Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Toronto, tỉnh Ontario, Canada. (Ảnh: Getty Images/TTXVN)
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8 giờ sáng 29/11, thế giới đã ghi nhận tổng cộng 261.739.869 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có 5.216.861 ca tử vong. Số ca đang phải điều trị tích cực là 83.869 ca.
Mỹ, Ấn Độ và Brazil vẫn là 3 nước đứng đầu thế giới về số ca nhiễm, lần lượt là hơn 49 triệu ca, hơn 34,5 triệu ca và hơn 22 triệu ca.
Số ca nhiễm tiếp tục tăng nhanh ở khắp các khu vực. Châu Á hiện là khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất với hơn 81,9 triệu ca nhiễm, tiếp theo là châu Âu với hơn 72,9 triệu ca.
Khu vực Bắc Mỹ ghi nhận hơn 58,7 triệu ca; Nam Mỹ ghi nhận hơn 38,9 triệu ca. Châu Phi ghi nhận 8.718.026 ca nhiễm, trong đó có 223.352 ca tử vong.
Kể từ khi phát hiện ca đầu tiên nhiễm biến thể mới Omicron của virus SARS-CoV-2 ở miền Nam châu Phi ngày 25/11, hiện biến thể này đã lây lan sang nhiều châu lục trên thế giới.
Tại châu Âu, các nước Bỉ, Anh, Đức, Italy, Hà Lan đã ghi nhận các ca nhiễm biến thể này. Tại châu Á có Israel, Australia, Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) đã ghi nhận các ca nhiễm; châu Mỹ có Canada.
Anh - nước chủ tịch luân phiên nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) - đã kêu gọi họp khẩn Bộ trưởng Y tế G7 thảo luận về dịch COVID-19 vào ngày 29/11.
Israel đã cho phép dùng công nghệ giám sát người nhiễm biến thể Omicron. Theo đó, Cơ quan an ninh nội địa (Shin Bet) được sử dụng hệ thống giám sát điện thoại để theo dõi những người nhiễm biến thể Omicron để xác định các ca đã lây nhiễm và cắt chuỗi lây nhiễm.
Tuy nhiên, Shin Bet sẽ chỉ được phép theo dõi điện thoại của những người đã được khẳng định là nhiễm biến thể Omicron, không được sử dụng ở diện rộng như đã áp dụng trong những đợt lây lan COVID-19 trước đó.
Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tư pháp Israel Gideon Sa’ar bỏ phiếu phản đối biện pháp này, nhưng cũng khẳng định việc này là "cần thiết để đảm bảo sự an toàn cho người dân."
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Vịnh Marina, Singapore. (Ảnh: AFP/ TTXVN)
Singapore đã quyết định hoãn triển khai làn đi lại cho người đã tiêm vaccine (VTL) với các nước Qatar, Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) nhằm giảm rủi ro biến thể Omicron xâm nhập "đảo quốc Sư tử."
Thủ tướng Lý Hiển Long cho biết Singapore đang theo dõi sát biến thể Omicron và nước này có thể sẽ buộc phải “lùi một vài bước” trước khi tiếp tục tiến thêm các bước đi mới trong kế hoạch mở cửa nền kinh tế và đường biên giới.
Tại Nam Phi, Tổng thống Cyril Ramaphosa cho biết đã thành lập một nhóm đặc nhiệm xem xét khả năng tiêm vaccine bắt buộc trong bối cảnh số ca nhiễm tăng do biến thể Omicron. Tuy nhiên, ông Ramaphosa khẳng định sẽ chưa thắt chặt các quy định phòng chống dịch.
Nhóm đặc nhiệm sẽ báo cáo với ủy ban liên bộ về tiêm chủng do Phó Tổng thống chủ trì và sẽ đưa ra các khuyến nghị với nội các về cách tiếp cận công bằng và bền vững đối với các quy định bắt buộc.
Tổng thống Ramaphosa bày tỏ tin tưởng rằng việc phát hiện sớm biến thể Omicron đồng nghĩa với việc người dân được trang bị tốt hơn để ứng phó với biến thể này.
Hiện tại nhiều quốc gia trên thế giới đã áp dụng lệnh cấm bay và hạn chế đi lại đối với các quốc gia miền Nam châu Phi để ngăn chặn biến thể Omicron.
Người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khu vực châu Phi kêu gọi các quốc gia tuân theo khoa học, thay vì áp đặt các lệnh cấm bay để kiểm soát biến thể mới.
Theo Giám đốc WHO khu vực châu Phi Matshidiso Moeti, biến thể Omicron hiện đã được phát hiện ở một số khu vực trên thế giới, lệnh cấm đi lại nhắm riêng vào châu Phi làm suy giảm sự đoàn kết toàn cầu./.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/tinh-hinh-dich-covid-19-sang-2911-the-gioi-co-hon-2617-trieu-ca-mac-a89158.html