Nội dung
1. Biến thể Omicron phát hiện ở đâu?
3. Triệu chứng điển hình
4. Những quốc gia nào đã ghi nhận
5. Các quốc gia chạy nước rút ứng phó với Omicron
6. Xem xét tác động của Omicron lên vaccine
7. Việt Nam chủ động ứng phó
1. Biến thể Omicron phát hiện ở đâu?
Biến thể mới Omicron chính thức được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đặt tên theo bảng chữ cái Hy Lạp hôm 26/11 (theo giờ Việt Nam).
Ban đầu nó được gọi là B.1.1.529, lần đầu được phát hiện qua thu thập mẫu xét nghiệm tại Nam Phi vào ngày 9/11, được báo cáo lần đầu cho WHO từ Nam Phi vào ngày 24/11.
WHO cũng phân loại biến thể này là "biến thể đáng lo ngại", đồng thời yêu cầu các quốc gia tăng cường giám sát và giải trình tự gene virus biến thể mới này.
Theo hãng tin CNN (Mỹ), một số nhà khoa học cho rằng biến thể Omicron có thể đã xuất hiện ở vùng Nam sa mạc Sahara ở châu Phi vốn có tỷ lệ tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 thấp.
Ảnh minh họa: Guardian
2. Biến thể Omicron nguy hiểm ra sao?
Bản thông báo của Bộ Y tế Việt Nam ngày 28/11, cho hay: Theo các nhà khoa học, biến thể Omicron có tới 32 đột biến ở protein gai (thành phần giúp virus bám vào tế bào cơ thể), là biến thể nhiều đột biến nhất của virus SARS-CoV-2.
"Biến thể này được dự báo có thể lây lan nhanh hơn, nguy cơ tái nhiễm cao hơn các biến chủng khác. Theo đó, Omicron có thể lây lan nhanh hơn 500% biến chủng Delta" - theo thông báo của Bộ Y tế.
Hình ảnh so sánh lượng đột biến giữa Delta và Omicron. Ảnh: Ansa
Omicron chứa hàng loạt đột biến như K417N, N501Y, N440K, G446S... Trong đó đột biến K417N từng xuất hiện ở biến thể Delta. Đến nay, Omicron được coi là biến thể tồi tệ nhất trong đại dịch vì lượng đột biến khổng lồ và tính ưu việt của các đột biến đó.
Tiến sĩ Susan Hopkins, cố vấn y tế chính của Cơ quan An ninh Y tế Anh, cho biết số sinh sản hiệu quả R của biến thể Omicron, được phát hiện lần đầu tiên ở tỉnh Gauteng của Nam Phi, là 2 - mức độ lây truyền chưa từng được ghi nhận kể từ khi đại dịch bắt đầu bùng nổ. Với con số lây truyền lớn hơn 1, dịch bệnh sẽ phát triển theo cấp số nhân; các nhà khoa học mô tả Omicron là biến thể "tồi tệ nhất" kể từ khi bắt đầu bùng phát đại dịch.
Ngày 28/11, WHO cho biết vẫn chưa rõ biến thể mới Omicron có dễ lây truyền hơn so với các biến thể khác hay không hoặc biến thể mới này có khiến bệnh nặng hơn hay không.
Tuyên bố của WHO nêu rõ: "Dữ liệu sơ bộ cho thấy tỷ lệ số ca nhập viện ở Nam Phi gia tăng, nhưng điều này có thể là do số người nhiễm bệnh tăng, không phải là do nhiễm riêng biến thể Omicron". Tuy nhiên, WHO nhắc lại rằng bằng chứng sơ bộ cho thấy nguy cơ tái nhiễm biến thể này có thể cao hơn. Hiện WHO đang làm việc với các chuyên gia để tìm hiểu tác động tiềm tàng của biến thể Omicron đối với các biện pháp ứng phó COVID-19 hiện nay, bao gồm cả tiêm vaccine.
Theo WHO, "cần vài ngày đến vài tuần mới biết được mức độ nghiêm trọng của biến thể Omicron".
3. Triệu chứng điển hình
Phát biểu với Telegraph, bác sỹ Angelique Coetzee, Chủ tịch Hiệp hội Y tế Nam Phi (SAMA), cho biết những bệnh nhân nhiễm biến thể Omicron xuất hiện các triệu chứng rất khác nhưng đều ở thể nhẹ. Bác sĩ này được cho là người đầu tiên xác định sự tồn tại của biến thể Omicron.
