Một trong những đoạn thi công chậm tiến độ trong công trình kè suối Nậm La, TP. Sơn La (giai đoạn 2), là đoạn từ cầu 308 đến cầu Dây Văng, thuộc gói thầu số 10 của Dự án có tổng mức đầu tư trên 166 tỷ đồng, với 5 nhà thầu liên danh thi công đang được triển khai, nhưng chậm tiến độ so với kế hoạch
Trong đó, cây cầu dây văng cũ đã được tháo, cầu mới có thiết kế chiều dài 44,46m, chiều rộng 15m, kết cấu dạng vòm bê tông cốt thép, với tổng vốn đầu tư 19,7 tỉ đồng.
Dự án này do Ban Quản lý dự án di dân tái định cư thủy điện Sơn La làm chủ đầu tư và đơn vi đứng đầu liên danh là Công ty Soricom có địa chỉ ở TP.Sơn La.
Dự án thi công Kè Nậm La (giai đoạn II) đang chậm tiến độ với trọng điểm là khu vưc cầu dây văng đến cầu 308 và khu vực cầu Tông Panh, hồ Tuổi trẻ.
Thi công ì ạch , nhà thầu bị đẩy ra đường?
PV Tri thức và Cuộc sống ghi nhận tại hiện trường dự án thi công Kè Nậm La, hình ảnh công trình ngồn ngang chưa được thi công, nhiều đống gạch đá chưa được xúc đi, biển báo lắp sơ sài, tạm bợ…
Ông Đoàn Kim Chung, đại diện Ban quản lý dự án di dân TĐC thủy điện Sơn La cho biết, nguyên nhân chính là do chậm tiến độ đền bù giải phóng mặt bằng. Điều này dẫn đến việc bàn mãi tận đầu tháng 3/2021, chủ đầu tư mới có mặt bằng sạch bàn giao cho liên danh đứng đầu là công ty Soricom tiến hành thi công.
Cũng có nghĩa, từ ngày hợp đồng được ký kết và có hiệu lực, phải tận 41 tháng sau, chủ đầu tư mới bàn giao được mặt bằng sạch.
Theo báo cáo số 272 ngày 15/11/2021 của Ban quản lý dự án di dân TĐC thủy điện Sơn La gửi UBND tỉnh Sơn La, đơn vị này dự kiến xin UBND tỉnh Sơn La đồng ý việc chấm dứt hợp đồng đối với nhà thầu cũ và chỉ định thầu đối với nhà thầu mới.
Cụ thể ở đây là hạng mục cầu dây văng, Ban quản lý dự án di dân TĐC thủy điện Sơn La xin tỉnh cho phép chấm dứt hợp đồng đối với Công ty TNHH Soricom. Đồng thời, cho phép chỉ định thầu thi công khối lượng còn lại cho Công ty CP tư vấn xây dựng Hoàng Hùng – thành viên liên danh tham gia gói thầu số 10 – Dự án Kè suối Nậm La (giai đoạn II đoạn từ cầu 308 đến cầu dây văng). Thời gian hoàn thiện các thủ tục pháp lý để ký hợp đồng với đơn vị thi công xong trước ngày 20/11/2021 (ngay sau khi có văn bản của UBND tỉnh cho phép chấm dứt hợp đồng).
Báo cáo số 272
Lý giải về câu chuyện, trong buổi làm việc trực tiếp tại thành phố Sơn La, đại diện công ty Soricom cho biết, sau khi hợp đồng 45/2017/HĐXD năm 2017 được ký kết, với thời gian hoàn thành toàn bộ gói thầu số 10 trong 9 tháng (bao gồm cả cầu dây văng). Sau khi hợp đồng có hiệu lực, nhà thầu vẫn chưa được tạm ứng tiền theo những điều khoản đã ký kết. Mãi 41 tháng sau, chủ đầu tư mới có mặt bằng để bàn giao cho nhà thầu triển khai thi công cầu dây văng. Nhưng tại thời điểm bắt đầu triển khai đơn giá vật liệu, nhân công có sự biến động tăng giá cao, đặc biệt là giá thép xây dựng.
Tháng 4/2021, nhà thầu được chủ đầu tư tạm ứng số tiền theo điều khoản quy định trong hợp đồng là 8 tỷ đồng, nhà thầu đã chi mua vật liệu, nhiên liệu, thuê xe máy thi công, tiền nhân công… hết hơn 7,5 tỷ.
Mặt khác, việc thi công khoan cọc nhồi gặp đá quá cứng cũng dẫn đến việc đội giá, đồng thời gây va đập, chấn động lớn ảnh hưởng tới các công trình lân cận. Đứng đầu liên danh là công ty Soricom đề nghị chủ đầu tư, tư vấn thiết kế xem xét điều chỉnh thiết kế.
Liên danh các nhà thầu cũng đề nghị chủ đầu tư xem xét điều chỉnh giá gói thầu theo thời điểm hiện tại đối với dự án nhà nước chậm bàn giao mặt bằng (trong trường hợp bất khả kháng), và những khối lượng còn thiếu trong thực tế thi công.
Đơn vị thi công cầu dây văng là Công ty Soricom
Trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống, đại diện công ty Soricom khẳng định, về quan điểm nhà thầu vẫn tiếp tục thực hiện hợp đồng và thi công cầu dây văng khi được chủ đầu tư xem xét điều chỉnh giá gói thầu theo thời điểm thi công. Trường hợp chủ đầu tư là Ban quản lý dự án di dân TĐC thủy điện Sơn La đề nghị chấm dứt hợp đồng, nhà thầu không đồng ý với lý do không phải lỗi của nhà thầu.
