Sau bão dịch có là bão giá?

Không kích thích kinh tế thì không có hy vọng kinh tế sớm phục hồi, nhưng kích thích thế nào để sau bão dịch không là bão giá? Đây là bài toán cân não mà Quốc hội, Chính phủ đang bàn cách giải và đáp số phải có vào mấy tuần tới khi Quốc hội triệu tập Kỳ họp bất thường.

Cố qua cơn “bạo bệnh”

Kết luận số 20-KL/TW ngày 16/10/2021 Hội nghị lần thứ Tư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII về kinh tế - xã hội năm 2021 - 2022 đã yêu cầu phải điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ linh hoạt, hiệu quả để phục vụ thực hiện Chương trình tổng thể phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Tại Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội (QH) đã ban hành Nghị quyết trong đó quy định rõ Chính phủ ngay trong năm 2021 phải xây dựng và đề xuất với cơ quan có thẩm quyền để ban hành, tổ chức triển khai thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Các Nghị quyết của QH cũng xác định trong các nhóm nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện Chương trình này, thì các chính sách tài khóa, tiền tệ có vai trò quan trọng.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì Diễn đàn Kinh tế Việt Nam ngày 5/12, hiệu triệu các hiến kế giúp Chính phủ, Quốc hội giải bài toán “cân não” trong phục hồi kinh tế.

Theo các con số được đưa ra tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam diễn ra vào chủ nhật vừa qua, nền kinh tế Việt Nam đã bị đại dịch Covid-19 “thổi bay” khoảng 847 nghìn tỷ đồng, tương đương 37 tỷ USD trong 2 năm 2020, 2021. Và trong khi kinh tế thế giới phục hồi theo hình chữ V, khi kinh tế thế giới năm ngoái âm 3,1%, năm nay có thể tăng trưởng trong khoảng 5,6 đến 5.9% thì Việt Nam phục hồi theo hình chữ "U", năm ngoái tăng 2,91, năm nay có thể đạt hơn 2%. Việt Nam hiện nay đang có nguy cơ rơi vào trạng thái tăng trưởng thấp và lạm phát thấp, cả tổng cung và tổng cầu bị suy giảm, muốn cải thiện tình hình, hỗ trợ cho phục hồi và phát triển kinh tế là rất cần thiết và muốn hỗ trợ thì phải trông cậy ở chính sách tài khóa và tiền tệ. Chủ trương đã rất rõ, con đường này không thể không đi.

“Từ áp lực tăng cao lạm phát ở trên thế giới buộc nền kinh tế Việt Nam phải lựa chọn chính xác về quy mô gói kích thích, phục hồi nền kinh tế sau đại dịch ở mức độ nào là phù hợp, là khả thi và không gây những bất ổn cho kinh tế vĩ mô sau này”- nguyên quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia Việt Nam Trương Văn Phước nêu quan điểm - “cần có một số gói hỗ trợ tài chính đủ lớn, đủ rộng và dài để giúp doanh nghiệp và người dân trong nhiều địa bàn và lĩnh vực có thể phục hồi được cả thể chất, tinh thần và năng lực kinh doanh sau cơn “bạo bệnh” và không loại trừ khả năng có thêm những đợt bùng phát mới có thể còn khốc liệt hơn. Thiếu các gói hỗ trợ như vậy, có thể kinh tế Việt Nam sẽ rơi vào một thời kỳ trì trệ lâu dài, đánh mất nhiều lợi thế và cơ hội vươn tới các mục tiêu phát triển đã đề ra”.

Mong rực rỡ sau mưa

Thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch QH Vương Đình Huệ “phải kiểm soát được rủi ro”, nhóm chuyên gia và Thường trực Ủy ban Kinh tế đã rất kỳ công soạn thảo trong 45 ngày liên tục vừa qua với 3 lần cập nhật các thông tin diễn biến mới tình hình trong nước và thế giới về những rủi ro có thể xảy ra khi tung ra các gói hỗ trợ. Đại diện cho nhóm chuyên gia, TS Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế trưởng của BIDV nói: “Rõ ràng tung ra những gói này thì ta đều hình dung ra rằng nợ công nó sẽ bị tăng lên, ngân sách sẽ bị tăng lên, nghĩa vụ trả nợ sẽ bị tăng lên, tỷ giá cũng có thể thay đổi và lạm phát có thể bị tác động”.

Theo các chuyên gia, lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát.

Theo nghiên cứu của nhóm chuyên gia và Thường trực Ủy ban Kinh tế, trên bình diện toàn cầu có thể thấy rất rõ lạm phát năm nay bùng lên tương đối nhanh và mạnh. Năm ngoái, lạm phát toàn cầu khoảng 2%, năm nay khoảng 3,2% dự báo, tăng 60% là mức độ rất nhanh. Năm 2022 dự báo lạm phát sẽ ở mức đi ngang, giá dầu, giá nguyên vật liệu, giá cả hàng hóa và kể cả tác động của cung tiền năm tới vẫn ở mức tương đương như năm nay, khoảng 3,3%. Đến năm 2023, tình hình sẽ dịu hơn, lạm phát về khoảng mức 2,6%.

