Đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu: Xu thế bắt buộc

Dưới tác động kéo dài của đại dịch Covid-19, việc đa dang hóa chuỗi cung ứng toàn cầu từ xu thế chung của toàn cầu đã trở thành yếu tố mang tính sống còn của mỗi doanh nghiệp

Nhìn từ việc lõi công xưởng sản xuất toàn cầu bị ảnh hưởng bởi đại dịch

Dịch bệnh Covid-19 đã làm bộc lộ những rủi ro khi cung ứng các sản phẩm, thiết bị thiết yếu bị gián đoạn do mạng lưới chuỗi cung ứng trải rộng toàn cầu phần lớn đều phụ thuộc vào các trung tâm sản xuất tại nước thứ 3, lớn nhất là Trung Quốc.

Xét từ khâu nguyên liệu đầu vào, vật liệu đồng là một trong những thị trường đầu tiên phản ứng khi Covid-19 nổi lên ở Vũ Hán, với giá đồng giảm hơn 1/4 trong thời gian chỉ từ tháng 1 đến tháng 3 năm ngoái. Sau đó, khi Trung Quốc triển khai những biện pháp chưa từng có chống đại dịch phát huy tác dụng, giá đồng nhanh chóng bật tăng trở lại.

Kể từ đó, xu hướng tăng của giá đồng chưa hề đứt đoạn và đã tăng gấp đôi chỉ sau 1 năm. Không chỉ Trung Quốc giữ vai trò động lực cho sự tăng giá của đồng, trung tâm sản xuất của thế giới thực tế đã hấp thụ một nửa nhu cầu tiêu thụ đồng của thế giới và bấy lâu nay giữ một vai trò chủ chốt trong chuỗi cung ứng toàn cầu chung vốn có của nền kinh tế thế giới.

Đơn cử như trong lĩnh vực công nghệ, điện tử, điện thoại như Foxconn, Apple, Intel, Samsung… khách hàng đã quen thuộc sử dụng sản phẩm của chính hãng được sản xuất từ Trung Quốc. Hay lĩnh vực điện lạnh, điện gia dụng là những mặt hàng nhu cầu tăng cao trong thời gian qua như LG, Daikin, Casper, Panasonic… cũng đã ra mắt một số dòng sản phẩm sản xuất ở nước thứ 3 như Trung Quốc bên cạnh các sản phẩm từ quốc gia xuất xứ thương hiệu như Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan..

Tuy nhiên, Covid-19 đã giáng một đòn chí mạng vào nền kinh tế toàn cầu, các doanh nghiệp phải đối diện với một loạt khó khăn liên quan đến đứt gãy chuỗi cung ứng như thiếu hụt nguyên vật liệu, khan hiếm nguồn nhân lực, sản xuất gián đoạn, vận chuyển hàng hóa chậm trễ, giá cả leo thang... Những “mắt xích” quan trọng trong chuỗi cung ứng có thể bị “đứt gãy” hay  biến động bất cứ lức nào.

Để giảm thiểu ảnh hưởng bởi vòng xoáy của thị trường, các doanh nghiệp đã buộc phải đa dạng hóa chuỗi cung ứng, tham gia sâu hơn vào mạng lưới cung ứng toàn cầu phong phú hơn. Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) nhận định: đa dạng hóa nguồn cung và ứng dụng các nền tảng kỹ thuật số được chính là chìa khóa để xây dựng chuỗi cung ứng thông minh và bền vững, đảm bảo sự phục hồi lâu dài sau đại dịch.

Đa dang hóa chuỗi cung ứng toàn cầu đang là xu thế bắt buộc

Trả lời Worldbank.org, ông Mark Green, Phó chủ tịch Chuỗi cung ứng toàn cầu Tập đoàn PVH, cho biết: “Covid-19 đã chứng tỏ tình trạng kém hiệu quả trong các chuỗi giá trị ngành, nó khiến mọi người nhận ra khối lượng hàng tồn kho trong hệ thống và tình trạng thiếu linh hoạt trong hoạt động gây ra hậu quả không hề nhỏ”.

Báo cáo “Tăng cường khả năng ứng phó khủng hoảng cho tương lai” do PWC công bố cũng chỉ ra: Covid-19 đã làm gián đoạn phương pháp vận hành chuỗi cung ứng toàn cầu cũ, khiến doanh nghiệp gặp khó. Chuỗi cung ứng trong tương lai sẽ không chỉ xoay quanh hiệu suất và quản lý chi phí mà sẽ dựa trên mức độ an toàn và khả năng thích ứng của chuỗi cung ứng đó.

Rõ ràng, việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng hàng hóa không chỉ là xu hướng phát triển tất yếu mà yêu cầu bắt buộc của nhiều doanh nghiệp, đặc biệt những doanh nghiệp toàn cầu với quy mô sản xuất lớn trải dài trên nhiều nước. Không một ngành, một lĩnh vực nào của đời sống tiêu dùng nằm ngoài xu thế này!

Ví như “ông lớn” công nghệ Apple, thông qua 9 đối tác lớn nhất của mình, “táo khuyết” đã mở rộng chuỗi cung ứng với hơn 200 nhà cung cấp ngoài Trung Quốc như Đài Loan, Ấn Độ, Brazil, Việt Nam, Mỹ, Séc, Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản. Foxconn, Qishda, Pegatron, Apple, Intel… cũng đã và đang xúc tiến kế hoạch đầu tư hoặc mở rộng sản xuất tại nhiều nước ngoài Trung Quốc, như Ấn Độ, Mexico, một số nước Đông Nam Á để giảm thiểu rủi ro gián đoạn cung ứng khi xảy ra biến động ở thị trường Trung Quốc.

