Thị trường lao động 2022: Làm gì để doanh nghiệp 'sống', người lao động có việc làm?

Các chuyên gia cho rằng, để vực dậy thị trường lao động bị đứt gãy, thời gian tới cần có thêm những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động. Tuy nhiên, trong các chính sách này cần duy trì sự hỗ trợ của cộng đồng, không chỉ từ nguồn lực Nhà nước.

Dịch Covid-19 đã và đang khiến thị trường lao động nước ta phải đối mặt với tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng khi tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm tăng lên ở mức rất cao, thu nhập của người lao động sụt giảm mạnh.

Đến hết quý 3, cả nước có 28,2 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực đến việc làm. Giãn cách xã hội kéo dài đã làm trầm trọng hơn các điểm yếu của thị trường lao động và ảnh hưởng mạnh đến ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ. Số lao động trong 2 ngành này đều giảm mạnh chưa từng có trong nhiều năm gần đây. Tỷ lệ và số người thiếu việc làm trong độ tuổi lao động ở quý 3 tăng lên mức cao nhất trong vòng 10 năm qua.

Người lao động mất việc trong đợt dịch lần thứ 4 tại các tỉnh phía Nam rời thành phố về quê.

Theo đánh giá của Bộ LĐ-TB-XH, Đại dịch Covid-19 đã gây ra nhiều thách thức đối với thị trường lao động Việt Nam, như bị chia cắt cục bộ giữa các vùng, các địa phương, gây ra thiếu lao động cho sản xuất - kinh doanh. Sự khác nhau về các biện pháp phòng chống dịch tại các địa phương cũng khiến việc đi lại giao lưu giữ các vùng trở nên khó khăn hơn, gia tăng sự mất cân đối cung cầu lao động cục bộ, gây ra áp lực về giải quyết việc làm cho người lao động.

Đặc biệt, dịch Covid-19 bùng phát tại nhiều nơi, trong đó có các khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam, tạo ra một làn sóng dịch chuyển lao động lớn chưa từng có từ các thành phố lớn như TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương về các địa phương trên cả nước. Điều này cũng tạo ra lo ngại về thiếu hụt lao động trong thời gian tới.

Nhiều địa phương lo thiếu lao động đầu năm 2022

Là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch Covid-19 lần thứ 4, đến nay các doanh nghiệp tại TP.HCM đã trở lại sản xuất, nhưng vẫn mang tính cầm chừng. Ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM cho biết, hiện nay quy mô lao động trong các doanh nghiệp từ khoảng 80-90% tổng số lao động. Người lao động tại các tỉnh lân cận TP.HCM như Đồng Nai, Bình Dương, Long An… đã quay lại làm việc khi doanh nghiệp trở lại hoạt dộng trong trạng thái bình thường mới.

Đưa ra dự báo về tình hình lao động trong thời gian tới, ông Lê Minh Tấn cho biết, quý 1/2022 rơi vào thời điểm đón Tết Nguyên đán, vừa là thời điểm hàng năm các doanh nghiệp cần tuyển nhiều lao động để bổ sung lực lượng lao động chuyển đổi việc làm hoặc người lao động về quê chưa trở lại sau Tết, nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục được kiểm soát tốt, dự kiến vào quý 1/2022 sẽ cần khoảng 75.000 chỗ việc làm để các doanh nghiệp phát triển và mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh.

Còn theo bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Đồng Nai, đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 vừa qua đã tạo ra một đợt dịch chuyển lao động lớn nhất từ trước tới nay. Số lao động di chuyển từ Đồng Nai về các tỉnh ước khoảng 50.000-60.000 người, chủ yếu tập trung ở các tỉnh Nam Trung Bộ, Tây Nam Bộ, Tây Nguyên.

Bà Hiền cho biết, hiện nay các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đang có nhu cầu sử dụng khoảng 35.000-40.000 lao động. Những ngành nghề có nhu cầu sử dụng lao động lớn là: dệt may, da giày, chế biến gỗ, điện tử. Song các doanh nghiệp đều khá khó khăn trong việc tuyển dụng đáp ứng nhu cầu sản xuất, đặc biệt trong thời điểm cuối năm. Nhiều lao động vẫn còn tâm lý e ngại, chưa trở lại do tình hình dịch bệnh vẫn chưa được khống chế hoàn toàn.

Bà Nguyễn Thị Thu Hiền lo ngại rằng, tình trạng khan hiếm lao động số lượng lớn, chủ yếu là lao động phổ thông tiếp diễn trong quý 1/2022 sẽ khiến quá trình khôi phục hoạt động của doanh nghiệp gặp khó khăn.

Để nhanh chóng khôi phục sản xuất của doanh nghiệp, đặc biệt trong giai đoạn thiếu hụt lao động, bà Hiền kiến nghị Bộ LĐ-TB-XH nên báo cáo Chính phủ xin cơ chế đặc biệt cho phép doanh nghiệp và người lao động có thể thỏa thuận thời gian làm thêm giờ vượt quá quy định tại Điều 107 Bộ Luật Lao động. Bên cạnh đó, Bộ cũng cần sớm xây dựng chương trình kết nối thị trường lao động giữa các vùng, địa phương, doanh nghiệp kết nối nhu cầu thị trường lao động.

