Theo New York Times, Nam Phi đã ngừng sử dụng vắc-xin Covid-19 của AstraZeneca-Oxford hôm 7/2, sau khi có bằng chứng cho thấy vắc-xin này không có hiệu quả đối miễn dịch các tình nguyện viên tiếp xúc với người có triệu chứng nhẹ và trung bình do chủng nCoV Nam Phi gây ra.
Những phát hiện này là một đòn giáng mạnh vào nỗ lực của Nam Phi trong quá trình chống lại đại dịch. Các nhà khoa học ở Nam Phi cho biết, vấn đề tương tự cũng xảy ra đối với những người đã nhiễm các biến thể trước đó của nCoV. Khả năng miễn dịch tự nhiên không giúp họ miễn nhiễm khi tiếp xúc với các trường hợp nhiễm chủng mới nhẹ hoặc trung bình.
Trong khi đó, thông tin này được đưa ra gần 1 tuần sau khi 1 triệu liều vắc-xin AstraZeneca-Oxford vận chuyển đến Nam Phi. Đây là một bước thụt lùi lớn đối với quốc gia này, khi đã ghi nhận hơn 46.000 trường hợp tử vong. Ngoài ra, đây còn là một dấu hiệu khác cho thấy mối nguy hiểm từ các chủng mới của nCoV. Hiện tại, biến thể Nam Phi có tên B.1.351 đã lan rộng đến ít nhất 32 quốc gia, bao gồm cả Mỹ.
Số trường hợp được đánh giá theo các cuộc nghiên cứu mới đây vẫn ở mức thấp, theo đó gây khó khăn cho việc xác định mức độ hiệu quả của vắc-xin này với biến thể. Hơn nữa, nhóm tình nguyện viên tham gia ở độ tuổi tương đối trẻ và ít có khả năng gặp các triệu chứng nặng. Do đó, các nhà khoa học không thể xác định liệu biến thể có ảnh hưởng đến khả năng chống lại các triệu chứng nghiêm trọng hay thậm chí là tử vong.
Tuy nhiên, các nhà khoa học cho biết họ tin rằng vắc-xin này có thể giúp người bệnh tránh gặp các triệu chứng nghiêm trọng hơn, dựa trên các phản ứng miễn dịch được phát hiện trong mẫu máu của nhóm người đã được tiêm. Họ nói thêm, nếu các nghiên cứu sâu hơn cho thấy kết quả như vậy, giới chức y tế Nam Phi sẽ tiếp tục cân nhắc sử dụng vắc-xin AstraZeneca-Oxford.
Kết quả nghiên cứu mới hiện chưa được công bố trên tạp chí khoa học. Tuy nhiên, việc phát hiện cho thấy sản phẩm của AstraZeneca-Oxford có hiệu quả tối thiểu trong việc chống lại các triệu chứng nhẹ và trung bình của biến thể nCoV mới.
Trong khi đó, Pfizer và Moderna đều nói rằng các nghiên cứu sơ bộ trong phòng thí nghiệm cho thấy vắc-xin của họ dù có hiệu quả bảo vệ, nhưng vẫn kém hiệu quả hơn đối với chủng B.1.351. Novavax và Johnson & Johnson cũng có kết quả tương tự đối với chủng mới ở Nam Phi.
Việc Nam Phi tạm dừng triển khai vắc-xin AstraZeneca-Oxford có nghĩa là các lô hàng đầu tiên sẽ được chuyển vào kho. Thay vào đó, các quan chức y tế Nam Phi cho biết họ sẽ sử dụng vắc-xin Johnson & Johnson cho các nhân viên y tế vào tuần tới.
Trong cuộc thử nghiệm vắc-xin AstraZeneca-Oxford ở Nam Phi, khoảng 2.000 người tham gia đã được tiêm 2 liều vắc-xin hoặc giả dược. Sự khác biệt về số lượng người được tiêm 2 loại trên là gần như không có. 19 trong số 748 người được tiêm vắc-xin đã nhiễm biến thể mới, trong khi có 20 trong số 714 người tiêm giả dược. Theo đó, hiệu quả của vắc-xin là 10%, dù các nhà khoa học chưa khẳng định.
Các nhà nghiên cứu cũng tiến hành các thí nghiệm trong phòng thí nghiệm đối với mẫu máu của những người đã được tiêm vắc-xin. Họ nhận thấy mức độ hiệu quả của các kháng thể do vắc-xin tạo ra chống lại biến thể B.1.351 giảm đáng kể so với các loại khác.
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Oxford cũng cho biết hôm Chủ nhật rằng vắc-xin của họ cung cấp "sự phòng ngừa tối thiểu" đối với các trường hợp nhẹ hoặc trung bình liên quan đến biến thể B.1.351. Họ đang nghiên cứu để sản xuất phiên bản mới của vắc-xin, có thể chống lại các đột biến nguy hiểm nhất của biến thể B.1.351 và cho biết có thể sẽ được hoàn thành vào mùa thu năm nay.
Andrew Pollard – điều tra viên về thử nghiệm vắc-xin Oxford, cho biết: "Nghiên cứu này xác nhận rằng đại dịch Covid-19 sẽ tiếp tục lây lan đối với những người đã được tiêm vắc-xin đúng như dự kiến. Tuy nhiên, với kết quả đầy hứa hẹn từ các nghiên cứu khác ở Nam Phi, các loại vắc-xin có thể sẽ giảm bớt áp lực cho hệ thống y tế với khả năng ngăn ngừa những triệu chứng nặng."
Tham khảo New York Times
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/new-york-times-vac-xin-covid-19-cua-astrazeneca-oxford-khong-co-hieu-qua-chong-lai-bien-the-nam-phi-a8667.html