Đại Việt Invest và Công ty Hoàng Tuấn là liên danh tài trợ và không bồi hoàn nguồn vốn lập quy hoạch tài trợ và không bồi hoàn nguồn vốn lập quy hoạch. Khi nhắc đến Đại Việt Invest, chân đung 1 vị “đại gia” bất động sản nổi danh tại Hà Nội đã dần “lộ diện”.
Đại Việt Invest có quan hệ mật thiết với Tập đoàn Lã Vọng
Đại Việt Invest và Công ty Hoàng Tuấn tài trợ miễn phí?
Mới đây, UBND tỉnh Thanh Hoá phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 khu đô thị Newhouse City tại huyện Hoằng Hoá. Theo phê duyệt, dự án sắp tới sẽ được xây dựng trên địa phận xã Hoằng Đức và Thị trấn Bút Sơn với tổng diện tích đất hơn 246ha, trong đó xã Hoằng Đức khoảng 239,2ha và thị trấn Bút Sơn khoảng 8,81ha. Dự báo quy mô dân số khoảng 21.500 người.
Về cơ cấu đất, dự án sử dụng đất công cộng 4,71ha; đất giáo dục 7,86ha; đất cây xanh đô thị 18,34ha; đất hỗn hợp 34,8ha; đất thương mại 7,64ha; đất ở 110,41ha.
Mục tiêu xây dựng dự án là đem đến một khu đô thị mới được đầu tư đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, mang bản sắc không gian kiến trúc cảnh quan đặc trưng. Newhouse City sẽ gồm các khu nhà ở chất lượng cao, cung ứng nơi ở và các dịch vụ xã hội cho chuyên gia, người lao động tại khu công nghiệp Phú Quý và các đối tượng và các đối tượng khác trên địa bàn huyện và khu vực lân cận.
Thời gian lập đồ án quy hoạch tối đa không quá 6 tháng kể từ ngày nhiệm vụ quy hoạch được phê duyệt. Về nguồn vốn lập quy hoạch, tỉnh Thanh Hóa giao UBND huyện Hoằng Hóa tổ chức lập và phê duyệt dự toán chi phí lập quy hoạch theo quy định.
Theo tỉnh Thanh Hóa, kinh phí này sẽ do Liên danh Công ty Cổ phần đầu tư phát triển Đô thị Đại Việt và Công ty TNHH Hoàng Tuấn (Đại Việt Invest – Công ty Hoàng Tuấn) tài trợ và không bồi hoàn trong bất kỳ trường hợp nào.
Công ty Hoàng Tuấn của ông Nguyễn Duy Nở vốn là doanh nghiệp đóng trụ sở chính tại khu công nghiệp và đô thị Hoàng Long, xã Hoằng Long, thành phố Thanh Hoá. Doanh nghiệp này được coi như một “ông lớn” của tỉnh Thanh Hóa khi trúng hàng loạt gói thầu lớn về xây dựng cơ bản trên địa bàn tỉnh trong thời gian vừa qua.
Còn Đại Việt Invest là một doanh nghiệp đến từ Hà Nội, chưa từng ghi dấu trên thị trường bất động sản. Vào thời điểm mới thành lập năm 2017, tổng vốn điều lệ của công ty là 390 tỷ đồng. Trong đó, 2 cổ đông Kim Văn Bộ và Vũ Văn Tuấn mỗi người góp 19,5 tỷ đồng, tương đương 5% vốn điều lệ. 351 tỷ đồng tương đương 90% vốn điều lệ còn lại do Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện theo pháp luật Đại Việt Invest ông Lê Văn Hải đóng góp.
Ngoài ra, ông Lê Văn Hải còn là người đóng vai trò chủ chốt và nắm giữ phần lớn cổ đông của nhiều công ty khác trong các lĩnh vực ẩm thực, kinh doanh nhà hàng và năng lượng. Ngoài giữ vai trò lãnh đạo của Đại Việt Invest, ông Hải còn đương chức tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của Công ty Thương mại TĐ Ẩm thực Lã Vọng. Năm 2017, vốn điều lệ của công ty này đã tăng từ 6 tỷ đồng lên 50 tỷ đồng. Cơ cấu cổ đông vẫn ghi nhận những cái tên quen thuộc, cụ thể: ông Hải và bà Lê Thị Lộc mỗi người góp 5 tỷ đồng, tương đương 10% vốn điều lệ, còn ông Vọng góp 40 tỷ đồng, tương đương 80% vốn điều lệ.
Song song với đó, tháng 5/2017, ông Hải đã thành lập Công ty TNHH Khai thác khoáng sản Việt Nga với vốn điều lệ 19 tỷ đồng. Tuy nhiên, chỉ sau đó 2 tháng, ông Hải đã tuyên bố giải thể doanh nghiệp này với lý do công ty hoạt động không hiệu quả và ông không đạt được kỳ vọng khi thực hiện thủ tục thành lập doanh nghiệp.
Đến tháng 8/2018, ông Hải cùng 2 cổ đông sáng lập cũng thoái vốn tại Đại Việt Invest. Đồng thời, chức vụ Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện theo pháp luật cũng được ông Hải cũng chuyển giao cho ông Hà Xuân Lực (sinh năm 1984) – người đồng hương cùng huyện Hoằng Hóa với ông Hải.
Tháng 9/2019, Đại Việt Invest đã tăng vốn điều lệ lên gần gấp đôi, đạt 750 tỷ đồng.
Hình bóng Tập đoàn Lã Vọng tại Đại Việt Invest
Dù ông Hải đã thoái vốn khỏi Đại Việt Invest – doanh nghiệp tài trợ chi phí nghiên cứu quy hoạch cho dự án tại Thanh Hoá trên, nhưng cái tên của dự án này ít nhiều gợi mở về một tập đoàn địa ốc nổi danh tại Hà Nội: Tập đoàn Lã Vọng.
