Trung Quốc đang thúc đẩy mạnh mẽ để trở thành nước dẫn đầu toàn cầu về công nghệ tài chính. Trong vài năm qua, việc sử dụng các nền tảng thanh toán di động đã bùng nổ ở Trung Quốc trong khi các giao dịch tiền mặt giảm dần. Đồng thời, sự quan tâm trên toàn cầu đối với sự phát triển của tiền tệ kỹ thuật số của các ngân hàng trung ương (Central Bank Digital Currency – CBDC) cũng tăng lên.
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đang dẫn đầu trong những nỗ lực này, nhằm phát hành một loại tiền kỹ thuật số của riêng mình gọi là Tiền tệ kỹ thuật số hay Thanh toán điện tử (DCEP). Đồng tiền này có khả năng cho phép Trung Quốc củng cố vị thế độc tôn kỹ thuật số trong nước và xuất khẩu ảnh hưởng cũng như thiết lập tiêu chuẩn ra nước ngoài.
Tranh giành sức ảnh hưởng
Việc Trung Quốc phát triển tiền kỹ thuật số không chỉ là vấn đề tài chính, mà còn là vấn đề chính trị. Có lẽ, động lực và tham vọng lớn nhất để Trung Quốc khi phát hành tiền CBDC là nhằm tranh giành sức ảnh hưởng của đồng tiền quốc gia trên phạm vi toàn cầu. Nếu Trung Quốc thành công, tiền kỹ thuật số của quốc gia này sẽ là vòi bạch tuộc vươn ra can thiệp và chi phối hệ thống tài chính toàn cầu. Các quốc gia lớn như Pháp, Nhật Bản và Hoa Kỳ đã thừa nhận vai trò và vị trí của Trung Quốc trong hệ thống tài chính thế giới và coi đồng nhân dân tệ kỹ thuật số của Trung Quốc là một đe dọa địa chính trị tiềm ẩn.
Trung Quốc có nhiều con đường để mở rộng ảnh hưởng của mình trên thị trường tài chính toàn cầu thông qua tiền kỹ thuật số. Đầu bảng trong số đó là Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), một sáng kiến phát triển kinh tế do Trung Quốc lãnh đạo, tập trung vào đầu tư cơ sở hạ tầng trải dài khắp châu Á, châu Âu và châu Phi.
Dự án này dự kiến sẽ bơm hàng nghìn tỷ USD đầu tư vào các dự án liên quan đến cơ sở hạ tầng ở hơn 70 quốc gia. Đồng nhân dân tệ CBDC, do những lợi ích có mục đích như giao dịch nhanh hơn và rẻ hơn, có thể mang lại cho Trung Quốc cơ hội giảm chi phí và tăng tính dễ dàng tiến hành thương mại xuyên biên giới theo BRI.
Việc sử dụng CBDC để giải quyết các giao dịch xuyên biên giới qua các hệ thống thanh toán bù trừ hiện tại sẽ cho phép Trung Quốc vượt qua hệ thống tài chính tập trung vào Hoa Kỳ trong kinh doanh. Điều này sẽ giúp hoạt động kinh doanh của Trung Quốc núp dưới BRI thoát được các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ và mang lại lợi ích đáng kể cho vị thế địa - chính trị cũng như thương mại của Trung Quốc.
Trung Quốc cũng có thể sử dụng CBDC của họ để thực hiện các khoản cho vay thông qua BRI. Từ năm 2013 đến năm 2018, Trung Quốc đã viện trợ trị giá 41,8 tỷ USD, trong đó 47% là viện trợ không hoàn lại, 48% khoản vay ưu đãi và 4% là các khoản vay không lãi suất. Chương trình viện trợ mở rộng của Trung Quốc có thể được coi là một cách xây dựng sức mạnh mềm xung quanh thế giới.
Thông qua BRI, Trung Quốc đang tạo ra một kịch bản, trong đó một số nền kinh tế yếu kém đang ngày càng phụ thuộc vào các khoản vay. Trung Quốc cũng bị cáo buộc tạo ra bẫy nợ cho các quốc gia trong BRI. Các quốc gia như Djibouti, Kyrgyzstan, Lào, Maldives, Mông Cổ, Montenegro, Pakistan và Tajikistan nhanh chóng rơi vào bẫy nợ này. Trung Quốc có thể sử dụng ảnh hưởng đó để thuyết phục các nước sử dụng đồng nhân dân tệ CBDC của mình cho các giao dịch song phương.
