Được biết, chủ đầu tư Dự án KĐT Thanh Hà - Cienco 5 (tại các phường Phú Lương, Kiến Hưng, quận Hà Đông và xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, Hà Nội) là Tập đoàn Mường Thanh, sau khi Tập đoàn này mua lại 95% cổ phần từ Công ty CP Phát triển địa ốc Cienco 5 (Cienco 5 Land). Đến nay, nhiều lô đất tại dự án vẫn chỉ là một bãi đất cỏ mọc um tùm. Hàng loạt sai phạm đã được các cấp chính quyền chỉ ra nhưng đến nay chưa được xử lý dứt điểm, trong khi đó, người dân rơi vào cảnh "tiền mất tật mang".
Theo thông tin từ phía UBND TP. Hà Nội, trong quá trình triển khai, Dự án KĐT Thanh Hà đã có một số các hạng mục công trình vi phạm về trật tự xây dựng (như xây dựng chưa có giấy phép, thi công sai quy hoạch). UBND TP. Hà Nội đã chỉ đạo các Sở, ngành, đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra, thanh tra tại dự án và kết quả một số nội dung chính như sau:
Thứ nhất, công trình Công viên nước Thanh Hà là công trình xây dựng không phép tại lô A2.2-CCĐT1: UBND quận Hà Đông đã tổ chức thực hiện cưỡng chế tháo dỡ xong các hạng mục công trình ngày 15/01/2020. Hiện nay, Thanh tra TP. Hà Nội đang tiến hành làm việc với UBND quận Hà Đông để kiểm tra làm rõ vụ việc theo Quyết định số 600/QĐ-TTTP ngày 17/02/2020 của Chánh Thanh tra Thành phố về việc thanh tra trách nhiệm trong việc để xảy ra xây dựng trái phép và quá trình xử lý cưỡng chế tại Công viên nước Thanh Hà.
Thứ hai, công trình cửa hàng xăng dầu tại lô đất số A2.10-P01: UBND huyện Thanh Oai ban hành Quyết định số 310/QĐ-XPVPHC ngày 28/2/2019 về xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty CP Thương mại và dịch vụ xăng dầu Thanh Hà do xây dựng không có giấy phép xây dựng với mức phạt là 40.000.000 (bốn mươi triệu đồng) và yêu cầu công ty xin cấp giấy phép xây dựng. Công ty CP Thương mại và dịch vụ xăng dầu Thanh Hà đã chấp hành việc nộp phạt tiền vi phạm hành chính. Công trình đang ngừng thi công và chưa có giấy phép xây dựng.
Thứ ba, các khối nhà chung cư cao tầng thuộc các ô đất có ký hiệu B1.4 HH01 và B1.4-HH02: Ngày 22/01/2018, Thanh tra Bộ Xây dựng có kết luận thanh tra số 39/KL-TTr với nội dung: 9 tòa nhà chung cư thuộc các ô đất B1.4 HH01 và B1.4-HH02 xây dựng thêm tầng áp mái không đúng quy định, yêu cầu chủ đầu tư liên hệ với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để được hướng dẫn thực hiện theo quy định. Hiện nay, UBND huyện Thanh Oai đang đôn đốc chủ đầu tư thực hiện nghiêm túc Kết luận số 39/KL-TTr ngày 22/01/2018 của Thanh tra Bộ Xây dựng.
Thứ tư, các công trình tại khu A3.1 và B2.1: 01 công trình 6 tầng hầm diện tích xây dựng 500m2, 10 công trình nhà ở liền kể, 04 công trình nhà ở biệt thự và 01 công trình nhà ở thấp tầng. Ngày 17/10/2019, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 5798/QĐ-XPVPHC đối với Công ty CP phát triển địa ốc Cienco 5 do xây dựng sai quy hoạch được duyệt với mức phạt tiền là 120.000.000 đồng (một trăm hai mươi triệu đồng) và yêu cầu buộc tháo dỡ phần sai phạm. Ngày 01/11/2019, Công ty CP Phát triển địa ốc Cienco 5 đã chấp hành việc nộp 120.000.000 đồng tiền phạt, đang khắc phục tháo dỡ phần sai phạm.