Tương tự các hãng thời trang đã nhanh chóng dịch chuyển chuỗi cung ứng. Theo Reuters, dù vẫn giữ vị trí quan trọng nhưng các nước châu Á đã phải chia "miếng bánh" thị phần chục tỷ USD với các nước như Đông Âu và Mỹ Latin. Thương hiệu Mango đã tăng đơn hàng ở Bồ Đào Nha, Maroc và Thổ Nhĩ Kỳ. Hãng giày Steve Madden có kế hoạch chuyển 50% hoạt động sản xuất từ Trung Quốc tới Brazil và Mexico. Thương hiệu giày dép của Nike với hơn 50% tổng lượng sản xuất tại Việt Nam cũng đã có kế hoạch mở thêm nhà máy mới.

“Ứng biến bão giá đầu vào, quản lý chất lượng” là chìa khoá trong đa dạng hóa chuỗi cung ứng

Có thể thấy, Trung Quốc với vai trò là “công xưởng” của thế giới đã khiến các doanh nghiệp toàn cầu bị lệ thuộc khá nhiều. Tuy nhiên, phần lớn nhóm 500 tập đoàn hàng đầu thế giới (Fortune 500) chưa sẵn sàng dịch chuyển toàn bộ hoặc phần lớn sản xuất ra khỏi Trung Quốc.

điều tra của Phòng Thương mại Mỹ, Nhật Bản, Liên minh châu Âu (EU) tại Trung Quốc, hơn 70% số doanh nghiệp Mỹ ở Trung Quốc và 90% số doanh nghiệp Nhật Bản ở miền Đông Trung Quốc chưa có kế hoạch rút khỏi Trung Quốc…

Nhiều tập đoàn trong số này mặc dù chưa rút khỏi Trung Quốc nhưng cũng đang trong xu hướng tìm kiếm các nước khác để đầu tư nhằm giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc và phân tán rủi ro. Đến thời điểm này sự hợp tác với Trung Quốc vẫn là giải pháp hợp lý, song song, dự báo xu hướng doanh nghiệp đa dạng hoá chuỗi cung ứng từ nhiều nước sẽ càng trở nên rõ rệt.

Với vị trí gần Trung Quốc, đồng thời Chính phủ áp dụng hàng loạt chính sách thu hút đầu tư, Việt Nam đang là điểm đến mới của các doanh nghiệp toàn cầu.

Theo hãng phân tích công nghiệp toàn cầu Counterpoint (Hong Kong): Việt Nam đang thăng hạng trong chuỗi cung ứng toàn cầu và đang vươn lên trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn cho các nhà sản xuất xuất khẩu
Dự báo giai đoạn 2020-2026, thị trường dịch vụ sản xuất điện tử (EMS) Việt Nam sẽ tăng trưởng 5%/năm, thu hút nhiều nhà sản xuất thiết bị gốc (OEM) và nhà cung cấp EMS như Samsung, LG, Foxconn, Google…

Hay qua sự kiện giá nguyên liệu đầu vào như đồng, thép,… tăng cao đáng kể cho thấy việc đa dạng hóa chuỗi cung toàn cầu là tất yếu, đặc biệt là nhà sản xuất xe hơi như Toyota, Honda, KIA… hay các thương hiệu điện tử điện, điện máy gia dụng như Samsung, Casper, Panasonic, Electrolux…

 Các doanh nghiệp điện tử điện lạnh đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu 

Giải pháp tìm nguồn cung ứng từ một nước thứ 3 đang được các doanh nghiệp áp dụng. Theo tìm hiểu, nhờ áp dụng quy trình giám sát nghiêm ngặt, quy trình công nghệ tiên tiến với tỷ lệ tự động hóa cao, việc các thương hiệu này từng bước đa dạng hóa nguồn cung bằng các sản phẩm, linh kiện được sản xuất ở nước thứ 3 như Trung Quốc, Indonesia, Việt Nam… thay vì đặt ở các nước xuất xứ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan… đã không chỉ giải quyết bài toán giảm thiểu phụ thuộc chuỗi cung ứng mà còn là dịp để đổi mới đầu tư công nghệ.

Song song với đó, những sản phẩm chất lượng cao hơn với chi phí cạnh tranh hơn ra đời, từ đó mang lại lợi thế cạnh tranh và lợi ích cho người tiêu dùng. 

Trong điều kiện chuỗi cung ứng toàn cầu hoá ngày càng hoàn thiện và chứng minh được tính hiệu quả, thì việc các thương hiệu sản xuất công nghiệp, điện tử toàn cầu đã từng bước đa dạng hóa nguồn cung ứng từ nước thứ 3 hay “nhiều nước thứ 3” để tạo ra những sản phẩm chất lượng cao với chi phí cạnh tranh hơn, đồng thời tham gia sâu hơn, chủ động vào trong chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ giúp mỗi doanh nghiệp có “sức đề kháng” tốt hơn trong bối cảnh còn diễn biến phức tạp kéo dài.

Link nội dung: https://vietnamindex.vn/da-dang-hoa-chuoi-cung-ung-toan-cau-xu-the-bat-buoc-a90832.html