Khi nghi vấn quá trình thi công Tỉnh lộ 334 qua huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) “bức tử” vịnh Bái Tử Long còn đang được làm rõ, Báo Giao thông tiếp tục được cung cấp một số vi phạm liên quan đến quá trình triển khai dự án này.
Đơn vị thi công cầu Cái Bầu đổ đất thẳng xuống biển không có giải pháp bảo vệ môi trường
Phá rừng ngập mặn, không chuyển đổi đất
Những ngày này, dự án Tỉnh lộ (TL) 334 đoạn từ sân golf Ao Tiên đến nút giao giữa TL334 và đường vào khu công viên phức hợp Khu kinh tế Vân Đồn, huyện Vân Đồn, Quảng Ninh (gọi tắt là dự án TL334) đang được gấp rút thi công.
Ghi nhận của PV Báo Giao thông, việc thi công tuyến đường không có hệ thống kè chắn tại những vị trí lấn biển. Đất đá thi công cầu Cái Bầu trên tuyến bị đổ thẳng ra biển khiến một vùng nước biển đỏ quạch.
Quá trình làm cầu Cái Bầu trên tuyến TL334, đơn vị thi công đã chặn luôn dòng chảy của con suối từ phía trong đổ ra, chỉ để vài chiếc cống nhỏ.
Lúc thủy triều rút xuống, có thể thấy được đất, đá bị cuốn ra xa hàng trăm mét. Khi san lấp mặt bằng để thi công cầu Cái Bầu trong dự án TL334, nhà thầu còn san lấp, phá hơn 1000m2 rừng ngập mặn tại đây.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, lãnh đạo Hạt Kiểm lâm huyện Vân Đồn cho biết, Hạt đã lập biên bản, xử phạt hơn 60 triệu đồng vì hành vi phá rừng ngập mặn của đơn vị thi công TL334.
Ngoài ra, khi kiểm tra xử phạt lỗi vi phạm này, Hạt phát hiện dự án không làm các thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
“Theo quy định, việc thi công ảnh hưởng đến diện tích rừng ngập mặn thì tỉnh Quảng Ninh phải có thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất báo cáo Bộ NN&PTNT để trình cấp có thẩm quyền quyết định. Khi Hạt lập biên bản xử phạt, đơn vị thi công không trình được quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng đất và cho rằng “không nắm được quy định và chỉ biết triển khai!”, lãnh đạo Hạt Kiểm lâm Vân Đồn nói.
Theo Luật Đất đai, đất rừng, đất mặt nước bãi triều thuộc nhóm đất nông nghiệp, đất sử dụng vào mục đích công cộng (đất giao thông) thuộc nhóm đất phi nông nghiệp.
Trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp phải được phép của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Như vậy, phần diện tích đất bãi triều, rừng ngập mặn của dự án này là 5,1ha, nhưng đã không được làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Đổ xuống, hút lên... là xong?
Khu vực rừng ngập mặn bị phá để thi công đường đã bị cơ quan chức năng huyện Vân Đồn xử phạt hơn 60 triệu đồng vì làm thiệt hại hơn 1.000m2 rừng
Tuy nhiên, ông Duyên Thanh Thìn, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Ninh khẳng định: Quá trình lập dự toán, thiết kế dự án này, các sở, ngành, địa phương của tỉnh Quảng Ninh đã phối hợp, khảo sát, đánh giá kỹ và đã hoàn tất kế hoạch bảo vệ môi trường.
“Đối với khu vực lấn biển để thi công cầu Cái Bầu, chúng tôi chọn giải pháp đắp đảo bằng vật liệu ít bão hòa trong nước và giảm ảnh hưởng đến môi trường nước để tiến hành khoan cọc và kết hợp làm đường công vụ tạm thời, dự kiến thời gian thi công từ 4 - 5 tháng. Đây là giải pháp tối ưu và tiết kiệm nhất cho ngân sách Nhà nước vì nếu sử dụng kè vây bằng thép, bằng bê tông sẽ tốn rất nhiều kinh phí phụ trợ. Sau khi hoàn thành công tác thi công hạ công trình, nhà thầu sẽ tiến hành thanh thải toàn bộ vật liệu đắp để hoàn nguyên môi trường ban đầu”, ông Thìn cho biết.
Khi PV hỏi rõ hơn về việc “tiến hành thanh thải”, thì ông Thìn giải thích: “Sau khi kết thúc dự án, chủ đầu tư sẽ phối hợp bơm bùn, đất đã bị đổ xuống mặt nước vịnh Bái Tử Long để hoàn nguyên môi trường như cũ”.
Trao đổi qua điện thoại với PV Báo Giao thông, một lãnh đạo Ban quản lý Vườn Quốc gia Bái Tử Long cho biết: Vườn không có vùng đệm và nằm cách khu vực thi công dự án TL334 khoảng 1km.
Việc thi công dự án đổ đất đá xuống biển như hiện nay chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến môi trường biển.
Theo vị này, không phải cứ đổ bừa bãi đất, đá xuống biển rồi sau đó lại bơm hút lên là có thể thanh thải, hoàn nguyên môi trường biển.
“Bởi đất, cát đã đổ xuống biển và bị thủy triều cuối trôi, phát tán xuống vịnh Bái Tử Long rồi thì làm sao mà bơm, gom lại được?”, vị này nói.
Được UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt tháng 12/2020, dự án TL334 có tổng chiều dài 9,506km, tổng mức đầu tư trên 1.496 tỷ đồng, được triển khai từ năm 2021 - 2024 bằng nguồn ngân sách tỉnh Quảng Ninh.
Chủ đầu tư dự án là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Ninh, các đơn vị thi công gồm: Công ty CP 484, Công ty CP Đầu tư và thương mại quốc tế Huy Hoàng, Công ty CP tư vấn xây lắp đầu tư An Phú Quảng Ninh.
Dự án chiếm dụng khoảng 24,78ha đất tại xã Hạ Long và Vạn Yên, trong đó có 5ha đất mặt biển, bãi triều là của cơ quan Nhà nước quản lý không phải đền bù và 1.250m2 đất nuôi trồng thủy sản của nhân dân.
Ngày 23/11, Văn phòng UBND tỉnh Quảng Ninh đã có văn bản yêu cầu cơ quan hữu quan của địa phương này kiểm tra, xử lý phản ánh dự án gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến vịnh Bái Tử Long và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm (nếu có).
Đồng thời, hướng dẫn, chỉ đạo các đơn vị triển khai ngay các giải pháp khắc phục, đảm bảo quá trình thi công không làm ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản, đời sống nhân dân và môi trường vịnh Bái Tử Long.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/quang-ninh-them-vi-pham-tai-du-an-nghi-buc-tu-vinh-bai-tu-long-a90181.html