Thứ năm, đối với các công trình vi phạm còn lại, UBND quận Hà Đông và UBND huyện Thanh Oai đang tiếp tục rà soát hoàn thiện hồ sơ để xử lý vi phạm theo quy định; đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động xây dựng của chủ đầu tư tại dự án nhằm ngăn chặn, xử lý kịp thời không để vi phạm mới phát sinh.
Hiện nay, để xử lý dứt điểm những vi phạm tại Dự án KĐT Thanh Hà, UBND TP. Hà Nội đang tiếp tục đôn đốc Thanh Tra Thành phố, các Sở, ngành, đơn vị liên quan tập trung xử lý dứt điểm các hạng mục vi phạm trật tự xây dựng tại dự án Khu đô thị Thanh Hà như đã nêu trên. UBND TP. Hà Nội giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì báo cáo và thực hiện giám sát, đánh giá đầu tư các nội dung quy định tại văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định tại Điều 70, Luật Đầu tư, tuân thủ quy định hiện hành nhằm đẩy nhanh tiến độ dự án, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người mua nhà, đất tại khu đô thị.
Những sai phạm tại Dự án KĐT Thanh Hà do Tập đoàn Mường Thanh làm chủ đầu tư đã rõ như ban ngày, việc khởi tố chủ đầu tư liệu có phải là phương án “hợp lý hợp tình”, trong khi trách nhiệm của TP. Hà Nội chưa thấy được nhắc đến trong bất kỳ văn bản nào? Việc xử lý theo kiểu “bắt cóc bỏ đĩa” đã khiến sai phạm chồng sai phạm.
Sự việc tiếp tục khiến dư luận quan tâm khi mới đây, hàng chục người dân có đất tại Dự án KĐT Thanh Hà - Cienco 5 tiếp tục tập trung tại trụ sở Ban Quản lý dự án Thanh Hà để đề nghị chủ đầu tư - Công ty CP Phát triển địa ốc Cienco 5 bàn giao đất và trả sổ đỏ cho cư dân.
Khách hàng cho rằng, họ bỏ tiền tỷ mua đất từ 2016 đến nay, dự án vẫn chỉ là một bãi đất cỏ mọc um tùm và chủ đầu tư không thực hiện đúng cam kết khi bán hàng.
Trao đổi với phóng viên, chị H. - người mua đất tại dự án bức xúc: “Tôi cùng vài người bạn bỏ ra hàng tỷ đồng để mua đất tại dự án KĐT Thanh Hà từ 5 năm trước. Ký hợp đồng mua bán và nhận bàn giao đất xong, gia đình tôi bắt tay vào xây dựng thì nhận được thông tin dự án bị dừng lại, không được tiếp tục xây dựng, để nguyên hiện trạng, hoang hóa và lãng phí vô cùng”.
“Sổ đỏ thì không được bàn giao, mặt bằng có nhưng không thể xây nhà. Nay chúng tôi yêu cầu chủ đầu tư phải hoàn thiện các thủ tục để được xây dựng trên mảnh đất mua bằng tiền tích cóp bao nhiêu năm của gia đình tôi”, chị H. chia sẻ.
Theo tìm hiểu được biết, tại hồ sơ quy hoạch của dự án do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp phép, toàn bộ dự án đất chia lô liền kề và đất biệt thự đều phải có nhà xây thô theo mẫu quy hoạch được phê duyệt.
Theo đó, chủ đầu tư xây nhà theo mẫu, đồng bộ hạ tầng của khu đô thị nhưng trên thực tế khi chuyển giao bán cho người dân thì trong hợp đồng mua bán chỉ chuyển nhượng quyền sử dụng đất, không có tài sản là nhà trên đất. Do vậy, người dân không được phép tự xây nhà trên đất đã mua.
