Nhiều dự án ách tắc
Số liệu nghiên cứu thị trường từ batdongsan.com.vn chỉ ra rằng, năm 2021 bất chấp việc hầu hết các tỉnh thành cả nước phải trải qua nhiều đợt giãn cách xã hội làm cho hoạt động sản xuất bị đứt gãy, gián đoạn, thị trường BĐS vẫn ghi nhận tăng trưởng về giá bán từ 5 – 10% tùy từng khu vực, riêng BĐS khu công nghiệp có sự bứt phá cao hơn, giá thuê tăng 15 – 18%.
Việc tăng giá này dựa trên nhu cầu, tiềm năng, như: Bắc Giang, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh... đều là những địa phương có lợi thế phát triển BĐS công nghiệp, nhiều khu công nghiệp được phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng, tạo ra hệ sinh thái, giá đất tăng dựa trên nhu cầu thật. Một số khác bị thổi lên với tin đồn về quy hoạch, hạ tầng sân bay, trung tâm thương mại, khu đô thị... khiến giá đất tăng nóng trong thời gian ngắn, gây ra tác hại xấu đến thị trường.
“Chính sách giải ngân đầu tư công như cứu cánh khi mọi hoạt động bị trì hoãn, việc quyết tâm giải ngân đầu tư công là chính sách mạnh mẽ nhất trong năm 2020 và 2021. Ngoài ra, các chính sách kinh tế vĩ mô, tài chính được điều chỉnh linh hoạt, kiểm soát tín dụng tốt... góp phần thúc đẩy, tạo lực đẩy cho thị trường BĐS tăng nhiệt trong năm qua” – Phó Tổng Giám đốc batdongsan.com.vn Nguyễn Quốc Anh nhìn nhận.
Năm 2022 thị trường BĐS nhiều triển vọng phục hồi, tăng trưởng trở lại.
Tuy nhiên, theo đánh giá trong năm 2021 bên cạnh tác động tiêu cực từ dịch Covid-19, thị trường BĐS vẫn chịu ảnh hưởng từ những luật, bộ luật liên quan, nhiều dự án bị dừng hoặc chậm triển khai, gây thiếu hụt nguồn cung. Nguồn cung khan hiếm chính là cơ hội để một nhóm người đầu cơ, môi giới “lũng đoạn” thị trường, nhiều doanh nghiệp lớn cũng có xu hướng “om hàng” chờ tăng giá.
Theo Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam Nguyễn Quốc Hiệp, BĐS là ngành kinh doanh chịu sự tác động của 12 luật khác nhau nên gây chậm tiến độ cho các dự án, kéo theo chậm tiến độ triển khai, gây ảnh hưởng số đầu việc cho nhà thầu xây dựng.
“Một trong những vướng mắc nhất về luật vẫn tiếp diễn trong năm 2021 liên quan đến việc lựa chọn chủ đầu tư, quy định chuyển đổi đất ở đô thị... gây hạn chế toàn bộ dự án nhà ở. Vì hiện tại đất kho, xưởng, đất phi nông nghiệp trong phạm vi dự án rất khó khăn trong quá trình chuyển đổi, chính quy định này gây ách tắc cho khoảng 400 dự án cả ở TP Hồ Chí Minh và Hà Nội. vậy nên chúng tôi đề nghị Bộ Xây dựng, cần có sự đánh giá và sửa đổi tiêu chuẩn kỹ thuật về đấu thầu, đầu tư BĐS” – ông Nguyễn Quốc Hiệp kiến nghị.
Kênh đầu tư tiềm năng
PGS.TS Trần Kim Chung – Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư cho rằng, năm 2021 rất nhiều luật, như: Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Kinh doanh BĐS... đã sửa đổi, bổ sung với nhiều khó khăn, vướng mắc được tháo gỡ. “Với tình hình thực tế, Việt Nam là quốc gia thuận lợi về mọi mặt trong đầu tư. Nhiều chính sách thay đổi toàn diện sẽ tác động tốt đến nền kinh tế nói chung và thị trường BĐS nói riêng, hàng loạt dự án lớn về hạ tầng mang đến sự thúc đẩy rất lớn đối với BĐS. Nhưng năm 2021 mới là năm đầu của kế hoạch, kết quả sẽ thấy rõ trong năm 2022 và những năm tiếp theo” - PGS. TS Trần Kim Chung nhìn nhận.
