Phúc Lộc Group là một trong những “đại gia” nổi danh của đất Ninh Bình và cũng là một tên tuổi trong ngành xây dựng - hạ tầng của Việt Nam. Thành lập năm 2010, Phúc Lộc Group được biết đến rộng rãi là cơ nghiệp của ông Lương Minh Tường. Ông Tường sinh năm 1973, thường trú tại phường Khâm Thiên, quận Đống Đa, TP. Hà Nội.
Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Lộc (từ đây gọi tắt là Tập đoàn Phúc Lộc) là doanh nghiệp trung tâm trong hệ sinh thái Phúc Lộc Group. Doanh nghiệp này có ngành nghề chính là khai thác đá, cát, sỏi, đất sét, hiện do ông Lương Minh Tường làm chủ tịch HĐQT, ông Nguyễn Hồng Quang làm CEO. Ông Quang, sinh năm 1974, thường trú phường Khương Mai, quận Thanh Xuân, Hà Nội.
Dữ liệu của VietnamFinance cho thấy vào cuối năm 2016, Tập đoàn Phúc Lộc đã nâng quy mô vốn điều lệ từ 2.000 tỷ đồng lên 2.650 tỷ đồng. Đến tháng 9/2019, công ty tiếp tục nâng vốn điều lệ lên 2.689 tỷ đồng.
Tập đoàn Phúc Lộc có khá nhiều công ty con. Chẳng hạn như Công Cổ phần Xuất nhập khẩu Phúc Lộc, doanh nghiệp này được thành lập năm 2010, đóng trụ sở tại thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình.
Vào năm 2014, người đại diện theo pháp luật của công ty là ông Lương Minh Tuyên, đến 2016 lại đổi sang ông Vũ Ngọc Toàn. Cũng trong năm 2016, công ty tăng vốn điều lệ từ 25 tỷ đồng lên 50 tỷ đồng, trong đó Tập đoàn Phúc Lộc nắm 98%, hai cá nhân Lương Minh Tùng và Lê Thị Thu Trang nắm mỗi người 1%.
Năm 2019, công ty lại giảm vốn điều lệ về 25 tỷ đồng với cơ cấu cổ đông không đổi. Đáng chú ý, từ năm 2018, chức vụ chủ tịch HĐQT, người đại diện theo pháp luật của công ty được đổi sang ông Bùi Việt Trung. Ông Trung, sinh năm 1970, thường trú phường Yết Kiêu, quận Hà Đông, Hà Nội, là một nhân tố quan trọng, thường xuyên xuất hiện trong hệ sinh thái Phúc Lộc Group.
Một công ty con đáng chú ý khác là Công ty Cổ phần Phúc Lộc Hải Phòng. Doanh nghiệp này thành lập năm 2011, có trụ sở tại quận Lê Chân, TP. Hải Phòng. Vốn điều lệ ban đầu là 100 tỷ đồng, do Tập đoàn Phúc Lộc nắm 43%, Công ty Cổ phần Đầu tư và Khoáng sản Hợp Thành nắm 42% và cá nhân Lê Minh Tân nắm 15%.
Năm 2013, ông Bùi Việt Trung lên làm giám đốc công ty. Trong cùng năm này, Công ty Hợp Thành thoái vốn, Tập đoàn Phúc Lộc nâng tỷ lệ sở hữu lên 98%. Hai cổ đông cá nhân Lương Minh Tùng và Lương Thị Minh Tuyết chia nhau 2% còn lại. Năm 2019, công ty giảm vốn điều lệ còn 10,3 tỷ đồng.
Một đơn vị đáng chú ý khác là Công ty Cổ phần Phúc Lộc Quảng Ngãi. Doanh nghiệp này ra đời năm 2013, đóng trụ sở tại TP. Quảng Ngãi, vốn điều lệ ban đầu là 50 tỷ đồng do Tập đoàn Phúc Lộc nắm 99,8%. Hai cổ đông cá nhân là Lương Minh Tuyên và Trần Thanh Minh mỗi người nắm 0,1%.
Ông Trần Thanh Minh làm người đại diện theo pháp luật buổi ban đầu rồi chuyển giao vai trò này cho ông Lương Minh Tuyên – người đảm nhiệm chức chủ tịch HĐQT vào năm 2016.
Năm 2017, Phúc Lộc Quảng Ngãi giảm vốn điều lệ xuống 25 tỷ đồng. Cùng lúc đó, ông Trần Thanh Minh thoái vốn. Ông Đinh Văn Tiếp xuất hiện và đảm nhiệm cả 2 cương vị chủ tịch HĐQT và CEO.
Tháng 7/2018, Tập đoàn Phúc Lộc thoái hết vốn, chỉ ông Lương Minh Tuyên còn nắm giữ 0,1%. Song đến tháng 9/2019, ông Bùi Việt Trung lại quay về nắm chức vụ chủ tịch kiêm CEO thay cho ông Nguyễn Quý Kỳ (người đã kế vị ông Đinh Văn Tiếp vào tháng 2/2019).
Như trên đã nói, ông Bùi Việt Trung là một nhân tố quan trọng của Phúc Lộc Group. Ngoài các đơn vị trên, ông Trung còn xuất hiện tại nhiều pháp nhân khác trong hệ sinh thái Phúc Lộc như: Công ty Cổ phần Đầu tư BOT Lào Cai – Sa Pa (chủ tịch HĐQT, vốn điều lệ 160,6 tỷ đồng), Tổng công ty Đầu tư PPP Việt Nam – CTCP (CEO, vốn điều lệ 18 tỷ đồng)...
