Nối gót Fed, nhiều ngân hàng trung ương lớn bắt đầu siết hỗ trợ thời Covid-19

Anh ngày 16/12 trở thành nền kinh tế G7 đầu tiên tăng lãi suất giữa đại dịch Covid-19.

Các ngân hàng trung ương lớn chọn lộ trình khác nhau, phản ánh sự bất ổn sâu sắc về độ ảnh hưởng của biến chủng Omicron đến kinh tế toàn cầu cũng như tình trạng lạm phát – đang “hoành hành” tại Anh và Mỹ nhưng không quá “nóng” ở châu Âu và Nhật Bản.

Trong khi nguy cơ mất kiểm soát giá đã có tiền lệ với Fed và Ngân hàng Anh (BOE), Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde nhấn mạnh trong một cuộc họp báo rằng Covid-19 một lần nữa làm giảm chi tiêu tại eurozone, đe dọa tăng trưởng.

“Để ứng phó với làn sóng đại dịch hiện tại, một số quốc gia đã phải triển khai các biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn… Điều này có thể trì hoãn đà phục hồi… Đại dịch đang gây sức ép lên niềm tin tiêu dùng và kinh doanh”, bà Lagarde nói.

Trong môi trường đó, “chúng tôi cần duy trì tính linh động và đa dạng lựa chọn” bằng cách rút hỗ trợ “từng bước một” nhưng không hướng đến thu hồi hoàn toàn các chương trình hỗ trợ thời đại dịch.

rnnbikz57jjmlkmazsmt34j2nu-3261-16397314

Bên ngoài trụ sở BOE, London, Anh. Ảnh: Reuters.

Fed hôm 15/12 thông báo sẽ kết thúc chương trình mua trái phiếu chính phủ hàng tháng vào tháng 3 và vạch ra lộ trình tăng lãi suất.

Chủ tịch Fed Jerome Powell nói Mỹ đang hướng đến năm 2022 với đà tăng trưởng mạnh và tối đa hóa việc làm – triển vọng xa vời với hầu hết thị trường lao động châu Âu – và ngân hàng trung ương Mỹ cần coi lạm phát là một rủi ro cao hơn.

BOE ngày 16/12 nâng lãi suất từ 0,1% lên 0,25%, trái với dự đoán giữ nguyên từ giới phân tích. BOE cho biết lạm phát có thể chạm 6% trong tháng 4/2022, gấp 3 lần so với mục tiêu của ngân hàng trung ương Anh.

Số ca nhiễm Covid-19 hàng ngày tại Anh đang cao nhất kể từ khi đại dịch bùng phát, buộc Thủ tướng Anh Boris Johnson tuần này phải áp các hạn chế mới.

Đánh giá sơ bộ chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 12 của Anh công bố ngày 17/12 cho thấy biến chủng Omicron đã ảnh hưởng đến ngành du lịch và khách sạn – một ngày sau khi số liệu phản ánh chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cao nhất thập kỷ.

ECB vẫn chưa đạt mục tiêu lạm phát suốt nhiều năm qua và quyết định giữ nguyên lãi suất, thông báo kết thúc chương trình mua tài sản khẩn cấp thời đại dịch vào tháng 3/2022. ECB vẫn cam kết hỗ trợ mạnh tay nếu cần thông qua Chương trình Mua tài sản – động thái xác nhận quan điểm linh động hơn về lạm phát và quá trình chấm dứt chính sách siêu nới lỏng sẽ diễn ra chậm.

Tuy nhiên, những biện pháp trên chỉ nhận được đa số sự ủng hộ tại cuộc họp của ECB. Một số nhà lập chính sách cảnh báo ECB đang đánh giá thấp rủi ro lạm phát.

Tại châu Á, Ngân hàng Nhật Bản (BOJ) hôm nay thông báo giữ nguyên chính sách tiền tệ siêu nới lỏng nhưng giảm dần tài trợ khẩn cấp đại dịch.

Với lạm phát gần như không có, Nhật Bản được dự đoán giảm hỗ trợ kinh tế với tiến độ chậm hơn nhiều so với nhiều quốc gia khác.

Ngân hàng trung ương Na Uy đã tăng lãi suất từ tháng 9 trên cơ sở kinh tế phục hồi, tầm nhìn thắt chặt chính sách tiền tệ hơn nữa.

Trong khi đó, Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ (SNB) giữ nguyên lập trường siêu nới lỏng với lãi suất chính sách -0,75%. Lạm phát tại Thụy Sĩ dù đang tăng nhưng được cho là thấp hơn nhiều so với những nơi khác, chỉ ở 1% trong năm 2022 và giảm còn 0,6% năm kế tiếp.

“SNB duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng, từ đó đảm bảo ổn định giá, hỗ trợ nền kinh tế Thụy Sĩ phục hồi từ ảnh hưởng của đại dịch”, theo SNB.

Link nội dung: https://vietnamindex.vn/noi-got-fed-nhieu-ngan-hang-trung-uong-lon-bat-dau-siet-ho-tro-thoi-covid-19-a94944.html