Theo đó, Bộ Xây dựng đang xin ý kiến về Dự thảo “Đề cương Luật kinh doanh bất động sản (sửa đổi)” trong đó có việc “quy định giao dịch bất động sản phải qua sàn giao dịch”.
Chia sẻ về vấn đề đang gây chú ý này, đại diện Hội môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng, mục đích của việc nêu trên là để các chủ đầu tư chủ động với thị trường, giảm chi phí bất động sản khi đến tay khách hàng. Tuy nhiên, hệ quả nhận được lại không như mong đợi.
“Chúng ta ghi nhận việc các nhà phát triển, chủ đầu tư bất động sản mỗi năm tạo ra hàng trăm ngàn sản phẩm, góp phần cung ứng cho thị trường bất động sản hạ tầng đô thị, hạ tầng dịch vụ và nhà ở. Nhưng song song với đó cũng tạo ra không ít hệ lụy, gây nhiều bất ổn cho thị trường bất động sản Việt Nam với những vụ khách hàng, nhà đầu tư khiếu nại, kiện cáo, tranh chấp, biểu tình,… vì “chủ đầu tư nói một đàng, làm một nẻo”; lừa dối, thậm chí lừa đảo. Hiện tượng này không phải là phổ biến nhưng đang ngày một nhiều hơn, có tính chất nghiêm trọng hơn. Mặt khác, tình trạng trốn thuế, rửa tiền… cũng đang diễn ra và rất khó kiểm soát”, đại diện Hội môi giới Bất động sản Việt Nam bày tỏ.
Lý giải điều này, Hội môi giới Bất động sản Việt Nam cho hay, nguyên nhân khiến những hiện tượng nêu trên xuất hiệ̣n phổ biến là vì thị trường và pháp luật hiện hành đang thiếu một cơ quan, một cơ chế thẩm tra, kiểm soát, ngăn ngừa vi phạm. Các nhà đầu tư và khách hàng là đối tượng hứng chịu hết mọi hệ quả của hiện tượng tiêu cực. Nhất đối với các nhà đầu tư và khách hàng mua loại hình bất động sản hình thành trong tương lai.
Vì vậy, Hội môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng, việc gắn trách nhiệm và năng lực cho sàn giao dịch bất động sản chính là để đảm bảo sự minh bạch của thị trường và bảo vệ quyền, lợi ích cho khách hàng, nhà đầu tư,..
Nhiều ý kiến trái chiều liên quan việc bắt buộc mua bán nhà qua sàn (Ảnh minh họa)
Đại diện Hội môi giới Bất động sản Việt Nam cũng phân tích và đưa ra nhiều ưu điểm của quy định này như quy trình mua bán sẽ chặt chẽ hơn, tuân thủ quy định pháp luật hơn và chuyên nghiệp hơn. Hàng hóa bất động sản hình thành trong tương lai, khi qua sàn giao dịch buộc phải được thẩm định, thẩm tra, tuân thủ các quy định của pháp luật mới được niêm yết công bố và giao dịch. Điều này giúp ngăn chặn các hành vi lừa đảo bán bất động sản ma, bất động sản ảo,…
Ngoài ra, khách hàng được hỗ trợ pháp lý, thông tin, thủ tục giao dịch và được bảo vệ quyền lợi trong khi Nhà nước quản lý được hoạt động và thông tin giao dịch thị trường bất động sản...
Tuy nhiên, liên quan đến dự thảo quy định bắt buộc giao dịch BĐS qua sàn, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) lại cho rằng, hoạt động môi giới, sàn giao dịch rất cần thiết, giữ vai trò cầu nối giữa chủ đầu tư và khách hàng nhưng các sàn giao dịch bất động sản chỉ làm trung gian để thực hiện bán, cho thuê nhà ở theo ủy quyền của chủ đầu tư và hưởng phí giao dịch qua sàn.
"Dự thảo Đề cương dự kiến bổ sung quy định chủ đầu tư dự án bất động sản phải thực hiện bán, chuyển nhượng, cho thuê mua, cho thuê nhà ở, công trình xây dựng thông qua sàn giao dịch bất động sản là một bước thụt lùi, không phù hợp với các quy định hiện hành và cũng không sát với thực tiễn", ông Lê Hoàng Châu cho hay.
Cũng theo Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, phí dịch vụ của sàn giao dịch bất động sản hiện nay thường bằng khoảng trên dưới 2% giá trị hợp đồng và được chủ đầu tư tính vào giá bán nhà, công trình xây dựng mà người mua nhà, nhà đầu tư phải gánh chịu.
Do đó, không thể quy định “bắt buộc” chủ đầu tư phải thực hiện giao dịch nhà ở, công trình xây dựng thông qua sàn giao dịch bất động sản mà chỉ nên khuyến khích các bên thực hiện giao dịch qua sàn giao dịch bất động sản.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/bat-buoc-mua-ban-nha-qua-san-ai-duoc-loi-a85399.html