Có thể xuất hiện nhịp hồi
CTCK KB Việt Nam (KBSV): VN-Index diễn biến trồi sụt trong phiên 08/09 với các nhịp tăng giảm đan xen trước khi lao dốc về cuối phiên. Thanh khoản gia tăng trong các nhịp giảm điểm cho thấy bên bán vẫn đang có phần chiếm ưu thế.
Chỉ số hiện đang lùi về ngưỡng hỗ trợ gần quanh 121x, tương ứng với đường MA50 và KBSV kỳ vọng có thể xuất hiện một nhịp hồi kỹ thuật tại đây. Trong kịch bản tiêu cực, nếu chỉ số trong phiên tiếp theo đóng cửa với một cây nến đỏ thân dài, VN-Index sẽ hình thành mẫu hình 3 con quạ đen và để ngỏ rủi ro điều chỉnh về vùng hỗ trợ sâu hơn.
KBSV khuyến nghị nhà đầu tư bán hạ tỷ trọng trong các nhịp hồi sớm và khống chế tỷ trọng ở mức an toàn, tương ứng với mức độ chấp nhận rủi ro.
Khả năng xuất hiện nhịp hồi phục kỹ thuật
CTCK Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCBS): Diễn biến trong phiên 08/09 phản ánh sự dè dặt của nhà đầu tư do lo ngại rủi ro liên quan đến triển vọng thị trường trong giai đoạn tới, đặc biệt là trong bối cảnh thị trường chứng khoán thế giới đang biến động mạnh.
Theo nhận định của VCBS, phiên sụt giảm 08/09 dù vẫn là tiêu cực nhưng vẫn có khả năng sẽ xuất hiện nhịp hồi phục kỹ thuật trong những phiên tới khi mà chỉ số chung đã bắt đầu đi vào vùng quá bán. Do đó, VCBS khuyến nghị nhà đầu tư nên tạm thời hạn chế bắt đáy và tiếp tục theo dõi thêm, nhưng cũng không nên bán tháo hoảng loạn mà nên tiếp tục chờ đợi nhịp hồi phục xuất hiện để hạ tỷ trọng cổ phiếu.
Vẫn còn áp lực điều chỉnh
CTCK Tân Việt (TVSI): Xu hướng ngắn hạn của thị trường và phần nhiều cổ phiếu đã chuyển sang tiêu cực sau hai phiên giảm điểm (07 và 08/09). Áp lực này theo TVSI có lẽ sẽ còn tiếp diễn trong phiên giao dịch 09/09 khi khó có thông tin tích cực nào đủ sức giúp thị trường đảo ngược áp lực giảm này.
Tình trạng mất chênh lệch về cung cầu có thể sẽ tiếp diễn khi bên cầu đang yếu đi và chỉ mua giá thấp trong khi bên cầm cổ phiếu đang chịu áp lực hạ tỷ trọng. Ngưỡng hỗ trợ gần nhất của VN-Index là 1,200 điểm và TVSI sẽ quan sát để đưa ra đánh giá khi chỉ số tiếp cận vùng này. TVSI duy trì quan điểm tiếp tục thận trọng với thị trường trong ngắn hạn và chiến lược phòng thủ để bảo vệ tài sản nên được ưu tiên.
Test lại ngưỡng hỗ trợ MA50 ở 1.227 điểm
CTCK MB (MBS): Thị trường vẫn giảm điểm nhưng quán tính đã chậm lại và thanh khoản giảm cho thấy tâm lý nhà đầu tư đã bình tĩnh trở lại, tuy nhiên lực cầu vẫn thận trọng. Việc thanh khoản phiên 08/09 giảm so với phiên 07/08 là điều dễ hiểu vì những người bán hôm 07/09 cũng không vội vàng mua lại khi lượng hàng tích lũy trong 3 tuần trước nhiều khả năng vẫn ở trạng thái lỗ và lực cầu sẽ túc tắc mua lại ở các ngưỡng hỗ trợ cứng.
Về kỹ thuật, Vn-Index nhiều khả năng sẽ test lại ngưỡng hỗ trợ MA50 ở 1,227 điểm trong phiên 09/09. Lúc này, thị trường không có nhiều thông tin hỗ trợ cả trong và ngoài nước, nhà đầu tư cần thận trọng, tránh mua đuổi trong các nhịp tăng và giữ danh mục với tỷ trọng cổ phiếu thấp.
