không được nêu nhãn hiệu khi có thể mô tả chi tiết hàng hóa theo đặc tính kỹ thuật, thiết kế công nghệ, tiêu chuẩn công nghệ.
Dư luận đặt câu hỏi, liệu HSMT đưa ra những tiêu chí “đặc biệt” trên có phải là dấu hiệu hạn chế nhà thầu không? Đáng chú ý, ở gói thầu này, chỉ duy nhất Liên danh công ty TNHH một thành viên Thùy Dương và Công ty cổ phần Viễn thông công nghệ thông tin SMARTLINH và Công ty đầu tư xây dựng phát triển thương mại An Khánh tham gia dự thầu cũng là nhà thầu trúng thầu gói thầu.
Việc lập HSMT phải tuân thủ quy định và thuộc trách nhiệm của bên mời thầu, chủ đầu tư. Tình trạng HSMT trong đấu thầu rộng rãi có các yêu cầu cụ thể về xuất xứ, nhãn hiệu của hàng hóa là biểu hiện rõ nét của cạnh tranh không minh bạch trong đấu thầu.
Luật sư Nguyễn Thế Truyền, Giám đốc Công ty Luật hợp danh Thiên Thanh cho rằng, mặc dù quy định của pháp luật về đấu thầu đã có những chế tài rất đầy đủ, quy định chi tiết trách nhiệm và nghĩa vụ của các bên tham gia hoạt động đấu thầu, tuy nhiên trên thực tế, mức xử phạt cấm tham gia hoạt động đấu thầu đối với các bên mời thầu, chủ đầu tư có hành vi vi phạm vẫn là chuyện vô cùng hãn hữu. Đây cũng chính là lý do giải thích cho việc vì sao nhiều bên mời thầu, chủ đầu tư dù biết rõ nhưng vẫn ngang nhiên phạm luật, thậm chí có biểu hiện “nhờn luật”.
Ngoài những vấn đề trên, không ít các vụ việc đấu thầu nổi cộm ở Ban Quản lý Khu vực Phát triển Đô thị. Đơn cử như Gói thầu số 10: Toàn bộ phần xây dựng hạng mục dịch chuyển đường điện 110kV (phục vụ công tác GPMB) thuộc Dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật tuyến đường H, TP.Bắc Ninh (đoạn từ nút giao đường Kinh Dương Vương đến hồ điều hòa), bên mời thầu là Ban Quản lý Khu vực Phát triển Đô thị (UBND tỉnh Bắc Ninh). Giá gói thầu: 36.876.399.000 VNĐ.; Gói thầu số 2: Toàn bộ phần thi công sửa chữa khu nhà ở sinh viên TP.Bắc Ninh, thuộc dự án sửa chữa khu nhà ở sinh viên TP Bắc Ninh. Gói thầu có giá trị trên 11 tỷ đồng…
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/dau-hieu-sai-pham-tai-nhieu-goi-thau-cua-ban-quan-ly-khu-vuc-phat-trien-do-thi-tinh-bac-ninh-a84824.html