Theo bản tin của Bộ Y tế tối 25/11, cả nước có thêm 12.429 ca mắc Covid-19. Đây là số lượng F0 cao nhất được ghi nhận trong 2 tháng qua.
Đáng chú ý, số lượng ca mắc trong cộng đồng cũng có xu hướng tăng. Ngày 25/11, dịch lan rộng 59 tỉnh, thành phố với 6.842 F0 trong cộng đồng, chiếm hơn 55% tổng số ca mắc.
Cần Thơ và Tây Ninh tăng nhanh số ca mắc
Theo báo cáo nhanh của Sở Y tế TP Cần Thơ, trong ngày 25/11, toàn thành phố có đến 1.310 F0 mới, chủ yếu là người được phát hiện trong thời gian cách ly tại nhà và sàng lọc tại cơ sở y tế.
Cùng ngày, Cần Thơ đã gửi công văn xin Bộ Y tế hỗ trợ thêm trang thiết bị y tế và nhân lực để điều trị F0, xin tạm ứng thuốc để phục vụ bệnh nhân Covid-19 điều trị tại nhà.
Theo số liệu báo cáo, hệ thống y tế tại Cần Thơ đang rơi vào tình trạng quá tải khi khả năng điều trị của địa phương này là 3.100 giường, số lượng bệnh nhân thực tế đang điều trị đã ở mức 3.056 người. Riêng tại tầng 1, công suất chỉ 1.850 giường, tuy nhiên, số bệnh nhân thực tế là 2.041.
Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 80 người cần thở oxy mask, 20 bệnh nhân thở oxy dòng cao và 18 trường hợp thở máy. Tuy nhiên, tầng 3 của các bệnh viện ở Cần Thơ chỉ có 200 giường.
Nếu số lượng bệnh nhân tiếp tục tăng mạnh, nguy cơ quá tải tầng 3 rất cao. Cũng theo báo cáo của Sở Y tế TP Cần Thơ, đến nay, số lượng người trên 50 tuổi được tiêm đủ liều vaccine tại địa phương này đạt 67,5%.
Trong khi đó, tỉnh Tây Ninh cũng đứng thứ 3 cả nước về số lượng ca nhiễm mới. Đáng chú ý, toàn bộ 603 ca nhiễm mới tại Tây Ninh ngày 25/11 đều được phát hiện qua test nhanh sàng lọc và xét nghiệm khẳng định lại bằng rRT-PCR. Điều này cho thấy số lượng F0 trong cộng đồng tại tỉnh còn khá cao.
Tây Ninh đang triển khai cách ly, điều trị F0 tại nhà với quy trình tương đối chặt chẽ, tương tự TP.HCM. Tỉnh còn cấp cho mỗi F0 túi thuốc cùng test nhanh kháng nguyên, người dân được công nhận khỏi Covid-19 bằng test nhanh cho kết quả âm tính, giúp giảm khối lượng công việc đáng kể cho các phòng xét nghiệm rRT-PCR.
Bình Thuận cũng là địa phương có số ca F0 tăng cao. Theo Sở Y tế tỉnh Bình Thuận, một số khu cách ly tập trung, cơ sở tiếp nhận, điều trị Covid-19 tại TP Phan Thiết (điểm "nóng" nhất tại tỉnh này) đang trong tình trạng quá tải, khó đáp ứng số lượng F1, F0 cần cách ly, điều trị.
Nhân lực y tế tại tỉnh cũng đang thiếu hụt do phải tỏa ra nhiều nhánh hoạt động (xét nghiệm, cách ly, điều trị, tiêm vaccine). Trước tình hình này, UBND tỉnh đã có chủ trương cách ly F1 tại nhà, F0 không triệu chứng, mức độ bệnh nhẹ điều trị tại nhà để giảm áp lực cho hệ thống y tế.
Số ca F0 tử vong tiếp tục tăng
Theo thông tin từ Bộ Y tế, số lượng bệnh nhân Covid-19 tử vong tại Việt Nam có xu hướng tăng trở lại trong khoảng một tuần gần đây, đỉnh điểm là 190 ca ngày 22/11.
Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 24.407 ca, chiếm tỷ lệ 2,1% so với tổng số ca nhiễm, cao hơn mức trung bình của thế giới là 0,1%. Trường hợp tử vong chủ yếu tập trung ở đợt 4, trong khi 3 đợt đầu chỉ có 35 ca tử vong trên tổng số gần 3.500 ca mắc (khoảng 1%).
