BaoViet Bank Đồng Nai: Hơn 1.000 tỷ cho vay không tài sản đảm bảo, tiềm ẩn rủi ro

06/12/2024 13:41

NHNN tỉnh Đồng Nai đã khuyến cáo rủi ro với dư nợ hơn 1.000 tỷ đồng tại BaoViet Bank. Cùng với đó là loạt tồn tại trong công tác thẩm định, cho vay.

Hơn 1.000 tỷ đồng cho vay không tài sản đảm bảo

Tại BaoViet Bank Đồng Nai, dư nợ cho vay có tài sản bảo đảm tại thời điểm 31/05/2024 là 231,3 tỷ đồng, trong đó, nợ xấu 10,2 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 4,43% tổng dư nợ cho vay có tài sản bảo đảm; Dư nợ cho vay không có tài sản bảo đảm tại thời điêm 31/05/2024 là 1.098 tỷ đồng.

Đáng chú ý, phần dư nợ cho vay không có tài sản đảm bảo này bị Thanh tra Ngân hàng Nhà nướckhuyến nghị, cảnh báo rủi ro. Cụ thể, 02 khách hàng với tổng dư nợ 1.098 tỷ đồng, nhưng không có tài sản đảm bảo (chỉ ghi nhận bảo lãnh của một Tập đoàn khác cho toàn bộ nghĩa vụ trả nợ). Tuy nhiên, đơn vị bảo lãnh bị mất cân đối tài chính (vốn lưu động ròng tại 31/12/2021 âm 3.220 tỷ đồng).

baovietbank-1733467160.jpg
Ảnh minh họa

Cùng với đó, Thanh tra cũng chỉ ra lo ngại về tình hình của 2 khách hàng này. Cụ thể, đối với khách hàng có dư nợ 797 tỷ đồng thì tỷ suất sinh lời thấp, khả năng thanh toán nhanh thấp, tài sản ngắn hạn chủ yếu là hàng tồn kho và nợ phải trả và vốn chủ sở hữu cho thấy tài sản chủ yếu hình thành từ các khoản vay nên tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Đối với hoạt động kinh doanh của khách hàng còn lại, thì khả năng thanh toán nhanh năm 2021, 2022 thấp; nợ phải trả/vốn chủ sở hữu đạt 4,2 lần, tương đối cao, phần lớn doanh thu đều dựa trên mua bán giữ các thành viên của Tập đoàn.

Nhiều tồn tại, vi phạm được nhắc nhở chấn chỉnh

Theo KLTT mới đây, về công tác thẩm định, Bao VietBank Đồng Nai thẩm định, xét duyệt cho vay chưa chặt chẽ, chưa đầy đủ theo quy định tại khoản 1 Điều 17 Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng, gồm có 13 khách hàng (17 món vay) với tổng dư nợ có liên quan tính đến 31/05/2024 là 85,7 tỷ triệu đồng.

Vi phạm điều kiện cho vay bù đắp, cụ thể, theo quy định của BaoVietBank, thời gian được cho vay bù đắp phải thỏa mãn điều kiện không quá 12 tháng kể từ ngày ký Hợp đồng mua bán công chứng đến thời điểm đề nghị vay vốn. Tuy nhiên, Bao VietBank Đồng Nai chưa thu thập chứng từ để làm căn cứ xác định thời gian xét duyệt khoản vay trên đúng theo quy định đối với khách hàng là ông Ô.T.P.T, dư nợ cho vay là 759 triệu đồng.

Sai sót đánh giá nguồn thu nhập trả nợ của khách hàng, BaoVietBank Đồng Nai thẩm định, xét duyệt vốn vay dựa trên báo cáo tài chính do khách hàng tự lập, không được kiểm toán/báo cáo nộp cho cơ quan thuế dẫn đến sai sót trong đánh giá nguồn thu nhập trả nợ của khách hàng; Tờ trình thẩm định của BaoVietBank Đồng Nai ghi nhận mức doanh thu dự kiến tăng nhưng không đưa ra được các căn cứ làm cơ sở ghi nhận doanh số dự kiến, chưa thực hiện đánh giá các chi phí liên quan, lợi thế và khả năng cạnh tranh của khách hàng khi đánh giá nguồn thu nhập trả nợ trong đề xuất cấp tín dụng. Đây là hồ sơ cho vay của tại khoản vay của Công ty TNHH Nguyên Đặng, dư nợ là 668 triệu đồng.