Bác sĩ Angelique Coetzee - chủ tịch Hiệp hội Y khoa Nam Phi. Ảnh: SAMA
Hầu hết bệnh nhân mà bà Coetzee điều trị đều cảm thấy "rất mệt mỏi". Không có bệnh nhân nào trong số này bị mất vị giác hoặc khứu giác.
"Triệu chứng của họ rất bất thường nhưng nhẹ hơn nhiều so với những người mà tôi từng điều trị", bác sĩ Coetzee nói.
Bác sỹ Angelique Coetzee đã tiếp nhận 20 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm dương tính và nhiễm biến thể Omicron, hầu hết là nam giới trẻ. Một nửa trong số này chưa được tiêm phòng vaccine COVID-19. Bà cho biết, bệnh nhân có thể đau cơ và mệt mỏi trong một hoặc 2 ngày, hoặc có thể ho nhẹ.
Nữ bác sĩ có 30 năm hành nghề cho biết, tất cả bệnh nhân của bà (có bé gái mới 6 tuổi) đều rất khỏe mạnh nhưng vẫn lo ngại về việc những bệnh nhân lớn tuổi hoặc không được tiêm phòng có thể bị virus tấn công nghiêm trọng hơn, đặc biệt là người có bệnh lý nền như tiểu đường hoặc tim mạch. "Điều chúng tôi lo ngại là khi 2 nhóm này nhiễm biến thể mới. Chúng ta có thể chứng kiến nhiều trường hợp mắc bệnh nặng".
4. Những quốc gia nào đã ghi nhận
Kể từ khi được báo cáo lần đầu ở Nam Phi ngày 24/11, một số ca nhiễm biến thể Omicron khác cũng được phát hiện tại Botswana, Bỉ, Israel và đặc khu hành chính Hong Kong của Trung Quốc. Hiện biến thể Omicron đã xuất hiện ở Australia, Italy, Hà Lan, Pháp, Canada, Đức...
Sân bay Schiphol ở Hà Lan, nơi phát hiện ra 61 người bay về từ Nam Phi mắc COVID-19. Ảnh: Reuters
Tại Việt Nam, Bộ Y tế tối 28/11 cho biết giám sát dịch tễ của SARS-CoV-2 tại nước ta chưa ghi nhận trường hợp mắc COVID-19 với biến thể Omicron.
5. Các quốc gia chạy nước rút ứng phó với Omicron
Sau khi có thông tin về biến chủng mới, hôm 25/11, nhà chức trách Anh Quốc thông báo bổ sung 6 quốc gia tại châu Phi vào "danh sách đỏ", cấm nhập cảnh đến Anh. Cụ thể, Bộ trưởng Bộ Y tế Anh Sajid Javid cho biết mọi chuyến bay từ Nam Phi, Namibia, Lesotho, Botswana, Eswatini và Zimbabwe sẽ bị hoãn lại kể từ trưa ngày 26/11. Ngoài ra, mọi công dân Anh và Ireland trở về từ Nam Phi sẽ buộc phải cách ly trong 10 ngày.
Ngày 26/11, ngay sau khi WHO đưa Omicron vào danh sách các "biến thể gây quan ngại", Nhật Bản đã siết chặt quy định nhập cảnh đối với những người đã từng tới 9 nước châu Phi, gồm: Botswana, Eswatini, Lesotho, Malawi, Mozambique, Namibia, Nam Phi, Zambia và Zimbabwe, theo đó các đối tượng này sẽ phải cách ly tại các cơ sở do chính phủ chỉ định trong vòng 10 ngày sau khi nhập cảnh vào nước này.
Ngày 28/11, Viện Các bệnh truyền nhiễm quốc gia Nhật Bản (NIID) đã nâng mức độ cảnh báo đối với Omicron lên mức cao nhất.
Báo Thanh Niên dẫn thông tin từ tờ Nikkei Asia ngày 29/11 đưa tin chính phủ Nhật Bản quyết định tạm ngưng nhập cảnh đối với mọi khách doanh nhân và sinh viên nước ngoài vì lo ngại biến thể Omicron. Còn Hãng thông tấn Kyodo đưa tin Thủ tướng Nhật Bản tuyên bố quyết định mới nói trên có hiệu lực từ ngày 30/11. Đây được coi là bước đi cương quyết nhằm ngăn chặn nguy cơ lây lan chủng virus mới Omicron vào nước này.