Tập đoàn Lã Vọng tiền thân là Công ty Cổ phần thương mại Ngôi Nhà Mới do ông Lê Văn Vọng – anh trai của ông Lê Văn Hải làm Giám đốc.
Khi mới thành lập, Tập đoàn chủ yếu cung cấp các dịch vụ thương mại về ăn uống, giải trí với hệ thống các quán cafe và nhà hàng ăn uống trên địa bàn Thủ đô Hà Nội và các tỉnh lân cận. Với tư duy nhanh nhạy về kinh doanh đầu tư, Tập đoàn Lã Vọng sau đó bước chân vào lĩnh vực bất động sản năm 2008 với số vốn đầu tư khoảng 2000 tỷ đồng cho dự án khu đô thị Ngôi Nhà Mới (New House City) tại huyện Quốc Oai – Hà Nội. Tưởng chừng sản phẩm đầu tay sẽ thành công rực rỡ khi thị trường đang "sốt nóng", nhưng Ngôi Nhà Mới ngay lập tức gặp không ít khó khăn. Sau 1 thập kỷ triển khai, số lượng biệt thự có người ở trong khu đô thị Newhouse City chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Tuy vậy, Tập đoàn Lã Vọng vẫn rất “có duyên” với các khu “đất vàng” tại Hà Nội khi là chủ đầu tư của một loạt dự án ở những vị trí đắc địa như: khu đô thị Louis City (Đại Mỗ, Nam Từ Liêm), New House Xa La (Phúc La, Hà Đông)…
Tập đoàn Lã Vọng còn được biết đến khi góp vốn đầu tư dự án Khu đô thị mới Hoàng Văn Thụ (quận Hoàng Mai, Hà Nội).
Khi đó, UDIC và Công ty CP Đầu tư phát triển Hà Nội (đơn vị lập và hoàn thành quy hoạch dự án) được giao phối hợp với cơ quan chức năng để công bố quy hoạch chi tiết. Công ty này đã cùng hai doanh nghiệp có liên quan với Tập đoàn Lã Vọng là Công ty cổ phần thương mại Ngôi nhà mới và Công ty cổ phần Đầu tư và thương mại Louis, lập ra Công ty cổ phần Đầu tư phát triển đô thị Hoàng Mai (Công ty Hoàng Mai) để thực hiện dự án trên.
Tuy nhiên, đến năm 2018, Công ty cổ phần thương mại Ngôi nhà mới và Công ty cổ phần Đầu tư và thương mại Louis đồng loạt thoái vốn khỏi Công ty Hoàng Mai.
Trong khi các dự án ở Hà Nội không được suôn sẻ, Tập đoàn Lã Vọng quyết tâm lấn sân ra các tỉnh. Có thể kể đến việc liên danh Công ty Cổ phần tập đoàn đầu tư tài chính Việt Nam (VFI Group) và Công ty CP Thương mại Ngôi Nhà Mới (thuộc Tập đoàn Lã Vọng) là đơn vị duy nhất trúng sơ tuyển dự án Khu đô thị mới Trung Minh A tại Hoà Bình có tổng mức đầu tư 1.126 tỷ đồng. Nhà nước không tham gia góp vốn đầu tư vào dự án này.
Sau nhiều năm nắm giữ vị trí chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc và người đại diện theo pháp luật tại Ngôi Nhà Mới, đến tháng 3/2018, ông Vọng thoái hết vốn tại Ngôi Ngôi Nhà Mới, đồng thời chuyển giao vị trí người đại diện công ty cho tổng giám đốc Trần Thanh Bình.
Từ năm 2015 đến năm 2019, Ngôi Nhà Mới đã liên tục thăng giảm vốn điều lệ. Tính đến tháng 9/2019, vốn điều lệ của công ty đạt 1.500 tỷ đồng.
Dữ liệu cho thấy trong giai đoạn 2016 – 2019, doanh thu của Ngôi Nhà Mới tăng trưởng rất mạnh mẽ với tốc độ tính bằng lần. Cụ thể, nếu như năm 2016, doanh thu mới đạt 17,5 tỷ đồng thì năm 2017 đã tăng gấp 10 lần lên 183 tỷ đồng. Năm 2018, doanh thu tiếp tục tăng mạnh lên 272 tỷ đồng rồi “bốc đầu” lên tận 1.049 tỷ đồng vào năm 2019.
Lợi nhuận sau thuế cũng vì vậy mà tăng mạnh, từ -29,7 tỷ đồng (2016) lên 161 triệu đồng (2017) rồi 16,5 tỷ đồng (2018) và 197,7 tỷ đồng (2019).
Về tài sản, trong cùng giai đoạn nêu trên, tổng tài sản của công ty đã tăng một mạch từ 1.352 tỷ đồng lên 5.229 tỷ đồng, tức tăng gấp gần 4 lần. Tài trợ chính cho sự tăng trưởng đó là nợ phải trả khi tăng dữ dội từ 647 tỷ đồng lên 3.553 tỷ đồng, tức tăng gấp 5,5 lần.
Vốn chủ sở hữu của công ty dù có thời điểm thăng giáng song nhìn chung là vẫn tăng đáng kể, từ 705 tỷ đồng lên 1.675 tỷ đồng, tức tăng hơn 2 lần. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu tại thời điểm kết thúc năm 2019 là hơn 2 lần.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/hinh-bong-tap-doan-la-vong-tai-dai-du-an-newhouse-city-246ha-thanh-hoa-a93645.html