Cú 'sốc' đất đấu giá Thủ Thiêm và nguy cơ bất động sản 'té nước theo mưa' lập đỉnh giá mới

Theo chuyên gia, mức giá 2,4 tỷ đồng/m2 đất ở Thủ Thiêm vừa đấu giá thành công vô tình sẽ kéo cả thị trường bất động sản ở TP Hồ Chí Minh và các vùng khác có cớ để tiếp tục leo thang về giá bất động sản.

Các mức giá đất lập đỉnh sau cuộc đấu giá đất ở Thủ Thiêm (TP Hồ Chí Minh) với các lô lần lượt từ 470 triệu đồng/m2 đến 1 tỷ đồng/m2; thậm chí có lô cao nhất là 2,4 tỷ đồng/m2, gấp 8 lần so với mức giá khởi điểm... đang gây xôn xao thị trường bất động sản.

Mức giá đất cao kỷ lục này sẽ có tác động thế nào đến thị trường bất động sản tới đây?

Theo chuyên gia, kết quả đấu giá đất ở Thủ Thiêm (TP Hồ Chí Minh) thực sự là ‘cú sốc’ cho thị trường bất động sản. Hơn nữa, chắc chắn sẽ xảy ra hiệu ứng “tát nước theo mưa”... (Ảnh: Zing)

Chia sẻ với PV Infonet, chuyên gia bất động sản Trần Khánh Quang cho hay, việc đấu giá thành công, bên cạnh mặt tích cực là ngân sách sẽ thu được đúng với mức giá theo thị trường nhưng vẫn có một số hệ lụy.

Cụ thể, ông Quang cho rằng, việc đấu giá đất thành công tạo ra mặt bằng giá mới trên thị trường bất động sản. Khi kết quả đấu giá đất lên đến 2,4 tỷ đồng/m2 được xem như việc hợp thức hóa mức giá tại các dự án căn hộ hạng sang, siêu sang hay những căn hộ thương hiệu mà trước đây cứ nghĩ là giá cao nhưng giờ xem như chưa cao.

“Sau việc đấu giá đất ở Thủ Thiêm sẽ bắt đầu tạo một “cơn sốt” bất động sản. Khi thị trường nhìn nhận cuộc đấu giá minh bạch, rõ ràng nghĩa là thị trường có giá minh bạch, rất cao... tất cả bất động sản ăn theo đó sẽ tăng giá theo.

Việc đấu giá này tạo ra một mặt bằng giá của Nhà nước bằng với giá thị trường. Khi tạo ra mức giá như vậy sẽ gây ra hệ lụy đó là tất cả các doanh nghiệp khi tính tiền sử dụng đất sẽ bị ảnh hưởng. Nếu trước đây cứ nghĩ giá đất ở Thủ Thiêm chỉ khoảng 200 -300 triệu đồng/m2 thì bây giờ lên 2,4 tỷ đồng/m2, cao gấp 8 lần như vậy thì những khu vực có mức giá từ 5-10 triệu đồng/m2 liệu có "ăn theo" cũng sẽ tăng cao hơn 7-8 lần như vậy không? Vì giá Nhà nước bằng giá thị trường thì những doanh nghiệp nào chưa nộp tiền sử dụng đất cũng sẽ ảnh hưởng rất lớn”, ông Quang nói.

Một hậu quả khác, theo ông Quang, giá bất động sản cao như vậy vô hình trung những người thu nhập thấp sẽ càng ít cơ hội có nhà.

“Vì thế, một mặt thị trường tăng theo mức giá chung thì mặt khác Nhà nước cũng nên có chính sách hỗ trợ hoặc là cắt bớt phần thu tiền từ đấu giá này để phát triển nhà ở thu nhập thấp, như vậy thị trường mới hài hòa”, ông Quang bày tỏ quan điểm.

Cũng theo ông Quang, sau kết quả đấu giá đất này, vô tình sẽ kéo cả thị trường bất động sản ở TP Hồ Chí Minh và các vùng khác có cớ để tiếp tục leo thang về giá bất động sản.

Cũng đánh giá kết quả đấu giá đất ở Thủ Thiêm sẽ ảnh hưởng đến thị trường bất động sản khi xác lập mặt bằng giá mới, “đỉnh” mới, “đỉnh” giá kỷ lục, chia sẻ với Infonet, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam nhắc lại thực tế năm 2019 ở TP Thủ Đức, quận 9 đã xác lập mặt bằng giá mới; khi đó một loạt khu đô thị ra hàng, đưa ra mức giá 60 – 80 triệu đồng/m2 chung cư. Sau khi thiết lập đỉnh đó hệ quả ảnh hưởng rất nặng đến giá cả bất động sản tại TP.HCM kéo theo một loạt dự án khác ở TP.HCM có mức giá mới, mất hút các loại nhà giá bình dân, giá rẻ và những dự án giá rẻ cũng bị “đẩy” lên thành giá trung cấp.

Cùng với đó, trong bối cảnh nguồn cung thiếu, điều này tạo ‘cú hích’ khiến giá nhà ở TP HCM bị “đẩy” lên dần dần và tiếp tục ảnh hưởng lan tỏa một loạt các tỉnh xung quanh như Bình Dương, giá cũng bị kéo lên trên 40 triệu đồng/m2...

Theo ông Đính, trong khi Chính phủ đang tìm giải pháp giảm nhiệt giá bất động sản, xây dựng nhiều nhà giá rẻ, nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp thì kết quả đấu giá đất ở Thủ Thiêm sẽ khiến giá bất động sản còn bật lên mạnh hơn nữa.

“Sợ nhất hệ lụy này sẽ tác động tiêu cực đến việc phát triển bất động sản làm cho nhiều nhà đầu tư lực yếu sẽ ‘bỏ chạy’ hết, không dám ‘nhảy’ vào thị trường, không thu hút được đầu tư nữa vì người ta e ngại giá như vậy sẽ khiến giá đền bù tăng, thuế đất sẽ tăng theo mặt bằng mới...”, ông Đính lo ngại.

“Vẫn biết doanh nghiệp có quyền trả giá, mua bán đấu giá trên cơ sở tính toán mức đầu tư lợi nhuận... Nhưng nếu nó giả, tức là sau khi đấu giá không phải 100% nhà đầu tư tham gia đều có mục đích đầu tư đến cùng mà có nhiều nhà đầu tư đã giở chiêu trò, bỏ cọc... với nhiều mục đích khác nhau. Có thể tạo ra mặt bằng giá cho các dự án của họ ở xung quanh, có thể để làm tăng, ‘đẩy’ giá cổ phiếu của doanh nghiệp đó lên hoặc cũng có thể làm những khoản vay tín dụng... sau khi đạt mục tiêu họ bỏ luôn kết quả đấu thầu đó.

Nếu trong trường hợp xảy ra không phải đấu thật thì cần chấn chỉnh nghiêm và không bao giờ cho phép tham gia vào hoạt động đầu tư trên toàn quốc”, ông Đính nêu quan điểm.

Nhấn mạnh thêm ông Đính cho rằng, kết quả đấu giá đất này thực sự là ‘cú sốc’ cho thị trường bất động sản. Ngay sau kết quả đấu giá đất này chắc chắn giá đất sẽ xảy ra hiệu ứng “tát nước theo mưa”.

Link nội dung: https://vietnamindex.vn/cu-soc-dat-dau-gia-thu-thiem-va-nguy-co-bat-dong-san-te-nuoc-theo-mua-lap-dinh-gia-moi-a93634.html