Thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2021 vẫn tiếp tục giữ được đà tăng trưởng tích cực cũng như sôi động từ thời điểm tháng 4/2020. Không những vậy, thị trường chứng khoán còn có sự tăng trưởng vượt bậc hơn nhiều và lập liên tiếp hàng loạt kỷ lục.
Tháng 11, lần đầu tiên số lượng tài khoản chứng khoán mở mới của nhà đầu tư cá nhân trong nước vượt 200.000 đơn vị. Như vậy, số lượng tài khoản chứng khoán mỗi tháng của cá nhân trong nước vượt 100.000 đơn vị duy trì 9 tháng liên tiếp, đưa tổng khối lượng mở mới 11 tháng năm 2021 lên 1,3 triệu đơn vị, gấp 3,3 lần cả năm 2020 và cao hơn so với mức gần 1,18 triệu đơn vị của 5 năm trước cộng lại.
Tổng số tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư trong nước tới cuối tháng 11 đạt hơn 4 triệu đơn vị, tương đương gần 4% dân số. Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam đến 2030, tầm nhìn đến năm 2045, số lượng nhà đầu tư đạt 5% dân số năm 2025 và 8% dân số vào năm 2030. Như vậy đến nay, tỷ lệ này của Việt Nam đang vào khoảng hơn 4,08%.
Nửa đầu năm 2021, nhà đầu tư được chứng kiến sự bùng nổ nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, đặc biệt là nhóm ngân hàng, chứng khoán và thép (hay còn được gọi là Bank - Chứng - Thép). Đây cũng là các nhân tố chủ chốt đưa VN-Index chinh phục mức đỉnh lịch sử năm 2018 (1.204,33 điểm) vào ngày 7/4. Ở nửa sau của năm 2021, dòng tiền luân chuyển nhịp nhàng giữa các nhóm ngành, tuy nhiên có xu hướng chảy mạnh vào nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ.
“Cơn điên” của dòng tiền khiến nhiều cổ phiếu vừa và nhỏ đồng loạt tăng giá mạnh, thậm chí có những doanh nghiệp dù báo lỗ, lãi giảm nhưng cổ phiếu còn tăng mạnh hơn nhiều so với những công ty “ăn nên làm ra”. Dù không được sự dẫn dắt của nhóm trụ cột nhưng VN-Index vẫn chinh phục mốc 1.500 điểm vào cuối tháng 11. Mức cao nhất của chỉ số này được thiết lập vào phiên 25/11/2021 với 1.500,81 điểm.
Không chỉ VN-Index, HNX-Index cũng vượt đỉnh lịch sử được thiết lập vào 19/3/2007 (459,36 điểm) và leo lên mức cao nhất 468,73 điểm tại ngày 18/11/2021. Các chỉ số VNMID (đại diện cho nhóm vốn hóa vừa) và VNSML (đại diện cho nhóm vốn hóa nhỏ) cũng liên tục đi tìm đỉnh cao mới.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 15/12, VN-Index đứng ở mức 1.475,5 điểm, tương ứng tăng 33,7% so với cuối năm ngoái. HNX-Index tăng 123,4% lên 453,71 điểm. UPCoM-Index tăng 50,1% lên 111,72 điểm. VNMID và VNSML tăng lần lượt 65,8% và 93,7%.
Giá trị vốn hóa toàn thị trường chứng khoán Việt Nam cũng vươn lên mức kỷ lục. Cụ thể, tổng giá trị vốn hóa tại thời điểm 15/12/2021 đạt 7,7 triệu tỷ đồng, tăng 45,5% so với cuối năm 2020 và bằng 99% GDP. Trong khi đó, Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam đến 2030, tầm nhìn đến năm 2045, quy mô thị trường cổ phiếu vào năm 2025 tối thiểu 85% GDP (đã điều chỉnh) và 110% GDP năm 2030.
Trên con đường thiết lập những mức đỉnh cao mới, thị trường chứng khoán không tránh khỏi những phiên điều chỉnh mạnh. Có những phiên nhà đầu tư được chứng kiến đa số các cổ phiếu trên toàn thị trường chứng khoán bị bán tháo về mức giá sàn. Tại phiên giao dịch ngày 27/1/2021, VN-Index giảm 73,23 điểm (-6,67%) so với phiên trước đó xuống còn 1.023,94 điểm - mức giảm kỷ lục về mặt tuyệt đối của chỉ số này.
