Bộ Tài chính vừa gửi Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp về việc giám sát tài chính năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021 đối với Tổng công ty Lương thực miền Bắc.
Báo cáo nêu rõ, một số nội dung cần lưu ý của Tổng công ty như tình hình đầu tư vốn ra ngoài doanh nghiệp: tổng giá trị đầu tư vốn ra ngoài Công ty mẹ tại thời điểm ngày 31/12/2020 là 1.180.842 triệu đồng. Trong đó, đầu tư vào 24 công ty con là 961.286 triệu đồng, năm 2020 có 22/24 công ty có lãi 47.341 triệu đồng, 2/24 công ty lỗ 6.357 triệu đồng; đầu tư vào 7 công ty liên doanh, liên kết là 213.114 triệu đồng; năm 2020 có 5/7 công ty có lãi 279.424 triệu đồng. 2/7 công ty lỗ 137.990 triệu đồng, trong đó Công ty liên doanh Sản xuất, chế biến và xuất khẩu gạo (Tổng công ty nắm giữ 45% vốn điều lệ) lỗ 136.939 triệu đồng. Đầu tư tài chính khác là 6.443 triệu đồng, các đơn vị này chưa có số liệu báo cáo kết quả kinh doanh năm 2020. Dự phòng đầu tư tài chính dài hạn là 195.296 triệu đồng, tăng 27.975 triệu đồng so với năm 2019.
Bộ Tài chính cho rằng, hiệu quả hoạt động đầu tư vốn của Công ty mẹ - Tổng công ty Lương thực miền Bắc ra ngoài doanh nghiệp chưa cao, 4 công ty con, công ty liên kết có kết quả kinh doanh năm 2020 lỗ, trong đó Công ty liên doanh Sản xuất, chế biến và xuất khẩu gạo lỗ 136.939 triệu đồng, ảnh hưởng lớn đến tình hình tài chính của công ty mẹ.
"Do vậy, đề nghị Công ty mẹ - Tổng công ty rà soát để trích lập đầy đủ dự phòng các khoản đầu tư tài chính, đồng thời xây dựng và triển khai các giải pháp tái cơ cấu các đơn vị mà kết quả kinh doanh không hiệu quả, đảm bảo toàn và phát triển vốn nhà nước trong hoạt động đầu tư vốn ra ngoài doanh nghiệp", báo cáo của Bộ Tài chính nêu rõ.
Trong 6 tháng đầu năm 2021 Công ty mẹ doanh thu và thu nhập khác là 4.493 tỷ đồng (đạt 53,77% so với kế hoạch); lợi nhuận sau thuế là 126 tỷ đồng (đạt 64,75% so với kế hoạch); tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu là 1,85%; tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên tổng tài sản là 0,86%; hệ số khả năng thanh toán đến hạn là 2,05 lần; hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu là 1,14 lần.
Doanh thu hợp nhất và thu nhập khác là 7.562 tỷ đồng (đạt 50,58% so với kế hoạch); lợi nhuận trước thuế là 177 tỷ đồng (đạt 66,04% so với kế hoạch); lợi nhuận sau thuế là 149 tỷ đồng; tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu là 2,03%; tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên tổng tài sản là 0,92%.
Trong số 24 công ty con mà Tổng công ty đã đầu tư vốn có 19 đơn vị có lãi 18,078 tỷ đồng, 7 đơn vị phát sinh lỗ 7,231 tỷ đồng.
Bộ Tài chính kiến nghị, đối với Hội đồng thành viên, Ban giám đốc Công ty mẹ - Tổng công ty Lương thực miền Bắc đảm bảo hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2021. Tăng cường giám sát, đánh giá hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của các công ty, công ty cổ phần có vốn góp trên 50% vốn điều lệ, công ty liên kết, đặc biệt là các công ty còn thua lỗ, có khoản nợ quá hạn, khó đòi, hiệu quả sản suất kinh doanh thấp.
Thông qua người đại diện vốn để giám sát việc bảo toàn và phát triển vốn, việc quản lý và sử dụng vốn, tài sản tại các doanh nghiệp mà Tổng công ty tham gia đầu tư góp vốn và đề xuất giải pháp kịp thời giúp các đơn vị này ổn định tình hình sản xuất kinh doanh, bảo toàn vốn của Công ty mẹ - Tổng công ty.
Tổng công ty cần chủ động tổng hợp, phân tích, đánh giá các khó khăn, vướng mắc về tài chính, công nợ, đất đai… trong quá trình thực hiện tái cơ cấu, cổ phần hóa, đề xuất các giải pháp thực hiện để kịp thời báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu xem xét, chỉ đạo.
Đối với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ Tài chính đề nghị chỉ đạo Tổng công ty Lương thực miền Bắc thực hiện báo cáo giám sát, kịp thời đề xuất giải pháp khắc phục các vấn đề còn tồn tại, đảm bảo kết quả sản xuất kinh doanh, hiệu quả tài chính năm 2021. Chỉ đạo Tổng công ty Lương thực miền Bắc xử lý các tồn tại về tài chính, công nợ, đất đai… để triển khai công tác cổ phần hóa Tổng công ty Lương thực miền Bắc.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/7-cong-ty-con-tong-cong-ty-luong-thuc-mien-bac-thua-lo-a92026.html