Tổ công tác của Thanh tra Chính phủ (TTCP) đang kiểm tra 38 dự án chuyển đổi mục đích sử dụng đất có vị trí đắc địa tại Hà Nội.
Theo đó, Tổ kiểm tra gồm 4 thành viên do ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Giám sát, Thẩm định và Xử lý sau thanh tra làm Tổ trưởng; có trách nhiệm kiểm tra việc thực hiện Kết luận thanh tra số 1468/KL- TTCP ngày 4/9/2018 của TTCP về một số dự án đầu tư xây dựng từ nguồn vốn ngân sách, nguồn vốn vay; việc chuyển đổi, chuyển nhượng nhà đất của cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp Nhà nước, nhà đất có vị trí đắc địa sang mục đích khác tại TP Hà Nội (giai đoạn 2003 - 2016) và ý kiến chỉ đạo thực hiện kết luận thanh tra của Thủ tướng Chính phủ.
Trong danh sách 38 dự án chuyển đổi mục đích sử dụng đất có vị trí đắc địa tại Hà Nội có dự án dự án Hanoi Aqua Central 44 đường Yên Phụ.
Theo quảng cáo, dự án Hanoi Aqua Central 44 đường Yên Phụ là dự án chung cư đầu tiên nằm trong khu vực phố cổ Hà Nội. Dự án là tổ hợp khách sạn tiêu chuẩn 5 sao và căn hộ thương mại 21 tầng cùng 3 tầng hầm được xây dựng trên tổng diện tích 6.800 m2. Trong đó, từ tầng 1-3 là khu trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê, tầng 4-20 là khu căn hộ thương mại và khách sạn cho thuê, tầng 21 là các căn Penhouse.
Tổng số căn hộ cung cấp ra thị trường là 238 căn với nhiều loại diện tích từ 117 – 146 m2 gồm 3-4 phòng ngủ. Giá bán của khu căn hộ thuộc loại cao nhất hiện nay của Hà Nội. Với tổng mức đầu tư 2.594 tỷ đồng; Thời gian thực hiện Dự án từ quý I/2016 - quý II/2018; Chủ đầu tư là Công ty cổ phần Tháp Nước Hà Nội.
Đây là dự án nằm ngay trên phố Hàng Bún và đường Yên Phụ, có tầm nhìn đẹp hướng thẳng ra hồ Tây, hồ Trúc Bạch, sông Hồng, hồ Hoàn Kiếm cũng như cầu Long Biên, Phố cổ Hà Nội, hứa hẹn trở thành một trong những dự án nổi bật của Thủ Đô trong tương lai không xa.
Chủ Hanoi Aqua Central là ai?
Theo tìm hiểu, khu đất xây dựng dự án trước đây do Công ty Kinh doanh nước sạch Hà Nội quản lý, sử dụng từ năm 2005 trước khi được chuyển mục đích sử dụng đất. Chủ đầu tư dự án này là Công ty CP Tháp nước Hà Nội, được thành lập vào tháng 2/2009. Tại ngày thay đổi đăng ký kinh doanh 25/06/2015 thì công ty có vốn điều lệ 197,8 tỷ đồng, gồm có 4 cổ đông sáng lập: gồm Công ty CP BĐS An Bình có trụ sở tại 21 Hàm Nghi, Q1, TP.HCM (công ty này đã chuyển nhượng hết cổ phần –PV), Công ty CP Picenza Việt Nam, Công ty CP Đầu tư và Thương mại Hà Nội và Công ty TNHH một thành viên nước sạch Hà Nội.
Ông Trần Văn Phòng là người đại diện pháp luật kiêm Tổng Giám đốc, được biết ông Phòng là thành viên HĐQT Công ty CP Sông Đà 207, một trong 2 nhà thầu của dự án.
Vi phạm về không gian xây dựng ngầm đô thị
Theo báo Đấu thầu đưa tin, giữa năm 2018, tại thời điểm thanh tra của Thanh tra Chính phủ, Dự án chung cư Hanoi Aqua Central đã hoàn thiện toàn bộ 3 tầng hầm và đang thi công phần thân công trình. Nguồn gốc đất trước khi chuyển mục đích do Công ty Kinh doanh nước sạch Hà Nội quản lý, sử dụng từ năm 2005.
Năm 2007, Công ty Kinh doanh nước sạch Hà Nội (sau này là Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội) và Công ty CP Đầu tư và Thương mại Hà Nội ký hợp đồng hợp tác liên doanh, thành lập Công ty CP Tháp nước Hà Nội thực hiện Dự án. Năm 2015, UBND TP.Hà Nội cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện Dự án.
Để thực hiện Dự án, Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội góp vốn 30% (tương đương 59,3 tỷ đồng), Công ty CP Đầu tư và Thương mại Hà Nội góp vốn 70% và được huy động vốn từ các nhà đầu tư khác khoảng 138,4 tỷ đồng. Công ty CP Đầu tư và Thương mại Hà Nội hỗ trợ Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội gần 70,7 tỷ đồng. Số tiền này được UBND TP.Hà Nội cho phép Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội được ghi tăng vốn chủ sở hữu, trong đó vốn góp vào Công ty CP Tháp nước Hà Nội là 59,3 tỷ đồng.
Ngày 5/11/2015, Hội đồng quản trị Công ty CP Tháp nước Hà Nội đã có quyết định phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư Dự án từ 989 tỷ đồng lên 2.594 tỷ đồng (tăng 262%) và dự kiến tăng vốn điều lệ từ 197,8 tỷ đồng lên 518,8 tỷ đồng.
Ngày 12/1/2017, Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội có văn bản gửi UBND TP.Hà Nội về việc đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Công ty CP Tháp nước Hà Nội. Tuy nhiên, TTCP khẳng định, tại thời điểm này, theo quy định tại Khoản 1 Điều 21 Nghị định số 91/2015/NĐ-CP thì Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội không được góp vốn hoặc đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, trường hợp đã góp vốn, đầu tư phải thoái vốn.
Kết luận thanh tra của TTCP cũng cho biết, ngày 21/7/2015, Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội đã có văn bản chấp thuận quy hoạch tổng mặt bằng và phương án kiến trúc cho Chủ đầu tư với 3 tầng hầm vượt chỉ giới xây dựng 4,5 m phía đường Yên Phụ. TTCP khẳng định, điều này vi phạm Điểm b Khoản 5 Điều 3 Nghị định số 39/2010/NĐ-CP về quản lý không gian xây dựng ngầm đô thị.
Theo nhiều chuyên gia, việc chuyển đổi các khu đất “vàng” thuộc sở hữu của doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hiện nay phải tuân thủ quy hoạch và nên đấu giá công khai để thu lại cho ngân sách nhà nước khoản thu đúng với giá trị thực tế của nó...
Trong danh sách những khu đất “vàng” bị đề nghị thanh tra mà Bộ Tài chính đưa ra gần đây đều là đất thuộc sở hữu của doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp cổ phần. Sau khi chuyển đổi, các khu đất này được nhà đầu tư sử dụng để triển khai nhiều dự án bất động sản, dự án nhà ở để bán. Điều đáng nói trong số này, cơ quan chức năng phát hiện một số dự án có dấu hiệu không thực hiện đúng mục đích đầu tư, có dấu hiệu vi phạm pháp luật về đất đai và xác định tiền sử dụng đất, tiền thuê đất chưa sát với giá trị thị trường làm thất thu ngân sách nhà nước.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/ong-chu-cua-hanoi-aqua-central-du-an-chuyen-doi-muc-dich-su-dung-dat-vang-la-ai-a99567.html