Soricom mong nhận được sự quan tâm của Ban quản lý dự án di dân TĐC thủy điện Sơn La, để tìm phương án thi công thuận lợi đáp ứng tiến độ đã đề ra.
Tuy nhiên, cho đến hiện tại, theo thông tin PV nắm được, mọi việc vẫn chưa ngã ngũ.
Chuyên gia nói gì trong trường hợp này?
Trao đổi xung quanh câu chuyện, Luật sư Hoàng Tùng - Văn phòng Luật sư Trung Hòa, Đoàn Luật sư TP.Hà Nội cho biết, Theo Nghị định 37/2015 NĐ-CP quy định chi tiết về hợp đồng xây dựng thì tạm ứng hợp đồng xây dựng là khoản kinh phí mà bên giao thầu ứng trước không lãi suất cho bên nhận thầu để thực hiện các công tác chuẩn bị cần thiết trước khi triển khai thực hiện các công việc theo hợp đồng. Mức tạm ứng, thời điểm tạm ứng và việc thu hồi tạm ứng phải được các bên thỏa thuận cụ thể trong hợp đồng.
Luật sư Hoàng Tùng - Văn phòng Luật sư Trung Hòa, Đoàn Luật sư TP.Hà Nội
Đối với hợp đồng thi công xây dựng có giá trị trên 50 tỷ đồng, mức vốn tạm ứng tối thiểu bằng 10% giá trị hợp đồng. Như vậy, theo quy định trên của pháp luật thì sau khi hợp đồng có hiệu lực, bên nhận thầu vẫn chưa được tạm ứng tiền theo điều khoản đã ký kết trong hợp đồng để thi công công trình, thậm chí là đã quá thời hạn thực hiện tiến độ của dự án, đó là lỗi của chủ đầu tư.
Thêm vào đó, công tác giải phóng mặt bằng không được bảo đảm, mãi đến tháng 3/2021 (sau 41 tháng), chủ đầu tư mới có mặt bằng để bàn giao cho nhà thầu triển khai thi công, thì rõ ràng, chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm rất lớn.
Hợp đồng xây dựng số 45 , gói thầu số 10 , liên danh do công ty Soricom đừng đầu
Không phải hợp đồng nào cũng bảo đảm được 100% việc thực hiện hợp đồng. Đó có thể là do nguyên nhân khách quan, cũng có thể do chủ quan, tuy nhiên khi nhận thấy không bảo đảm được các yếu tố để thực hiện hợp đồng. Việc không có mặt bằng để bàn giao cho bên nhận thầu, thì rõ ràng đây là trách nhiệm của chủ đầu tư. Lúc này, chủ đầu tư cần có trách nhiệm thực hiện điều chỉnh tiến độ hợp đồng do việc bàn giao mặt bằng không đúng với các thỏa thuận trong hợp đồng theo quy định tại điều 39 Nghị định 37/2015 NĐ-CP Quy định chi tiết về hợp đồng xây dựng.
Theo luật sư Hoàng Tùng, việc chấm dứt hợp đồng là điều không ai mong muốn, bởi để đi đến việc ký kết thành công một hợp đồng thi công xây dựng là điều không dễ. Tuy nhiên, ở những tình huống không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng, luật pháp cho phép các bên được chấm dứt hợp đồng và chịu trách nhiệm đối với việc đơn phương chấm dứt hợp đồng của mình.
Chậm bàn giao mặt bằng sạch, và câu chuyện đội giá nảy sinh xung đột giữa chủ đầu tư và nhà thầu thi công kè Nậm La (giai đoạn II) đang khiến các bên bức xúc
Theo quy định tại Khoản 4 Điều 41 Nghị định Nghị định 37/2015 NĐ-CP thì trường hợp một bên đơn phương chấm dứt hợp đồng xây dựng mà không phải do lỗi của bên kia gây ra, thì bên đơn phương chấm dứt hợp đồng phải bồi thường thiệt hại cho bên kia. Trong tình huống này, bên chủ đầu tư, Ban quản lý dự án di dân TĐC thủy điện Sơn La là bên đơn phương chấm dứt hợp đồng, đã có báo cáo xin ý kiến UBND tỉnh Sơn La đồng ý chấm dứt hợp đồng đối với một số nhà thầu cũ và chỉ định thầu đối với nhà thầu mới, vậy Ban quản lý phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho Nhà thầu (liên danh SORICOM). Nhà thầu (liên danh SORICOM) không cần có trách nhiệm trong sự việc này.
“UBND tình Sơn La đóng một vai trò hết sức quan trọng trong việc thực hiện xây dựng công trình Dự án kè suối Nậm La. Đây là một công trình về hạ tầng kỹ thuật cấp tỉnh cần có phê duyệt, ban hành của UBND cấp tỉnh. Sau khi phê duyệt, ban hành UNND tỉnh sẽ phân công nhiệm vụ cho các sở ban nghành liên quan, thực hiện quản lý, giám sát việc xây công trình hạ tầng kỹ thuật.
Mặc dù lãnh đạo UBND tỉnh Sơn La rất quan tâm chỉ đạo quyết liệt giải quyết những vướng mắc này nhằm đưa công trình hoàn thiện phục vụ nhân dân, tuy nhiên khi nhìn vào kết quả đáng buồn của sự chẫm trễ tiến độ trên thì cần phải cần phải đặt câu hỏi: lãnh đạo trách nhiệm ra sao trong thực hiện công trình này? Rõ ràng, nếu thực sự đã muốn làm thì dự án không thể nào chậm trẽ tới gần 4 năm như vậy”, luật sư Hoàng Tùng nhấn mạnh.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/ke-nam-la-son-la-cham-tien-do-chu-dau-tu-da-bong-trach-nhiem-cho-nha-thau-a89469.html