Còn tại Hà Nội, ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội dự báo, quý 1/2022, các doanh nghiệp thường tập trung lên kế hoạch sản xuất cho năm mới, xu hướng tuyển dụng thường tăng cao, kéo theo nhu cầu tìm việc làm cũng sẽ tăng cao. Tuy nhiên, trên địa bàn thành phố không quá lo ngại về tình trạng thiếu hụt lao động.

Theo Bộ LĐ-TB-XH, qua khảo sát tại các tỉnh, thành phố vùng kinh tế trọng điểm cho thấy có sự thiếu hụt lao động cục bộ song không nhiều vì, các doanh nghiệp chưa trở lại hoạt động 100% (hiện có khoảng 70-75% doanh nghiệp, 50-60% lượng lao động so với trạng thái bình thường), mặt khác nhiều doanh nghiệp đã có chính sách giữ chân người lao động.

Tuy nhiên, vào khoảng tháng 1/2022 là thời điểm mà nhu cầu hàng hóa chuẩn bị cho Tết Nguyên đán rất cao, cần sử dụng nhiều lao động để phục hồi sản xuất, đặc biệt ở các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía nam. Sự thiếu hụt lao động có thể tăng vào thời gian cuối quý 1 và quý 2/2022 khi các doanh nghiệp được hoạt động trở lại với công suất cao nhất thì nhu cầu tuyển dụng lao động sẽ tăng cao. Dự kiến trong năm 2022, số lao động có nhu cầu tuyển dụng khoảng 700.000 người.

Cần nhiều giải pháp kép "vực dậy" thị trường lao động

Theo khuyến cáo của Bộ LĐ-TB-XH, nguy cơ thiếu hụt lao động sẽ được ngăn chặn nếu có các giải pháp, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và bảo đảm an sinh xã hội, sức khỏe cho người lao động trong điều kiện trạng thái “bình thường mới”. Cụ thể, cần có các chế độ đảm bảo an toàn phòng, chống dịch cho người lao động yên tâm sản xuất. Đối với lao động ngừng việc do doanh nghiệp phải tạm dừng sản xuất hoặc có người lao động về quê, các doanh nghiệp nên thực hiện các biện pháp nhằm "giữ chân" lao động như chủ động giữ thông tin, liên lạc để sẵn sàng kêu gọi người lao động quay trở lại sản xuất khi tình hình dịch được kiểm soát thông qua các nhóm trên mạng xã hội, internet với người lao động. Doanh nghiệp cũng cần thực hiện các chế độ hỗ trợ, phúc lợi người lao động như trả lương ngừng việc, hỗ trợ bằng tiền đối với một số ngày nhất định khi tạm hoãn, nghỉ việc không lương, áp dụng các biện pháp ngừng việc có trả lương, hoặc tạm hoãn/nghỉ việc không lương thay cho việc chấm dứt hợp đồng lao động để "giữ chân" lao động…

Các chuyên gia cho rằng, cần nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động trong thời gian tới. (ảnh minh họa)

Còn theo TS Ngô Quỳnh Anh (ĐH Kinh tế Quốc dân), để phục hồi thị trường lao động trong thời gian tới, cần có những giải pháp hỗ trợ tốt nhất cho người lao động và doanh nghiệp. Theo đó, về phía doanh nghiệp cũng cần cải thiện năng lực sẵn sàng trong các tình huống khẩn cấp.

“Tôi cho rằng chúng ta không chỉ dồn hết trách nhiệm cho doanh nghiệp vì một mình họ không đủ năng lực đảm đương việc phục hồi thị trường lao động và sản xuất. Theo tôi, phải có các quỹ hỗ trợ dự phòng để doanh nghiệp hỗ trợ, thu hút lao động hồi hương quay trở lại. Bên cạnh đó, cần tăng cường quản lý về lao động trên thị trường lao động để hỗ trợ doanh nghiệp có thông tin về danh tính người lao động trong quá trình tuyển dụng, hỗ trợ trong quá trình quản lý người lao động chứ không để doanh nghiệp tự làm việc này. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay rất cần số hóa thị trường lao động, đây là giải pháp then chốt, cần đẩy nhanh gấp 5-10 lần so với lộ trình đặt ra”, TS Ngô Quỳnh Anh nói.

Chuyên gia này cũng cho rằng, cần tính đến những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong trường hợp dừng sản xuất, khó khăn trong trả lương cho người lao động. Tuy nhiên, trong các chính sách hỗ trợ, cần duy trì sự hỗ trợ của cộng đồng, không chỉ từ nguồn lực Nhà nước./.

Link nội dung: https://vietnamindex.vn/thi-truong-lao-dong-2022-lam-gi-de-doanh-nghiep-song-nguoi-lao-dong-co-viec-lam-a99351.html