Đồng quan điểm, Phó Giám đốc IP Land Trần Quốc Việt cho biết, trong khoảng 3 năm trở lại đây, thị trường BĐS đi xuống rõ rệt, nhưng chỉ là một chu kỳ trong vòng tròn thị trường, gồm: đi ngang, suy thoái, đóng băng, phục hồi và phát triển. Thực tế đã chứng minh điều đó, trong hơn 20 năm qua lĩnh vực BĐS Việt Nam trải qua nhiều đợt tăng trưởng đến “đỉnh” rồi suy thoái, cụ thể: đỉnh thị trường từ 2001 - 2008 sau cuộc khủng hoảng tài chính khu vực năm 1997; đỉnh giai đoạn 2014 – 2017 với sự phát triển mạnh mẽ của BĐS du lịch kiểu mới (condotel) sau khủng hoảng dầu khí năm 2011...
“Điểm nhấn đáng chú ý trong năm 2021 là nguồn vốn đầu tư FDI vào Việt Nam vẫn tăng trưởng; Bộ Xây dựng đề xuất gói tín dụng 65 nghìn tỷ phát triển nhà ở xã hội; Quốc hội yêu cầu phân bổ, giải ngân vốn ngân sách Nhà nước cho đầu tư công đạt 100%; Luật Đất đai dự kiến được ban hành sau khi sửa đổi, cùng nhiều vấn đề pháp lý được tháo gỡ... là yếu tố quan trọng giúp thị trường BĐS tăng trưởng lại trong năm 2022” – ông Trần Quốc Việt nhận định.
Nhận định về thị trường BĐS trong thời gian tới, chuyên gia, nhà đầu tư đều tin tưởng sẽ có sự lạc quan và tăng trưởng tốt. Những yếu tố tạo xung lực phát triển mạnh nhất đến thị trường trong năm 2021 cũng như năm 2022, gồm: Nút thắt trong chính sách BĐS đang dần gỡ bỏ, khả năng kiểm soát dịch bệnh, sức chịu đựng và khả năng phục hồi nền kinh tế sau đại dịch Covid-19, dòng vốn FDI chảy vào Việt Nam, lãi suất cho vay giảm...
Song thị trường vẫn sẽ thiếu nguồn cung mới sản phẩm, đặc biệt là phân khúc nhà ở thương mại giá thấp, nhà ở xã hội. Giá bán dự kiến tiếp tục tăng, BĐS khu công nghiệp là “điểm sáng” trên thị trường khi nguồn vốn FDI vẫn tăng trưởng, BĐS du lịch – nghỉ dưỡng còn nhiều khó khăn, nên nhiều chủ đầu tư đang hướng sang mô hình mới “du lịch BĐS sinh lời”. Các chuyên gia cũng khuyến cáo, nhà đầu tư cần lựa chọn loại hình BĐS phù hợp để đầu tư, có sự hiểu biết, khả năng phân tích dự án, tìm hiểu kỹ quy hoạch, không “để trứng một giỏ” để tránh những rủi ro.
Chúng tôi đánh giá cao khả năng phục hồi trở lại của thị trường BĐS trong năm 2022, dựa vào những nỗ lực của Chính phủ trong kiểm soát dịch bệnh, “phổ cập” vaccine. Nhưng cũng phải nhìn nhận một cách thực tế, nguồn cung sẽ chưa có nhiều cải thiện do thủ tục đầu tư chưa thể tháo gỡ triệt để, nhất là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Xu hướng giá tăng ở mức cao, lực cầu duy trì, thậm chí mạnh hơn, nên dòng tiền vẫn hút vào thị trường này. Đất nền, BĐS du lịch – nghỉ dưỡng tiếp tục được nhà đầu tư quan tâm nhiều, BĐS công nghiệp tăng trưởng tốt, mặt bằng bán lẻ ổn định – Chủ tịch Hội môi giới BĐS Việt Nam Nguyễn Văn Đính.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/thi-truong-bds-nam-2022-nhieu-trien-vong-phuc-hoi-a97427.html