Năm 2022, tiền ảo - kênh đầu tư 'đau tim nhất' vẫn tiếp tục bùng nổ

Tăng điên loạn, giảm chóng mặt, tiền ảo trở thành kênh đầu tư hấp dẫn nhất và cũng là kênh đầu tư 'đau tim' nhất năm 2021. Kênh đầu tư này được dự báo vẫn sôi động trong năm 2022.

Việt Nam được coi là một trong những quốc gia có cộng đồng đầu tư tiền ảo lớn nhất.

Tiền ảo được dự báo vẫn là kênh đầu tư tăng trưởng nóng trong năm tới.

Kênh đầu tư “đau tim” nhất năm 2021

Có thể nói, tiền ảo là một trong những kênh đầu tư ấn tượng nhất của năm 2021. Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng (MBKE) bình luận, có hai kênh đầu tư hot nhất năm 2021, đó là chứng khoán và tài sản số.

“Đây là hai kênh đầu tư có tỷ suất sinh lời lớn nhất năm 2021. Tài sản số (trong đó có tiền ảo) là kênh giao dịch chưa được pháp luật thừa nhận, song số lượng nhà đầu tư tham gia vẫn rất lớn”, ông Khánh nói.

Bitcoin (BTC) là “linh hồn” của thị trường tiền ảo. Đầu năm nay, giá chưa đến 30.000 USD/BTC, nhưng đến ngày 10/11 đã vọt lên hơn 69.000 USD/BTC, đạt kỷ lục cao nhất mọi thời đại. Cuối tuần qua, mỗi BTC được giao dịch ở mức 51.000 USD, dù đã giảm, nhưng vẫn tăng hơn 75% so với đầu năm. Tuy nhiên, BTC chỉ là ví dụ nhỏ trong một thị trường tiền ảo đầy hấp dẫn. Năm 2021, nhiều đồng tiền ảo tăng giá tới cả ngàn lần.

Đặc biệt, quy mô giao dịch thị trường tiền ảo cũng tăng nhanh và lớn chưa từng có. Sau khi đạt giá trị vốn hóa lịch sử 800 tỷ USD năm 2018, giá trị vốn hóa thị trường tiền ảo liên tục sụt giảm, chỉ loanh quanh ở mức 200-400 tỷ USD vài năm gần đây, nhưng từ đầu năm nay, giá trị vốn hóa thị trường này liên tục tăng vọt. Đầu năm nay, giá trị vốn hóa thị trường tiền ảo mới đạt hơn 700 tỷ USD, thì đến giữa tháng 11/2021 đã đạt gần 3.000 tỷ USD và cuối tuần qua ở mức gần 2.400 tỷ USD, tăng gấp 3 lần so với đầu năm.

Không chỉ tăng giá kỷ lục, thị trường tiền ảo năm qua đón nhận nhiều thông tin tích cực: sàn giao dịch tiền điện tử lớn nhất của Mỹ Coinbase đã niêm yết thành công trên sàn chứng khoán Nasdaq, khẳng định phần nào vị thế của tiền ảo.

El Salvador trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới công nhận Bitcoin là tiền tệ hợp pháp; hàng loạt quỹ đầu tư mạo hiểm rót hàng chục tỷ USD vào tiền ảo (ước các quỹ đang đầu tư 60 tỷ USD vào tài sản số)…

Mặc dù là kênh đầu tư có tỷ suất sinh lời tốt nhất năm, song tiền ảo cũng khẳng định là kênh đầu tư rủi ro nhất khi biến động mạnh chưa từng có. Bitcoin khởi đầu năm 2021 với mức giá gần 30.000 USD/BTC, vọt lên gần 64.000 USD/BTC giữa tháng 4/2021, lao dốc về dưới 30.000 USD/BTC vào tháng 7/2021, sau đó đột ngột vọt lên 69.000 USD ngày 10/11/2021 và hiện đứng ở mức 51.000 USD/BTC.

Diễn biến như tàu lượn cao tốc của Bitcoin chưa thấm tháp gì so với nhiều đồng tiền ảo khác. Đầu năm nay, tiền ảo Bitcoin Vault (BCTV) có giá trên 100 USD/BCTV, thì đến cuối tuần qua, giảm chỉ còn hơn 6 USD/BCTV (tức giảm 94%, còn nếu so với mức giá giữa năm 2020, nhà đầu tư đã gần như mất trắng.