Khả năng chưa phục hồi trong ngắn hạn
CTCK Ngân hàng Đông Á (DAS): Thị trường ngày 08/09 tiếp tục giảm vào những phút cuối phiên giao dịch mặc dù đã có những nỗ lực phục hồi trong phiên từ lực bắt đáy ở vùng giá thấp. Thanh khoản chung toàn thị trường duy trì ở mức trung bình, không đủ tạo nên đột phá trên các nhóm cổ phiếu. Nhóm ngân hàng và bất động sản tiếp tục chịu áp lực bán mạnh sau thời gian dài giữ giá đi ngang, có thể do nhà đầu tư mất kiên nhẫn khi thị trường vẫn chưa khởi sắc sau tin tức nới chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng.
VN-Index rời xa mốc 1,300 điểm, thị trường đang có nhịp điều chỉnh, khả năng chưa có phiên hồi phục trong ngắn hạn. DAS khuyến nghị nà đầu tư theo chiến lược lướt sóng nên đứng ngoài quan sát thị trường, chờ đợi khu vực giá giao dịch cân bằng hơn. Đối với danh mục trung dài hạn, có thể theo dõi chờ cơ hội mua ở vùng giá thấp các nhóm cổ phiếu xây dựng hạ tầng, cổ phiếu ngành điện, và công nghệ.
Tiếp tục lùi về vùng hỗ trợ 1,220 - 1,230
CTCK Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC): VN-Index tiếp tục giảm gần 9 điểm so với phiên 07/09 sau một ngày giao dịch giằng co, đóng cửa tại mốc 1,234.6 điểm. Độ rộng thị trường nghiêng về phía tiêu cực với 12/19 ngành giảm điểm. Về giao dịch của khối ngoại 08/09 mua ròng trên cả hai sàn HSX và HNX. VN-Index phiên 08/09 tiếp tục hình thành một cây nến Marubozu đỏ, đã phá vỡ đường viền cổ của mẫu hình Vai – đầu – vai, cho thấy tâm lí thị trường không mấy tích cực.
Trong những phiên tới, có khả năng chỉ số sẽ tiếp tục lùi về vùng hỗ trợ 1,220-1,230. Nếu tiếp tục để mất ngưỡng hỗ trợ này, chỉ số sẽ quay trở về ngưỡng 1,190-1,200.
Có thể phục hồi trở lại trên vùng hỗ trợ 1,200 - 1,225
CTCK Sài Gòn – Hà Nội (SHS): VN-Index kết phiên 08/09 ở mức 1,234.60 điểm, tiếp tục giảm điểm khi phục hồi với khối lượng thấp trong phiên. Như vậy ngắn hạn VN-Index tiếp tục chịu áp lực điều chỉnh về quanh vùng hỗ trợ 1,225 điểm tương ứng đường trung bình MA50 ngày hiện nay và vùng giá thấp nhất tháng 07/2021. Hỗ trợ mạnh tiếp theo của VN-Index là vùng 1,200 -1,211 tương ứng hỗ trợ tâm lý và là đỉnh giá cao nhất năm 2018. Trong khi vùng 1,260 giá thấp của gapdown ngày 13/06/2022 trở thành kháng cự mạnh ngắn hạn.
SHS kỳ vọng VN-Index có thể phục hồi trở lại trên vùng hỗ trợ quan trọng 1,200 - 1,225. Đây cũng là vùng hỗ trợ của trend_line nối các vùng đáy trung hạn cao dần từ vùng 1,000 - 1,030 thấp nhất năm 2021 và vùng 1,140 – 1,156 thấp nhất tháng 05 và 07/2022.
Trên góc nhìn dài hạn, thị trường vẫn đang tích lũy trên nền định giá ở mức thấp so với trung bình 5 năm gần nhất, trong bối cảnh tăng trưởng nền kinh tế vẫn được duy trì. Tuy nhiên rủi ro ngắn hạn đang ở mức cao, nhất là sau khi áp dụng chu kỳ T+2, các vị thế lướt sóng giao dịch T2 không mang lại nhiều lợi nhuận đã dẫn đến áp lực bán mạnh.
Ngắn hạn áp lực cắt lỗ đối với vị thế mua lướt sóng T2 tiếp tục gia tăng ở nhiều mã. Vì vậy, SHS khuyến nghị nhà đầu tư nên duy trì tỉ trọng hợp lý, các vị thế đầu cơ ngắn hạn, nên ưu tiên quản trị rủi ro. Cơ cấu loại bỏ các mã yếu kém hơn so với thị trường chung khi thị trường hồi phục.