TP.HCM có 59 bệnh nhân Covid-19 tử vong, trong đó có 12 người từ các địa phương khác chuyển đến.
Theo bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM, số ca bệnh nặng và tử vong tại TP.HCM trong những ngày qua có xu hướng tăng một phần do tiếp nhận người bệnh từ các địa phương chuyển đến. Đây là những bệnh nhân rất nặng, cao tuổi và chưa tiêm vaccine, hy vọng cứu sống thường mong mạnh.
Trao đổi với Zing trước đó, PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế Công cộng, Đại học Y Dược TP.HCM, cho rằng việc san sẻ gánh nặng điều trị, hỗ trợ chăm sóc y tế với các địa phương là trách nhiệm TP.HCM cần làm.
Một bệnh nhân Covid-19 nặng được chuyển từ Sóc Trăng lên điều trị ECMO tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM trong tình trạng nguy kịch. Ảnh: BVCC.
Tiền Giang cũng có số lượng F0 tử vong khá cao trong ngày (13 người, đứng sau TP.HCM). Tổng số bệnh nhân tử vong do Covid-19 toàn tỉnh đến nay là 505 người.
Địa phương này đang nỗ lực thực hiện giải pháp "đánh chặn từ xa", thận trọng phân loại F0 theo độ tuổi và mức độ nguy cơ, tập trung theo dõi F0 nặng để từng bước kéo giảm tỷ lệ tử vong.
Theo thống kê, tỷ lệ tử vong ở trẻ dưới 18 tuổi chiếm 0,3%, người trên 65 tuổi là 47,5%. Trong đó, số ca tử vong chủ yếu tại TP.HCM (gần 73%), Bình Dương (gần 11%), Đồng Nai (khoảng 3%), Long An (2,4%), Tiền Giang (2%).
Nhiều tỉnh, thành có tốc độ tiêm vaccine chậm
Theo thống kê trên Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19 của Bộ Y tế, một số địa phương có dịch Covid-19 bùng phát nhưng tỷ lệ dân số trên 18 tuổi tiêm đủ liều vaccine còn thấp.
Đáng chú ý, một số địa phương có tỷ lệ tiêm đủ 2 mũi vaccine rất thấp, chưa đến 40% dân số.
Trong số các địa phương có tỷ lệ tiêm vaccine còn thấp, một số tỉnh, thành ghi nhận ca F0 khá cao như Gia Lai, Bình Định, Hà Giang, Đắk Lắk, Quảng Nam.
Ghi nhận thực tế tại nhiều địa phương như TP.HCM, Bình Dương, Hà Nội, số ca F0 tăng nặng và tử vong đa số thuộc nhóm người cao tuổi (trên 65) và chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều vaccine.
Trong giai đoạn đầu mới bùng phát dịch, hầu hết tỉnh, thành phố ở Tây Nam bộ có tỷ lệ tiêm vaccine rất thấp. Do đó, khi làn sóng di biến động dân cư lớn, số ca nhiễm ở các địa phương này đã bất ngờ tăng ngày càng cao.
Hiện tại, dù số ca F0 vẫn còn cao, tỷ lệ tiêm vaccine ở 13 tỉnh miền Tây đạt độ phủ tương đối cao (trên 60%). Lãnh đạo sở y tế các tỉnh này nhận định nhiều người đã tiêm đủ 2 liều vaccine vẫn mắc Covid-19 nhưng không có triệu chứng hoặc diễn biến nhẹ.
Từ thực tế, trong thời gian số ca bệnh vẫn còn thấp, các địa phương có tỷ lệ bao phủ vaccine thấp cần nhanh chóng đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng, ngăn chặn dịch bùng phát và giảm áp lực cho tuyến điều trị.
Việt Nam cần cảnh giác, không loại trừ đợt dịch mới luôn rình rập, nhất là trong bối cảnh tình hình dịch trên thế giới còn phức tạp, có thể xuất hiện làn sóng của biến chủng mới. Đó là cảnh báo của PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế tại Hội nghị sơ kết công tác điều trị Covid-19 tổ chức ngày 25/11.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/dich-covid-19-phuc-tap-f0-tu-vong-tang-o-nhieu-dia-phuong-a88431.html