Hay như tiền ảo Squid Game (SQUID) ăn theo bộ phim Squid Game ra mắt cuối tháng 10/2021, tăng dựng đứng lên gần 500 USD/SQUID, rồi tụt giảm về 0 sau một đêm.

Tiền ảo vẫn chưa thôi sức nóng

Mặc dù không được công nhận ở Việt Nam, song kênh đầu tư tiền ảo vẫn bùng nổ. Theo khảo sát của nhiều tổ chức trên thế giới, Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ đầu tư vào tiền mã hóa cao nhất.

Báo cáo mới đây của Chainalysis (công ty chuyên cung cấp các công cụ phân tích dữ liệu blockchain) cho thấy, Việt Nam là quốc gia đứng thứ 4 về lợi nhuận thu được từ tiền mã hóa, chỉ sau Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Trong đó, riêng với Bitcoin, các nhà đầu tư Việt đã kiếm được 400 triệu USD trong năm 2020, đứng thứ 13 thế giới. Trước đó, theo khảo sát của Finder và Statista, Việt Nam cũng đứng top đầu các quốc gia về tỷ lệ người sở hữu tiền mã hóa.

Thế hệ Gen Z rất tham vọng, muốn làm giàu nhanh, trong khi vốn đầu tư có hạn, nên các kênh đầu tư truyền thống như vàng, chứng khoán, bất động sản… không hấp dẫn bằng kênh tài sản số. Đây là lý do khiến thị trường này vẫn sẽ tăng nóng thời gian tới.

Ông Phan Dũng Khánh còn tiết lộ: “Thời gian gần đây, có những người là lãnh đạo, trưởng phòng của các công ty chứng khoán cũng đã mở tài khoản đầu tư tiền số song song. Tức là những người bảo thủ họ cũng đã bắt đầu đa dạng hóa danh mục đầu tư của mình với tài sản số rồi”.

Mặc dù có nhiều dự báo về “mùa đông ảm đạm” của thị trường tiền ảo, song nhiều chuyên gia vẫn nhận định, năm 2022, thị trường này vẫn tiếp tục sôi động. Không chỉ tiền ảo, các tài sản số cũng nở rộ, nhất là NFT, thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư lớn. Ngày càng nhiều tập đoàn lớn đầu tư vào các tài sản ảo. Những lô đất ảo được bán với giá hàng trăm ngàn USD, những bộ sưu tập nghệ thuật số được bán với giá hàng triệu USD không còn là chuyện hiếm.

Hơn nữa, theo nhận định của nhiều chuyên gia, thế hệ Gen Z - thế hệ Internet hiện nay rất tham vọng, muốn làm giàu nhanh, trong khi vốn đầu tư có hạn, nên các kênh đầu tư truyền thống như vàng, chứng khoán, bất động sản… không hấp dẫn bằng kênh tài sản số. Đây là lý do khiến thị trường này vẫn sẽ tăng nóng thời gian tới.

Tại Việt Nam, đầu tư tiền ảo dù thu hút cộng đồng rất lớn, song không phải ai cũng kiếm được lợi nhuận, rất nhiều nhà đầu tư mất trắng tài sản vì tiền ảo. Cách đây không lâu, trên một diễn đàn mạng xã hội, một nhà đầu tư từng công bố tài khoản lỗ 56 tỷ đồng cùng những lời tâm sự chua xót vì trót sa chân vào tiền ảo.

Tuy nhiên, rủi ro lớn nhất của kênh đầu tư tiền ảo tại Việt Nam là có quá nhiều sàn tiền ảo trá hình, sàn tiền ảo đa cấp. Các đối tượng lợi dụng tiền ảo để lừa đảo, gây bất ổn xã hội. Từ đầu năm đến nay, nhiều sàn tiền ảo đã bị đánh sập, đồng nghĩa hàng vạn nhà đầu tư sập bẫy.

Link nội dung: https://vietnamindex.vn/nam-2022-tien-ao-kenh-dau-tu-dau-tim-nhat-van-tiep-tuc-bung-no-a97396.html