Tờ Bangkok Post đưa tin Thái Lan sẽ cấm khách từ 8 nước khu vực nam châu Phi, trong khi Singapore cũng sẽ cấm nhập cảnh đối với khách từng đến 7 nước châu Phi có hoặc nghi có biến thể Omicron.
Ngày 28/11, Chính phủ Indonesia quyết định ngừng nhập cảnh đối với các du khách quốc tế từng ở 10 quốc gia châu Phi và vùng lãnh thổ Hong Kong (Trung Quốc) trong vòng hai tuần qua nhằm ngăn chặn sự xâm nhập của biến thể Omicron.
Trước mối đe dọa từ biến thể này, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) từ ngày 29/11 bắt đầu cấm chuyến bay từ Nam Phi và khu vực lân cận.
Anh cũng cấm nhập cảnh đối với người đến từ Nam Phi và 5 nước láng giềng. Những động thái tương tự đã được áp dụng tại Australia, Ấn Độ, Iran, Brazil và Canada...
Hiện tại, những nước đã áp dụng các hạn chế đi lại đối với một số nước châu Phi gồm có Vương quốc Anh, Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Canada, Thổ Nhĩ Kỳ, Sri Lanka, Oman, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Australia, Nhật Bản, Thái Lan, Seychelles, Brazil, Guatemala, cùng một số quốc gia và vùng lãnh thổ khác.
(Theo TTXVN ngày 29/11)
6. Xem xét tác động của Omicron lên vaccine
Từ ngày 26/11, nhiều hãng dược chủ động nghiên cứu biến thể mới, xem xét tác động của nó lên vaccine, cho biết việc phát triển lô hàng thử nghiệm mới có thể mất vài tuần.
Ngày 28/11, nhà sản xuất vaccine Moderna của Mỹ cho biết, các chuyên gia của công ty này đã bắt tay vào nghiên cứu vaccine phòng biến thể Omicron từ ngày 25/11 vừa qua.
Moderna đang thử nghiệm hiệu quả của liều vaccine tăng cường với biến thể Omicron. Pfizer tuyên bố nếu biến chủng có khả năng trốn thoát miễn dịch, hãng sẽ phát triển vaccine thế hệ tiếp theo trong khoảng 100 ngày.
Hãng dược Johnson & Johnson cho biết đang theo dõi sát biến thể Omicron và đánh giá hiệu quả của vaccine phòng COVID-19 của hãng với biến thể mới này.
Trong thông báo ngày 26/11, AstraZeneca cho biết hãng hy vọng hỗn hợp kháng thể đơn dòng của hãng sẽ vẫn hiệu quả với biến thể Omicron.
Hãng đang thực hiện nghiên cứu tại Botswana và Eswatini nhằm thu thập dữ liệu về hiệu quả của vaccine đối với biến thể mới này. AstraZeneca nhấn mạnh vaccine phòng COVID-19 của hãng đã cho thấy hiệu quả chống lại tất cả biến thể đáng lo ngại (VOC) hiện nay của virus SARS-CoV-2.
AstraZeneca cho biết thêm hãng đang thử nghiệm kháng thể đơn dòng AZD7442 đối với biến thể Omicron và hy vọng loại thuốc này sẽ duy trì được hiệu quả trong việc chống lại biến thể mới.
7. Việt Nam chủ động ứng phó
Việt Nam dù chưa ghi nhận ca nhiễm COVID-19 biến thể Omicron nào, nhưng Bộ Y tế đã chủ động báo cáo và đề xuất Chính phủ xem xét chỉ đạo tạm dừng tổ chức các chuyến bay quốc tế đến và đi từ các quốc gia: Nam Phi, Botswana, Namibia, Zimbabwe, Eswatini, Lesotho, Mozambique và tạm dừng cấp phép nhập cảnh với hành khách đến/đi về từ các quốc gia trên.
Bộ Y tế cũng cho biết Việt Nam đang chủ động ngăn chặn nguy cơ xâm nhập và lây lan của biến chủng mới. Hệ thống giám sát dịch đã tăng cường nhằm phát hiện sớm những dấu hiệu bất thường của các ổ dịch.
Các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur được yêu cầu thực hiện giải trình tự gene trường hợp nghi ngờ nhiễm biến thể mới, đặc biệt là ca có tiền sử dịch tễ về từ các quốc gia khu vực Nam Phi.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/bien-the-omicron-nhieu-dot-bien-nhat-cua-sars-cov-2-trieu-chung-ra-sao-a89300.html