Cũng sẽ là thiếu sót khi nói đến Phúc Lộc Group mà không nhắc đến Tổng công ty Cổ phần Xây dựng công trình giao thông 8 – CTCP (Cienco 8). Doanh nghiệp gốc nhà nước này đã thuộc về Phúc Lộc Group vào năm 2015. Tại Cienco 8, ông Lương Minh Tường làm chủ tịch HĐQT, ông Hồ Tuấn Sỹ làm CEO. Ông Sỹ sinh năm 1974, thường trú phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Cienco 8 được xem là một trong những "cánh chim" đầu đàn trong xây lắp giao thông. Với việc sở hữu Cienco 8, Phúc Lộc Group đã tham gia vào hàng loạt dự án hạ tầng “khủng” như: cầu Bạch Đằng tại tỉnh Quảng Ninh với tổng mức đầu tư trên 7.600 tỷ đồng; gói XL 01, dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây với giá trị 1.069,5 tỷ đồng; dự án BT sông Cầu Thái Nguyên gần 10.000 tỷ đồng...
Mặc dù là một doanh nghiệp tầm cỡ song tài chính của Tập đoàn Phúc Lộc không hẳn tươi sáng. Dữ liệu của VietnamFinance cho thấy giai đoạn 2017 – 2019, doanh thu thuần của Tập đoàn Phúc Lộc thăng giáng đáng kể, lần lượt là: 1.027 tỷ đồng, 994 tỷ đồng và 1.083 tỷ đồng.
Do giá vốn liên tục gia tăng, lợi nhuận gộp trượt dài qua các năm, lần lượt là: 93 tỷ đồng, 48 tỷ đồng và 30 tỷ đồng. Tính ra trong 3 năm, lợi nhuận gộp đã giảm tới 3 lần.
Biên lãi gộp cũng vì thế mà sụt giảm mạnh, từ 9% xuống 4,8% rồi chỉ còn 2,7%!
Đáng chú ý, qua các năm, doanh thu tài chính tăng dần, từ 7 tỷ đồng lên 9 tỷ đồng rồi vọt lên 22 tỷ đồng. Trong khi đó chi phí tài chính giảm dần từ 33 tỷ đồng xuống 12 tỷ đồng rồi 3 tỷ đồng.
Tuy vậy, sự cải thiện của chi phí là không đủ để đồ thị lợi nhuận của Tập đoàn Phúc Lộc tăng trưởng liên tục. Giai đoạn 2017 – 2018, lãi trước thuế của công ty tăng từ 24 tỷ đồng lên 36 tỷ đồng nhưng sang năm 2019 đã quay đầu giảm sâu xuống chỉ còn 20 tỷ đồng.
Điều đáng nói hơn cả là dòng tiền của công ty. Trong suốt các năm 2017 – 2019, dòng tiền kinh doanh của Tập đoàn Phúc Lộc luôn trong trạng thái âm, mà âm ngày càng nặng, lần lượt là: -23 tỷ đồng, -27 tỷ đồng và -377 tỷ đồng.
Dù đã cố gắng cải thiện, thậm chí có dòng tiền đầu tư dương và tăng cường đi vay/tăngvốn điều lệ (nhất là trong năm 2019), song lưu chuyển tiền thuần trong các năm 2017 – 2019 vẫn âm triền miên, lần lượt là: - 328 tỷ đồng, -125 tỷ đồng và -22 tỷ đồng.
Kết quả này khiến lượng tiền và tương đương tiền gần như “rơi tự do” từ 154 tỷ đồng (2017) xuống 28 tỷ đồng (2018) rồi còn vỏn vẹn 6 tỷ đồng (2019). Đây cũng là điểm trừ lớn nhất trong bức tranh tài sản của Tập đoàn Phúc Lộc.
Chi tiết hơn về bức tranh tài sản, giai đoạn 2017 – 2019, tổng tài sản của công ty lần lượt là: 4.032 tỷ đồng, 3.733 tỷ đồng và 3.835 tỷ đồng.
Tài sản dài hạn chiếm đa số, trong đó khoản “đầu tư tài chính dài hạn” có giá trị lớn nhất, lần lượt là: 2.159 tỷ đồng, 2.168 tỷ đồng và 1.926 tỷ đồng. Như vậy có thể thấy Tập đoàn Phúc Lộc đã đem quá nửa tài sản của mình đi đầu tư tài chính dài hạn, thể hiện khá rõ vai trò của một công ty mẹ trong toàn hệ thống.
Tuy nhiên, nhìn ở khía cạnh hiệu quả, việc đem khoảng 2.000 tỷ đồng đầu tư tài chính mà chỉ thu về cao nhất là 22 tỷ đồng doanh thu tài chính (như trên đã nói) cho thấy hiệu quả đầu tư không thật cao.
Về nguồn vốn, nợ phải trả của Tập đoàn Phúc Lộc các năm 2017 – 2019 là: 1.320 tỷ đồng, 977 tỷ đồng và 1.021 tỷ đồng.
Cơ cấu nợ phải trả đáng chú ý với sự tăng trưởng nhanh chóng của khoản nợ vay ngắn hạn, từ 42 tỷ đồng năm 2017 tăng vọt lên 200 tỷ đồng năm 2019, tức tăng khoảng 5 lần. Trong khi đó, khoản “người mua trả tiền trước ngắn hạn” lại có sự sụt giảm khá đang lo ngại, từ 561 tỷ đồng năm 2017 xuống chỉ còn 195 tỷ đồng năm 2019.
Dù vậy, điểm “được” hơn cả của Tập đoàn Phúc Lộc là vốn chủ sở hữu dày dặn, khiến hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu ở mức thấp, tạo dư địa lớn cho việc vay mượn trong tương lai...
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/vet-den-dong-tien-cua-tap-doan-phuc-loc-a93390.html