Theo tìm hiểu của phóng viên, hàng năm Công ty cổ phần than Cao Sơn – TKV (công ty con của Tập đoàn công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam) chi số tiền rất lớn nhằm phục vụ mục đích sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp bức xúc phản ánh về hoạt động đầu tư công ở đây có nhiều bất cập khi những dự án, gói thầu đều về tay doanh nghiệp “thân quen” và trúng rất sát giá khiến dư luận đặt nhiều câu hỏi về sử dụng nguồn đầu tư công tại đây.
Những gói thầu "khủng" và liên danh các nhà thầu "quen mặt"
Như trước đó, phóng viên Gia đình Việt Nam thông tin, những nhà thầu liên danh gần như 'bách chiến bách thắng' tại Công ty cổ phần than Cao Sơn trong các gói thầu "khủng" đó là Công ty CP Công nghiệp Tân Tiến, Công ty CP hàng hải Quảng Hưng, Công ty CP Nam Đông Sơn, và Công ty CP Hoa Sơn.... Đặc biệt, chỉ tính những năm gần đây hầu hết các gói thầu “Thuê ngoài bốc xúc và vận chuyển đất đá thải phục vụ sản xuất” do Công ty cổ phần than Cao Sơn làm chủ đầu tư đều rơi vào tay những nhà thầu "quen mặt" nói trên.
Đơn cử, đó là gói thầu số 1-2019 TN: Thuê ngoài bốc xúc và vận chuyển đất đá thải phục vụ sản xuất năm 2019 của Công ty cổ phần than Cao Sơn – Vinacomin. Gói thầu có giá 910.452.127.166 tỷ đồng. Liên danh trúng thầu không ai khác: Công ty CP Công nghiệp Tân Tiến, Công ty CP hàng hải Quảng Hưng, Công ty CP Nam Đông Sơn, và Công ty CP Hoa Sơn với giá trúng thầu 910.450.067.340 tỷ đồng. Điều hết sức khó hiểu, một gói thầu có giá gần 1 nghìn tỷ nhưng khi Công ty CP than Cao Sơn đưa ra đấu thầu công khai chỉ tiết kiệm được cho ngân sách hơn 2 nghìn đồng.
Một trong những gói thầu "khủng" được Công ty cổ phần than Cao Sơn – TKV phê duyệt cho liên danh nhà thầu trúng thầu
Tương tự, cũng liên quan đến gói thầu “Thuê ngoài bốc xúc, vận chuyển đất đá mỏ Cao Sơn năm 2021” có giá trị cũng khoảng 1 nghìn tỷ. Ngày 24/12/2020, ông Phạm Thành Đông, Giám đốc của Công ty cổ phần Than Cao Sơn – TKV đã ký Quyết định lựa chọn nhà thầu số 4783/QĐ-TCS-ĐM. Và rồi liên danh nhà thầu “quen mặt” như Công ty Cp công nghiệp Tân Tiến, Công ty cổ phần Nam Đông Sơn, Công ty CP Hoa Sơn, Công ty Cp hàng hải Quảng Hưng… lại là những đơn vị được lựa chọn trúng thầu với giá 990.301.107.408 tỷ đồng.
Ngoài những nhà thầu liên danh trên việc đâu thầu ở Công ty than Cao Sơn còn xuất hiện doanh nghiệp “quen mặt” khác cũng “thâu tóm” không hề thua kém với những dự án, gói thầu có giá trị lớn nhưng tỷ lệ tiết kiệm cho Ngân sách không đáng kể đó là Công ty CP Ngọc Long và Công ty TNHH 25-10.
Liên danh Công ty CP Ngọc Long và Công ty TNHH 25-10 cũng được phê duyệt trúng thầu
Đơn cử như, ngày 29/12/2020, đại diện công ty CP than Cao Sơn ký văn bản thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu TN số 08: Thuê ngoài chế biến thu hồi than sạch từ SPNT mỏ Cao Sơn năm 2021. Theo đó, Công ty CP Ngọc Long và Công ty TNHH 25-10 được lựa chọn với giá gói thầu 61.241.125.000 đồng.
Qua ghi nhận, những năm trước đó, những gói thầu “thuê ngoài sản xuất than sạch” “thuê ngoài chế biến thu hồi than sạch” với giá trị lớn đều được Công ty CP than Cao Sơn phê duyệt cho liên danh Công ty CP Ngọc Long và Công ty TNHH 25-10...