Thách thức đối với các nước yếu
Trên không gian số, chủ quyền tiền tệ của các quốc gia có đồng tiền yếu sẽ bị đe dọa nghiêm trọng, việc chủ động quản lý và giám sát thị trường tài chính sẽ trở nên rất khó khăn do các giao dịch, đặc biệt là các giao dịch xuyên biên giới được thực hiện trong tích tắc, ẩn danh và không hoặc để lại ít dấu vết.
Tiền tệ của mỗi một quốc gia sẽ do chính phủ nước đó ban hành, nhưng nếu xuất hiện các đồng tiền kỹ thuật số không phải do chính phủ đó ban hành mà lại được sử dụng rộng rãi ngay tại quốc gia đó thì điều này sẽ đe dọa trực tiếp đến chủ quyền tiền tệ và vai trò quản lý điều tiết thị trường tài chính của quốc gia đó.
Nếu quốc gia nào không chấp nhận tiền kỹ thuật số thì có thể sẽ nhận thấy Ngân hàng trung ương của họ đang mất quyền kiểm soát chính sách tiền tệ đối với các loại tiền điện tử, ví dụ như Bitcoin hoặc tiền điện tử sắp ra mắt của Facebook. Nói cách khác, nếu những đồng tiền không có chủ quyền này được sử dụng rộng rãi cho mục đích thanh toán, các ngân hàng trung ương sẽ khó quản lý nền kinh tế của họ hơn bằng cách thiết lập lãi suất hoặc thay đổi nguồn cung tiền. Tất nhiên, có thể cấm tiền điện tử nhưng điều này cản trở sự phát triển và tất cả những lợi ích mà chúng mang lại.
Việt Nam cần chuẩn bị gì?
Việt Nam là một quốc gia đang phát triển, đồng tiền chưa mạnh. Trong tương lai, nếu tiền kỹ thuật số của các quốc gia khác, đặc biệt là của Trung Quốc phát hành và phổ biến sẽ tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế Việt Nam nói chung và hệ thống tài chính nói riêng. Trong đó, đặc biệt sẽ tạo ra nhiều nguy cơ cho Việt Nam.
Nguy cơ đầu tiên là các dòng vốn và dòng tiền đầu cơ bằng tiền kỹ thuật số này từ Trung Quốc có thể vào hoặc ra rất đột ngột, có thể là cố ý hoặc vô ý. Điều này sẽ tạo ra các cú sốc cho nền kinh tế, đặc biệt là một nền kinh tế có độ mở cao, phụ thuộc nhiều vào xuất nhập khẩu như Việt Nam. Đồng tiền kỹ thuật số mạnh của Trung Quốc có thể khiến đồng tiền của Việt Nam suy yếu. Từ đó sẽ dẫn đến tình trạng phụ thuộc tiền kỹ thuật số của Trung Quốc, đe dọa chủ quyền tiền tệ của Việt Nam.
Ngoài ra, tiền kỹ thuật số của các quốc gia khác sẽ tạo điều kiện cho các loại tội phạm công nghệ cao, rửa tiền, trốn thuế, tham nhũng phát triển. Việt Nam phải lo đối phó với các loại tội phạm này.
Nguy cơ thứ hai là việc các dòng tiền và giao dịch nằm ngoài tầm kiểm soát của cơ quan quản lý trong nước khiến cho việc thống kê đánh giá, xác định các mục tiêu tiền tệ trở nên rất khó khăn. Đồng thời sẽ khiến chính phủ Việt Nam thất thu nhiều khoản thu thuế quan trọng. Điều này sẽ tác động tiêu cực đến quyền chủ động thực thi chính sách tiền tệ của chính phủ Việt Nam.
Ví dụ như một nhóm người Trung Quốc đã sử dụng máy POS của doanh nghiệp Trung Quốc đặt chui ở Việt Nam chuyển thẳng tiền về Trung Quốc, đã khiến cho các cơ quan quản lý ở Việt Nam không thể xử lý được. Nếu họ sử dụng tiền kỹ thuật số thì Việt Nam sẽ xử lý ra sao?
Chính vì vậy, các nhà nghiên cứu cho rằng Việt Nam cần nghiên cứu dự liệu một khuôn khổ pháp lý và cơ chế pháp lý phù hợp để có thể nắm bắt, quản lý và kiểm tra, giám sát việc lưu thông tiền kỹ thuật số của nước ngoài ra vào Việt Nam trong tương lai. Ngoài ra, cần thay đổi và phát triển sức mạnh của hệ thống thanh toán chính thức hiện nay của Việt Nam.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/lam-gi-truoc-nguy-co-tu-tien-ky-thuat-so-trung-quoc-a87005.html