Công trình do CPO Nông nghiệp làm chủ chưa bàn giao đã hỏng: Điểm danh các nhà thầu tham gia dự án

Tài liệu do CPO Nông nghiệp cung cấp cho thấy có hàng loạt nhà thầu liên quan đến dự án này. Trong đó, trách nhiệm chính đang được dồn về nhà thầu có hạng mục bị hỏng.

Trong văn bản báo cáo Bộ NN&PTNT, ông Lê Văn Hiến, Trưởng Ban quản lý các dự án nông nghiệp (CPO Nông nghiệp – Bộ NN&PTNT) cho biết, mục tiêu đầu tư của tiểu dự án đang gặp sự cố là đảm bảo cung cấp nước tưới cho 350ha diện tích đất trồng cà phê của thôn Tiến Cường, xã Quảng Tiến, huyện Cư M’gar và xây dựng khu tưới mẫu 10ha áp dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm.

Các hạng mục chính của công trình này gồm lắp đặt tuyến đường ống tự chảy bằng nhựa uPVC đường kính 630mm dài 4.574m dẫn nước từ hồ Buôn Yoong đến trạm bơm. Xây dựng trạm bơm điện gồm 04 máy bơm, sử dụng công nghệ bơm biến tần nối trực tiếp với ống hút và ống đẩy.

Lắp đặt ống đẩy bằng nhựa HDPE dài 1.798m. Xây dựng bể điều hòa dung tích 600m3 nước, cùng hệ thống phân phối nước tưới đến 350ha cà phê; xây dựng khu tưới mẫu diện tích 10ha sử dụng thiết bị tưới nhỏ giọt đến từng gốc cây cà phê.

Đơn vị tư vấn thiết kế cho dự án này là Công ty CP Đầu tư và Xây dựng CENCO. Các nhà thầu trúng dự án này gồm: Liên danh Tổng công ty Xây dựng Nông nghiệp và PTNT Thanh Hóa – Công ty Cổ phần, Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Kỳ Nguyên và Công ty TNHH Kỹ nghệ Bình Nguyên. Đơn vị tư vấn giám sát là Công ty CP tư vấn xây dựng và chuyển giao công nghệ. Đơn vị thi công hạng mục để xảy ra sự cố là Công ty TNHH xây dựng và thương mại Kỳ Nguyên.

Nhà thầu Kỳ Nguyên là đơn vị thi công hạng mục có sự cố trong tiểu dự án Cư M'gar khiến việc dẫn nước từ hồ Buôn Yoong về thôn Tiến Cường bị ảnh hưởng. Ảnh minh họa

Sau khi sự cố nghiêm trọng liên tiếp xảy ra, chủ đầu tư là Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk đã thuê Công ty CP tư vấn xây dựng Thủy lợi – Thủy điện Thăng Long kiểm định chất lượng công trình đang thi công.

Kết quả kiểm định cho thấy có nhiều tồn tại cần khắc phục. Cụ thể, thiết bị xả khí còn thiếu và tính năng chưa phù hợp; Nguyên nhân chính dẫn đến các hư hỏng trên đường ống uPVC là do chưa bố trí đủ số lượng và tính năng của thiết bị xả khí; Có thể vận chuyển, lắp ráp ống có vấn đề.

Trong báo cáo gửi Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp, CPO Nông nghiệp khẳng định: Các đơn vị tư vấn thiết kế, tư vấn thẩm định thực hiện hợp đồng có năng lực yếu kém nên hồ sơ tài liệu báo cáo không kịp thời, ảnh hưởng đến báo cáo của chủ đầu tư.

Việc chậm trễ khắc phục tiểu dự án nêu trên đang để lại nhiều hệ lụy cho tất cả các bên liên quan. Trong đó, ảnh hưởng trực tiếp nhất là người dân trồng cà phê tại huyện Cư M’gar đang mỏi cổ ngóng dự án hoàn thành và mục tiêu đổ vốn tài trợ của ADB.

Trước sự cố kéo dài, nhà tài trợ vốn là ADB cũng sốt ruột và đã gửi văn bản tới Bộ NN&PTNT để đề nghị các bên tập trung xử lý sự cố, sớm đưa công trình vào hoạt động. Cụ thể, ngày 4/5/2021, Giám đốc vùng của ADB đã gửi văn bản tới Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp để đề nghị Bộ quan tâm, xử lý sớm sự cố.

“Chúng tôi đề nghị MARD có những hành động thúc đẩy công tác sửa chữa và đưa hệ thống đi vào hoạt động trước tháng 10/2021” – đại diện ADB khuyến nghị Bộ NN&PTNT. Tuy nhiên, đến nay, tiểu dự án này chưa biết tới lúc nào mới xử lý xong.

Link nội dung: https://vietnamindex.vn/cong-trinh-do-cpo-nong-nghiep-lam-chu-chua-ban-giao-da-hong-diem-danh-cac-nha-thau-tham-gia-du-an-a87461.html