Nhưng tại Việt Nam tình hình không nóng như vậy. Năm nay nhiều dự báo là tăng trưởng khoảng 2%, còn lạm phát ở mức độ khá là “dễ chịu”, dự báo chỉ tăng ở mức 2,1 đến 2,2% khi đến hết 11 tháng mới tăng bình quân khoảng 1,84% so với cùng kỳ. Nhóm nghiên cứu cho rằng trong năm tới tính tất cả các gói hỗ trợ (dự kiến có khoảng hơn 450 nghìn tỷ đồng đưa ra nền kinh tế) thì dự báo lạm phát tại Việt Nam cũng chỉ khoảng 3,4 đến 3,7% và có thể cao hơn một chút khoảng 3,8 đến 3,9%, vẫn ở dưới ngưỡng 4% mà QH cho phép.

Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cũng nhận định năm 2022, áp lực lạm phát và giá cả (gồm cả giá dầu và nguyên liệu) toàn cầu dự báo còn tăng nhẹ cùng với đà phục hồi của nền kinh tế và sức cầu trong nước, độ trễ tác động của chính sách tiền tệ - tài khóa nới lỏng, khả năng điều chỉnh các mặt hàng do Nhà nước quản lý và mở rộng tài khóa, tiền tệ từ Chương trình phục hồi kinh tế sẽ làm lạm phát tăng cao hơn năm 2021, song vẫn trong khả năng kiểm soát. Tựu chung lại, các khuyến nghị hiện nay đều cho rằng khi đã tính đủ, tính kỹ thì cứ bình tĩnh về lạm phát để mạnh tay phục hồi kinh tế, có thế thì mới mong sớm đến lúc, nói như Chủ tịch QH “sau cơn mưa trời lại sáng và sẽ càng rực rỡ hơn”.

* Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ:

Giữ bằng được ổn định vĩ mô

“Chúng ta cần có gói hỗ trợ có quy mô đủ lớn, diện bao phủ rộng, liều lượng hợp lý, thời điểm phù hợp, có lộ trình khoảng 2 năm 2022 - 2023 và kéo dài sang những tháng đầu năm 2024 với những mục tiêu dài hạn. Phải vừa đáp ứng yêu cầu hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phục hồi kinh tế, vừa giữ được ổn định kinh tế vĩ mô và củng cố nền tảng cho giai đoạn phát triển mới. Như đại diện Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ quốc tế đánh giá, rất khó và cần rất nhiều thời gian để giữ được ổn định vĩ mô, nhưng để mất ổn định vĩ mô thì rất nhanh, rất dễ. Chúng ta phải thấm thía điều này: Giữ bằng được ổn định vĩ mô vì để mất ổn định vĩ mô là mất hết”.

* Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc:

“Lựa chọn rất khắc nghiệt”

“Chúng ta phải lựa chọn rất khắc nghiệt giữa nỗi lo sợ lạm phát với con đường chúng ta đi. Không thể “ngồi yên” chờ kinh tế tự phục hồi được, bởi vậy, không còn cách nào khác là phải mạnh mẽ. Càng phải lựa chọn khắc nghiệt thì càng phải có những tính toán thận trọng, kỹ lưỡng, bài bản để có được những bước đi chắc chắn, vững chãi. Theo quan sát của tôi thì lạm phát sang năm của Việt Nam không quá căng thẳng. Như về khả năng nhập khẩu lạm phát thì tôi vừa có một bài viết gửi cho Ủy ban Kinh tế nêu về các thông tin cơ quan AIA của Mỹ dự báo tất cả các loại dầu của thế giới sẽ giảm từ 20 đến 25% trong năm 2022”.

* Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Thành Phong:

Áp lực lạm phát thế giới gia tăng

“Áp lực lạm phát thế giới gia tăng do giá năng lượng và hàng hóa cơ bản đang ở mức cao cùng với việc các nước phát triển thực hiện ồ ạt các gói kích thích kinh tế rất lớn, trong khi tổng cầu hồi phục nhanh đã làm cho lạm phát tăng nhanh tại các nước phát triển và một số các nước đang phát triển; đứt gãy chuỗi cung ứng container, thiếu lao động trong các hầm mỏ khai thác than tại Úc và các mỏ khoáng sản trên thế giới cũng góp phần làm cho lạm phát thế giới tăng… Tuy nhiên, nguy cơ lạm phát tăng mạnh ở Việt Nam hiện nay là chưa nhiều do nền kinh tế vẫn đang dưới sản lượng tiềm năng, chỉ trừ khi xu hướng giá xăng tiếp tục tăng trong năm 2022 thì cần thận trọng hơn với nguy cơ lạm phát ở Việt Nam”.

Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cũng nhận định năm 2022, áp lực lạm phát và giá cả (gồm cả giá dầu và nguyên liệu) toàn cầu dự báo còn tăng nhẹ cùng với đà phục hồi của nền kinh tế và sức cầu trong nước, độ trễ tác động của chính sách tiền tệ - tài khóa nới lỏng, khả năng điều chỉnh các mặt hàng do Nhà nước quản lý và mở rộng tài khóa, tiền tệ từ Chương trình phục hồi kinh tế sẽ làm lạm phát tăng cao hơn năm 2021, song vẫn trong khả năng kiểm soát. Tựu chung lại, các khuyến nghị hiện nay đều cho rằng khi đã tính đủ, tính kỹ thì cứ bình tĩnh về lạm phát để mạnh tay phục hồi kinh tế, có thế thì mới mong sớm đến lúc, nói như Chủ tịch Quốc hội “sau cơn mưa trời lại sáng và sẽ càng rực rỡ hơn”.

Link nội dung: https://vietnamindex.vn/sau-bao-dich-co-la-bao-gia-a92642.html