Cơ quan chức năng cần vào cuộc kiểm tra, giám sát
Được biết, để đảm bảo tính nghiêm minh trong hoạt động đấu thầu, tháng 12/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 47/CC-TTg về việc Chấn chỉnh công tác đấu thầu trong các dự án đầu tư phát triển và hoạt động mua sắm thường xuyên sử dụng vốn Nhà nước.
Theo Chỉ thị của Thủ tướng, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác đấu thầu tại các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp còn nhiều tồn tại, thách thức, như: Việc công khai, minh bạch thông tin chưa được đảm bảo theo quy định; các hành vi vi phạm chưa được giải quyết triệt để, tình trạng biến tướng với những biểu hiện phức tạp và tinh vi như dàn xếp, “quân xanh”, “quân đỏ”, chia nhỏ gói thầu để chỉ định thầu, quy định các điều kiện bất hợp lý, không phù hợp trong hồ sơ mời thầu (HSMT), đặc biệt tình trạng cản trở, hạn chế sự tham gia của nhà thầu (quây thầu, vây thầu) vẫn tiếp diễn, chưa được khắc phục.Từ thực tế diễn ra, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu chủ đầu tư, bên mời thầu thực hiện nghiêm túc các trách nhiệm của mình, bảo đảm tổ chức lựa chọn nhà thầu hiệu quả, nhanh chóng theo đúng quy định.
Bảo đảm công khai, minh bạch toàn bộ quá trình phát hành hồ sơ mời thầu (HSMT)/hồ sơ yêu cầu (HSYC), tiếp nhận hồ sơ dự thầu (HSDT)/hồ sơ đề xuất (HSĐX). Nghiêm cấm mọi hành vi cản trở nhà thầu trong việc mua HSMT/HSYC và nộp HSDT/HSĐX. Quán triệt và tập trung chỉ đạo chấn chỉnh ngay công tác đấu thầu bảo đảm nguyên tắc cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả cao nhất. Đối với người có thẩm quyền, Chỉ thị của Thủ tướng chỉ đạo rõ, nghiêm cấm việc người có thẩm quyền lợi dụng chức vụ, quyền hạn để can thiệp bất hợp pháp vào quá trình lựa chọn nhà thầu của chủ đầu tư/bên mời thầu dẫn đến làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu; Tự quyết định và chịu hoàn toàn trách nhiệm đối với việc lựa chọn nhà thầu thuộc thẩm quyền.
Trụ sở Công ty Cổ phần than Cao Sơn. Ảnh Internet
Quay trở lại với việc đấu thầu tại Công ty CP than Cao Sơn, ngoài những nhà thầu “quen mặt” luôn “thâu tóm” được những gói thầu khủng, có tỷ lệ tiết kiệm thấp như trên thì còn hàng loạt các gói thầu khác tiết kiệm “nhỏ giọt” hoặc thậm chí không tiết kiệm được đồng nào cho ngân sách, đặc biệt nhất những gói thầu được Gia đình Việt Nam thông tin trước đó.
Cụ thể như gói thầu số 02-TB 2020: Cung cấp 01 máy khoan xoay cầu thủy lực, đường kính lỗ khoan D ≥ 250mm có giá 30.081.700.000 tỷ đồng, giá trúng thầu là 30.081.150.000 tỷ đồng. Một gói thầu hơn 30 tỷ đồng qua đấu thầu chỉ tiết kiệm được cho ngân sách hơn 500 nghìn đồng là hết sức khó hiểu; Gói thầu số 04-TB 2020: Cung cấp 01 xe gạt bánh xích, công suất ≥ 300HP phê duyệt cho Công ty TNHH công nghiệp Phú Thái có giá hơn 10 tỷ nhưng chỉ tiết kiệm cho ngân sách được 50,000 ngàn đồng.
Hàng loạt dự án, gói thầu có mức đầu tư rất lơn như trên tại Công ty CP than Cao Sơn nhưng chỉ tiết kiệm “siêu thấp” không đáng kể đều được chủ đầu tư trao cho doanh nghiệp “quen mặt”. Dư luận đặt nhiều câu hỏi trong việc quản lý, sử dụng nguồn vốn đầu tư công ở công ty Cp than Cao Sơn. Cũng chính thực tế trên đã khiến dư luận ì xèo.
Vậy quá trình đấu thầu, trúng thầu các dự án có minh bạch hay không? Hơn lúc nào hết, Cơ quan chức năng cần vào cuộc kiểm tra, giám sát để làm rõ những vấn đề bạn đọc quan tâm.
Tòa soạn sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.