Liên tục bị xử phạt hành chính
Thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa ban hành quyết định số 310/QĐ-XPVPHC xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với Công ty An Gia Group. Cụ thể, An Gia Group đã không công bố thông tin trên hệ thống công bố thông tin của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và trang thông tin điện tử của Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HSX) công văn giải trình chênh lệch kết quả kinh doanh năm 2020 so với năm 2019. Do đó, công ty bị xử phạt số tiền là 85 triệu đồng.
Công ty cũng công bố thông tin không đúng thời hạn báo cáo kết quả phát hành (lập ngày 12/01/2021) về việc thay đổi số lượng cổ phiếu có quyền biểu quyết đang lưu hành theo chương trình lựa chọn cho người lao động).
Trước đó vào hồi tháng 5/2021, An Gia Group còn bị Chi cục Thuế quận 3 (TP HCM) xử phạt vi phạm hành chính về thuế. Cụ thể, qua thanh tra thuế giai đoạn 2019-2020, cơ quan thuế phát hiện An Gia Group có hành vi khai sai thuế giá trị gia tăng dẫn tới thiếu số tiền thuế phải nộp và khai sai thuế thu nhập doanh nghiệp. Công ty này bị phạt hành chính 49,2 triệu đồng, bị truy thu 246,4 triệu đồng và tiền chậm nộp là 12,4 triệu đồng.
Rủi ro nợ phải trả cao gấp 4 lần vốn chủ sở hữu
Năm 2021, An Gia Group đặt mục tiêu doanh thu tăng gấp đôi lên 3.600 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế dự kiến đạt 500 tỷ đồng, tăng 19,9% so với năm 2020.
Kết thúc 9 tháng năm 2021, công ty đã ghi nhận doanh thu thuần 687 tỷ đồng, tăng 9 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu tài chính đạt gần 293 tỷ đồng. Song các chi phí tài chính tăng mạnh hàng trăm tỷ đồng khiến lợi nhuận sau thuế chỉ còn 205 tỷ đồng, tăng nhẹ 3% so với 2020 và hoàn thành 41% chỉ tiêu lợi nhuận năm nay.
Tại thời điểm 30/9/2021, tổng tài sản của An Gia Group ghi nhận xấp xỉ 11.830 tỷ đồng, tăng hơn 21% so với đầu năm. Trong đó, hàng tồn kho đã chiếm tới 7.221 tỷ đồng, tương ứng 61% cơ cấu tài sản và tăng khoảng 30% so với đầu năm. Giá trị hàng tồn kho lớn cho thấy tiến độ bán hàng gặp khó khăn, cũng như tạo gánh nặng cho doanh nghiệp bởi dòng tiền bị “mắc kẹt”, khó cân đối xoay vòng vốn, trong khi vẫn phát sinh chi phí, lãi vay ngày càng lớn. Các khoản phải thu ngắn hạn cũng đã chiếm tới 2.130 tỷ đồng, tạo áp lực thu hồi công nợ lớn.
Đáng chú ý, khi triển khai đầu tư nhiều dự án bất động sản nên quy mô nợ của An Gia Group “phình to” nhanh chóng, tăng 26% so với đầu năm, lên tới gần 9.375 tỷ đồng nợ phải trả tại thời điểm 30/9/2021. Trong số này, nợ ngắn hạn chiếm tới 56%, tương ứng khoảng 5.277 tỷ đồng, mà riêng dư nợ vay ngắn và dài hạn chiếm gần 2.348 tỷ đồng. Trong khi đó, vốn chủ sở hữu chỉ ở mức 2.453 tỷ đồng, như vậy Nợ phải trả đã cao gấp 3,8 lần so với vốn chủ sở hữu, cho thấy doanh nghiệp sử dụng “vốn mượn” quá lớn, tiềm ẩn rủi ro trong việc trả nợ. Điều này khiến cho các cổ đông, nhà đầu tư vào cổ phiếu AGG rất lo lắng về sức khoẻ tài chính của An Gia Group đang “căng thẳng”. Hơn nữa, việc vay mượn vốn quá lớn, vượt hệ số an toàn thì sẽ tạo áp lực trả nợ và phát sinh chi phí lãi vay rất lớn, thậm chí, ăn mòn cả lợi nhuận kinh doanh. Do đó, nhà đầu tư chứng khoán thường dè chừng, ngại đầu tư vào cổ phiếu của doanh nghiệp vay nợ quá lớn và có hệ số nợ vượt ngưỡng an toàn.
Thế chấp hàng loạt dự án bất động sản
Vài năm gần đây, An Gia Group gây chú ý khi đầu tư phát triển nhiều dự án bất động sản lớn tại khu vực TP.HCM, đơn cử: dự án khu căn hộ Westgate và BC27 ở huyện Bình Chánh, Sky89 và The Signial ở Quận 7. Bên cạnh đó, dự án River Panorama của công ty đã hoàn thiện và đang bàn giao.
Quá trình mở rộng đầu tư ồ ạt nhiều dự án bất động sản càng tăng áp lực huy động vốn gấp cho An Gia Group, song lại chủ yếu dựa vào nguồn tín dụng ngân hàng và trái phiếu.
Báo cáo tài chính hợp nhất Quý 3/2021 cho thấy, An Gia Group đang vay nợ tại nhiều ngân hàng với dư nợ cuối kì lên tới 1.798 tỷ đồng. Điều đáng ngại là năm 2020 các ngân hàng tài trợ vốn cho doanh nghiệp dưới hình thức mua hàng nghìn tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp và nhận tài sản bảo đảm là 7 dự án bất động sản. Đơn cử, công ty thế chấp dự án The Song cho ngân hàng TPBank (khoản nợ trái phiếu gần 600 tỷ đồng), thế chấp dự án Westgate cho ngân hàng Vietinbank, thế chấp dự án The Standard cho ngân hàng VPBank (khoản nợ trái phiếu gần 420 tỷ đồng)… Đến cuối tháng 9/2021, tổng dư nợ trái phiếu An Gia Group mà các ngân hàng đang nắm giữ vẫn còn hơn 1.656 tỷ đồng.
Thời gian qua, các chuyên gia liên tục cảnh báo tình trạng rủi ro nợ xấu khi các doanh nghiệp ồ ạt phát hành trái phiếu và bên mua chính là các ngân hàng – chủ nợ để cho vay đầu tư dự án bất động sản. Nhất là các doanh nghiệp huy động trái phiếu kì hạn ngắn, song lĩnh vực bất động sản đòi hỏi vốn trung và dài hạn, dẫn tới khả năng cân đối trả nợ sẽ gặp khó khăn, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid - 19 khiến các dự án đình trệ, dở dang, bán hàng chậm…
Trong khi đó, nếu xảy ra việc ngân hàng cho vay “dưới chuẩn” thông qua hình thức mua trái phiếu của doanh nghiệp mà đang chịu áp lực trả nợ hàng chục nghìn tỉ, tiềm ẩn rủi ro nợ xấu lớn như trường hợp của An Gia Group… là rất đáng lo ngại.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/giat-minh-khoi-no-phinh-to-9375-ty-dong-cua-an-gia-group-a85765.html