Cũng theo tìm hiểu, một số lô đất chủ đầu tư bán cho người dân không đúng với quy hoạch ban đầu được cấp phép. Chủ đầu tư tự ý chia nhỏ diện tích đất để dễ bán, sử dụng đất không đúng mục đích như thu nhỏ diện tích đất hồ điều hòa để lấy phần đất này chia lô bán cho dân hoặc thay đổi công năng sử dụng...
Qua quá trình nghiên cứu tính pháp lý dự án, luật sư Vũ Thị Phương Loan đưa ra nhận định: “Dự án KĐT Thanh Hà có một số khu vực không hợp pháp như hồ, ao. Khu vực này ban đầu rộng hàng nghìn héc-ta, được chủ đầu tư thu hồi, san lấp, phân lô bán cho khách hàng. Với những lô như vậy không thể xây nhà vì không đúng quy hoạch. Bất cập ở chỗ, tại sao chủ đầu tư bán cho dân số lượng sản phẩm lớn như vậy mà chính quyền địa phương không biết?".
Luật sư Phương Loan đặt dấu hỏi, chính quyền cấp cơ sở trong sự việc này đã không sát sao, buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm... khiến chủ đầu tư "tự tung tự tác" sửa quy hoạch dự án mà không được sự cho phép của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Việc này ai chịu trách nhiệm?
"Với các lô đất bán đúng theo hồ sơ quy hoạch, hiện chủ đầu tư đang trình 2 phương án chờ phê duyệt: Phương án 1, chủ đầu tư phải xây thô nhà theo đúng quy hoạch được phê duyệt của dự án và thỏa thuận giá nhà xây thô với người dân; Phương án 2, người dân tự bỏ tiền ra xây nhà nhưng phải xây theo đúng quy hoạch đã phê duyệt về số tầng/mẫu thiết kế đồng bộ của khu đô thị. Tuy nhiên, phương án 1 khó khả thi vì giữa chủ đầu tư và người dân không thống nhất được giá cả", luật sư Phương Loan phân tích.
Theo luật sư Phương Loan, các lô đất chủ đầu tư bán không đúng quy hoạch dẫn đến tranh chấp giữa chủ đầu tư và người mua, thì người mua có quyền khởi kiện ra tòa án để giải quyết tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Tòa án sẽ tuyên hủy hợp đồng chuyển nhượng đất đó do vi phạm điều cấm của Luật (đất bán không đúng quy hoạch) theo quy định tại Điều 123 quy định về giao dịch dân sự vô hiệu do vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội; Điều 127 quy định về giao dịch vô hiệu do bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép của Bộ luật Dân sự năm 2015.
Theo đó, chủ đầu tư phải hoàn trả cho người mua số tiền đã chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo hợp đồng mà hai bên đã ký kết, đồng thời phải bồi thường cho người mua một khoản tiền do lỗi của mình gây ra theo quy định tại Điều 131 Bộ luật Dân sự năm 2015.
Luật sư Phương Loan đưa ra lời khuyên: "Khách hàng cần tìm hiểu kỹ dự án, năng lực của chủ đầu tư trước khi quyết định giao dịch mua bán. Khi thực hiện ký hợp đồng mua bán phải kiểm tra quy hoạch tổng thể và quy hoạch chi tiết lô đất định mua".
Trao đổi với PV về thực trạng những sai phạm kéo dài tại Dự án KĐT Thanh Hà của Tập đoàn Mường Thanh, Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật Quốc hội cho rằng: "Ở Thủ đô Hà Nội xảy ra nhiều vụ việc, lúc Ủy ban Giám sát thực hiện Luật Cư trú đã phát hiện nhiều quy hoạch của TP. Hà Nội bị phá vỡ, một số thì quy hoạch treo, hay sửa đổi bổ sung, dẫn đến hệ lụy mà hiện nay đang phải khắc phục. Tôi cho rằng đây là thời kỳ lịch sử, tuy nhiên cũng phải có biện pháp để xử lý".
