Các ngân hàng đang đẩy mạnh vốn ưu đãi ra thị trường, song dư địa còn lại để giảm lãi suất không nhiều.
Lãi suất đã giảm mạnh
Mặt bằng lãi suất (cả huy động và cho vay) đã giảm mạnh trong thời gian qua. Đáng chú ý là, tổng số tiền lãi giảm lũy kế từ ngày 15/7/2021 đến 31/10/2021 của 16 ngân hàng đồng thuận giảm lãi suất đạt 15.559 tỷ đồng, bằng 75,48% so với cam kết. Điều này cũng cho thấy nỗ lực của ngân hàng trong việc giảm lãi vay cho khách hàng, dù áp lực nợ xấu tăng, trích dự phòng cao, nhất là với khoản nợ tái cơ cấu vì dịch bệnh.
TS. Huỳnh Trung Minh, chuyên gia tài chính nhận định, để giảm được lãi suất cho vay, trước hết, nhà băng phải cắt giảm chi phí đầu vào cũng như tiết giảm chi phí hoạt động, vận hành. Tuy nhiên, theo ông Minh, mặt bằng lãi suất tiền gửi đã giảm mạnh trong thời gian qua, khiến huy động tiền gửi tiết kiệm ngân hàng giảm, nên lãi vay khó giảm sâu.
Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tổng tiền gửi tại các tổ chức tín dụng đến cuối tháng 9/2021 đạt hơn 10,5 triệu tỷ đồng, tăng gần 5,3% so với hồi đầu năm. Trong đó, tiền gửi của các tổ chức kinh tế đạt hơn 5,2 triệu tỷ đồng, tăng 380.291 tỷ đồng, tương đương tăng 7,8% so với đầu năm; tiền gửi dân cư chỉ tăng 2,92%, đạt gần 5,3 triệu tỷ đồng, tương đương mức tăng hơn 150.000 tỷ đồng so với đầu năm nay. Đặc biệt, trong tháng 8 và tháng 9/2021, tiền gửi dân cư liên tục sụt giảm so với các tháng trước đó. Cụ thể, tháng 8/2021 giảm 986 tỷ đồng, tháng 9/2021 giảm 1.473 tỷ đồng.
Dư địa còn lại không nhiều
Trước áp lực lạm phát, lãi tiết kiệm giảm, sức hấp dẫn của các kênh đầu tư khác, trong đó có chứng khoán, tăng trưởng tiền gửi của ngân hàng đang sụt giảm. Trong khi đó, cầu vốn khách hàng dần hồi phục trong mùa kinh doanh cao điểm cuối năm, nên ngân hàng tái tăng lãi suất để huy động vốn.
Theo TS. Huỳnh Trung Minh, nếu lạm phát năm 2021 được kiểm soát ở mức 3- 4%, thì với mặt bằng lãi suất hiện nay, người gửi tiền vẫn có thể được được hưởng lãi suất thực dương. Nhưng áp lực lạm phát năm tới đang gia tăng, trong khi thị trường cổ phiếu, bất động sản vẫn hấp dẫn để hút tiền nhàn rỗi, nên gửi tiền tiết kiệm được cho là kém hấp dẫn hơn.
“Các ngân hàng gần như đã thực hiện mọi giải pháp có thể để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và khó tiếp tục giảm lãi suất. Vì thế, cấp bù lãi suất có lẽ là giải pháp phù hợp nhất ở thời điểm hiện tại. Vấn đề là cần phương pháp triển khai phù hợp”, TS. Huỳnh Trung Minh chia sẻ.
Để có thêm dư địa giảm lãi suất cho vay trong thời gian còn lại của năm 2021, đồng thời mở rộng hoạt động cho vay trong mùa cao điểm cuối năm, nhiều ngân hàng đã đề nghị Ngân hàng Nhà nước nới room và được cấp thêm hạn mức tín dụng trên cơ sở năng lực của từng nhà băng.
Theo báo cáo Triển vọng ngành ngân hàng năm 2021 mới công bố của Công ty Chứng khoán BIDV (BSC), với kỳ vọng phục hồi nền kinh tế bắt đầu từ quý IV/2021, sau một thời gian kiểm soát tốt dịch bệnh, cầu tín dụng sẽ hồi phục.
Cơ sở để BSC đưa ra nhận định trên là việc nhiều ngân hàng được cấp thêm chỉ tiêu tín dụng trong quý IV/2021. Cụ thể, TPBank là nhà băng được nới room tín dụng cao nhất, lên 23,4%; Techcombank (22,1%), MSB (22%) và MB (21%). VIB và VPBank đứng ở nhóm tiếp theo với hạn mức tín dụng lần lượt là 19,1% và 17,1%. Riêng trong nhóm ngân hàng có vốn nhà nước, Vietcombank được nới room tín dụng lên 15%, BIDV được nới lên 12% và VietinBank được hưởng hạn mức 12,5%.
Tính chung, hạn mức tín dụng trong năm 2021 của các ngân hàng đã được nới lên 13,8%. Theo đánh giá của BSC, việc nới room tín dụng giúp ngân hàng có thêm dư địa tăng tín dụng trong mùa cao điểm, trong điều kiện nhiều nhà băng đã chạm trần tín dụng trong 9 tháng đầu năm. Tín dụng Vietcombank sau 3 quý tăng trưởng 11,5%, TPBank tăng 15%...
BSC kỳ vọng, việc mở cửa trở lại trên toàn quốc từ đầu quý IV/2021 sẽ giúp nhóm khách hàng doanh nghiệp trở lại hoạt động, kéo theo nhu cầu tín dụng cuối năm tăng cao.
Phát biểu tại buổi tọa đàm “Dẫn mạch phục hồi kinh tế” do Báo Đầu tư tổ chức ngày 30/11, bà Bùi Thúy Hằng, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, tính đến ngày 25/11, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đã tăng 10,1% so với cuối năm 2020. Con số này tại thời điểm chưa đầy một tháng trước (29/10) mới chỉ đạt 8,72%.
Thế nhưng, giới phân tích tài chính cho rằng, tín dụng chỉ tăng mức hợp lý. TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia ngân hàng cho rằng, tín dụng năm nay tăng 10 - 13% là phù hợp. Kết quả điều tra xu hướng tín dụng quý IV/2021 do Ngân hàng Nhà nước thực hiện cũng cho thấy, các nhà băng dự báo dư nợ tín dụng sẽ tăng thêm 4% trong quý IV và tăng 12,3% trong cả năm 2021 - thấp hơn mức kỳ vọng 13,1% tại kỳ khảo sát quý III/2021.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 29/10, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 8,72% so với cuối năm 2020. Cơ cấu tín dụng tiếp tục tập trung vốn cho sản xuất, kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/lai-vay-kho-giam-sau-cuoi-nam-a91247.html