Thanh tra trái phiếu doanh nghiệp, ngân hàng vừa lo vừa mừng

Việc Thủ tướng Chính phủ vừa yêu cầu thanh tra việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp có thể khiến cho nhiều ngân hàng lo lắng bởi đây là các đối tượng tham gia nhiều nhất trên thị trường trái phiếu. Tuy nhiên ở chiều hướng tích cực, việc kiểm soát này cũng giúp ngân hàng phát triển hoạt động tín dụng lành mạnh hơn về dài hạn.

Quán quân về trái phiếu

Văn phòng Chính phủ đã ban hành Công điện số 8857/CĐ-VPCP truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu tập trung quan tâm kiểm tra việc phát hành trái phiếu riêng lẻ của các doanh nghiệp bất động sản, của tổ chức tín dụng có liên quan đến doanh nghiệp bất động sản, các doanh nghiệp có khối lượng phát hành lớn, lãi suất cao, các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh thua lỗ, các doanh nghiệp phát hành không có tài sản bảo đảm…

Nhóm bất động sản vẫn chiếm giá trị lớn trong phát hành trái phiếu.

Liên quan đến các ngân hàng, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tình hình và hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng, kịp thời phát hiện, cảnh báo các rủi ro và có biện pháp xử lý theo quy định, bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.

Việc các ngân hàng và các doanh nghiệp bất động sản được “lưu ý” hơn những nhóm doanh nghiệp khác cũng không có gì khó hiểu bởi đây là các nhóm doanh nghiệp tham gia nhiều nhất trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua. Theo số liệu tổng hợp từ Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam, tỷ trọng của nhóm bất động sản chiếm khoảng 37,7% giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong 11 tháng của năm 2021, còn nhóm ngân hàng chiếm 34,3% tổng giá trị phát hành. Riêng trong tháng 11, nhóm bất động sản cũng chiếm 43% giá trị phát hành, còn nhóm ngân hàng chiếm 35% giá trị phát hành.

Mặt tích cực với các ngân hàng

Các ngân hàng tham gia thị trường trái phiếu không chỉ ở góc độ tổ chức phát hành mà điều đáng quan tâm hơn là các ngân hàng này tham gia với góc độ nhà đầu tư, đặc biệt việc các ngân hàng mua trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản. Theo đó, Thông tư

16/2021/TT-NHNN ban hành hồi tháng 11/2021 cũng đã đưa ra những nội dung mới trong việc quản lý hoạt động mua trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng. Một số chuyên gia cũng đồng tình với quan điểm quản lý mới đề cập tại Thông tư 16 đối với việc ngân hàng rót tiền vào trái phiếu, nhất là trái phiếu các doanh nghiệp bất động sản.

Bình luận về vấn đề này, ông Phan Lê Thành Long - Giám đốc Viện Kế toán quản trị công chứng Australia tại Việt Nam đưa ra hình ảnh thực về khủng hoảng nợ công ty bất động sản lớn thứ hai Trung Quốc là Evergrand. Thực chất, những công ty bất động sản dạng này có rất nhiều dự án, tăng trưởng lợi nhuận tốt nhưng họ vẫn bị rơi vào tình trạng thiếu thanh khoản dẫn đến rủi ro khủng hoảng. Dẫn dắt về thực trạng trong nước, ông Long cho biết, Việt Nam có thể cũng có rất nhiều doanh nghiệp bất động sản như vậy, nhất là những doanh nghiệp bất động sản quy mô vừa và nhỏ thì tình trạng thiếu thanh khoản cũng dễ xảy ra.

Trở lại câu chuyện về văn bản chỉ đạo của Thủ tướng liên quan đến việc thanh tra hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp, một số chuyên gia cũng cho rằng, với các ngân hàng, việc thanh tra giám sát thực chất sẽ có tác động tích cực lên hoạt động tín dụng về mặt dài hạn.

Trao đổi với phóng viên TBTCVN, Tiến sỹ Châu Đình Linh - Giảng viên Học viện Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh cho biết, việc thanh kiểm tra này không có nghĩa là Chính phủ đang siết chặt thị trường trái phiếu doanh nghiệp, mà thực chất chỉ là động thái nắn cho thị trường đi đúng quỹ đạo. Theo đó, cánh cửa chỉ khép lại với những doanh nghiệp huy động vốn ồ ạt nhưng sử dụng không hiệu quả, rủi ro cao. Ngược lại, những doanh nghiệp chấp hành tốt pháp luật, có nền tảng tài chính tốt, sử dụng vốn huy động hiệu quả… thì thậm chí sẽ càng có nhiều cơ hội tốt hơn trong thời gian tới.

Về phía các ngân hàng, các chuyên gia cho rằng, dòng vốn khi được nắn đi đúng quỹ đạo, hướng vào khu vực sử dụng vốn hiệu quả thì chất lượng và quy mô tín dụng của các ngân hàng theo đó cũng sẽ đi vào xu hướng tăng trưởng tốt và ổn định.

Cụ thể, thị trường tài chính khi đi đúng quỹ đạo, các khoản tín dụng (kể cả cho doanh nghiệp bất động sản) nếu đáp ứng đủ các yêu cầu về quy chuẩn cho vay có thể sẽ được cấp qua kênh tín dụng trực tiếp mà không cần phải “đi vòng” qua kênh trái phiếu cũng sẽ giúp cho cả các ngân hàng và doanh nghiệp bất động sản có bức tranh tài chính minh bạch và lành mạnh hơn. Trong khi đó, thị trường trái phiếu được kiểm soát tốt sẽ phát triển theo đúng bản chất là kênh dẫn vốn dài hạn cũng sẽ thể hiện vai trò đáp ứng tốt nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp và nền kinh tế.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp là kênh huy động vốn quan trọng

Theo nội dung Công điện số 8857/CĐ-VPCP, thị trường trái phiếu doanh nghiệp là kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng của doanh nghiệp theo đúng chủ trương của Chính phủ về phát triển cân bằng giữa thị trường vốn và thị trường tiền tệ, tín dụng...

Tuy nhiên, Công điện cũng cho biết, thời gian vừa qua, các doanh nghiệp đã tăng cường huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp theo hình thức phát hành riêng lẻ với quy mô lên tới trên 436 nghìn tỷ đồng trong 11 tháng đầu năm 2021, tăng trên 23,4% so với cùng kỳ năm 2020, tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Link nội dung: https://vietnamindex.vn/thanh-tra-trai-phieu-doanh-nghiep-ngan-hang-vua-lo-vua-mung-a91906.html