"Theo tôi đánh giá đó là lợi ích nhóm, có sự bao che, chống lưng của một thế lực nào thì doanh nghiệp này họ mới dám làm tự tung tự tác như vậy. Không có lý do gì dự án to như thế mà chính quyền địa phương không biết. Trong quy hoạch đã phê duyệt như vậy, họ làm sai thiết kế, họ xây dựng, họ mua bán, nhưng chính quyền "ngoảnh mặt làm ngơ" xem như không biết. Về trách nhiệm với người dân của chính quyền địa phương tại chỗ quy hoạch đó, tôi cho rằng là vô trách nhiệm", Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa phân tích.
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa cho biết: "Ở đây cũng có một phần thiếu sót của người dân, nhưng người dân là bị doanh nghiệp gạt. Đáng ra người dân xây dựng rồi, nhưng chính quyền không cấp quyền sử dụng đất cho người ta vì nơi đó làm sai quy hoạch. Theo một số báo chí đăng tải, tôi cho rằng cái "nhởn nhơ" trong Thủ đô của một quận như vậy mà chính quyền địa phương không biết, không hay là vô trách nhiệm. Cái lợi ích nhóm ở đây là có sự chống lưng của một thế lực bên ngoài, bên trong đối với doanh nghiệp này. Ở đây có sự cấu kết của Tập đoàn Mường Thanh với một thế lực chống lưng của chính quyền sở tại thì họ mới làm như vậy".
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa cũng phân tích thêm, Tập đoàn Mường Thanh đã vi phạm có hệ thống, vi phạm cùng một thời điểm, các tỉnh cũng đã có xử lý và truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Tập đoàn. Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa cho rằng, trước tiên là trách nhiệm rất lớn của chủ đầu tư khi làm không đúng quy hoạch, không được phê duyệt... Điều đáng nói ở chỗ, một sự bất hợp lý đó là sự việc xảy ra giữa ban ngày và ngay giữa Thủ đô Hà Nội để doanh nghiệp làm sai như vậy, mà chính quyền địa phương không biết.
Theo ông, ngoài trách nhiệm của chủ đầu tư còn có trách nhiệm liên đới của chính quyền địa phương trong việc quản lý Nhà nước. Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa bày tỏ quan điểm: "Ở đây, có dấu hiệu lừa gạt của doanh nghiệp, coi pháp luật không ra gì. Nếu không có chống lưng thì họ sẽ không bao giờ dám làm. Thanh tra Thành phố vào cuộc mà chưa xử lý đến nơi đến chốn, thì tôi mong rằng Thanh tra Chính phủ vào cuộc và kiên quyết xử lý, đưa ra những người hiện nay đang là thế lực bao che cho doanh nghiệp hoạt động tự tung tự tác. Mặc dù, những đối tượng này có thể đã nghỉ hưu, cũng có thể đã chuyển lên cấp cao hơn cũng phải lôi về để xử lý".
“Vấn đề này các Đại biểu chuyên trách, Đại biểu Quốc hội cũng đã lên tiếng, nhưng đến nay việc xử lý của chúng ta hời hợt quá. Tôi đề nghị làm rõ cái nào đúng thì cho đúng để phát huy và cấp Giấy chứng nhận cho người dân, cái nào không đúng thì phải xử lý”, Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa nêu kiến nghị.
Câu chuyện tại dự án KĐT Thanh Hà của Tập đoàn Mường Thanh vẫn còn quá nhiều vấn đề cần bàn luận. Trách nhiệm trong những sai phạm ấy thuộc về ai? Chủ đầu tư liệu có thể "một tay che lấp bầu trời"? Xin mời độc giả đón đọc bài tiếp theo của chúng tôi.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/bai-1-chinh-quyen-da-o-dau-truoc-sai-pham-tai-du-an-kdt-thanh-ha-cua-tap-doan-muong-thanh-a91326.html