Tương tự khi đánh giá doanh thu, khả năng trả nợ của khách hàng, khi thẩm định cho vay tại Công ty TNHH TMDV Cát Tường, Bao VietBank Đồng Nai thẩm định tình hình tài chính công ty dựa trên số nội bộ khác hàng tự lập, chưa thu nhập các tài liệu chứng minh kiểm tra tính xác thực của tình hình tài chính doanh nghiệp.

Cùng với đó, khi đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng, BaoViet Bank chưa phân tích đánh giá đầy đủ các khoản phải trả, đặc biệt là các khoản vay tại các tố chức tín dụng khác của công ty (tổng dư nợ tại các tổ chức tín dụng 17,2 tỷ đồng tại thời điểm tháng 09/2023), chưa thẩm định đánh giá các nội dung có liên quan như nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi, mục đích vay vốn, thời gian vay vốn... để đánh giá đầy đủ khả năng trả nợ của khách hàng, chưa phân tích đánh giá về mức độ cạnh tranh của ngành, các rủi ro chủ quan, khách quan để đánh giá mức độ khả thi phù hợp của phương án tài trợ.

Đáng chú ý, tại thời điểm giải ngân lần 10 đến lần thứ 14, công ty đã có phát sinh nợ cần chú ý tại các TCTD khác, tuy nhiên BaoVietBank Đồng Nai chưa thẩm định, đánh giá lại thực trạng tài chính của công ty để đưa ra hạn mức giải ngân và thời gian phù hợp.

Tương tự, một khách hàng khác là Công ty TNHH thương mại Tân Hiệp, dư nợ vay là 25,2 tỷ đồng. Khi thẩm định, phê duyệt hồ sơ này, BaoVietBank Đồng Nai chưa thu thập đầy đủ số liệu hoạt động của công ty để làm cơ sở đánh giá; chưa thu thập các báo cáo quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp các năm 2021, năm 2022, năm 2023 của công ty để đánh giá về thực trạng tình hình tài chính, kết quả kinh doanh, doanh thu lợi nhuận đạt được.

Đối với các khoản vay cá nhân, Thanh tra đã chỉ ra nhiều khoản vay BaoViet Bank Đồng Nai khi phê duyệt các khoản vay cá nhân chỉ thu thập sổ ghi chép mua bán hàng ngày mang tính chất liệt kệ, chưa đầy đủ thông tin không thể hiện được quy mô doanh thu, các tài liệu, chứng từ khác như biên lai/hóa đơn, phiếu giao/nhận, sổ sách ghi chép bán hàng, xuất nhập tồn hàng hóa.

Đáng chú ý, Khi đánh giá hồ sơ thẩm định chưa chặt chẽ dẫn đến tình trạng khách hàng không có khả năng trả nợ, phát sinh nợ xấu tại Baoviet Bank Đồng Nam đối với 4 khách hàng, dư nợ 14,8 tỷ đồng, cụ thể: Đinh Xuân T. dư nợ 4,8 tỷ đồng; Nguyễn Duy M. dư nợ 4,5 tỷ đồng; Thái Thị T dư nợ 4,1 tỷ đồng; Nguyễn Đức T dư nợ 1,3 tỷ đồng.

Khoản vay của Khách hàng Hà Thị Kim N. dư nợ 8,3 tỷ đồng, BaoViet Bank Đồng Nai chưa xác định hệ số nghĩa vụ trả nợ trên thu nhập (DTI) của khách hàng theo quy định tại nội bộ ngân hàng. Thực tế, Hệ số DTI xác định theo mẫu ngày 17/5/2021 không phù hợp quy định đã ban hành.

Bạn đang đọc bài viết "BaoViet Bank Đồng Nai: Hơn 1.000 tỷ cho vay không tài sản đảm bảo, tiềm ẩn rủi ro" tại chuyên mục Tài chính. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).