Trẻ em ở Côte d’Ivoire vẽ những chiếc mặt nạ đầy màu sắc lên mặt để nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc đeo khẩu trang để chống lại COVID-19.
Tổng Giám đốc WHO Tedros Ghebreyesus nhắc lại rằng cách đây hai năm, khi chúng ta tụ tập để ăn mừng Giao thừa năm mới thì một mối đe dọa toàn cầu đã xuất hiện.
Kể từ đó, 1,8 triệu ca tử vong do COVID-19 đã được ghi nhận vào năm 2020 và 3,5 triệu vào năm 2021, nhưng con số thực tế cao hơn nhiều. Ngoài ra còn có hàng triệu người phải đối phó với những hậu quả lâu dài do coronavirus gây ra.
Hiện nay, các biến thể Delta và Omicron đang khiến số ca mắc COVID-19 mới tăng kỷ lục, dẫn đến số ca nhập viện và tử vong cũng tăng đột biến.
Ông Tedros bày tỏ sự "lo ngại" rằng biến thể Omicron khiến dịch bệnh dễ lây truyền, song hành cùng lúc với biến thể Delta, có thể đang dẫn đến "một cơn sóng thần" ca COVID-19 mới.
Ngay từ năm 2021, trong cuộc họp của các nền kinh tế lớn nhất thế giới - G7 và G20 - WHO đã yêu cầu nhà lãnh đạo các nước tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho 40% dân số của họ vào cuối năm 2021 và 70% vào giữa năm 2022. Chỉ còn vài ngày nữa là hết năm 2021, 92 trong số 194 quốc gia thành viên đã không hoàn thành này được yêu cầu trên của WHO.
Ông Tedros cho rằng thực trạng này là do các quốc gia có thu nhập thấp nhận được nguồn cung vaccine ngừa COVID-19 hạn chế và sau đó các loại vaccine sắp hết hạn sử dụng mà không có các thiết bị y tế quan trọng sử dụng kèm như bơm tiêm.
"Đó không chỉ là một sự xấu hổ về mặt đạo đức mà còn phải trả giá bằng mạng sống và tạo cơ hội cho virus lưu hành mà không bị kiểm soát và biến đổi ", ông Tedros nói.
Người đứng đầu WHO cảnh báo rằng việc tiêm vaccine tăng cường ở các nước giàu có thể khiến các nước thu nhập thấp lại rơi vào tình trạng thiếu hụt vaccine một lần nữa. Ông Tedros kêu gọi lãnh đạo của các nước giàu và các nhà sản xuất vaccine hợp tác cùng nhau để đạt được mục tiêu 70% dân số thế giới được tiêm vaccine vào tháng 7/2022.
"Đây là thời điểm để vượt lên trên chủ nghĩa dân tộc ngắn hạn, bảo vệ dân số và nền kinh tế nội địa nhằm chống lại các biến thể trong tương lai bằng cách chấm dứt tình trạng bất bình đẳng vaccine toàn cầu. Chúng ta còn 185 ngày nữa là về đích, đạt được 70% vào đầu tháng 7/2022. Và đồng hồ tính điểm từ bây giờ" – ông Tedros nhấn mạnh.
Khi đại dịch kéo dài, các biến thể mới có thể trở nên kháng hoàn toàn với các loại vaccine ngừa COVID-19 hiện tại hoặc sự nhiễm trùng trong quá khứ, đòi hỏi phải có sự thích ứng với vaccine.
Ông Tedros cảnh báo rằng bất kỳ sự cập nhật vaccine ngừa COVID-19 mới nào cũng có thể đồng nghĩa với việc thiếu hụt nguồn cung mới. Do đó, điều quan trọng là phải xây dựng nguồn cung ứng sản xuất tại địa phương. Theo ông Tedros, một cách để tăng cường sản xuất các công cụ cứu sinh là kết hợp công nghệ, như trong Hệ thống trung tâm sinh học mới của WHO, một cơ chế tự nguyện chia sẻ các vật liệu sinh học mới.
Người đứng đầu WHO đã kêu gọi xây dựng một hiệp định mới giữa các quốc gia với sự tin tưởng rằng đó sẽ là "trụ cột chính" của một thế giới được chuẩn bị tốt hơn để đối phó với dịch bệnh tiếp theo.
"Tôi hy vọng sẽ thấy các cuộc đàm phán diễn ra nhanh chóng và các nhà lãnh đạo hành động với tham vọng" - ông Tedros bày tỏ.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/who-2022-co-the-la-nam-danh-dau-su-ket-thuc-cua-giai-doan-cap-tinh-covid-19-a98465.html