Dòng tiền đổ mạnh vào nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ đặc biệt ở sàn HNX khiến định giá P/E ở sàn này cũng tăng vọt. Từ mức gần như rẻ nhất châu Á, theo một báo cáo của Chứng khoán BIDV (BSC), P/E HNX-Index ở mức đắt nhất so với khu vực châu Á vào cuối tháng 11 với 27,5 lần. Trong khi đó, P/E VN-Index ở mức trung bình với 17,5 lần (đứng thứ 9 châu Á).
Không chỉ đi lên về mặt điểm số, thanh khoản thị trường chứng khoán cũng liên tục lập kỷ lục trước sự bùng nổ của dòng tiền nhà đầu tư cá nhân cũng như sự cố nghẽn lệnh trên HoSE được khắc phục vào tháng 7. Tổng giá trị giao dịch bình quân từ đầu năm đến phiên 15/12 trên 3 sàn đạt 26.172 tỷ đồng/phiên (1,15 tỷ USD/phiên), gấp 3,5 lần mức bình quân của năm 2020. Trong đó, giá trị khớp lệnh bình quân cũng đạt 24.116 tỷ đồng/phiên, tăng 293%.
Năm 2020, đa phần giá trị giao dịch của thị trường chứng khoán Việt Nam đều chỉ ở mức dưới 10.000 tỷ đồng. Nhưng ở năm 2021, nhà đầu tư liên tục chứng kiến những phiên giao dịch trên 1 tỷ USD (23.000 tỷ đồng). Thậm chí ở những tháng cuối năm 2021, giá trị giao dịch toàn thị trường duy trì ở trên mức 30.000 tỷ đồng mỗi phiên.
Thanh khoản của HoSE đã vượt qua Singapore, thậm chí có một số phiên bằng cả thị trường Thái Lan, trong khi quy mô GDP chỉ bằng 2/3 Thái Lan.
Phiên 19/11, giá trị giao dịch sàn HoSE và UPCoM đạt kỷ lục với lần lượt 44.570 tỷ đồng và 5.065 tỷ đồng. Trong khi đó, kỷ lục về giá trị giao dịch sàn HNX được thiết lập trong phiên 20/8 với 7.062 tỷ đồng.
Một kỷ lục nữa cũng được thiết lập trong năm 2021 về thanh khoản là trên thị trường chứng khoán phái sinh. Bên cạnh sự sôi động từ thị trường cơ sở, thị trường chứng khoán phái sinh cũng lập kỷ lục về giá trị giao dịch bình quân với 26.553 tỷ đồng/phiên, tăng 107% so với năm 2020. Bên cạnh đó, khối lượng hợp đồng mở (OI) cũng lập kỷ lục 61.090 hợp đồng tại phiên 14/1/2021.
Dòng tiền của nhà đầu tư cá nhân vẫn tiếp tục làm chủ cuộc chơi trên thị trường chứng khoán năm 2021, giúp cả điểm số lẫn thanh khoản đi lên. Dòng tiền nhà đầu tư cá nhân trong nước tăng đột biến khiến tỷ trọng của nhóm này chiếm tới 90% thị trường.
Lượng giao dịch quá lớn từ nhà đầu tư cá nhân cũng là nguyên nhân chính gây ra tình trạng nghẽn lệnh trên HoSE diễn ra từ cuối năm 2020 đến đầu tháng 7 bất chấp mọi biện pháp khắc phục như chuyển giao dịch cổ phiếu của doanh nghiệp tự nguyện chuyển từ HoSE sang HNX, không cho hủy sửa lệnh, tăng lô giao dịch từ 10 lên 100... Sau khi hệ thống giao dịch do FPT cung cấp được vận hành mới giúp khắc phục hoàn toàn sự cố nghẽn lệnh ở sàn HoSE.
Thông thường, doanh nghiệp sẽ lựa chọn thời điểm thuận lợi như diễn biến thị trường chứng khoán tích cực, kết quả kinh doanh khả quan, giá cổ phiếu tăng cao và thanh khoản dồi dào để phát hành tăng vốn nhằm thu hút nhà đầu tư tham gia, đảm bảo thành công. Năm 2021 đã hội tụ đầy đủ các yếu tố nói trên.
Thị trường chứng khoán bùng nổ khiến ngay từ đầu năm 2021, hàng loạt doanh nghiệp có kế hoạch chào bán cho cổ đông hiện hữu hoặc nhà đầu tư chiến lược hàng trăm triệu cổ phiếu, tăng vốn thậm chí gấp vài lần chỉ trong một năm. Không chỉ chào bán cho cổ đông hiện hữu, các doanh nghiệp còn huy động vốn bằng chào bán riêng lẻ, chào bán cho cán bộ công nhân viên.
Tính đến thời điểm 15/12, tổng số cổ phiếu đã phát hành của các doanh nghiệp trên sàn chứng khoán đạt gần 19 tỷ cổ phiếu (gấp gần 3 lần năm 2020), con số kỷ lục của thị trường chứng khoán Việt Nam. Trong đó, có gần 7,5 tỷ cổ phiếu được phát hành thông qua chào bán cho cổ đông, phát hành riêng lẻ… Số tiền huy động được này sẽ bổ sung trực tiếp vào nguồn vốn kinh doanh, từ đó nâng cao năng lực tài chính.
Đối với hình thức trả cổ tức và cổ phiếu thưởng, con số cổ phiếu phát hành theo hình thức này lên đến 12,3 tỷ đơn vị.
Trước làn sóng tăng vốn ồ ạt của các doanh nghiệp trong năm 2021, thị trường chứng khoán ghi nhận hàng loạt doanh nghiệp có vốn điều lệ trên 40.000 tỷ đồng (trên 4 triệu cổ phiếu niêm yết) gồm VietinBank (48.000 tỷ đồng), VPBank (45.000 tỷ đồng), Hòa Phát (44.729 tỷ đồng), Vinhomes (43.543 tỷ đồng), BIDV (40.220 tỷ đồng) và Tập đoàn công nghiệp Cao su Việt Nam (40.000 tỷ đồng). Ở thời điểm cuối năm 2020, chỉ có BIDV và GVR có mức vốn điều lệ trên 40.000 tỷ đồng.
Cộng hưởng từ việc giá cổ phiếu liên tục leo cao cũng như đua nhau tăng vốn, thị trường chứng khoán liên tục đón nhận hàng loạt doanh nghiệp có vốn hóa trên 1 tỷ USD. Tính đến thời điểm 15/12, trên 3 sàn HoSE, HNX và UPCoM có tổng cộng 60 doanh nghiệp vốn hóa vượt 1 tỷ USD.
Trái ngược với những gì diễn ra tích cực trên thị trường chứng khoán nói chung, nhà đầu tư nước ngoài giao dịch theo chiều hướng tiêu cực khi tiếp tục nối dài chuỗi ngày tháng rút ròng liên tục. Tổng giá trị bán ròng của khối ngoại trong từ đầu năm đến hết phiên 15/12 đạt kỷ lục hơn 60.500 tỷ đồng, bỏ xa so với mức bán ròng 18.794 tỷ đồng của năm 2020.
Nếu như trước đây, quy mô giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài chiếm khoảng 20% giá trị giao dịch/phiên thì hiện tại chỉ 7%.
Dòng vốn ngoại bán ròng mạnh như trên được nhiều chuyên gia lý giải do ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19, dòng vốn dịch chuyển từ thị trường cận biên và mới nổi sang thị trường phát triển - nơi được cho là sẽ có sự hồi phục nhanh hơn sau đại dịch… Dù vậy, dòng vốn ngoại vẫn được nhiều chuyên gia và đại diện các cơ quan quản lý cho là không rút tiền ra khỏi thị trường Việt Nam mà đang chờ cơ hội để giải ngân trở lại.
Tuy nhiên, một điểm tích cực là dòng vốn ETF có năm đổ mạnh vào thị trường chứng khoán Việt Nam. Tính đến phiên 14/12, dòng vốn ETF mua ròng 13.450 tỷ đồng, gấp 2,3 lần cả năm 2020. Trong đó, VFM VNDiamond mua ròng khoảng 3.278 tỷ đồng, SSIAM VNFIN Lead mua ròng hơn 1.226 tỷ đồng. Đáng kể nhất là dòng vốn từ quỹ Fubon FTSE Vietnam ETF khi mua ròng trên 9.560 tỷ đồng.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/2021-nam-cua-nhung-ky-luc-tren-thi-truong-chung-khoan-viet-nam-a96333.html